Tình trạng trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh chảy nước miếng thường xuất hiện trong khoảng hai năm đầu đời. Đây được xem là một phần trong quá trình phát triển thể chất của trẻ nhỏ nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe quan trọng.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thông tin hữu ích về trường hợp này mà mẹ cần nắm rõ qua bài viết bên dưới nhé.
Vai trò của tuyến nước bọt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Việc tiết nước bọt đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Sau đây là một vài vai trò của tuyến nước bọt đối với sức khỏe của trẻ nhỏ:
- Giữ cho miệng trẻ luôn ẩm
- Làm mềm thức ăn khi trẻ bắt đầu ăn đặc do trong nước bọt có chứa các enzym hữu ích giúp trẻ tiêu hóa thức ăn rắn.
- Hỗ trợ chức năng nuốt do đặc tính trơn, nước bọt có thể giúp kết dính thức ăn với nhau và tạo điều kiện để trẻ dễ dàng nuốt hơn.
- Bảo vệ răng của trẻ do trong nước bọt có chứa các protein giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và giúp răng chắc hơn.
- Hỗ trợ tiêu hóa do nước bọt trung hòa axit trong dạ dày và giúp phát triển đầy đủ niêm mạc ruột của trẻ và bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi bị kích ứng.
Ngoài ra, việc chảy nước bọt còn là dấu hiệu của một vài sự phát triển ở trẻ như:
- Dấu hiệu trẻ mọc răng
- Dấu hiệu sự phát triển thể chất ở trẻ mới biết đi.
- Tình trạng chảy nước miếng sau khi ngửi thấy mùi sữa hoặc mùi thức ăn, có nghĩa là khứu giác của trẻ đang phát triển.
10 nguyên nhân trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh chảy nước miếng
Mỗi ngày, tuyến nước bọt sẽ sản xuất từ hai đến bốn lít nước bọt nhưng do cơ chế nuốt để giảm tích tụ mà người trưởng thành khó nhận thấy được lượng nước bọt tiết ra nhiều. Ngược lại đối với trẻ sơ sinh, các cơ trong khoang miệng vẫn chưa phát triển đầy đủ, trẻ không thể kiểm soát được hoàn toàn chức năng nuốt dẫn đến việc chảy nước miếng, ngay cả khi đang say giấc.
Ngoài ra, những nguyên nhân sau cũng được xem là lý do trẻ chảy nước miếng nhiều:
- Mọc răng: Khi bắt đầu mọc răng, những chiếc răng bắt đầu nhú ra khỏi nướu có thể làm trẻ khó chịu và tiết nước bọt nhiều hơn bình thường và dẫn đến tình trạng chảy nước miếng.
- Thường xuyên há miệng: Nếu trẻ có thói quen há miệng thường xuyên thì có thể không nuốt được nước bọt đều đặn, do đó có thể bị chảy nước miếng.
- Tập trung vào việc gì đó quá lâu: Khi tập trung quá mức vào một hoạt động gì đó, cơ thể trẻ có thể tăng sản xuất nước bọt lên nhiều hơn mức bình thường. Thêm vào đó, sự chú ý của trẻ lại không nằm ở việc phải nuốt lượng nước bọt đã tiết ra dư nên kết quả là trẻ bị hảy nước miếng.
- Thức ăn: Việc được nếm một số thức ăn chứa nhiều axit như cam, chanh, nho có thể kích thích tuyến nước bọt của trẻ sản xuất nhiều hơn. Điều này có thể khiến trẻ bị chảy nước miếng.
- Tổn thương hầu họng: Nhiễm trùng cấp tính liên quan đến miệng hoặc cổ họng như viêm nướu do vi rút herpes simplex hoặc coxsackievirus có thể gây tiết nước bọt quá mức. Các tổn thương khác ở hầu họng có thể gây chảy nước dãi vì đau hoặc khó nuốt. Chúng bao gồm viêm amiđan nặng, viêm nắp thanh quản, tổn thương niêm mạc miệng hoặc hầu họng.
- Tổn thương thực quản: Chảy nước dãi có thể do tắc nghẽn thực quản, chẳng hạn như có thể xảy ra khi trẻ bị thắt thực quản hoặc có dị vật trong thực quản.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Van thực quản của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, hay đóng mở bất thường nên khiến bé bị nôn trớ. Do đó, khi trẻ bị tăng tiết và chảy nước dãi theo từng đợt thì cũng có thể là do trào ngược dạ dày thực quản.
- Thuốc và hóa chất: Các loại thuốc có thể gây tăng tiết nước bao gồm morphin, pilocarpine, methacholine, haloperidol và clozapine. Tăng tiết nước là một đặc điểm nổi bật của ngộ độc với các hợp chất thủy ngân, selen và organophosphat. Chảy nước dãi cũng có thể là do nhiễm độc cocaine hoặc phencyclidine. Đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, chảy nước dãi có thể xảy ra bất thường khi người mẹ đang cai nghiện chất kích thích.
- Trẻ mắc các bệnh về răng miệng: Đối với trẻ đã biết đi và mọc răng, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng kém có thể khiến bé bị sâu răng và tăng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường.
- Một số bệnh lý khác: Một vài bệnh lý như rối loạn thần kinh, bại não, rối loạn tự chủ di truyền (hội chứng Riley Day), hội chứng Rett… sẽ kèm theo triệu chứng tăng tiết nhiều nước bọt. Những căn bệnh này còn ảnh hưởng đến việc kiểm soát cơ gây khó nuốt, dẫn đến nhiều nước bọt hơn trong khoang miệng và chảy nước miếng là kết quả cuối cùng.
Bé chảy nước miếng nhiều theo từng giai đoạn phát triển như thế nào?
Từ 1 – 4 tháng tuổi
Trong 2 tháng đầu sau khi sinh, trẻ có thể không chảy nước miếng do thường được đặt nằm ở tư thế ngửa. Nhưng sau 3 tháng tuổi, trẻ đã biết xoay trở mình khi nằm (nằm nghiêng, nằm úp) nên tình trạng chảy nước miếng xuất hiện ở nhiều bé. Vì vậy, hầu hết trẻ 4 tháng tuổi chảy nhiều dãi là rất bình thường.
6 tháng tuổi
Trong thời gian này, tình trạng chảy nước miếng của trẻ có thể được kiểm soát hơn so với trước đó nhưng vẫn sẽ tiếp diễn. Khi trẻ bắt đầu mọc răng, cầm đồ chơi cho vào miệng, tập nói… tình trạng chảy nước miếng có thể diễn ra nhiều hơn.
9 tháng
Giai đoạn mọc răng vẫn đang tiếp diễn nên việc này có thể kích thích bé chảy nước miếng nhiều.
15 tháng
Trong giai đoạn này, hầu hết trẻ nhỏ bắt đầu biết đi và chạy. Khi đó, trẻ có thể không chảy nước miếng nữa. Tuy nhiên, nếu như quá tập trung vào một hoạt động hay công việc nào đó, trẻ vẫn có thể chảy nước miếng.
18 tháng
Trẻ sẽ không chảy nước miếng khi tham gia các hoạt động thường xuyên nhưng có thể chảy khi đang ăn hoặc đang mặc quần áo…
24 tháng
Ở độ tuổi này, tình trạng trẻ bị chảy nước miếng đã được giảm hết mức hoặc gần như không còn xảy ra.
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị chảy nước miếng nên gặp bác sĩ khi nào?
Tuy chảy nước miếng là tình trạng bình thường nhưng nếu trẻ đã quá tuổi chảy nước miếng và tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ nhi khoa. Việc nước miếng chảy quá nhiều có thể xảy ra do sự phối hợp kém giữa miệng và lưỡi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khó nuốt ở trẻ.
Nhằm kết luận chính xác trẻ có chảy nước miếng quá mức không, các bác sĩ có thể kiểm tra một số vấn đề trước đó như:
- Chuyển động xung quanh lưỡi và môi của trẻ
- Tình trạng nuốt
- Kiểm tra phản xạ tự nhiên của bé
- Kiểm tra mũi
- Kiểm tra tư thế và hàm của trẻ có vững vàng hay không.
Khi đó, bác sĩ có thể đưa ra một số phương pháp giúp trẻ kiểm soát tình trạng chảy nước miếng như:
- Giúp trẻ tập tư thế khép môi
- Giảm thực phẩm có tính axit khỏi chế độ ăn của trẻ
- Cải thiện nhận thức về miệng và giác quan để giúp trẻ hiểu khi nào miệng hoặc mặt của mình bị ướt
- Liệu pháp vận động miệng để tăng cường sức mạnh cho hàm, má và môi. Liệu pháp này sẽ giúp trẻ nuốt nước bọt đúng cách
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trong bài, mẹ đã nắm rõ được các vấn đề liên quan đến tình trạng chảy nước miếng của bé cưng, biết được nguyên nhân do đâu và cách xử lý hiệu quả.
[embed-health-tool-vaccination-tool]