Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là tình trạng phổ biến với tỷ lệ gặp phải là khoảng 20%. Trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt thường không đáng lo bởi sẽ tự khỏi và không gây nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, bạn cần chăm sóc đôi mắt bé thật cẩn thận trong thời gian này và nếu có bất cứ nghi ngờ nào thì nên đưa bé đi khám.
Mấy ngày qua, chị Mai Hương (quận Bình Tân, TP. HCM) rất lo lắng về tình trạng tự nhiên chảy nước mắt nhiều của cậu con trai 8 tháng tuổi. Theo lời chị kể, lúc mới sinh ra, mắt bé hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng mấy ngày nay không hiểu sao bé hay lấy tay dụi mắt. Sau đó, nước từ mắt bắt đầu ứa ra nhiều, nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Bé không khóc mà nước mắt cứ “tuôn” ra bên ngoài.
Cũng cùng tình huống như vậy, anh Minh Thắng (Q. 10, TP. HCM) cũng thấy hoang mang khi con gái 2 tuổi tự nhiên chảy nước mắt cả ngày. Khi hỏi, bé cho biết không thấy đau mắt hay vướng gì cả nhưng không hiểu sao nước mắt cứ chảy. Nếu ai không biết, sẽ nghĩ con bé đang khóc hoặc vừa khóc xong.
Cả 2 tình huống trên đều rất thường gặp ở các bé nhỏ. Nguyên nhân bé chảy nước mắt sống có thể là do mắt bé bị nhiễm trùng hoặc do tiếp xúc với bụi bẩn. Tuy nhiên, nếu em bé bị chảy nước mắt sống kéo dài thì có thể là do bé gặp vấn đề về tuyến lệ.
Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh
Chảy nước mắt sống là tình trạng mắt của bé luôn “đẫm lệ” và rơm rớm nước mắt. Điều đó có nghĩa là mắt bé đang tiết ra nước mắt quá nhiều. Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể thấy những giọt nước mắt chảy xuống mặt bé. Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân của chứng chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh
Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất khiến bé bị chảy nước mắt sống:
1. Mắt bị kích thích
Nếu tiếp xúc với các chất dễ gây kích ứng như bụi, phấn hoa, cát… thì mắt trẻ sơ sinh sẽ chảy nước để rửa sạch những chất này. Ngoài ra, các bệnh như viêm kết mạc, lông mi mọc bên trong và tật lộn mi cũng có thể gây kích ứng mắt. Nếu bé gặp phải tình huống này, cố gắng đừng để bé dụi mắt quá nhiều vì điều này có thể khiến tình trạng viêm và bỏng rát trở nên khó chịu hơn.
2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng mắt cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt nhiều. Nguyên nhân gây ra chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là do virus, nấm, vi khuẩn… Đau mắt đỏ là bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp và rất dễ lây nếu không đề phòng. Các bệnh nhiễm trùng này có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt và có ghèn, mắt có thể sưng, rát, đau nhức…
3. Ống lệ có vấn đề hay tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh
Ống lệ hay lệ đạo có chức năng dẫn lượng nước mắt thừa từ mắt xuống mũi, khiến nước mắt không bị tích tụ. Tuy nhiên, nếu ống lệ bị tắc, nước mắt sẽ không thể lưu thông từ mắt xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài, khiến trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt.
Khi mắc bệnh, trẻ chảy nước mắt ở 1 bên hoặc cả hai bên mắt, có thể chảy nước mắt bên trái hoặc bên phải, chảy thường xuyên hoặc từng lúc, bé cũng có thể chảy nước mắt sống khi ngủ. Nếu quá trình tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây nhiễm trùng, khiến túi lệ bị viêm, có nhầy mủ, nhất là khi ấn vào vùng góc trong mắt.
Điều trị tình trạng trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt sống
Có một số cách trị chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh như:
- Chờ đợi và quan sát là những điều bạn cần làm trong trường hợp bé bị chảy nước mắt sống không quá nghiêm trọng, vì tình trạng này sẽ tự khỏi.
- Lau sạch mắt của bé bằng bông thấm nước để tránh tích tụ gỉ mắt, có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Xoa nhẹ ống lệ vài lần trong ngày để giúp giảm tắc nghẽn.
- Sử dụng kháng sinh theo toa của bác sĩ để giảm các triệu chứng do nhiễm trùng.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa thuốc kháng histamine để chống lại các triệu chứng dị ứng.
- Rửa mắt của bé theo sự hướng dẫn của bác sĩ để loại bỏ chất kích thích.
- Nếu chứng chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là do virus, bạn nên đợi khoảng một tuần để xem nó có tự khỏi hay không. Nếu không, hãy đưa bé đi khám.
Biện pháp điều trị trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt sống tại nhà
Bạn có thể sử dụng một số phương pháp điều trị tại nhà để giảm bớt sự khó chịu cho bé, chẳng hạn như giữ đôi mắt bé luôn sạch sẽ, luân phiên chườm nóng và lạnh để giảm bớt sự tắc nghẽn của tuyến lệ cũng như loại bỏ gỉ tích tụ quanh mắt.
Trong quá trình chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, nhiều phụ huynh thường tự ý mua thuốc nhỏ mắt cho con. Với những trẻ bị nhức mỏi mắt hoặc bị dị ứng thông thường, việc dùng nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh để nhỏ mắt có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi mắt trẻ gặp viêm nhiễm hoặc có bệnh lý cụ thể, việc tự ý mua thuốc hoặc áp dụng các bài thuốc lưu truyền trong dân gian để chữa thường ẩn chứa nhiều tác hại khôn lường. Do đó, bạn cần thận trọng với những bài thuốc này nhé.
Khi nào nên đưa bé đi khám?
Nếu em bé bị chảy nước mắt sống nhưng nhãn cầu của bé rất trong, sáng và không có dấu hiệu khó chịu, bạn có thể chăm sóc bé ở nhà và quan sát. Nếu thấy bé có những triệu chứng sau, bạn nên đưa bé đi khám ngay:
- Viêm hoặc đỏ trong hoặc xung quanh mắt
- Trẻ sơ sinh chảy nước mắt và có ghèn hoặc có lớp gỉ màu vàng xuất hiện xung quanh mắt
- Bé liên tục dụi mắt hoặc thấy khó chịu
- Bé trở nên nhạy cảm với ánh sáng và thích nhắm mắt lại
- Mí mắt của bé bị biến dạng.
Nhìn chung, hiện tượng chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là điều rất thường gặp. Vì vậy, bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh hay bị chảy nước mắt đi kèm với các triệu chứng khác, hãy đưa bé đi khám ngay để có phương pháp điều trị kịp thời. Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ và đừng tự ý dùng thuốc nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]