backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Phẫu thuật mí mắt: Quy trình, rủi ro và cách hồi phục nhanh chóng

Thông tin kiểm chứng bởi: Trúc Phạm


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 18/12/2023

Phẫu thuật mí mắt: Quy trình, rủi ro và cách hồi phục nhanh chóng

Phẫu thuật mí mắt là phẫu thuật nhằm kéo dài chiều rộng và chiều cao của mắt. Bạn có thể thực hiện nó để có được đôi mắt to đẹp hơn hoặc để khắc phục một số vấn đề về mắt gây giảm thị lực hai bên (tầm nhìn ngoại vi). Cùng tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật mí mắt là gì?

Phẫu thuật tạo hình mí mắt là phẫu thuật để loại bỏ da, mỡ thừa khỏi mí mắt.

Khi nào cần thực hiện phẫu thuật mí mắt?

Theo tuổi tác, mí mắt căng ra, các cơ nâng đỡ mí mắt yếu đi. Vậy nên, da và mỡ thừa có thể tập trung ở cả mí mắt trên và dưới. Điều này dẫn tới lông mày chảy xệ, sụp mí mắt trên và dưới mắt có bọng. Vùng da quanh mắt chảy xệ nghiêm trọng có thể làm giảm thị lực hai bên (tầm nhìn ngoại vi), đặc biệt là phần trên và phần ngoài của tầm nhìn. Phẫu thuật mí mắt giúp làm giảm hoặc loại bỏ những vấn đề về thị lực này.

Phẫu thuật mí mắt được chỉ định cho những trường hợp sau đây:

  • Mí mắt trên giãn rộng hoặc sụp xuống khiến bạn không hài lòng về ngoại hình
  • Mí mắt trên gập vào trong mỗi khi mở mắt, khiến lông mi cọ vào giác mạc gây kích ứng và tổn thương
  • Có da thừa chảy xệ ở mí mắt trên gây cản trở một phần tầm nhìn xung quanh
  • Có da thừa ở mí mắt dưới
  • Bọng mắt.

Phẫu thuật mí mắt có thể được thực hiện cùng với một thủ thuật khác, ví dụ như nâng chân mày, căng da mặt hoặc tái tạo bề mặt da.

Bất cứ ai trên 18 tuổi đều có thể phẫu thuật mí mắt nhưng tốt nhất là những người trưởng thành khỏe mạnh từ 30 tuổi trở lên. Theo Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ, hầu hết những người thực hiện phẫu thuật đều trên 40 tuổi.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi phẫu thuật mí mắt

thận trọng trước khi phẫu thuật mí mắt

Đây là một trong những phẫu thuật ít đau nhất. Bạn có thể thấy hơi khó chịu trong ngày đầu sau khi phẫu thuật nhưng sẽ nhanh chóng đỡ hơn.

Hầu hết người phẫu thuật tạo hình mí mắt có kết quả tốt đẹp và họ cảm thấy tự tin hơn, trông trẻ trung và thư thái hơn. Phẫu thuật mí mắt trên mang lại kết quả kéo dài từ 5 – 7 năm thậm chí có thể duy trì suốt cả đời, còn phẫu thuật mí mắt dưới rất hiếm khi phải thực hiện nhiều lần. 

Tuy nhiên, bạn cũng phải xác định tinh thần rằng có một số trường hợp bị tái phát vấn đề ở mí mắt.

Vì phẫu thuật này cần mở góc mắt nên sẽ có vết cắt dọc theo chiều dài của mí và sẽ để lại sẹo, nhưng phần lớn không ảnh hưởng tới vấn đề thẩm mỹ.

Tác hại của việc phẫu thuật mí mắt

Cũng giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào, phẫu thuật mí mắt cũng có những rủi ro nhất định, bao gồm dị ứng thuốc mê và hình thành cục máu đông.

Ngoài ra, nó còn tiềm ẩn một số biến chứng hiếm gặp như:

  • Nhiễm trùng và chảy máu
  • Mắt khô, khó chịu
  • Khó nhắm mắt, không thể nhắm mắt hoàn toàn hoặc các vấn đề về mí mắt khác
  • Đường mí dưới bị kéo xuống
  • Sẹo đủ lớn ảnh hưởng đến thẩm mỹ
  • Tổn thương cơ mắt
  • Thay đổi màu da vùng mắt
  • Hai mắt nhìn không đều nhau
  • Nhìn mờ tạm thời, hiếm khi mất thị lực.
  • Quy trình

    Chuẩn bị trước khi phẫu thuật mí mắt

    Trước khi quyết định phẫu thuật mí, bạn cần đi khám để trao đổi về mong muốn của bản thân và các bác sĩ kiểm tra tình trạng cụ thể. Họ sẽ:

    • Hỏi về lịch sử y tế của bạn: từng phẫu thuật gì chưa, từng hoặc đang bị khô mắt, tăng nhãn áp, dị ứng, các vấn đề về tuần hoàn, bệnh tuyến giáp hay tiểu đường, có đang sử dụng vitamin, thảo dược bổ sung, rượu, thuốc lá, ma túy hay chất kích thích nào không.
    • Khám mắt hoàn chỉnh để kiểm tra khả năng sản xuất nước mắt và đo các bộ phận của mí mắt.
    • Kiểm tra trường thị giác xem có điểm mù ở khóe mắt (tầm nhìn ngoại vi) hay không. 
    • Chụp ảnh mí mắt để ghi nhận hình ảnh của mắt từ các góc độ khác nhau, từ đó lập kế hoạch phẫu thuật và đánh giá xem mở góc mắt có giúp điều trị vấn đề nào về sức khỏe mắt hay không. Nếu để điều trị, bạn có thể nhận được bảo hiểm y tế, còn nếu chỉ là để cải thiện vấn đề thẩm mỹ thì bảo hiểm sẽ không chi trả.

    Sau khi hoàn thành những bước này, bác sĩ sẽ lên lịch hẹn phẫu thuật và yêu cầu bạn:

    • Ngừng sử dụng các loại thuốc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong thời gian nhất định. Bạn chỉ được sử dụng những loại thuốc (nếu cần) khi được bác sĩ đồng ý.
    • Bỏ thuốc lá vài tuần trước khi phẫu thuật vì thuốc lá sẽ làm giảm khả năng lành vết thương sau đó.
    • Nhờ người thân đưa đón và chăm sóc trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật.

    Quá trình phẫu thuật mí mắt diễn ra như thế nào?

    quy trình phẫu thuật mí mắt

    Quá trình này mất khoảng 45 – 150 phút. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể tiêm thuốc gây mê toàn thân vào tĩnh mạch hoặc tiêm thuốc gây tê tại chỗ vào mí mắt.

    Đối với mí mắt trên, bác sĩ cắt dọc theo nếp mí để loại bỏ một số da, cơ và có thể cả mỡ thừa. Sau đó, họ sẽ khâu vết cắt lại. 

    Ở mí mắt dưới, bác sĩ cắt một đường ngay dưới lông mi, ở vị trí nếp nhăn tự nhiên của mắt hoặc bên trong mí mắt dưới. Họ loại bỏ hoặc phân bổ lại mỡ thừa, cơ và da chảy xệ, sau đó sẽ khâu vết cắt lại. Nếu đường mổ nằm trong mí mắt thì không cần khâu.

    Nếu mí mắt trên của bạn sụp xuống gần đồng tử, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật lấy mỡ mí mắt và cắt da thừa kết hợp với phẫu thuật mí mắt bị sụp. Mục đích là để nâng mí mắt cũng như loại bỏ da thừa mí mắt.

    Sau đó, bạn cần dán băng dính mỏng để hỗ trợ mí mắt. Sau tối đa 1 tuần, băng dính này sẽ được gỡ ra.

    Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật mí mắt?

    Sau tạo hình mí mắt, bạn cần nằm trong trong phòng hồi sức để nhân viên y tế theo dõi các biến chứng. Nếu ổn định, bác sĩ sẽ cho bạn xuất viện trong ngày. Sau 4 – 6 ngày sau mổ, bạn cần quay lại để cắt chỉ nếu sử dụng chỉ thường, còn chỉ tự tiêu thì không cần.

    Sau phẫu thuật, bạn có thể có một số triệu chứng tạm thời như:

  • Nhìn mờ do sử dụng thuốc mỡ bôi trơn mắt
  • Chảy nước mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Nhìn đôi
  • Mí mắt sưng húp, tê liệt
  • Sưng và bầm tím tương tự như quầng thâm mắt
  • Đau hoặc khó chịu ở mắt.
  • Phục hồi

    Phục hồi sau phẫu thuật mí mắt

    phục hồi sau phẫu thuật mí mắt

    Bạn nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ cùng với những lời khuyên sau đây:

    • Chườm túi nước đá lên mắt trong 10 phút mỗi giờ vào đêm đầu tiên sau phẫu thuật
    • Ngày hôm sau, chườm túi nước đá lên mắt 4 – 5 lần trong ngày
    • Sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ theo chỉ định
    • Ngủ với tư thế đầu cao hơn ngực trong vài ngày
    • Chườm mát mắt thường xuyên để giảm sưng
    • Đeo kính râm tối màu để bảo vệ da mí mắt khỏi nắng và gió
    • Sử dụng thuốc acetaminophen để giảm đau (nếu cần)
    • Không nâng vật nặng, bơi lội, chạy bộ hoặc tập thể dục cường độ trung bình đến nặng trong một tuần đầu tiên
    • Tránh để mắt tiếp xúc với khói, đặc biệt là khói thuốc lá
    • Không dụi mắt
    • Không đeo kính áp tròng trong hai tuần đầu sau phẫu thuật
    • Không dùng các thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen, naproxen, các loại thuốc hoặc thảo dược khác có thể làm tăng nguy cơ chảy máu
    • Những bạn làm văn phòng có thể đi làm trở lại sau 1 tuần
    • Tự lái xe được sau 1 – 2 tuần
    • Tập thể dục và hoạt động thể chất dần dần sau 2 – 4 tuần

    Bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức hoặc gọi cấp cứu nếu như có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

    • Hụt hơi
    • Đau ngực
    • Rối loạn nhịp tim
    • Đau mắt nghiêm trọng
    • Chảy máu
    • Có vấn đề về thị lực.

    Bạn cũng nên đi khám nếu khô mắt kéo dài hơn 2 tuần.

    Các vết bầm tím và sưng tấy thường giảm dần trong khoảng 10 đến 14 ngày. Sẹo do vết phẫu thuật mí mắt có thể mất vài tháng mới mờ đi.

    Chi phí

    Phẫu thuật mí mắt giá bao nhiêu?

    Phẫu thuật mí mắt bao nhiêu tiền phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh viện thực hiện, kỹ thuật thực hiện, tình trạng mí cần khắc phục và lão hóa của từng người… Chi phí dao động trong khoảng 15.000.000đ – 35.000.000đ. Khi chọn được bệnh viện phẫu thuật mí mắt, bạn nên đến tận nơi để bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể.

    Nhìn chung, phẫu thuật mí mắt vì mục đích thẩm mỹ hay điều trị đều gây đau rất ít, phục hồi nhanh, hiếm khi có biến chứng. Sẹo do phẫu thuật cũng thường mờ đi tới mức không nhìn thấy được nên bạn không cần phải quá lo lắng. Hãy tin tưởng và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có kết quả tốt nhất nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Trúc Phạm


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 18/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo