Mắt bị mờ như có màng che một hoặc cả hai bên có thể do rất nhiều nguyên nhân. Biết được lý do vì sao mắt mờ sẽ giúp bạn giải quyết được căn nguyên, khắc phục tầm nhìn nhanh chóng và hiệu quả.
Hiện tượng mắt bị mờ như có màng che là do đâu?
Nhìn mờ là tình trạng mà những vật mà bạn thấy đều không được rõ nét, có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên mắt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắt bị mờ, do mỏi mắt, do loạn thị, lão thị, dị tật và nhiều vấn đề về mắt khác. Cụ thể như sau:
Loạn thị
Loạn thị là tật khúc xạ do giác mạc có độ cong không đều. Nguyên nhân có thể do tuổi tác, chấn thương ở mắt hoặc bệnh lý nào đó khiến mắt nhìn mờ ở cả khoảng cách xa và gần. Tình trạng này làm mắt bị mờ như có màng che, từ cấp độ nhẹ đến nặng, tuỳ vào từng trường hợp.
Nếu được chẩn đoán mắt bị mờ do loạn thị, phương pháp điều trị có thể bao gồm đeo kính gọng, kính áp tròng để điều chỉnh hoặc phẫu thuật laser.
Lão thị
Lão thị là tình trạng mắt khó nhìn rõ các vật ở gần hơn khi về già. Bạn có thể quan sát thấy rõ dấu hiệu mắt bị mờ do lão thị khi đọc sách hoặc tập trung vào các vật thể ở gần mặc dù vẫn thấy rõ những vật thể ở xa.
Lão thị là một phần của quá trình lão hoá tự nhiên và thường được khắc phục bằng cách đeo kính gọng hoặc kính áp tròng.
Hội chứng khô mắt
Hội chứng khô mắt là tình trạng mà mắt của bạn không được bôi trơn đúng cách, khiến chúng cộm lên, ngứa rát và mắt bị mờ như có màng che.
Một số loại nước mắt nhân tạo, gel và thuốc mỡ có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng khô mắt. Tuy nhiên trước khi dùng bất kì loại thuốc nhỏ mắt nào bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Đục thuỷ tinh thể
Ban đầu bệnh đục thuỷ tinh thể không có bất kỳ triệu chứng gì. Theo thời gian, bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên mắt, khiến:
- Mắt bị mờ như có màng che
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Nếu gặp ánh sáng chói mắt sẽ có hiện tượng nhìn đôi, bị chói mắt (đặc biệt khi lái xe vào ban đêm)
- Tầm nhìn trong bóng tối kém
- Khả năng nhìn màu sắc kém.
Đục thuỷ tinh thể một khi đã hình thành thì không thể tự mất đi. Đeo kính có thể giúp cải thiện thị lực trong giai đoạn đầu, nhưng phẫu thuật là cách hiệu quả duy nhất để chấm dứt tình trạng đục thủy tinh thể. Không phải tất cả các trường hợp đục thủy tinh thể đều cần phải phẫu thuật, trừ khi nó ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hằng ngày.
Bệnh Glôcôm
Bệnh Glôcôm là một vấn đề về mắt phổ biến gây giảm thị lực do tổn thương dây thần kinh thị giác. Nếu không được điều trị, nó có thể gây mù lòa.
Trong các thể bệnh, tăng nhãn áp góc đóng cấp tính thường có triệu chứng đau mắt đột ngột, dữ dội kèm theo buồn nôn và nôn, nhức đầu và mờ mắt. Đây là trường hợp khẩn cấp và bạn nên tìm cách điều trị kịp thời để không bị mất thị lực.
Thoái hoá điểm vàng
Thoái hoá điểm vàng liên quan đến tuổi tác là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mờ mắt. Tình trạng này ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn, khiến bạn không thể nhìn thấy những gì ở ngay trước mặt mình. Nó có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt.
Bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường, làm suy giảm thị lực của người bệnh. Thời gian đầu chỉ có hiện tượng mắt bị mờ như có màng che nhưng lâu dài không kiểm soát tốt có thể dẫn tới mù lòa.
Nếu bạn là một bệnh nhân tiểu đường, để giảm thiểu nguy cơ biến chứng suy giảm thị lực, bạn cần quản lý tốt đường huyết, huyết áp và cholesterol máu. Đồng thời cũng cần kiểm tra thị lực thường xuyên và chú ý quan sát các dấu hiệu mờ mắt (nếu có).
Viêm dây thần kinh thị giác
Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng sưng, viêm và kích thích dây thần kinh thị giác. Tình trạng này có thể là tự phát hoặc xuất phát từ các bệnh lý khác như bệnh đa xơ cứng. Mờ mắt do viêm dây thần kinh thị giác có thể xảy ra ở một bên mắt hoặc cả hai bên.
Đây là bệnh lý cấp tính, người bệnh cần được thăm khám và điều trị kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa nhằm tăng khả năng hồi phục thị lực.
Rối loạn thần kinh thị giác di truyền
Một số rối loạn di truyền có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Đây là nguyên nhân gây mờ mắt ít phổ biến so với các tật khúc xạ hay đục thuỷ tinh thể.
Một số bệnh lý khác khiến mắt bị mờ như có màng che
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, mắt bị mờ như màng che cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân như:
- Nhiễm trùng mắt
- Một vết thương ở mắt
- Chứng đau nửa đầu
- Đột quỵ
- Chấn thương đầu
- Hạ đường huyết
- Tiền sản giật
- Bệnh vẩy nến
- Bệnh đa xơ cứng
- Khối u não
- Bệnh Parkinson
Đôi khi mờ mắt cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc mà bạn đang dùng.
Biện pháp phòng ngừa tình trạng mắt bị mờ như có màng che
Không thể ngăn ngừa hoàn tình trạng mờ mắt, vì có những yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được, chẳng hạn như tuổi tác. Thế nhưng, việc bảo vệ mắt là rất quan trọng để hạn chế tình trạng này. Vì vậy mà bạn cần thường xuyên đi khám mắt, ít nhất là 2 năm một lần. Ngoài ra thì bạn cũng cần lưu ý:
- Đeo kính râm và đội mũ để bảo vệ mắt khỏi tia UV.
- Sử dụng kính bảo hộ nếu bạn đang làm các công việc nguy hiểm.
- Duy trì lối sống, chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Bổ sung vitamin và khoáng chất, uống đủ nước.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân kích ứng, khói bụi.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt, nước mắt nhân tạo nếu có cảm giác khô mắt.
Qua bài viết trên, Hello Bacsi tin rằng bạn sẽ có nhiều thông tin hơn về hiện tượng mắt bị mờ như có màng che. Bất kì khi nào có các dấu hiệu suy giảm thị lực, tốt nhất hãy đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sao cho phù hợp nhé!