backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Thủy tinh thể nhân tạo trong phẫu thuật đục thủy tinh thể

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 07/07/2021

    Thủy tinh thể nhân tạo trong phẫu thuật đục thủy tinh thể

    Đục thuỷ tinh thể là bệnh về mắt phổ biến ở người cao tuổi. Người bệnh sẽ phải đối mặt với vấn đề suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo được xem là phương pháp tối ưu nhất hiện nay giúp điều trị triệt để bệnh đục thủy tinh thể và phục hồi thị lực cho người bệnh.

    Thuỷ tinh thể có cấu tạo như một thấu kính trong suốt, nằm sau mống mắt, đóng vai trò tập trung ánh sáng lên võng mạc và tạo ra hình ảnh rõ ràng, sắc nét. Tuy nhiên, khi các phân tử protein không hòa tan bị tích lũy trong thủy tinh thể, cùng với vấn đề tuổi tác, thủy tinh thể thường bị mờ đi và mất khả năng điều tiết. Đây là nguyên nhân gây đục thuỷ tinh thể hay còn gọi là cườm khô, cườm đá.

    Trường hợp tình trạng suy giảm thị lực không thể được cải thiện bằng việc đeo kính, bác sĩ thường khuyến nghị bệnh nhân phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo để đem lại hiệu quả tốt nhất. Vậy thủy tinh thể nhân tạo là gì? Làm thế nào để lựa chọn thủy tinh thể phù hợp? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu lời giải trong bài viết dưới đây.

    Thủy tinh thể nhân tạo là gì?

    Thủy tinh thể nhân tạo (hay intraocular lens – IOL) là 1 thấu kính nội nhãn rất nhỏ có độ khúc xạ, được chế tạo phù hợp với mắt người. Nó thay thế thủy tinh thể tự nhiên bị loại bỏ trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể để hỗ trợ cải thiện thị lực cho người bệnh. Hầu hết các loại IOL được làm bằng silicone, acrylic hoặc nhựa PMMA. Chúng cũng được phủ một lớp vật liệu đặc biệt để giúp bảo vệ mắt khỏi tia cực tím (UV) có hại của mặt trời.

    Các loại thủy tinh thể này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (USFDA) phê duyệt về tính an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân đục thủy tinh thể vào năm 1981. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng thị giác của bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.   

    Các loại thủy tinh thể nhân tạo (IOL)

    các loại thủy tinh thể nhân tạo

    Có nhiều loại IOL khác nhau với những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Các loại thủy tinh thể nhân tạo phổ biến hiện nay bao gồm:

    Thủy tinh thể đơn tiêu cự

    Thủy tinh thể đơn tiêu cự là loại thấu kính phổ biến nhất được sử dụng trong phẫu thuật đục thủy tinh thể. Thủy tinh thể đơn tiêu cự chỉ cho phép hoặc nhìn xa rõ hoặc nhìn gần rõ, do vậy người bệnh cần sử dụng thêm kính để hỗ trợ khoảng nhìn không được ưu tiên. 

    Thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu cự truyền thống đảm bảo được vấn đề cơ bản là cải thiện thị lực cho bệnh nhân đục thủy tinh thể. Tuy nhiên chúng chỉ duy trì thị lực tốt ở một khoảng cách, thường là khoảng cách nhìn xa. Do vậy, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong các hoạt động ở các khoảng cách nhìn trung gian hay nhìn gần như xem ti vi, sử dụng máy tính, đọc sách, sử dụng điện thoại và phải cần sự hỗ trợ của các loại kính đeo.

    Thủy tinh thể đa tiêu cự

    Thủy tinh thể đa tiêu cự cho phép người bệnh có tầm nhìn tương đối rõ ràng ở nhiều cự ly, kể cả gần, trung gian và xa mà không cần dùng kính hoặc ít khi cần đến kính hỗ trợ. Các loại thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự ra đời là một bước đột phá về công nghệ giúp giải quyết được nhược điểm của thủy tinh thể đơn tiêu cự.

    Tuy vậy, người dùng thủy tinh thể đa tiêu cự có thể gặp một số vấn đề về thị giác như:

    • Nhìn xa không sắc nét bằng đặt thủy tinh thể đơn tiêu cự
    • Chói lóa và thấy các quầng sáng quanh ánh đèn về đêm 
    • Khó khăn khi nhìn vật trong điều kiện ánh sáng yếu
    • Nhìn màu sắc không rõ nét
    • Khó sử dụng máy tính hay lái xe

    Thủy tinh thể điều tiết

    Thủy tinh thể điều tiết có thể tự điều chỉnh hình dạng linh hoạt để người bệnh có thể nhìn rõ các vật thể ở xa và gần, tương tự như thủy tinh thể tự nhiên của con người. Sau khi cấy ghép, người bệnh không cần đeo thêm kính hỗ trợ mà vẫn nhìn rõ vật ở mọi cự ly.

    Thủy tinh thể nhân tạo Toric

    Toric là thủy tinh thể nhân tạo duy nhất có thể điều chỉnh được tật loạn thị đi kèm với bệnh đục thể thuỷ tinh. Trong những trường hợp này, nếu chỉ đặt các loại IOL thông thường, bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể vẫn bị nhìn mờ hoặc nhìn hình bị méo vì những loại thủy tinh thể này không thể chỉnh loạn thị trên giác mạc. Do vậy sau mổ, bệnh nhân vẫn phải đeo kính điều chỉnh loạn thị hoặc phải thực hiện thêm phẫu thuật khác.

    Khi sử dụng thủy tinh thể Toric có thể giảm một phần hoặc hoàn toàn mức độ loạn thị và cải thiện đáng kể thị lực nhìn xa. Tuy nhiên, khi nhìn gần, bệnh nhân vẫn có thể cần phải đeo kính hỗ trợ.

    Ngoài ra còn có một số dạng thủy tinh thể nhân tạo khác như:

    • Thủy tinh thể Hoya PY-60R
    • Thủy tinh thể I-flex
    • Thủy tinh thể IQ SN6WWF
    • Thủy tinh thể INFO và LUCIDIS

    Lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo nào cho phù hợp?

    lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo phù hợp

    Dựa vào nhu cầu, tình trạng sức khỏe mắt cũng như điều kiện kinh tế của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn giúp họ lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo nào phù hợp và mang lại kết quả tốt nhất.

    Việc lựa chọn loại IOL phù hợp có thể căn cứ vào các tiêu chí sau:

    • Thói quen sinh hoạt và nhu cầu công việc: Trong trường hợp bạn phải làm việc hoặc ưa thích các hoạt động ngoài trời như đi du lịch và không muốn phụ thuộc vào kính, thủy tinh thể nhân tạo có độ chính xác cho cả tầm nhìn gần và xa là sự lựa chọn phù hợp. Ngược lại, nếu bạn thích đọc sách hoặc may vá, bạn sẽ cần loại thủy tinh thể hỗ trợ tầm nhìn gần hoàn hảo.
    • Các vấn đề sức khỏe khác: Một số bệnh về mắt như cườm nước, rối loạn giác mạc hoặc thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, bạn có thể không thích hợp để thay thủy tinh thể đa tiêu cự. Bác sĩ nhãn khoa sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra mắt toàn diện và thảo luận về kết quả để giúp bạn chọn loại IOL tốt nhất.
    • Chi phí: So với giá của thủy tinh thể đơn tiêu cự tiêu chuẩn, giá của thủy tinh thể đa tiêu cự tương đối đắt. Điều này làm tăng thêm chi phí phẫu thuật đục thủy tinh thể. Ngoài ra, các loại IOL cao cấp thường không được các công ty bảo hiểm chi trả.

    Việc lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ cải thiện thị lực cho người bệnh sau phẫu thuật. Để biết mình phù hợp với loại IOL nào, người bệnh cần đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để được bác sĩ khám và tư vấn cụ thể nhất. 

    Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “Thủy tinh thể nhân tạo gì?” cũng như cách lựa chọn loại thủy tinh thể phù hợp cho bản thân.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 07/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo