Bệnh cườm nước hay còn gọi là glocom (glaucoma) thường có thể có hoặc không có dấu hiệu cảnh báo sớm. Triệu chứng bệnh có thể diễn ra 1 cách đột ngột (trong glocom góc đóng cấp) hoặc diễn ra từ từ đến mức bạn có thể không nhận thấy sự thay đổi về thị lực cho đến khi bệnh đã nặng hơn (trong glocom góc mở). Các phương pháp điều trị đều nhằm mục đích hạ nhãn áp tránh làm trầm trọng thêm tình trạng giảm thị lực của bệnh nhân, bao gồm: thuốc nhỏ mắt, thuốc uống, laser, phẫu thuật.
Ở bài viết này mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn về các loại thuốc nhỏ mắt bị cườm nước nhé!
Thuốc nhỏ mắt trị cườm nước có tác dụng gì?
Bệnh cườm nước xảy ra khi lượng chất lỏng ở trong mắt (thủy dịch) được sản xuất ra quá nhiều hoặc có vấn đề về đường thoát thủy dịch làm cho áp lực trong mắt tăng cao chèn ép vào dây thần kinh thị giác dẫn đến giảm thị lực không phục hồi, thậm chí là mù lòa nếu không được xử lý kịp thời.
Điều trị bệnh thường bắt đầu bằng việc sử dụng thuốc nhỏ mắt trị cườm nước theo toa. Thuốc nhỏ mắt cườm nước được sử dụng để làm giảm nhãn áp và ngăn ngừa mất thị lực bằng cách giúp chất lỏng trong mắt thoát ra tốt hơn hoặc giảm lượng chất lỏng do mắt sản xuất ra.
Bạn có thể quan tâm: Chẩn đoán bệnh cườm nước bằng các xét nghiệm nào?
Phân loại và tác dụng phụ
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ nhãn khoa có thể kê đơn cho bệnh nhân dùng nhiều hơn một trong các loại thuốc nhỏ mắt trị cườm nước sau đây.
Thuốc chủ vận alpha-adrenergic
Thuốc chủ vận alpha hoạt động bằng cách làm giảm lượng chất lỏng mà mắt bạn sản xuất ra bên trong mắt. Chúng cũng làm tăng lượng chất lỏng chảy ra khỏi mắt. Điều này giúp làm giảm nhãn áp, tránh dây thần kinh thị giác bị tổn thương thêm. Đại diện bao gồm: lopidine, apraclonidine và brimonidine.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng loại thuốc nhỏ mắt trị cườm nước này bao gồm:
- Mắt đỏ, cay hoặc đau sau khi nhỏ thuốc
- Mờ mắt
- Phản ứng dị ứng như đỏ, ngứa, chảy nước mắt và sưng mắt
- Một đồng tử giãn ra
- Đau đầu
- Khô miệng
- Mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt
- Tăng huyết áp
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta như timolol và betaxolol là loại thuốc nhỏ mắt trị cườm nước hoạt động bằng cách giảm sản xuất chất lỏng trong mắt, nhờ đó làm hạ nhãn áp.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc chẹn beta bao gồm:
- Mắt đỏ, cay hoặc đau sau khi nhỏ thuốc
- Mờ mắt
- Khó thở ở những người bị hen suyễn, khí phế thũng hoặc COPD
- Nhịp tim chậm hoặc không đều
- Mệt mỏi, bất lực
- Trầm cảm
- Chóng mặt
- Giảm ham muốn tình dục hoặc chức năng tình dục
- Các triệu chứng hạ đường huyết trở nên khó nhận thấy ở bệnh nhân tiểu đường.
Các tác dụng phụ toàn thân của thuốc chẹn beta có thể được giảm thiểu bằng cách nhắm mắt sau khi nhỏ thuốc hoặc sử dụng một kỹ thuật tên là tắc lỗ thông để ngăn cản thuốc đi vào ống dẫn nước mắt và tuần hoàn toàn thân.
Các chất ức chế anhydrase carbonic
Các chất ức chế anhydrase carbonic (CA) làm giảm nhãn áp bằng cách giảm sản xuất chất lỏng trong mắt (dịch nội nhãn). Bác sĩ nhãn khoa của bạn có thể yêu cầu bạn dùng thuốc này dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc uống dưới dạng thuốc viên. Chúng có sẵn dưới dạng thuốc nhỏ mắt trị cườm nước như: dorzolamide và brinzolamide.
Nhóm thuốc này thường được kê đơn để sử dụng hai lần mỗi ngày nhưng đôi khi có thể được kê đơn để sử dụng ba lần một ngày.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra của các chất ức chế anhydrase carbonic bao gồm:
- Cay mắt sau khi nhỏ thuốc vào
- Đỏ mắt
- Mờ mắt
- Phát ban trên da, đặc biệt ở những người bị dị ứng với thuốc sulfa
- Thay đổi vị giác, rõ nhất là với đồ uống có ga
- Nôn nao
- Mệt mỏi, suy nhược
- Đi tiểu thường xuyên
- Ngứa ran xung quanh miệng, các đầu ngón tay và ngón chân.
Prostaglandin
Các chất tương tự của prostaglandin bao gồm: latanoprost, travoprost, tafluprost, bimatoprost và latanoprostene bunod. Chúng hoạt động bằng cách tăng lưu lượng dịch chảy ra khỏi mắt để làm giảm nhãn áp. Nhóm thuốc nhỏ mắt trị cườm nước này được kê đơn để sử dụng mỗi ngày một lần.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra của các chất tương tự prostaglandin bao gồm:
- Mắt đỏ nhẹ, cay hoặc đau sau khi nhỏ thuốc
- Cảm giác như có gì đó trong mắt
- Châm chích
- Đỏ và ngứa mắt
- Mờ mắt
- Thay đổi vĩnh viễn màu mắt
- Tăng độ dày, độ dày và số lượng của lông mi
- Thâm quầng mắt
- Sẫm màu da mí mắt
- Sụp mí
- Trũng mắt, mắt dần chìm sâu hơn vào hốc, giữ cho mí mắt hoạt động bình thường
- Đau thắt ngực và hen suyễn nghiêm trọng hơn
- Đau nhức khớp
- Nhạy cảm với ánh sáng.
Thuốc cường cholinergic dùng cho mắt
Ví dụ về thuốc nhỏ mắt trị cườm nước này là hoạt chất pilocarpine (Isopto Carpine), có tác dụng làm tăng lượng dịch chảy ra khỏi mắt. Loại thuốc này thường được kê đơn để sử dụng tối đa bốn lần một ngày.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc bao gồm:
- Nhức đầu
- Nhức mắt
- Đồng tử nhỏ hơn
- Nhìn mờ, cận thị.
Chất ức chế Rho kinase
Thuốc ức chế Rho khinase (netarsudil) có tác dụng làm giảm nhãn áp bằng cách tăng thoát dịch nội nhãn. Loại thuốc nhỏ mắt trị cườm nước mới này đã có mặt từ tháng 4 năm 2018. Thuốc có thể được kê đơn để sử dụng mỗi ngày một lần. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: đỏ mắt, khó chịu ở mắt.
Vì một số thuốc nhỏ mắt trị cườm nước được hấp thụ vào máu, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ toàn thân không liên quan đến mắt.
Miotics
Thuốc này làm đồng tử co lại, tăng thoát chất lỏng ra khỏi mắt để giảm nhãn áp.
Thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ như mờ mắt, cận thị, nhìn mờ, khó nhìn trong bóng tối hoặc ban đêm, nhức đầu hoặc nhức quanh mắt. Ngoài ra, thuốc nhỏ mắt trị cườm nước này còn có thể gây bong võng mạc, dù rất hiếm gặp.
Thuốc kết hợp
Có những loại thuốc nhỏ mắt trị cườm nước kết hợp hai loại thuốc trong một lọ. Điều này rất hữu ích cho những bệnh nhân cần hai loại thuốc để kiểm soát bệnh. Các kết hợp hiện có bao gồm:
- Timolol + pilocarpine
- Timolol + chất ức chế anhidrase carbonic (dorzolamide hoặc brinzolamide).
- Timolol + brimonidine.
- Timolol + chất tương tự prostaglandine (latanoprost, travoprost hoặc bimatoprost).
- Brinzolamide + brimonidine.
Việc phải kết hợp thuốc là rất phổ biến, vì nhiều bệnh nhân bị cườm nước cần ít nhất hai loại thuốc để kiểm soát bệnh.
Cách sử dụng
Bạn có thể đã được bác sĩ kê nhiều loại thuốc nhỏ mắt trị cườm nước hoặc cần sử dụng nước mắt nhân tạo. Hãy tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhãn khoa về liều lượng và cách dùng thuốc nhỏ mắt mỗi ngày nhằm ngăn ngừa mất thị lực.
Nếu bác sĩ kê đơn thuốc nhỏ mắt, bạn sẽ cần sử dụng chúng hàng ngày. Tùy thuộc vào loại thuốc, bạn có thể cần sử dụng chúng một lần, hai lần hoặc tối đa 4 lần một ngày.
Cách sử dụng thuốc nhỏ mắt như sau:
- Rửa tay trước và sau khi nhỏ thuốc
- Dùng ngón tay kéo nhẹ mí mắt dưới xuống
- Giữ chai thuốc trên mắt và để một giọt nhỏ rơi vào mí mắt dưới
- Nhắm mắt lại và giữ trong vài phút
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt khác nhau, hãy dùng cách nhau 5 phút.
Bạn có thể ấn nhẹ vào khóe mắt gần mũi để đóng ống dẫn nước mắt trong 1 hoặc 2 phút. Lau sạch phần thuốc bị dư khỏi mí mắt. Điều này làm giảm sự thoát nước của ống mắt ra khỏi mắt, giúp tăng tác dụng của thuốc, đồng thời làm giảm tác dụng phụ.
Ngoài ra, hãy nhớ cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc bạn đang dùng cho bệnh tăng nhãn áp. Như với bất kỳ loại thuốc nào khác, thuốc nhỏ mắt trị cườm nước có thể gây ra tác dụng phụ. Không lái xe hoặc vận hành máy móc nếu thuốc nhỏ mắt khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ.
Các tác dụng phụ như mờ mắt, châm chích và mẩn đỏ có thể cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt trị cườm nước nghiêm trọng và cản trở sinh hoạt hàng ngày, hãy thăm khám ngay với bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ có thể giảm liều hoặc thay đổi thuốc. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không bao giờ được tự ý đột ngột bỏ thuốc trừ khi bác sĩ yêu cầu.