backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nguyên nhân tăng nhãn áp trong bệnh glôcôm, triệu chứng và cách phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản · Nhãn khoa · Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản (JIEH)


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 20/02/2022

    Nguyên nhân tăng nhãn áp trong bệnh glôcôm, triệu chứng và cách phòng ngừa

    Bệnh glôcôm (còn có tên gọi khác là thiên đầu thống, cườm nước) là một bệnh lý về mắt gây tổn thương thần kinh thị giác, dần dần khiến thị lực kém đi, thậm chí mù lòa. Bệnh xảy ra do áp lực trong mắt tăng lên (tăng nhãn áp). Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Vậy, nguyên nhân tăng nhãn áp trong bệnh glôcôm là gì? Triệu chứng bệnh glôcôm và cách phòng ngừa ra sao?

    Nhiều dạng bệnh glôcôm không có dấu hiệu cảnh báo. Đôi lúc bạn còn không nhận thấy sự thay đổi về thị lực cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng.

    Vì tình trạng mất thị lực do bệnh glôcôm là không thể phục hồi, nên điều quan trọng là bạn phải kiểm tra mắt thường xuyên để tầm soát bệnh. Nếu glôcôm được phát hiện sớm, hiện tượng mất thị lực có thể được ngăn ngừa hoặc diễn tiến chậm lại. Bệnh nhân glôcôm thường phải tuân thủ việc điều trị bệnh cho đến hết đời.

    Bệnh glôcôm là gì? Các loại bệnh glôcôm

    Glôcôm là một nhóm bệnh lý mà trong đó có sự chết dần của các tế bào thần kinh võng mạc, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Bệnh glôcôm nguyên phát có hai dạng chính là glôcôm có góc tiền phòng đóng (glôcôm góc đóng) và glôcôm có góc tiền phòng mở (glôcôm góc mở), mỗi loại chiếm khoảng 50% số ca.

    Góc tiền phòng là góc tạo bởi mống mắt và giác mạc nên còn được gọi là góc mống – giác mạc. Bình thường góc tiền phòng luôn mở để cho chất dịch lỏng trong mắt đi qua. Sau khi đến vùng góc, chất dịch lỏng này tiếp tục đi qua một lớp màng mỏng (cấu trúc bè) rồi mới đi ra ngoài nhãn cầu.

    Glôcôm góc mở

    Góc tiền phòng vẫn mở bình thường, chất dịch lỏng vẫn đến được vùng góc nhưng không thể  thoát ra khỏi nhãn cầu do cấu trúc bè bị xơ hoá. Hậu quả là chất lỏng tích tụ và làm tăng áp lực nội nhãn. 

    Nếu không được điều trị, sẽ dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác và mù lòa. Sự tích tụ chất lỏng cũng có thể xảy ra nếu mắt sản sinh ra chất lỏng dư thừa.

    Glôcôm góc đóng

    nguyên nhân tăng nhãn áp là gì

    Bệnh cảnh này xảy ra khi có sự áp sát giữa chân mống mắt và mặt sau giác mạc làm góc tiền phòng khép lại. Chất lỏng nội nhãn không thể đến được góc tiền phòng nên không thể thoát ra khỏi nhãn cầu. Vì vậy áp lực trong mắt tăng lên. 

    Các triệu chứng của glôcôm góc đóng thường rất rầm rộ, bao gồm mờ mắt, nhức đầu, đau mắt nghiêm trọng, buồn nôn. Nếu không được điều trị kịp thời mắt sẽ nhanh chóng mất thị lực hoàn toàn và không thể phục hồi. Do đó, bệnh đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.

    Ngoài ra còn có các hình thức ít phổ biến hơn:

    • Glôcôm bẩm sinh (thường do di truyền, xuất hiện ở trẻ sơ sinh hoặc những năm đầu đời của trẻ)
    • Glôcôm thứ phát (tăng nhãn áp do các bệnh lý khác dẫn đến như viêm nhiễm, khối u, đục thủy tinh thể quá chín, tiểu đường, chấn thương mắt hoặc thường xuyên dùng các thuốc corticosteroids…)

    Nguyên nhân tăng nhãn áp

    Nguyên nhân tăng nhãn áp chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng các bác sĩ tin rằng tăng nhãn áp phần lớn là do di truyền, có nghĩa là nó được truyền từ cha mẹ sang con cái. Họ cũng xác định được các gen liên quan đến tăng nhãn áp và tổn thương dây thần kinh thị giác ở một số người. Một giả thuyết khác cũng được đưa ra về nguyên nhân gây tăng nhãn áp là do lưu lượng máu cung cấp cho dây thần kinh thị giác bị giảm đi dẫn đến những tổn thương thần kinh mắt không phải do nhãn áp tăng cao (glôcôm nhãn áp bình thường).

    Các nguyên nhân tăng nhãn áp ít phổ biến hơn bao gồm :chấn thương hoặc tác động hóa học đối với mắt, nhiễm trùng mắt nghiêm trọng, các mạch máu bị chặn bên trong mắt và các tình trạng viêm vùng mắt, sử dụng thuốc làm tăng nhãn áp. Một nguyên nhân tăng nhãn áp khác hiếm xảy ra hơn là phẫu thuật mắt để điều trị một bệnh lý khác nhưng lại gây ra bệnh tăng nhãn áp.

    Triệu chứng glôcôm là gì?

    Các dấu hiệu khác nhau tùy thuộc hình thái bệnh, ví dụ:

    Glôcôm góc mở

    • Cảm giác nhức mắt mơ hồ thoáng qua, thỉnh thoảng nhìn mờ như qua làn sương mỏng
    • Tầm nhìn thu hẹp như hình ống hoặc chỉ như nhìn qua một khe nhỏ, cuối cùng sẽ mất thị lực hoàn toàn từng bên mắt.

    Glôcôm góc đóng cấp tính

    • Đau nhức mắt
    • Đau nửa đầu cùng bên
    • Buồn nôn và ói mửa
    • Nhìn mờ
    • Mắt đỏ
    • Thấy vầng sáng hình cầu vồng khi nhìn vào bóng đèn

    Nếu không được điều trị, bệnh glôcôm cuối cùng sẽ gây mù. Ngay cả khi được điều trị, khoảng 15% những người mắc bệnh cũng sẽ bị mù ít nhất một mắt trong vòng 20 năm.

    Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh glôcôm

    nguyên nhân tăng nhãn áp gồm những gì

    Chúng ta đã tìm hiểu về nguyên nhân tăng nhãn áp trong bệnh glôcôm rồi. Vậy, đối tượng nào sẽ dễ mắc phải căn bệnh này?

    Glôcôm chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn trên 40 tuổi, song ngay cả người trưởng thành dưới 40 tuổi, trẻ em và trẻ sơ sinh đều có nguy cơ mắc bệnh.

    Bởi vì các dạng bệnh glôcôm mãn tính có thể phá hủy thị lực trước khi có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào rõ ràng, nên bạn cần lưu ý các yếu tố nguy cơ sau:

    • Có áp lực nội nhãn cao
    • Trên 60 tuổi
    • Là người da đen, người châu Á hoặc Tây Ban Nha
    • Có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm 
    • Có một số bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao và thiếu máu hồng cầu hình liềm
    • Có giác mạc mỏng ở trung tâm
    • Bị cận thị hoặc viễn thị
    • Bị bệnh tiểu đường
    • Bị chấn thương mắt hoặc từng trải qua phẫu thuật mắt
    • Dùng thuốc corticosteroid, đặc biệt là thuốc nhỏ mắt, trong một thời gian dài

    Phòng ngừa bệnh glôcôm

    Các bước tự chăm sóc này có thể giúp bạn phát hiện bệnh glôcôm ở giai đoạn đầu, nhờ đó dễ dàng ngăn ngừa mất thị lực hoặc làm chậm tiến trình của bệnh.

    • Đi khám mắt thường xuyên. Kiểm tra mắt thường xuyên giúp chẩn đoán bệnh và phát hiện nguyên nhân ngay từ đầu, trước khi biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên khám mắt toàn diện sau mỗi 5 đến 10 năm nếu bạn dưới 40 tuổi; 2-4 năm nếu bạn ở độ tuổi từ 40 đến 54; 1-3 năm nếu bạn từ 55 đến 64 tuổi; và sau 1-2 năm nếu bạn trên 65 tuổi. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm, bạn sẽ cần sàng lọc thường xuyên hơn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về lịch trình sàng lọc phù hợp với bạn.
    • Tìm hiểu về lịch sử sức khỏe mắt của gia đình bạn. Nguyên nhân glôcôm thường là do di truyền. Vì thế, nếu có người thân mắc căn bệnh này, bạn sẽ cần sàng lọc thường xuyên hơn.
    • Tập thể dục an toàn. Tập thể dục thường xuyên, vừa phải có thể giúp ngăn ngừa bệnh glôcôm bằng cách giảm áp lực mắt. Hãy nói chuyện với bác sĩ về một chương trình tập luyện thích hợp.
    • Đeo kính bảo vệ mắt. Chấn thương mắt nghiêm trọng có thể là nguyên nhân tăng nhãn áp thứ phát. Cho nên, bạn cần đeo kính bảo vệ mắt khi sử dụng các dụng cụ điện hoặc chơi những môn thể thao đòi hỏi tốc độ cao trên sân.

    Tin rằng qua bài viết này bạn đã hiểu được nguyên nhân tăng nhãn áp trong bệnh glôcôm là gì? Dù không thể xác định chính xác nhưng nếu điều trị càng sớm, thị lực sẽ được bảo tồn càng nhiều. Vì vậy, khi nhận thấy biểu hiện glôcôm cần thăm khám ngay để được điều trị kịp thời nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản

    Nhãn khoa · Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản (JIEH)


    Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 20/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo