Các nguyên nhân gây đau nhức ở hốc mắt
Đau nhức hốc mắt không chỉ là những cảm giác khó chịu thông thường, đôi khi còn có thể liên quan đến một số bệnh lý khác. Các trường hợp dưới đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau nhức hốc mắt:
Chứng đau nửa đầu

Nhức mỏi mắt và đau đầu là hai dấu hiệu thường thấy nhất ở những bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu. Trong trường hợp này, tình trạng nhức mỏi hầu như chỉ xuất hiện ở một bên mắt, kèm theo đó là cảm giác đau ở một vài vị trí khác trên cùng một bên đầu. Cơn đau đầu nhức mắt có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài tuần lễ, sau đó tự động biến mất. Mặc dù hiếm, nhưng đôi khi người bệnh có khả năng phải chịu đựng các cơn đau này vĩnh viễn.
Viêm xoang
Do xoang mũi và hốc mắt là hai khu vực có cấu trúc liên quan chặt chẽ với nhau, nên bất kỳ sự viêm nhiễm nào ở xoang mũi cũng có thể gây ra áp lực đối với mắt. Đau nhức hốc mắt do nguyên nhân viêm xoang có thể ảnh hưởng đến cả hai mắt, tuy nhiên mức độ thường ít nghiêm trọng hơn so với chứng đau nửa đầu.
Viêm dây thần kinh thị giác
Bạn cũng có thể gặp phải triệu chứng đau nhức mắt nếu dây thần kinh kết nối mặt sau của nhãn cầu với não (còn được gọi là dây thần kinh thị giác) bị viêm. Tình trạng viêm này có thể liên quan đến bệnh đa xơ cứng, bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn khác.
Cảm giác đau nhức thường tăng lên khi cử động mắt, bên cạnh đó người bệnh cũng bị giảm thị lực và giảm khả năng nhận biết màu sắc. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Glôcôm (cườm nước)
Bệnh lý này là một tình trạng tổn thương thần kinh thị giác do áp suất bên trong mắt tăng lên. Các triệu chứng cườm nước thường không rõ ràng và còn tùy thuộc vào loại bệnh mà người bệnh mắc phải. Nhưng nhìn chung, hầu hết trường hợp sẽ có biểu hiện buồn nôn, đỏ mắt, nhức mỏi mắt và đau đầu.
Nếu không được điều trị đúng cách, glôcôm có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và có khả năng dẫn đến mù lòa.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, đau đầu nhức mắt cũng có thể là biểu hiện của một số vấn đề như viêm mạch máu, chấn thương xuyên thấu ở mắt do tai nạn, hội chứng thị giác màn hình,…
Điều trị nhức mỏi mắt hiệu quả

Cảm giác khó chịu ở mắt luôn khiến chúng ta mệt mỏi và nôn nóng muốn chữa khỏi, tuy nhiên không nên vì thế mà tự ý quyết định biện pháp chữa trị. Bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để tìm ra nguyên nhân và được chỉ định cách điều trị phù hợp nhất, đặc biệt là khi kèm triệu chứng đau đầu. Một số biện pháp thường gặp trong điều trị nhức mắt là:
- Nghỉ ngơi. Đây chính là việc đầu tiên cần làm trong quá trình chữa trị nhiều bệnh lý ở mắt. Nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, máy tính hoặc ti vi sẽ khiến mắt mỏi nhiều hơn, vì vậy bác sĩ có thể yêu cầu bạn nghỉ ngơi và tránh ánh sáng trong ít nhất một ngày. Đồng thời bạn cần tạm ngưng đeo kính áp tròng, hãy sử dụng kính gọng nếu có tật khúc xạ.
- Chườm ấm. Đắp khăn ấm lên mắt có thể làm giảm các biểu hiện sưng, đỏ, đau trong một số trường hợp bị viêm.
- Loại bỏ dị vật. Nếu nguyên nhân nhức mắt là do dị vật hoặc hóa chất, bạn cần phải rửa thật kỹ mắt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để đẩy trôi dị vật hoặc chất kích ứng ra ngoài.
- Sử dụng thuốc. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp, có thể là thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng dùng đường uống, tra mắt hoặc nhỏ mắt. Nếu cảm giác nhức mỏi mắt dữ dội và gây cản trở cuộc sống hàng ngày, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau nhức.
- Phẫu thuật. Một số trường hợp tổn thương do dị vật hoặc vết bỏng phải cần đến phẫu thuật để điều trị, tuy nhiên điều này rất hiếm xảy ra. Ngoài ra, đối với những người mắc bệnh tăng nhãn áp, có thể cần sử dụng biện pháp phẫu thuật laser để cải thiện hệ thống dẫn lưu nước trong mắt.
Nhức mắt là một tình trạng không đáng lo ngại nếu xác định được nguyên nhân và điều trị thích hợp. Vì vậy, khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở mắt, tốt nhất là bạn hãy tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thăm khám mắt định kỳ để đảm bảo duy trì sức khỏe cho đôi mắt.