Gần đây, bạn bỗng dưng nhìn thấy những vật thể có dạng như hình tròn, đốm xám, chấm đen, dây hoặc mạng nhện… trôi nổi như ruồi bay trước mắt. Nhất là khi nhìn lên bầu trời xanh hay khi nhìn vào tờ giấy trắng thì hiện tượng mắt nhìn thấy đốm đen này càng rõ hơn? Đây có thể là dấu hiệu của vẩn đục dịch kính – một tình trạng nhãn khoa khiến bạn rất khó chịu, thậm chí đe dọa đến thị lực nếu không được điều trị sớm.
Trong bài viết này, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu vẩn đục dịch kính là gì, nguyên nhân do đâu và làm sao để điều trị hiệu quả nhé.
Tìm hiểu chung
Vẩn đục dịch kính là gì?
Buồng dịch kính hay buồng pha lê thể chứa dịch kính hay pha lê thể là một khối gel trong suốt nằm ngay sau thủy tinh thể. Không chỉ có vai trò cố định hình dạng của nhãn cầu, dịch kính còn đảm bảo ánh sáng được truyền thẳng đến võng mạc.
Vì một lý do nào đó khiến các phân tử collagen tạo nên dịch kính bị kết tụm lại với nhau, tạo nên các vật thể chơi vơi trong buồng dịch kính. Khi ánh sáng vào mắt, bóng của chúng in trên võng mạc thành các hình dạng như đốm xám, chấm đen… gây nên tình trạng vẩn đục dịch kính, hay còn gọi là hiện tượng mắt nhìn thấy chấm đen hoặc ruồi bay.
Triệu chứng
Những triệu chứng đặc trưng của mắt nhìn thấy vệt đen, đốm đen
Các triệu chứng phổ biến của mắt bị ruồi bay bao gồm:
- Có hiện tượng mắt nhìn thấy chấm đen, trắng hoặc xám với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau như chấm nhỏ, chữ C, chữ X, dấu ngã, dấu phẩy, hình dây dài, hạt tròn… xuất hiện trước mắt.
- Các vật thể không cố định tại một vị trí mà thường trôi nổi giống như ruồi bay trước mắt, gây cản trở tầm nhìn nhưng lại rất khó để có thể nhìn tập trung vào chúng. Cụ thể, khi người bệnh nhìn sang hướng khác sẽ thấy những vật thể này di chuyển.
- Những đốm đen này dễ nhận thấy nhất khi người bệnh nhìn vào một khoảng sáng trống, chẳng hạn như khi nhìn lên trời, nhìn vào một bức tường trắng, hay nhìn ra trời nắng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân khiến mắt nhìn thấy những đốm đen
Hầu hết các chấm đen trước mắt là một đám protein collagen bị co cụm lại thay vì phân bố đều như mắt bình thường. Khi các sợi protein tạo nên dịch kính hay pha lê thể co cụm xuống từng mảnh nhỏ và tụm lại với nhau tạo nên những đốm chơi vơi, lơ lửng trong buồng dịch kính. Khi mắt nhìn ra sáng, ánh sáng chiếu vào chúng, cái bóng của chúng in trên võng mạc khiến mắt nhìn có đốm đen.
Nếu bạn nhìn thấy những chấm đen xuất hiện cùng với chớp sáng, lòe lòe như hồ quang rất có thể bạn đã bị rách võng mạc hoặc bong võng mạc cần phải gặp bác sĩ ngay lập tức. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mắt nhìn thấy đốm đen:
- Những thay đổi ở mắt do tuổi tác. Đa số các trường hợp ruồi bay hay chấm đen trong mắt thường là kết quả những thay đổi do lão hóa của dịch kính. Đó là đám đục của protein lơ lửng trong buồng dịch kính, do đó khi ánh sáng đi qua mắt, những đám đục này sẽ tạo nên bóng nhỏ in trên võng mạc, khiến cho mắt nhìn thấy chấm đen.
- Viêm ở phía sau mắt. Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm ở các lớp của màng bồ đào ở phía sau của mắt do nhiễm trùng cũng tạo nên những đốm đen lơ lửng trong buồng dịch kính.
- Chảy máu hay xuất huyết trong buồng dịch kính. Có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm chấn thương, tắc nghẽn mạch máu, tiểu đường, tăng huyết áp…
- Rách võng mạc. Một số nguyên nhân có thể gây nên tình trạng vẩn đục dịch kính nhiều, xuất hiện các dải xơ co kéo lâu ngày có thể gây nên rách võng mạc. Nếu không điều trị, rách võng mạc có thể dẫn đến bong võng mạc và gây mù.
- Phẫu thuật mắt và sử dụng thuốc điều trị cho mắt. Một số thuốc được tiêm vào dịch kính gây ra bọt khí, sẽ làm vẩn đục dịch kính tạm thời cho đến khi chúng được hấp thụ. Bên cạnh đó, một số phẫu thuật nội nhãn cũng có thể gây nên tình trạng mắt nhìn thấy chấm đen. Chẳng hạn như các phẫu thuật bong võng mạc bơm dầu silicon nội nhãn
Những ai có nguy cơ mắc vẩn đục dịch kính?
Lão hóa là nguyên nhân chủ yếu khiến mắt nhìn thấy vệt đen. Tình trạng lão hóa làm cho cơ thể sản sinh ra một lượng lớn gốc tự do, gây biến tính các phân tử collagen, khiến chúng bị kết tụ lại, do đó sẽ gây nên hiện tượng ruồi bay. Người lớn tuổi là đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong số những người gặp phải tình trạng này.
Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại ngày nay, các trường hợp vẩn đục dịch kính ở người trẻ cũng đang ngày càng tăng lên. Nguyên nhân có thể là vì những lý do sau:
- Mắt bị tổn thương do tiếp xúc với ánh sáng xanh quá nhiều từ việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng, làm việc với máy tính, xem tivi… quá thường xuyên và kéo dài.
- Mắt không được bảo hộ: Người làm việc dưới trời nắng, làm việc với lò hàn, máy chụp X-quang, máy xạ trị nhưng không đeo kính bảo hộ.
- Chế độ ăn: Một chế độ ăn ít rau củ quả, nhiều đường, mỡ cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc vẩn đục dịch kính.
- Thức khuya, ngủ không đủ giấc.
- Từng bị chấn thương hoặc đã phẫu thuật mắt.
- Các nguy cơ khác như: Người mắc các bệnh về khúc xạ mắt (cận thị, loạn thị, viễn thị), viêm màng bồ đào, đục thủy tinh thể, bong rách võng mạc, viêm võng mạc sắc tố, bệnh võng mạc tiểu đường…
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán vẩn đục dịch kính?
Thông thường người bệnh chỉ đi khám khi mắt xuất hiện các chấm đen. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để đánh giá những vết vẩn đục này và kiểm tra võng mạc nhằm đảm bảo võng mạc không bị tổn thương hay có dấu hiệu bong, rách.
Bên cạnh đó, họ sẽ hỏi về triệu chứng, thị lực, tiền sử phẫu thuật hoặc các bệnh từng mắc phải. Những thông tin này sẽ trợ giúp cho quá trình chẩn đoán vẩn đục dịch kính.
Mắt bị ruồi bay có chữa được không?
Một số trường hợp nhẹ, những vết vẩn đục, hay hiện tượng ruồi bay ở mắt, sẽ từ từ di chuyển rời xa thành của võng mạc. Lúc này, bạn sẽ không nhận ra chúng nữa và nghĩ rằng chúng đã biến mất. Cơ thể thích nghi, có thể não bộ cũng dần bỏ qua chúng theo thời gian. Trong những trường hợp này, không thể nói là vẩn đục dịch kính tự khỏi nhưng đốm đen sẽ không tác động tới thị lực nữa.
Nhiều người cũng quan tâm đến thuốc nhỏ mắt chữa đục dịch kính hay vẩn đục dịch kính nhỏ thuốc gì. Tuy nhiên, những trường hợp xuất hiện ngày càng nhiều chấm đen trong mắt phải được phẫu thuật.
Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật được dùng trong điều trị vẩn đục dịch kính là:
- Sử dụng tia laser để phá vỡ các đám vẩn đục. Bác sĩ nhãn khoa dùng tia laser đặc biệt nhằm mục đích phá vỡ các đám vẩn đục trong dịch kính và thu nhỏ chúng làm chúng rời xa thành võng mạc người bệnh sẽ không nhìn thấy chúng nữa. Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp này không đạt được kết quả cao. Hơn nữa, rủi ro của việc điều trị bằng laser là làm tổn thương võng mạc nếu laser nhắm không chính xác. Vì vậy, phương pháp này không được sử dụng thường xuyên.
- Phẫu thuật cắt dịch kính. Bác sĩ nhãn khoa sẽ loại bỏ dịch kính bằng phương pháp cắt dịch kính, thay thế nó bằng một dung dịch mô phỏng dịch kính để giúp mắt duy trì hình dạng. Phương pháp này có thể không loại bỏ tất cả các đốm đen trong mắt và đám đục dịch kính mới có thể xuất hiện sau phẫu thuật. Rủi ro của phẫu thuật này bao gồm chảy máu, người bệnh có thể bị đục thủy tinh thể sớm, hoặc rách – bong võng mạc.
Cả 2 phương pháp này đều có nguy cơ gây ra các biến chứng như nhiễm khuẩn mắt, xuất huyết mắt, bong rách võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể… Thế nên, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân áp dụng trong những trường hợp dịch kính bị đục gần như hoàn toàn.
Vẩn đục dịch kính tuy không quá phổ biến như đục thủy tinh thể nhưng cũng khiến rất nhiều người phải sống với tình trạng thị lực kém gây khó khăn trong mọi hoạt động, sinh hoạt hằng ngày.
Biến chứng
Vẩn đục dịch kính có nguy hiểm không?
Tình trạng mắt nhìn có chấm đen không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hay tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, tầm nhìn của người bệnh có thể bị che khuất hoàn toàn gây suy giảm thị lực hay trở thành tiền đề dẫn đến các bệnh về mắt nguy hiểm khác như: bong rách võng mạc, phù võng mạc, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, glôcôm…
Do đó, nếu nhận thấy trong mắt có chấm đen hoặc các vật thể trôi nổi hay thậm chí chỉ là một chấm, vệt nhỏ bất thường, bạn cần đi khám ngay ở các bệnh viện có chuyên khoa mắt uy tín. Điều này giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của bạn và có phương án can thiệp kịp thời.
[embed-health-tool-heart-rate]