Thai chết lưu có thể được nhận biết bằng các dấu hiệu như thai không máy trong thời gian dài, chuột rút, chảy máu âm đạo… Vậy thai chết lưu bao lâu thì ra máu? Làm thế nào để phòng tránh?
Thai chết lưu (thai ngừng phát triển) là một biến chứng thai kỳ mà không mẹ bầu nào muốn gặp phải. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn xoay quanh biến chứng thai kỳ đáng tiếc này. Mời bạn cùng tìm hiểu!
Thai chết lưu là gì?
Trước khi đi tìm lời đáp cho thắc mắc thai chết lưu bao lâu thì ra máu, hãy cùng tìm hiểu thai chết lưu là gì.
Thai chết lưu là tình trạng thai nhi chết ngay trong tử cung của người mẹ sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc muộn hơn. Tình trạng em bé mất trước tuần thứ 20 của thai kỳ được gọi là sẩy thai. Theo các chuyên gia sản phụ khoa không phải lúc nào cũng biết tại sao thai chết lưu lại xảy ra, nhưng một số nguyên nhân phổ biến bao gồm sự phát triển của thai nhi kém, nhau bong non và dị tật bẩm sinh, mẹ bị tiểu đường thai kỳ.
Hầu hết phụ nữ từng gặp biến chứng thai chết lưu vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh trong thai kỳ tiếp theo. Nếu nguyên nhân thai chết lưu là do các rối loạn về nhiễm sắc thể hoặc vấn đề về dây rốn nguy cơ gặp phải biến chứng thai chết lưu ở thai kỳ sau là không cao. Trong trường hợp nguyên nhân gây ra tình trạng thai chết lưu là một căn bệnh mạn tính của mẹ bầu (bệnh lupus, tăng huyết áp mãn tính hoặc tiểu đường) hoặc một rối loạn di truyền của bố mẹ thì nguy cơ sẽ cao hơn.
Dấu hiệu thai chết lưu
Dấu hiệu thai chết lưu phổ biến nhất là khi các mẹ bầu nhận thấy thai nhi không còn có các cử động thai (thai máy). Một số mẹ bầu có thêm triệu chứng là chuột rút và chảy máu âm đạo. Cần lưu ý là các triệu chứng này không phải lúc nào cũng là triệu chứng cảnh báo thai lưu nhưng là dấu hiệu cảnh báo thai kỳ đang gặp nguy hiểm, mẹ bầu cần đi khám ngay.
Thực tế là có một số chị em chỉ nhận ra mình bị thai lưu khi đi khám thai định kỳ, khi bác sĩ sản khoa không nghe được nhịp tim thai bằng thiết bị nghe tim thai cầm tay. Nếu không ghi nhận được nhịp tim thai, các bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu siêu âm để kiểm tra/xác nhận rằng tim thai đã ngừng đập và em bé đã tử vong.
Trong một số trường hợp, siêu âm có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra thai lưu. Bác sĩ cũng có thể đề nghị mẹ bầu làm xét nghiệm máu để có thể xác định hoặc loại trừ các nguyên nhân gây thai lưu tiềm ẩn khác. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể cần kiểm tra các vấn đề về nhiễm sắc thể của thai nhi có thể gây ra hoặc góp phần dẫn đến thai chết lưu bằng mẫu bệnh phẩm khi lấy thai ra.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc: Thai chết lưu bao lâu thì ra máu?
Thai chết lưu bao lâu thì ra máu âm đạo là thắc mắc của không ít chị em bầu bí. Thông thường, sau khoảng 1-2 tuần thai chết lưu thì tử cung sẽ co bóp và đẩy thai ra ngoài, kèm theo đó là chảy máu âm đạo. Tùy vào cơ địa cũng như tuổi của thai lưu mà dấu hiệu chảy máu âm đạo cũng khác nhau. Lượng máu ít nhiều tùy thuộc vào từng mẹ bầu, nguyên nhân gây thai lưu và tình trạng thai nhi.
Do đó, nếu nhận thấy bị chảy máu âm đạo, bạn đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán. Trong một số trường hợp thai lưu, việc đưa thai ra ngoài càng sớm càng tốt là cần thiết để tránh viêm nhiễm tử cung. Thế nhưng cũng có những chị em khác được các bác sĩ khuyên nên chờ đợi, chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sinh nở diễn ra tự nhiên. Trong thời gian này, các chị em sẽ được nhân viên y tế theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng không bị nhiễm trùng hoặc các vấn đề về đông máu.
Làm thế nào để giảm nguy cơ thai chết lưu?
Điều quan trọng cần nhớ là các bác sĩ không biết tại sao một số trường hợp thai chết lưu lại xảy ra, do đó trong một số trường hợp không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phòng ngừa được nguy cơ thai chết lưu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách mà phụ nữ có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ xảy ra thai chết lưu:
1. Trước khi mang thai
Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra thai lưu, trước khi mang thai, chị em phụ nữ nên:
- Khám tiền sản trước khi mang thai: Nếu bạn đang dự định mang thai, hãy đi khám tiền sản. Điều này giúp các bác sĩ có thể dự đoán được một số nguy cơ từ đó có biện pháp giúp giảm thiểu các biến chứng thai kỳ chẳng hạn như thai chết lưu có thể xảy ra. Nếu bạn mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như đái tháo đường hoặc huyết áp cao, hãy hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để đảm bảo rằng bệnh được kiểm soát trước khi cố gắng thụ thai.
- Chú ý về việc dùng thuốc: Nếu bạn đang dùng thuốc, hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng. Bác sĩ có thể điều chỉnh lại toa thuốc nếu thấy cần thiết. Lưu ý là trước khi dùng bất cứ loại thuốc hay thảo dược nào, hãy tìm hiểu xem chúng có an toàn không, chỉ nên dùng với liều lượng bao nhiêu và trong bao lâu.
- Uống bổ sung axit folic: Ít nhất 1 tháng trước khi bạn bắt đầu có ý định mang thai, hãy uống 400 mcg axit folic mỗi ngày (có thể dùng viên bổ sung axit folic riêng biệt hoặc kết hợp với các vitamin tổng hợp trước sinh khác. Việc bổ sung đầy đủ axit folic trước sinh có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật bẩm sinh ống thần kinh chẳng hạn như tật nứt đốt sống cho thai nhi.
- Chủng ngừa: Đừng quên chủng ngừa đầy đủ các vaccine được khuyến nghị trước khi mang thai.
Ngoài ra, nếu bạn thừa cân hay béo phì, hãy cân nhắc việc giảm cân trước khi cố gắng thụ thai. Hãy đi khám và trao đổi với bác sĩ để có thể đạt được mức cân nặng khỏe mạnh. Theo các chuyên gia sản phụ khoa, phụ nữ mang thai béo phì nên hạn chế tăng cân khi mang thai, việc tăng cân bao nhiêu nên tùy thuộc vào chỉ số BMI trước khi bạn mang thai.
2. Trong thời gian mang thai
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế các biến chứng, chị em bầu bí nên thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh thuốc lá, rượu và chất gây nghiện: Không hút thuốc , uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích hoặc bất kỳ chất gây nghiện nào khi mang thai. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc lá, rượu hoặc chất gây nghiện, hãy cho bác sĩ biết để nhận được sự hỗ trợ hữu ích. Việc lạm dụng chất gây nghiện không chỉ khiến thai có nguy cơ chết lưu mà còn có thể gặp phải các biến chứng khác, bao gồm hội chứng rượu bào thai và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) .
- Theo dõi cử động thai: Từ khoảng 26 đến 28 tuần của thai kỳ, các mẹ bầu hãy tập đếm cử động thai (thai máy). Nếu nhận ra thai ngừng máy trong khoảng 1 giờ, hãy đến bệnh viện ngay.
- Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng: Điều này bao gồm thực hành vệ sinh tốt, như rửa tay, ăn thực phẩm được nấu chín, chủng ngừa đầy đủ các vaccine được khuyến nghị trong thai kỳ.
- Ngủ nghiêng, không nằm ngửa: Theo các chuyên gia sản khoa, từ tuần 28 của thai kỳ, việc mẹ bầu nằm ngửa khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu. Nguyên do là bởi, có ý kiến cho rằng việc mẹ bầu nằm ngửa có thể làm giảm lưu lượng máu và oxy đến thai nhi.
- Khám thai định kỳ, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm, theo dõi tim thai định kỳ (nếu cần): Việc mẹ bầu khám thai định kỳ có thể giúp các bác sĩ xác định được bất kỳ tình trạng nào có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng với các mẹ bầu có nguy cơ cao bị biến chứng thai kỳ.
Hello Bacsi hi vọng rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã hiểu rõ hơn về biến chứng thai kỳ này, đồng thời có được câu trả lời cho thắc mắc thai chết lưu bao lâu thì ra máu. Nếu từng gặp phải biến chứng thai chết lưu thai kỳ có nguy cơ cao, bạn sẽ được theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ để đảm bảo bé yêu được khỏe mạnh.
[embed-health-tool-due-date]