Xét nghiệm Non-stress test là một dạng kiểm tra sức khỏe của thai nhi nhằm mục đích phát hiện các nguy cơ, từ đó đưa ra phương án ngăn chặn kịp thời.
Trong quãng thời gian mang thai, có khá nhiều loại hình xét nghiệm mà bạn cần phải thực hiện để đảm bảo sức khỏe của mẹ và con ở trạng thai tốt nhất chẳng hạn như xét nghiệm double test, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu… Bên cạnh đó, một trong những xét nghiệm cũng không kém phần quan trọng là Non-stress test.
Xét nghiệm Non-stress test là gì?
Non-stress test là hình thức xét nghiệm không đau, được thực hiện khi mang thai để đánh giá tình trạng sức khỏe của em bé. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim thai nhi khi thai nhi đang nghỉ ngơi và lúc bé đang vận động (đá hoặc đạp).
Xét nghiệm thường được thực hiện nếu bạn đã qua ngày dự sinh hoặc trong 1 – 2 tháng trước ngày dự sinh khi thai kỳ có nguy cơ cao. Dưới đây là một số lý do phụ nữ mang thai cần làm Non-stress test:
- Thai nhi ít hoạt động
- Tăng huyết áp thai kỳ
- Bạn có quá ít hoặc quá nhiều nước ối
- Thai nhi có kích thước nhỏ hoặc không phát triển đúng như dự kiến
- Thai nhi đã được chẩn đoán là có bất thường hoặc dị tật bẩm sinh và cần được theo dõi
- Bạn từng sẩy thai khi đã mang thai ở nửa sau của thai kỳ. Trong trường hợp này, xét nghiệm Non-stress test có thể bắt đầu được thực hiện từ tuần 28
- Đang mắc phải chứng đái tháo đường và cần điều trị bằng thuốc, cao huyết áp hoặc một số tình trạng sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ
- Bạn đã thực hiện qua các thủ thuật y tế như xoay thai bên ngoài hoặc chọc ối vào tam cá nguyệt thứ ba (để xác định xem phổi của em bé đã đủ điều kiện chào đời và xác định nhiễm trùng tử cung).
Nguy cơ khi thực hiện xét nghiệm Non-stress test
Thử nghiệm Non-stress test là một dạng kiểm tra không xâm lấn, không gây ra rủi ro về thể chất cho bạn và em bé. Thuật ngữ “non-stress” đã xác định rõ mức độ vô hại đối với thai nhi. Tuy nhiên, bài xét nghiệm này lại khiến nhiều mẹ bầu lo lắng vì nó có thể dự báo một vài vấn đề sức khỏe ở bé.
Quy trình thực hiện xét nghiệm
Xét nghiệm Non-stress test không cần sự chuẩn bị nào quá đặc biệt nhưng mẹ bầu có thể đi vệ sinh và ăn no trước đó bởi thời gian tiến hành đôi khi kéo dài khá lâu. Ngoài ra, bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra huyết áp để chắc chắn các chỉ số đều ổn định.
Khi xét nghiệm, mẹ bầu sẽ nằm ngửa trên giường. Sau đó, bác sĩ sẽ buộc hai thiết bị vào bụng của bạn: Một thiết bị theo dõi nhịp tim và chuyển động của em bé, thiết bị còn lại có nhiệm vụ ghi nhận các cơn co bóp trong tử cung. Ngoài ra, bác sĩ sẽ phát cho bạn một thiết bị và yêu cầu bạn bấm vào nút màu đỏ nếu nhận thấy bé yêu chuyển động.
Bác sĩ bắt đầu lắng nghe và theo dõi nhịp tim thai nhi thông qua màn hình trong khi các cơn co thắt của bạn được ghi lại trên giấy. Nếu thai nhi không di chuyển, rất có khả năng là bé đang ngủ. Do đó, bác sĩ sẽ đề nghị bạn uống một ít nước để con yêu cử động hoặc đánh thức thai nhi bằng cách nhẹ nhàng xoa lên bụng mẹ bầu. Bài kiểm tra này thường mất 20 đến 60 phút.
Kết quả kiểm tra nói lên điều gì?
Kết quả của một bài xét nghiệm non-stress test sẽ được xem xét thông qua các yếu tố:
Đáp ứng
Trước tuần thứ 32 của thai kỳ, kết quả được coi là bình thường (có đáp ứng) nếu nhịp tim của em bé tăng nhanh đến một mức nhất định trên đường cơ sở từ 2 lần trở lên trong ít nhất 10 giây, mỗi lần trong vòng 20 phút.
Ở tuần thứ 32 của thai kỳ hoặc muộn hơn, nếu nhịp tim của em bé tăng nhanh đến một mức nhất định trên mức cơ bản hai lần trở lên trong ít nhất 15 giây mỗi lần trong vòng 20 phút thì thai nhi nằm ở mục có đáp ứng.
Không đáp ứng
Nếu nhịp tim của bé không đáp ứng các tiêu chí được mô tả ở trên thì bác sĩ sẽ cân nhắc vào mục không đáp ứng. Kết quả không đáp ứng có thể xảy ra do thai nhi không hoạt động hoặc ngủ trong lúc thực hiện xét nhiệm.
Kết quả xét nghiệm Non-stress test được xem là yên tâm dựa trên thời gian quan sát cần thiết. Tuy nhiên, nếu bài kiểm tra kéo dài đến 40 phút nhưng kết quả đưa ra lại là “không đáp ứng” thì bác sĩ có thể sẽ thực hiện một vài xét nghiệm tiền sản khác nhằm kiểm tra sức khỏe của thai nhi, chẳng hạn như:
- Sơ lược sinh lý: Đây là hình thức lập hồ sơ trắc đồ sinh vật lý kết hợp xét nghiệm Non-stress test cùng siêu âm thai nhi để đánh giá nhịp thở, cử động cơ thể, trương lực cơ và mức nước ối của bé.
- Kiểm tra stress test: Xét nghiệm này xem xét nhịp tim của em bé phản ứng như thế nào khi tử cung của mẹ bầu co lại. Trong bài kiểm tra stress test, nếu tử cung không thể tự hoạt động bình thường, bạn sẽ được tiêm oxytocin thông qua tĩnh mạch hoặc được yêu cầu kích thích núm vú để kích thích tử cung.
Stress test được thực hiện khi nào?
Bác sĩ sẽ tiến hành stress test vì một vài lý do như sau: Đầu tiên, bạn có thể có hoặc không có cơn co tử cung tại thời điểm này trong thai kỳ. Nếu có thì đây sẽ là các cơn gò Braxton sinh lý và chúng xuất hiện ở mức độ nhẹ, không đều và lẻ tẻ. Cơn gò Braxton-Hicks khá vô hại và phổ biến trong tam cá nguyệt thứ ba.
Nhưng nếu mẹ bầu mang thai dưới 37 tuần và bị co thắt liên tục, lặp đi lặp lại một cách đều đặn thì đây có thể là dấu hiệu của sinh non và bác sĩ sẽ muốn đánh giá cổ tử cung để xem bộ phận này có xóa mở không.
Một lý do khác để theo dõi các cơn gò là để xem liệu nhịp tim của em bé có thay đổi hay không. Nếu nhịp tim giảm trong cơn co, đây là dấu hiệu cho thấy nhau thai dường như đang có vấn đề và việc cung cấp oxy cho em bé không được diễn ra như bình thường.
[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]