backup og meta

Mang thai tuần 35: Lưu ý quan trọng về sự phát triển của bé

Mang thai tuần 35: Lưu ý quan trọng về sự phát triển của bé

Chỉ có 4 tuần nữa em bé sẽ ra đời! Ở giai đoạn thai 35 tuần, bé vẫn đang dần hoàn thiện để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ. Bạn muốn biết bé phát triển như thế nào khi mang thai tuần 35? Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây nhé.

Bạn bối rối, lo lắng, vui mừng và sợ hãi? Thai 35 tuần là mấy tháng? Thai 35 tuần phát triển như thế nào? Thai 35 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn? Bé có an toàn và khỏe mạnh không? Đây là những băn khoăn mà hầu như mẹ bầu nào cũng có khi mang thai tuần 35.

Trong quá trình phát triển, mang thai 35 tuần là cột mốc quan trọng mà mẹ bầu cần chú ý bởi bầu 35 tuần có nghĩa là bạn đã mang thai tháng thứ 8, đây là lúc mà bé phát triển với tốc độ rất nhanh.

Thai 35 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn? Thai 35 tuần phát triển như thế nào?

Cân nặng thai nhi 35 tuần là khoảng 2,3 kg và có chiều dài đầu mông khoảng 32cm. 35 tuần cũng lời thời điểm bạn bước sang tháng thứ 8 của thai kỳ. Lúc này, bé không còn cử động quá nhiều vì tử cung đã trở nên quá chật chội so với bé. Dưới đây là một số thay đổi của bé trong tuần này:

Tuần này, bé sẽ tập trung phát triển cân nặng, bé tăng ít nhất 0,25g mỗi tuần. Ngoài ra, cơ thể bé cũng đang tích mỡ. Đến tuần 35, cơ thể bé sẽ có khoảng 15% chất béo, nhưng đến khi bé chào đời thì con số này đã tăng lên khoảng 30%. Chất béo giúp da bé bớt nhăn nheo và giữ ấm cho cơ thể.

Khi mang thai tuần thứ 35, cơ thể bé dần hoàn thiện, chỉ còn một vài cơ quan vẫn đang tiếp tục phát triển như phổi. Não cũng tiếp tục phát triển nhanh chóng. Thận cũng phát triển đầy đủ và gan đã bắt đầu hoạt động. Đôi tai của bé đã được hình thành và hoạt động tốt. Đó là lý do tại sao mà bạn thường cảm nhận được thai nhi 35 tuần đạp nhiều khi bạn nói chuyện hoặc hát cho bé nghe.

Lớp lông tơ mềm mại phủ quanh cơ thể bé và lớp màng mỡ Vernix Caseosa màu bọc quanh da bé cũng thụt vào bên trong. Về tư thế nằm của thai nhi 35 tuần, giai đoạn này bé sẽ nằm ở tư thế chúc đầu xuống dưới để chuẩn bị chào đời.

Xung quanh vấn đề về cân nặng thai nhi 35 tuần, thực tế, một số mẹ bầu sẽ có rất nhiều băn khoăn như thai 35 tuần nặng 3kg có to, thai 35 tuần nặng 2kg có nhỏ không… Với băn khoăn này, nếu so sánh theo cân nặng chuẩn, bé sẽ có phần hơi to/hơi nhẹ hơn. Tuy nhiên, phần chênh lệch này không nhiều nên bạn không cần quá lo lắng, căng thẳng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trường hợp mẹ nghi ngờ bé đang gặp vấn đề hoặc cân nặng của con lệch quá nhiều so với cân nặng chuẩn thì đừng ngần ngại hỏi thêm ý kiến bác sĩ nhé!

Thai 35 tuần có thể sinh được không?

Thai 35 tuần mổ được không là thắc mắc rất thường gặp. Những bé sinh trước 37 tuần thường được gọi là sinh non, nhưng nếu bé được sinh ra ở 35 tuần thì bé sẽ được phân vào trường hợp sinh non muộn. Nếu bé chào đời ở thời điểm này, bé sẽ gặp các vấn đề về hô hấp do phổi vẫn chưa phát triển đầy đủ.

Ngoài ra, bé phải được chăm sóc trong lồng ấp để duy trì nhiệt độ cơ thể do lượng chất béo lưu trữ trong cơ thể trẻ thấp, dễ bị hạ nhiệt độ. Sinh non khá phổ biến trong những trường hợp mang thai đôi hoặc nếu bạn bị các biến chứng như tiền sản giật hoặc viêm đường tiết niệu.

Ngoài ra, sinh non cũng phổ biến ở những phụ nữ mang thai trong độ tuổi vị thành niên và những phụ nữ lớn tuổi. Việc sử dụng rượu, ma túy hoặc thuốc lá cũng gây sinh non.

Những thay đổi ở cơ thể mẹ bầu khi mang thai 35 tuần

mang thai tuần 35

Bé cưng của bạn gần như đã phát triển hoàn thiện, chỉ còn một vài cơ quan như phổi và gan vẫn còn đang tiếp tục tăng trưởng. Một số thay đổi ở mẹ bầu trong giai đoạn này:

  • Tăng cân
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Ợ nóng
  • Táo bón
  • Khó chịu và đau đầu
  • Phù nề
  • Bé sẽ di chuyển về ngôi thai thuận hay tư thế chúc đầu xuống gần với cổ tử cung của mẹ
  • Các cơ quan nội tạng tiếp tục phát triển
  • Chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển dạ.

Đi tiểu thường xuyên khi mang thai 35 tuần

Các cơ quan nội tạng như bàng quang và phổi chịu áp lực rất lớn khi bé phát triển rất nhanh trong tử cung. Bàng quang chẳng thể chứa quá vài ml nước, tức là bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn.

Nếu bé đang ở ngôi thai thuận, tức chúi vào xương chậu của bạn thì đầu bé cũng không nằm cách bàng quang quá xa, do đó tình trạng này là hoàn toàn bình thường. Bạn không thể ngăn ngừa được tình trạng đi tiểu thường xuyên, dù đã cố gắng làm cho “bàng quang” thật rỗng sau khi đi tiểu.

Nếu bạn đang rơi vào trường hợp này, các bài tập Kegel sẽ rất hữu ích bởi chúng giúp tăng cường cơ xương chậu và kiểm soát tình trạng són tiểu. Tuy nhiên, bạn không được tránh uống nước bởi uống nước nhiều sẽ giúp bạn ngăn ngừa táo bón và phù nề. Ngoài ra, nước cũng giúp bé hấp thụ các chất dinh dưỡng từ tế bào máu được tốt hơn.

Chứng ợ nóng

Khi thai 35 tuần, tử cung của bạn phát triển lớn hơn, tạo áp lực nhiều lên dạ dày khiến chứng ợ nóng ngày càng trầm trọng. Ợ nóng gây cảm giác nóng rát khó chịu trong thực quản của mỗi người. Đây là biểu hiện của chứng khó tiêu, axit từ dạ dày sẽ trào lên thực quản tạo ra cảm giác nóng rát ở cổ họng. Chứng bệnh này sẽ biến mất ngay sau khi bạn sinh con.

Để khắc phục chứng ợ nóng, bạn nên tránh dùng các thức ăn cay và béo. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh dùng những sản phẩm có chứa caffeine vì chất này gây nên tính axit. Uống nhiều nước trước và sau bữa ăn nhưng không uống khi đang ăn. Mặc quần áo thoải mái để cơ thể cảm thấy dễ chịu.

Bên cạnh đó, bạn nên ngừng ăn uống ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ để cho dạ dày kipj tiêu hóa thức ăn. Quan trọng hơn, bạn tuyệt đối đừng bỏ bữa nhé vì bụng đói cũng gây ra chứng ợ nóng nữa đấy.

Táo bón khi mang thai 35 tuần

Không những vậy, mang thai tuần 35, trọng lượng của thai nhi trong tử cung đè lên ruột và tác động lên các khoảng trống trong bụng khiến chuyển động trong ruột trở nên khó khăn hơn. Việc bổ sung sắt cũng có thể dẫn đến táo bón. Ngoài ra, khi mang thai, nội tiết tố thay đổi gây ra sự co giãn và lỏng lẻo của các dây trong thành ruột.

Táo bón khi thai nhi 35 tuần là một triệu chứng bình thường và không có gì phải lo lắng. Thế nhưng, nếu không xử lý kịp thời thì nhiều khả năng bạn sẽ mắc phải bệnh trĩ. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy ưu tiên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và uống nước trái cây. Việc uống nhiều nước cũng giúp hệ tiêu hóa làm việc dễ dàng hơn.

Phù nề

Bạn thường bị phù chân? Khi mang thai tuần thứ 35, tử cung phát triển khiến cho động mạch chủ và các tĩnh mạch ở khung chậu bị chèn ép làm cho máu không xuống đến chân được. Đây là một triệu chứng rất phổ biến ở giai đoạn cuối của thai kỳ và thường trở nên tồi tệ hơn vào tháng cuối cùng.

Phù nề là một tình trạng hoàn toàn bình thường và không có gì phải lo lắng, trừ khi bạn bị sưng khuôn mặt hoặc quanh mắt. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý vì đây cũng có thể là biểu hiện của tiền sản giật, một bệnh lý rất nguy hiểm trong thai kỳ.

Để khắc phục chứng phù nề, bạn không nên đứng hoặc ngồi lâu một chỗ. Mang giày dép thoải mái khi di chuyển. Và quan trọng nhất là uống thật nhiều nước. Bàn chân sẽ trở lại kích thước bình thường sau khi sinh.

Đau cột sống lưng

Khi bé phát triển, tử cung to ra, chèn ép thần kinh, mạch máu ở phần lưng gây đau lưng. Khi mang thai tuần thứ 35, lưng phải chịu trọng lượng của em bé trong bụng nên bị khòm xuống. Nội tiết tố thay đổi cũng tạo ra nhiều vấn đề. Nồng độ estrogen và progesterone tăng cao làm các khớp và dây chằng lỏng lẻo dẫn tới đau cột sống lưng.

Cũng như những triệu chứng khác, đau lưng khi mang thai sẽ biến mất sau khi sinh. Khi ngủ, bạn nên nằm nghiêng một bên để tránh đau lưng. Nếu bạn không thể chịu đựng được, hãy đến khám bác sĩ.

Khoảng tuần 34–36, bé sẽ cuộn mình và chúc đầu xuống dưới khung xương chậu, mặt quay về lưng mẹ và sẵn sàng chào đời. Điều này thường xảy ra sớm hơn ở những bà mẹ mang thai lần đầu tiên.

Nếu bạn mang thai đôi, sẽ có trường hợp cả hai bé hoặc một trong hai bé sẽ không chúc đầu xuống. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sinh mổ.

Thai 35 tuần gò nhiều

Thai 35 tuần gò nhiều hay thai 35 tuần gò cứng bụng là hiện tượng rất thường gặp. Theo các chuyên gia, thai 35 tuần gò nhiều chủ yếu là do những cơn gò sinh lý (Braxton-Hicks). Những cơn gò này không gây đau đớn cho mẹ bầu, thường diễn ra rất nhanh (chỉ khoảng 30 giây) và sẽ tự biến mất khi mẹ nghỉ ngơi.

Nếu cơn gò diễn ra đều đặn trong khoảng thời gian dài với tần suất tăng dần trong 1 giờ đồng hồ, đi cùng với đó là các biểu hiện như bị đau bụng, chảy máu âm đạo… thì mẹ nên đi khám ngay bởi đây có thể là dấu hiệu chuyển dạ tuần 35 hoặc dấu hiệu sinh non tuần 35.

Thai 35 tuần ít đạp có sao không? Liệu bé có đang gặp vấn đề và có dấu hiệu sinh non? Nhìn chung, trong giai đoạn này, do khoảng trống trong bụng mẹ dần bị thu hẹp nên bé không thực hiện những cú đá, nhào lộn nhiều như trước. Tuy nhiên, nếu bạn quá lo lắng cho sức khỏe bé cưng thì hãy đi khám và hỏi thêm ý kiến bác sĩ.

Lời khuyên cho các mẹ bầu khi mang thai 35 tuần

mang thai tuần 35

Mẹ bầu nên bắt đầu chuẩn bị giỏ đồ đi sinh khi thai 35 tuần. Bạn hãy lập sẵn danh sách những vật dụng cần thiết và sắp xếp chúng vào một giỏ đồ riêng để dễ dàng mang theo khi chuyển dạ bất ngờ.

Ngoài ra, bạn cũng nên mua sắm quần áo, trang thiết bị và những vật dụng cần thiết cho bé. Bạn hãy mua thêm miếng lót ngực hoặc áo ngực dành cho bà bầu vì ngực bạn sẽ bắt đầu ra sữa non trong giai đoạn này.

Khi bạn tăng cân, ngực sẽ trở nên nặng nề khiến bạn cảm thấy không thoải mái, đặc biệt khi ngủ. Áo ngực cho bà bầu sẽ giúp bạn có cảm giác thoải mái khi mặc, ngoài ra bạn cũng có thể mặc vào ban ngày.

Vài tuần tiếp theo, bạn sẽ rất bận rộn vì ngày chuyển dạ đang dần đến gần. Do đó, bạn sẽ không có thời gian để ngủ hoặc sắp xếp những công việc gia đình. Hãy tận dụng thời gian này để lên kế hoạch cho những ngày sắp đến. Ngoài ra, bạn cũng có thể dành thời gian để tìm một y tá chăm sóc sức khỏe cho bé.

Bạn cũng nên chuẩn bị các những vật dụng cá nhân cần thiết như như xà phòng, bàn chải đánh răng… để không phải bối rối khi đến ngày chuyển dạ.

Bé đang phát triển nhanh chóng, do đó bạn cần phải ăn uống đầy đủ để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho bé. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt, chất đạm và canxi để phòng ngừa thiếu máu. Tử cung mở rộng tạo áp lực lên dạ dày khiến bạn thường xuyên thấy khó chịu, do đó dễ ảnh hưởng đến các thói quen ăn uống của bạn. Hãy ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ăn một bữa quá no để tránh tình trạng khó tiêu và đau dạ dày.

Bác sĩ khuyên các bà mẹ đang mang thai nên tập thể dục thường xuyên. Đi bộ và bơi lội đều là những bài tập tuyệt vời, tuy nhiên hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi luyện tập nhé.

Lời khuyên cho người cha khi vợ mang thai tuần thứ 35 

thai nhi 35 tuần tuổi

  • Trong giai đoạn này, tâm trạng của người phụ nữ rất thất thường. Đôi khi, cô ấy rất bực bội hoặc xúc động và có thể khóc bất cứ lúc nào. Điều này khiến cho nhiều người chồng khá lo lắng vì e ngại tình trạng này sẽ kéo dài. Đừng quá lo lắng, bởi đây chỉ là tình trạng tạm thời do nội tiết tố của người phụ nữ thay đổi khi mang thai. Hãy nói “CÓ” với tất cả những gì vợ yêu cầu.
  • Bạn hãy thông cảm với vợ chứ đừng cảm thấy khó chịu. Khi cô ấy phàn nàn về việc thiếu ngủ hoặc đau lưng, đừng chỉ trích cô ấy quá nhiều, thay vào đó hãy giúp vợ xoa bóp. Nếu vợ than mệt, hãy giúp vợ làm một vài việc lặt vặt.

Khi mang thai tuần thứ 35, bạn hoàn toàn yên tâm về sự an toàn của bé. Hãy đến bác sĩ kiểm tra thường xuyên để theo dõi sát sao quá trình phát triển của con. Ngoài ra, bạn cũng nên gấp rút hoàn thành việc chuẩn bị vật dụng đi sinh và đồ sơ sinh cho bé trong giai đoạn này để tránh lúng túng, cập rập ở những tuần cuối cùng của thai kỳ. Nếu bạn vẫn không biết chuẩn bị thế nào cho đầy đủ thì hiện nay, một số cửa hàng mẹ và bé có gợi ý combo dự sinh tiện lợi, giúp bạn không phải “đau đầu” lên danh sách mua sắm như trước nữa. Bạn có thể tham khảo những combo này của các cửa hàng để chuẩn bị đồ dùng đầy đủ nhất cho quá trình sinh nở và nuôi con.

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Week-by-week guide to pregnancy https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/3rd-trimester/week-35/  Ngày truy cập 08/10/2021

35 Weeks Pregnant https://www.tommys.org/pregnancy-information/im-pregnant/pregnancy-week-by-week/35-weeks-pregnant-whats-happening Ngày truy cập 08/10/2021

35 Weeks https://raisingchildren.net.au/pregnancy/week-by-week/third-trimester/35-weeks Ngày truy cập 08/10/2021

Pregnancy Week 35 https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/week-by-week/pregnancy-week-35/ Ngày truy cập 08/10/2021

Pregnancy at week 35 https://www.pregnancybirthbaby.org.au/pregnancy-at-week-35 Ngày truy cập 08/10/2021

Phiên bản hiện tại

20/02/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Túy Phượng

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bà bầu ăn gan heo được không? Nên ăn bao nhiêu và cần lưu ý gì?

Tại sao cần xét nghiệm công thức máu khi mang thai?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Túy Phượng

Sản - Phụ khoa · Phòng khám Sản Phụ Khoa - KHHGĐ BS. Trần Túy Phượng


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 20/02/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo