backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mang thai 9 tuần bụng to chưa? Mẹ có nên siêu âm ở tuần này?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/04/2023

    Mang thai 9 tuần bụng to chưa? Mẹ có nên siêu âm ở tuần này?

    Khi mang thai ở tuần thứ 9, em bé của bạn không còn là một phôi thai nữa mà sẽ được gọi là thai nhi. Điều này nghĩa là em bé đang ngày càng phát triển lớn hơn, khỏe hơn và trông giống một đứa trẻ hơn mỗi ngày. Vì vậy, trong giai đoạn này, nhiều mẹ cũng háo hức với câu hỏi rằng liệu mang thai 9 tuần bụng to chưa? Các triệu chứng khi mang thai 9 tuần là gì? Có nên siêu âm khi thai 9 tuần không?

    Trong bài viết sau đây, Hello Bacsi sẽ tổng hợp thông tin giải đáp cụ thể các vấn đề liên quan đến cơ thể mẹ bầu ở tuần thứ 9 của thai kỳ. Việc chủ động tìm hiểu những vấn đề này có thể giúp mẹ chăm sóc bản thân và thai kỳ tốt nhất.

    Mang thai 9 tuần là bao nhiêu tháng? Điều gì đang xảy ra bên trong cơ thể mẹ?

    Mặc dù các tuần thường được sử dụng để đánh giá giai đoạn mang thai nhưng nhiều mẹ cũng có thể quan tâm mình đang mang thai ở tháng thứ mấy của thai kỳ. Thông thường, khi mẹ bầu ở tuần thứ 9 nghĩa là đang bước sang tháng thứ ba của thai kỳ. Trước khi tìm hiểu vấn đề “thai 9 tuần bụng to chưa?”, có lẽ nhiều mẹ cũng quan tâm đến những thay đổi đang diễn ra bên trong cơ thể ở tuần này.

    Trên thực tế, hormone thai kỳ hCG thường đạt mức cao nhất và tràn ngập trong cơ thể của mẹ bầu ở tuần thứ 9. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy không khỏe nhưng hãy yên tâm là trong một tháng nữa, khi bước sang 3 tháng giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai) thì bạn sẽ cảm thấy tốt hơn.

    Ngoài ra, mang thai 9 tuần cũng là lúc hormone estrogen và progesterone ở mức cao hơn. Điều này giúp tăng lượng máu cung cấp cho tử cung. Không những vậy, dưới sự ảnh hưởng của các hormone, cơ thể của mẹ cũng trải qua những thay đổi về trao đổi chất. Song song đó, tâm trạng của mẹ bầu cũng sẽ thay đổi thất thường hơn. Vì vậy, điều quan trọng là mẹ cần nghỉ ngơi nhiều trong giai đoạn này và nhờ đến sự giúp đỡ khi cần thiết nhé!

    Mang thai 9 tuần bụng to chưa? Triệu chứng khi mang thai ở tuần 9 là gì?

    thai 9 tuần bụng đã to chưa

    Sau khi đã hiểu được những thay đổi đang diễn ra bên trong cơ thể khi mang thai 9 tuần, các biểu hiện bên ngoài như mang thai 9 tuần bụng to chưa hay các triệu chứng khi mang thai ở tuần thứ 9 là gì… cũng được nhiều mẹ quan tâm.

    Mang thai 9 tuần bụng to chưa?

    Những câu hỏi như “có thai mấy tháng bụng to?” hoặc “thai 9 tuần bụng to chưa?” luôn là mối quan tâm, tò mò của nhiều chị em đang bầu bí. Thông thường, mẹ bầu vẫn chưa lộ bụng bầu rõ rệt khi mới mang thai 9 tuần. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy bụng dưới ngày càng săn chắc hơn và có vẻ hơi gồ lên. Ví dụ như mẹ bầu có thể nhận thấy khó cài nút quần jeans hơn, mặc quần áo có vẻ hơi chật hơn bình thường.

    Thực chất, điều này là do tử cung của mẹ đang tiếp tục mở rộng để đáp ứng với sự phát triển của em bé. Mặc dù chưa thấy bụng lộ rõ ở tuần 9 nhưng rất nhanh sau đó, bụng bầu của mẹ có thể to lên vào khoảng tuần 12 đến 16 của thai kỳ. Lưu ý trong trường hợp mẹ nhận thấy bụng bầu khá rõ ở tuần 9, điều này có thể là do bạn đã có sự nhầm lẫn về thời điểm thụ thai dẫn tới tính sai tuổi thai và ngày dự sinh. Vì vậy, nếu có bất kỳ lo ngại nào về vấn đề này thì bạn có thể đi khám để được bác sĩ hỗ trợ, giải đáp nhé!

    Các triệu chứng khi mang thai 9 tuần

    Các triệu chứng ở tuần thứ 9 thai kỳ thường giống với những triệu chứng bạn đã trải qua trong những tuần trước đó, bao gồm:

    • Ốm nghén: Buồn nôn hoặc nôn mửa khi mang thai ở tuần thứ 9 là điều bình thường. Mẹ có thể yên tâm rằng khi gần kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên, triệu chứng này sẽ sớm giảm đi.
    • Mệt mỏi: Mẹ có thể cảm thấy rất mệt mỏi trong khoảng thời gian này do cơ thể đang sử dụng rất nhiều năng lượng để giúp em bé phát triển.
    • Ngực lớn hơn, sưng đau: Khi mang thai ở tuần 9, bầu ngực của mẹ thường có sự thay đổi rõ rệt hơn về kích thước do ảnh hưởng của hormone. Các triệu chứng phổ biến bao gồm căng tức ngực và đau ngực. Mặc dù ngực của bạn tiếp tục phát triển trong suốt thai kỳ nhưng sự nhạy cảm sẽ giảm đi do bạn đang thích nghi dần với sự gia tăng hormone.
    • Thường xuyên đói bụng, thích ăn vặt: Mẹ bầu có thể cảm thấy đói bụng hơn bình thường. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị thêm một số đồ ăn nhẹ lành mạnh như trái cây, các loại hạt, sữa chua, trứng luộc…
    • Đi tiểu thường xuyên: Sự thay đổi của nội tiết tố kết hợp với áp lực lên bàng quang do sự phát triển của tử cung có thể khiến mẹ bầu lúc nào cũng cần “ghé thăm” nhà vệ sinh.
    • Các vấn đề tiêu hóa: Sự gia tăng hormone progesterone có thể làm chậm quá trình tiêu hóa ở mẹ bầu. Điều này thường dẫn đến tình trạng đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng
    • Nhức đầu, nghẹt mũi: Đây cũng là những triệu chứng phổ biến trong giai đoạn thai kỳ này do ảnh hưởng của sự thay đổi hormone.

    Mẹ bầu có nên siêu âm khi thai 9 tuần không?

    thai 9 tuần bụng đã to chưa

    Nếu có một thai kỳ khỏe mạnh, bác sĩ có thể đề xuất mẹ siêu âm lần đầu trong khoảng từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Điều này đồng nghĩa rằng khi ở tuần thứ 9, mẹ cũng có thể đi siêu âm để bác sĩ kiểm tra sự phát triển của em bé. Trong lần siêu âm này, bác sĩ có thể thực hiện siêu âm đầu dò qua đường âm đạo để xác định thai nhi có nằm trong tử cung hay không.

    Trong trường hợp thai kỳ có nguy cơ cao gặp phải các rủi ro, chẳng hạn như với mẹ bầu lớn tuổi, bác sĩ thường yêu cầu mẹ tiến hành sàng lọc 3 tháng đầu bằng cách kết hợp siêu âm với xét nghiệm máu. Xét nghiệm giúp loại trừ nguy cơ gia tăng các bất thường về gene, chẳng hạn như hội chứng Down ở trẻ. Vì vậy, nếu mẹ mang thai trong độ tuổi 35 trở lên hoặc nếu gia đình bạn có tiền sử rối loạn di truyền thì đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ về việc sàng lọc 3 tháng đầu.

    Với thắc mắc “mang thai 9 tuần bụng to chưa?” tưởng chừng là vấn đề không quan trọng. Thế nhưng, việc quan tâm đến những thay đổi bên ngoài cũng là cách giúp mẹ yên tâm rằng mình đang có một thai kỳ khỏe mạnh và em bé đang phát triển tốt. Vì vậy, hy vọng bài viết đã cung cấp cho mẹ những thông tin hữu ích để chủ động hơn trong việc kiểm tra sức khỏe khi mang thai nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo