backup og meta
Chuyên mục

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Dấu hiệu mang thai giả là gì? Làm sao phân biệt với mang thai thật?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 13/11/2022

    Dấu hiệu mang thai giả là gì? Làm sao phân biệt với mang thai thật?

    Trong một số trường hợp, ngay cả khi bạn có những dấu hiệu mang thai điển hình như buồn nôn, mệt mỏi, trễ kinh… thì vẫn không có sự thụ thai nào diễn ra. Mặc dù nghe vô lý nhưng đây là một hiện tượng có thật. Khoa học gọi đó là tình trạng mang thai giả hoặc mang thai ảo. Trong đó, các dấu hiệu mang thai giả gần như giống với dấu hiệu mang thai thông thường nên có thể gây bối rối với chị em nào đang trải qua hiện tượng này.

    Trên thực tế, mang thai giả tuy khá hiếm gặp nhưng có thể gây tò mò đối với không ít người, đặc biệt là những chị em đang mong ngóng “tin vui”. Tình trạng mang thai giả không gây nguy hiểm nhưng tiềm ẩn sau đó có thể là vấn đề nội tiết hoặc tâm lý. Vì vậy, việc hiểu đúng về tình trạng này cũng là điều rất cần thiết. Lời khuyên là bạn nên đi khám càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ mình có bất kỳ triệu chứng mang thai giả nào nhé!

    Mang thai giả là gì? Hiện tượng này có phổ biến không?

    Mang thai giả hoặc mang thai ảo là hiện tượng mà một người tin rằng họ đang mang thai và cũng có những triệu chứng điển hình của thai kỳ. Tuy nhiên, kết quả siêu âm lại cho thấy không có bất kỳ bào thai nào đang phát triển trong tử cung của họ.

    Nói cách khác, bạn có thể hiểu đơn giản mang thai giả nghĩa là không có sự thụ thai nhưng lại có dấu hiệu mang thai. Nghe thì tưởng chừng như vô lý nhưng đây lại là hiện tượng có thật và pseudocyesis là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ hiện tượng mang thai giả này.

    Trên thực tế, mang thai giả là trường hợp rất hiếm gặp. Ước tính trong 22.000 người mang thai sẽ có khoảng 1 đến 6 người gặp phải hiện tượng mang thai giả. Độ tuổi của người có khả năng mang thai ảo thường trong khoảng từ 16 đến 39 tuổi.

    Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng mang thai giả?

    dấu hiệu mang thai giả

    Trước khi tìm hiểu về dấu hiệu mang thai giả, chắc hẳn bạn cũng thắc mắc vì sao điều này lại có thể xảy ra? Trên thực tế, các chuyên gia y tế vẫn chưa thể giải thích vì sao có hiện tượng mang thai giả. Tuy nhiên, một số nghi ngờ cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến vấn đề tâm lý, xuất phát từ tổn thương thể chất hoặc tinh thần. Ngoài ra, một số ý kiến khác lại cho rằng mang thai giả có thể là do mất cân bằng hóa học trong hệ thần kinh. Tựu chung lại, có một số sự kiện sau đây đã được nghi ngờ là có thể khiến bạn mang thai ảo, bao gồm:

    • Sảy thai nhiều lần
    • Từng trải qua chấn thương tâm lý do mất con
    • Vô sinh
    • Lo lắng, căng thẳng hoặc trầm cảm
    • Từng bị lạm dụng tình dục
    • Sụp đổ về tinh thần
    • Khao khát có con quá mãnh liệt hoặc ngược lại, bạn quá sợ hãi việc mang thai.

    Trong tất cả những lý do được quan tâm kể trên thì việc mong muốn mang thai quá mức là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng mang thai giả. Khi bạn khao khát có con mãnh liệt, điều này có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố. Từ đó gây ra các triệu chứng và dấu hiệu mang thai giả giống như mang thai thật.

    Nếu bạn không thể mang thai, nguyên nhân có thể do hiếm muộn, vô sinh hoặc bạn đang bước vào thời kỳ mãn kinh. Nhiều phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh cũng có thể phát triển một loại trầm cảm dẫn đến tình trạng mang thai giả.

    Các dấu hiệu mang thai giả là gì?

    Hầu hết phụ nữ mang thai giả đều tin rằng họ thực sự đang mang thai vì các dấu hiệu mang thai giả rất giống với khi mang thai thật, bao gồm:

    • Trễ kinh
    • Ốm nghén (buồn nôn và nôn)
    • Ngực sưng, mềm, thay đổi sắc tố và kích thước
    • Bụng to lên
    • Tăng cân
    • Thay đổi khẩu vị
    • Đi tiểu thường xuyên
    • Có sự thay đổi trên da và tóc
    • Đau lưng, chuột rút
    • Cảm nhận được chuyển động của thai nhi và các cơn co thắt.

    Các triệu chứng, dấu hiệu mang thai giả có thể kéo dài trong vài tuần, thậm chí là đến hết 9 tháng hoặc lâu hơn. Trong một số trường hợp, phụ nữ trải qua hiện tượng mang thai ảo có thể có nồng độ estrogen hoặc prolactin tăng cao. Nguyên nhân có thể liên quan đến các vấn đề về thể chất cũng như tâm lý, chẳng hạn như mong muốn gắn bó với em bé, khi mang thai giả.

    Làm sao phân biệt mang thai giả với mang thai thật? Nếu dùng que thử thai, mang thai giả có lên 2 vạch không?

    dấu hiệu mang thai giả

    Như đã đề cập, các dấu hiệu mang thai giả về mặt thể chất đều giống như khi phụ nữ mang thai thật sự. Tuy nhiên, điều khác biệt duy nhất là không có sự thụ thai nào diễn ra và không có em bé phát triển bên trong tử cung của bạn. Vì vậy, khi có các biểu hiện như đang trong thai kỳ, cách duy nhất để xác định bạn có mang thai hay không là đến bệnh viện chuyên về sản phụ khoa thực hiện các xét nghiệm đáng tin cậy như siêu âm và xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu.

    Ngoài ra, nhiều chị em cũng thắc mắc nếu dùng que thử thai tại nhà, mang thai giả có lên 2 vạch không? Đối với vấn đề này, câu trả lời sẽ là không. Que thử thai là một dụng cụ kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ hCG có trong nước tiểu. Trong đó, cơ thể bạn chỉ có nồng độ hormone này nếu có sự làm tổ của trứng đã được thụ tinh diễn ra trong tử cung, bởi vì các tế bào từ nhau thai chính là nguồn sản xuất hCG.

    Ngược lại, nếu mang thai giả, điều này nghĩa là không có quá trình thụ thai nào xảy ra. Do đó, nước tiểu của bạn sẽ không có hCG nên que thử thai không thể phát hiện để cho kết quả dương tính.

    Thêm vào đó, bạn cũng cần biết rằng hiện tượng mang thai giả khác với hiện tượng que thử thai cho kết quả dương tính giả. Có thể hiểu đơn giản rằng, mang thai giả là từ ban đầu đã không có bất kỳ sự thụ thai và làm tổ nào diễn ra trong tử cung của bạn. Vì vậy mà dùng que thử sẽ không lên 2 vạch (dương tính). Trong khi đó, dùng que thử thai tại nhà cho kết quả dương tính giả nghĩa là bạn vẫn có thể mang thai nhưng lại bị sẩy thai mà chưa phát hiện kịp thời.

    Trên thực tế, nếu được chẩn đoán mang thai giả, chị em có thể cảm thấy thất vọng và không tin vào kết quả xét nghiệm. Điều đáng quan tâm nữa là dù hiếm gặp nhưng hầu hết phụ nữ có dấu hiệu mang thai giả đều có sự bất ổn về tâm lý lẫn thể chất. Vì vậy, trong trường hợp này sẽ rất hữu ích nếu bạn sớm tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 13/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo