Tim là một cơ quan rất quan trọng và sự hình thành cơ quan tim mạch ở phôi thai diễn ra từ rất sớm. Trong những lần khám thai, lần đầu tiên được nghe nhịp tim của bé không chỉ mang đến cho ba mẹ cảm giác hạnh phúc, xúc động mà còn là sự yên tâm con đang phát triển bình thường trong tử cung. Tuy nhiên, việc một số em bé có nhịp tim thai muộn cũng gây không ít hoang mang, lo sợ cho ba mẹ.
Chính vì vậy, nếu bạn quan tâm đến vấn đề “mang thai bao lâu thì có tim thai?”, “dấu hiệu khi có tim thai là gì?”, “chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai?” thì đừng bỏ qua những thông tin từ Hello Bacsi nhé!
Mang thai bao lâu thì có tim thai? Dấu hiệu nào cho biết có tim thai
1. Khi nào có tim thai?
Xoay quanh vấn đề khi nào có tim thai, nhiều mẹ cũng thắc mắc thêm thai 5 tuần có tim thai chưa? Thai 6 tuần có tim thai chưa? Trễ kinh bao lâu thì có tim thai? Chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai?
Đối với câu hỏi thai mấy tuần thì có tim thai? Thực chất, tim đã bắt đầu phát triển từ tuần thứ 3 của thai kỳ nhưng vào cuối tuần 4 thì nhịp tim của phôi thai mới bắt đầu đập. Theo đó, đây cũng là câu trả lời cho thắc mắc thai 5 tuần có tim thai chưa? Thai 6 tuần có tim thai chưa? Thông thường, đối với thai nhi khỏe mạnh thì không chỉ có tim thai ở tuần thứ 5 và thứ 6 mà nhịp tim ở những tuần này còn bắt đầu ổn định đạt khoảng 110 nhịp/phút, tăng lên khoảng 170 nhịp/phút vào tuần thứ 9. Sau đó, nhịp tim giảm dần và đạt trung bình 150 nhịp/phút vào tuần thứ 13 của thai kỳ.
Tuy nhiên, không phải em bé nào cũng như nhau. Ngược lại với tim thai phát triển bình thường là khi khám thai trong vòng 6 tuần đầu không phát hiện nhịp tim thai qua siêu âm. Điều này khiến nhiều ba mẹ lo lắng và thắc mắc liệu rằng chậm nhất bao nhiêu tuần thì có tim thai? Thực tế, nếu không phát hiện nhịp tim thai ở tuần thứ 6, ba mẹ đừng quá lo lắng mà hãy chờ thêm 1 – 2 tuần nữa để siêu âm lại vì khả năng nhịp tim thai chỉ rõ ràng hơn khi ở tuần 7 – 8 vẫn rất cao.
Nhịp tim thai xuất hiện muộn hơn không phải lúc nào cũng nguy hiểm vì có thể do những nguyên nhân như tính sai tuổi thai khi chu kỳ kinh nguyệt không đều, rụng trứng diễn ra muộn hơn; thiết bị siêu âm không đủ nhạy… Tuy nhiên, nếu sau tuần 10 vẫn không có nhịp tim thai thì mẹ bầu có thể cần thêm các xét nghiệm khác để xác định thai nhi còn phát triển hay không.
Một vấn đề nhỏ khác mà nhiều mẹ cũng quan tâm là trễ kinh bao lâu thì có tim thai? Câu trả lời sẽ dựa trên cách tính tuổi thai theo kỳ kinh cuối. Phương pháp này giả định chu kỳ kinh nguyệt đều đặn là 28 ngày. Trong đó, thời điểm rụng trứng và thời điểm thụ thai là giống nhau thường xảy ra vào giữa chu kỳ, nghĩa là vào khoảng ngày thứ 14. Thế nhưng, tuổi thai sẽ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối chứ không phải từ ngày thụ thai. Theo đó, vào thời điểm nghe được nhịp tim thai là khoảng tuần 6 – 7 thì mẹ có thể đã trễ kinh từ 14 – 20 ngày.
2. Dấu hiệu khi có tim thai
Trong việc theo dõi sự tiến triển của thai kỳ, chắc hẳn nhiều mẹ sẽ quan tâm dấu hiệu khi có tim thai là gì? Trên thực tế, mẹ không thể tự cảm nhận nhịp tim của thai nhi cũng như không thể phát hiện qua những thay đổi từ cơ thể. Thay vào đó, chỉ có phương pháp siêu âm mới phát hiện được tim và nhịp tim của thai nhi.
Từ tuần 10 đến tuần 13, siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo có thể giúp quan sát rõ cấu trúc giải phẫu tim của thai nhi hơn so với siêu âm thành bụng. Ở tuần 14, cả hai phương pháp siêu âm có thể cho kết quả hình ảnh tương đương. Tuy nhiên, sau tuần 15 thì siêu âm thành bụng là phương pháp hiệu quả hơn trong việc quan sát tim thai.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật Doppler để đánh giá chức năng tim thai mà không cần xâm lấn. Đây là phương pháp giúp nhận biết hệ tim mạch của thai nhi bình thường hoặc bất thường ngay từ những giai đoạn đầu thai kỳ.
[embed-health-tool-due-date]
Khi nào mẹ bầu nên siêu âm tim thai lần đầu?
Hiện nay, siêu âm tim thai lần đầu thường được thực hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên vào khoảng tuần 11 đến tuần 14. Việc thực hiện phương pháp siêu âm tim thai sớm rất quan trọng, đặc biệt là đối với mẹ có nguy cơ sinh con mắc bệnh tim. Trong những trường hợp sau đây, bác sĩ thường chỉ định siêu âm tim thai sớm:
- Mẹ bầu có kết quả bất thường từ xét nghiệm đo độ mờ da gáy trong 3 tháng đầu thai kỳ, chẳng hạn như nhịp tim thai khác thường, vị trí của tim thai thay đổi, lưu lượng máu không ổn định.
- Mẹ bầu bị tiểu đường trước khi mang thai.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim bẩm sinh.
- Thụ tinh trong ống nghiệm.
- Mẹ bầu mang song thai giống hệt nhau, nghĩa là song thai một trứng và có chung nhau thai.
Siêu âm tim thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ giúp phát hiện sớm một số bệnh tim bẩm sinh như hẹp van động mạch chủ, hội chứng thiểu sản tim trái, rối loạn nhịp tim thai… Việc chẩn đoán sớm sẽ mang lại cho gia đình nhiều lựa chọn điều trị hơn. Một số vấn đề tim mạch của thai nhi có thể được điều trị sớm ngay từ trong bụng mẹ hoặc ngay sau sinh.
Các dấu hiệu cho biết thai kỳ phát triển bình thường
Mặc dù mẹ bầu không thể tự nhận biết dấu hiệu có tim thai mà phải dựa trên kết quả siêu âm, nhưng vẫn có thể biết thai kỳ có phát triển bình thường hay không qua những dấu hiệu sau đây:
Cân nặng của mẹ tăng đều, ổn định
Việc mẹ bầu tăng cân trong thai kỳ đều và ổn định là dấu hiệu tích cực cho thấy sự phát triển bình thường của thai nhi. Thông thường, mẹ bầu được khuyến khích tăng từ 10 – 12 kg trong quá trình mang thai, cụ thể theo từng giai đoạn như sau:
- Tam cá nguyệt đầu tiên: Mẹ tăng khoảng 1 kg
- Tam cá nguyệt thứ hai: Mẹ tăng khoảng 4-5 kg
- Tam cá nguyệt cuối: Mẹ tăng khoảng 5-6 kg.
Mẹ bầu cảm nhận được cử động của thai nhi trong bụng
Thai nhi cử động còn được gọi là thai máy sẽ bao gồm những hoạt động của em bé trong bụng mẹ như xoay mình, vươn vai, đạp chân… mà mẹ hoàn toàn có thể cảm nhận được, thường bắt đầu từ khoảng tuần 16 – 24. Việc cảm nhận được những chuyển động của con chính là dấu hiệu điển hình cho thấy em bé đang phát triển khỏe mạnh.
Thai nhi có sự tăng trưởng bình thường
Thông thường, kích thước của thai nhi sẽ tăng thêm khoảng 5 cm mỗi tháng nhằm đảm bảo trẻ đủ tháng khi sinh sẽ đạt kích thước trung bình với chiều dài khoảng 45-50 cm và nặng khoảng 3 kg. Tuy nhiên, mẹ không thể tự kiểm tra được những chỉ số này mà phải thông qua kết quả khám thai tại bệnh viện.
Mẹ có những triệu chứng khi mang thai
Khi mang thai, mẹ sẽ trải qua nhiều triệu chứng khó chịu như ốm nghén với cảm giác buồn nôn, nôn, mệt mỏi, căng tức ngực, tiết dịch âm đạo, đau nhức cơ thể… Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển bình thường, báo hiệu một thai kỳ khỏe mạnh, không có nguy cơ sảy thai.
Dấu hiệu có tim thai và các thắc mắc thường gặp
1. Siêu âm cho biết túi thai vẫn phát triển nhưng không có tim thai có sao không?
Túi thai vẫn phát triển nhưng không có tim thai là một dấu hiệu bất thường mà các mẹ bầu không nên chủ quan. Đặc biệt, nếu đây là kết quả siêu âm sau tuần thứ 10 thì khả năng cao thai nhi không còn phát triển nữa. Hiện tượng này còn gọi là thai lưu không triệu chứng hoặc sảy thai không hoàn toàn (Missed miscarriage).
Khi bị sảy thai không hoàn toàn, kết quả siêu âm vẫn cho thấy túi thai với phôi thai hoặc thai nhi bên trong nhưng không có nhịp tim thai hoặc thai có kích thước nhỏ hơn bình thường so với tuổi thai. Một số trường hợp, nếu túi thai trống rỗng hoặc không thấy rõ túi thai khi siêu âm có thể do phôi thai không phát triển ngay từ đầu hoặc đã ngừng phát triển sớm. Hiện tượng này còn gọi là mang thai trứng rỗng. Thông thường, bác sĩ thăm khám sẽ có hướng xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn cho mẹ.
Tuy nhiên, hiện tượng túi thai vẫn phát triển nhưng không có tim thai không phải lúc nào cũng là bất thường. Nếu đó là kết quả tại thời điểm siêu âm quá sớm hoặc do tính sai tuổi thai, thiết bị siêu âm không nhạy… thì đừng quá lo lắng vì chưa thể phát hiện tim thai. Lúc này, mẹ có thể đợi 1-2 tuần để siêu âm lại và nhờ đến sự hỗ trợ từ bác sĩ.
2. Thử que lên 2 vạch nhưng siêu âm không có tim thai thì có mang thai không?
Khi thử que lên 2 vạch, đa số chị em đều đã mang thai ngoại trừ trường hợp que thử thai không chất lượng dẫn đến sai kết quả. Tuy nhiên, nếu thử que 2 vạch nhưng siêu âm không có tim thai thì việc kết luận bạn có mang thai hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Nếu thử que 2 vạch nhưng siêu âm quá sớm khi thai còn quá nhỏ, có thể do tính sai tuổi thai, thì việc chưa phát hiện được tim thai là bình thường. Thông thường, tim thai sẽ đập rõ ràng hơn vào khoảng tuần 6 – tuần 7 trở đi. Trong trường hợp này, bạn nên đợi thêm 1 – 2 tuần rồi mới siêu âm lại để có kết quả chính xác hơn.
Ngược lại, một số trường hợp thử que 2 vạch nhưng siêu âm không có tim thai có thể do bạn đã bị sảy thai, thai lưu, thai sinh hóa… Điều này nghĩa là tại thời điểm thử que bạn vẫn có thai nhưng sau đó thai đã ngừng phát triển sớm nên khi siêu âm sẽ không thấy tim thai. Nhìn chung, bạn không thể tự nhận biết dấu hiệu không có tim thai mà phải thông qua siêu âm. Tuy nhiên, dù thế nào cũng nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được thăm khám, tư vấn giải pháp cụ thể cho trường hợp của mình nhé!
3. Mang thai 7 – 8 tuần, có cảm nhận được tim thai đập không?
Với thai 8 tuần và thai 7 tuần mẹ có cảm nhận được tim thai không? Thực tế là dù bao nhiêu tuần mẹ cũng không thể tự cảm nhận được tim thai mà phải thông qua phương pháp siêu âm mới phát hiện được tim và nhịp tim của thai nhi.
4. Có nên dùng máy đo tim thai tại nhà để theo dõi nhịp tim thai nhi không?
Máy đo tim thai tại nhà là một thiết bị sử dụng sóng siêu âm để thu âm nhịp tim của thai nhi, sau đó hiển thị qua loa hoặc tai nghe cho mẹ bầu dễ theo dõi. Mặc dù sử dụng máy đo tim thai tại nhà được xem là cách giúp mẹ bầu tạo thêm sự kết nối với thai nhi và an tâm hơn trong quá trình mang thai nhưng nhiều mẹ vẫn còn lo lắng liệu có nên dùng máy đo tim thai tại nhà không?
Nhìn chung, mẹ vẫn có thể chọn sử dụng máy đo tim thai tại nhà vì đây là thiết bị tiện lợi, giúp mẹ theo dõi nhịp tim thai mỗi ngày để phát hiện sớm những bất thường nhưng vẫn tiết kiệm thời gian đến phòng khám. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý thêm những điều sau đây để đảm bảo an toàn trong thai kỳ:
- Mẹ không nên dùng máy đo tim thai tại nhà quá sớm, chỉ nên dùng khi thai 12 tuần tuổi trở lên.
- Mẹ nên dùng máy như một thiết bị hỗ trợ chứ không thay thế cho khám thai định kỳ.
- Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mua và sử dụng máy đo tim thai tại nhà.
- Mẹ nên tìm hiểu kỹ và chỉ nên mua thiết bị từ thương hiệu uy tín, có chứng nhận y tế đầy đủ.
Dấu hiệu có tim thai luôn là “tâm điểm” trong những lần khám thai đầu tiên mà ba mẹ quan tâm. Nhìn chung, từ tuần 6 trở đi nếu mẹ bầu tiến hành siêu âm thai thì hầu như các bác sĩ đã có thể quan sát thấy tim thai và nghe nhịp tim thai. Trong trường hợp có bất cứ vấn đề gì về tim thai nói riêng và sự phát triển của thai nhi nói chung thì mẹ nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.