Căng thẳng là một điều rất bình thường trong cuộc sống, ngay cả khi mang thai bạn cũng khó tránh khỏi tình trạng này. Một nghiên cứu tại Anh cho thấy stress khi mang thai có thể ảnh hưởng đến chỉ số IQ, sự phát triển của thai nhi và đây cũng là nguyên nhân gây ra các vấn đề khác trong cuộc sống. Nhưng có phải tất cả những căng thẳng đều có hại? Và tại sao stress khi mang thai lại có thể ảnh hưởng đến thai nhi? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hơn căng thẳng có thể gây hại gì cho thai nhi, cách giải tỏa căng thẳng và tại sao không phải lúc nào stress khi mang thai cũng có hại.
Bà bầu bị stress có ảnh hưởng đến thai nhi thế nào?
1. Stress khi mang thai có thể khiến trẻ sinh non hoặc nhẹ cân
Sức khỏe của thai nhi là mối quan tâm lớn nhất của những người sắp làm mẹ và những lo lắng này có thể biến thành căng thẳng thực sự. Thế nhưng, điều đầu tiên bạn cần làm để có thể sinh một đứa con khỏe mạnh là sự bình tĩnh. Ann B Border, một bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Evanston, Mỹ, cho biết khi mẹ bầu không thể đối phó với các tình huống căng thẳng, trẻ có thể chào đời sớm và nhẹ cân.
Căng thẳng làm cơ thể tăng sản xuất hormone giải phóng corticotropin (CRH). Ở thai phụ, CRH ảnh hưởng đến thời gian mang thai và sự trưởng thành của thai nhi. Mức CRH càng cao, ngày sinh càng đến sớm.
Đáng ngạc nhiên là điều này lại thường xảy ra vào ba tháng đầu thai kỳ. Các chuyên gia sản phụ khoa từng nghĩ rằng để ngăn ngừa sinh non, thai phụ nên tránh căng thẳng trong ba tháng cuối, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Căng thẳng làm gia tăng CRH dẫn đến sinh non lại xảy ra vào những tuần đầu tiên của thai kỳ.
2. Căng thẳng ảnh hưởng đến chỉ số IQ và sự phát triển trí não
Các nhà khoa học đã phát hiện ra mức cortisol cao có thể giảm chỉ số IQ của một đứa trẻ. Thông thường, nhau thai sản xuất các enzyme phá vỡ cortisol, nhưng nếu căng thẳng quá nhiều hoặc kéo dài, lượng enzyme này không đủ để đối phó với lượng cortisol do căng thẳng sinh ra.
Bên cạnh đó, stress khi mang thai có thể có ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của bé. Cụ thể, một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Wayne State, Mỹ, tìm thấy rằng mẹ căng thẳng ảnh hưởng đến kết nối não bộ và tổ chức các hệ thống chức năng thần kinh khiến não làm việc kém hiệu quả hơn.
Các nhà nghiên cứu còn cho biết bộ não không phát triển từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất. Thật ra, tiểu não, trung tâm phản ứng căng thẳng, là một trong những cơ quan phát triển đầu tiên. Điều này khiến thai nhi nhạy cảm khi mẹ bị căng thẳng ngay từ đầu.
3. Căng thẳng có thể gây các vấn đề về giấc ngủ của thai nhi
Tâm trạng người mẹ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn cả giấc ngủ của bé. Một nghiên cứu năm 2007 đã phát hiện ra rằng thai phụ căng thẳng ảnh hưởng đến thời gian ngủ của bé.
Các nhà khoa học đã kiểm tra thời gian ngủ và tần suất thức dậy trong đêm của bé 6, 18 và 30 tháng tuổi. Kết quả, những bé có mẹ lo lắng trong thai kỳ thường gặp vấn đề về giấc ngủ lúc 18 và 30 tháng. Điều này xảy ra do cortisol đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến vùng não chịu trách nhiệm cho nhịp sinh học của bé.
4. Stress khi mang thai có thể gây ra vấn đề với sức khỏe của bé
Một nghiên cứu năm 2011 đã xác nhận rằng mẹ bầu căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ. Kết quả cho thấy trẻ có nguy cơ nhiễm trùng sớm và rối loạn tâm thần khi bị căng thẳng từ trong bụng mẹ. Ngoài ra, trẻ còn gặp các vấn đề khác như mắt, tai, tiêu hóa, hô hấp, da, cơ xương khớp, tuần hoàn, các bệnh về cơ quan sinh dục, dị ứng và hen suyễn.
Một mối liên kết khác còn được tìm thấy giữa căng thẳng và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Ảnh hưởng này còn mạnh hơn so với thai phụ hút thuốc lá.
5. Stress khi mang thai làm tăng mức độ sợ hãi và lo lắng của trẻ
Theo tiến sĩ Elysia Davis từ Đại học Denver, Mỹ, mức cortisol cao ở phụ nữ mang thai khiến trẻ dễ bị căng thẳng trong tương lai. Điều này thấy rõ khi trẻ sơ sinh bị lấy máu để xét nghiệm, bé có phản ứng căng thẳng mạnh mẽ hơn.
Khi đến tuổi tập đi, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy một người lạ bước vào phòng hoặc quả bóng lăn về phía mình. Thông thường, trẻ sẽ vui vẻ tham gia vào trò chơi nhưng chúng lại đứng yên hoặc chạy đến bên mẹ để cảm thấy an toàn hơn. Các bà mẹ cũng nhận thấy rằng trẻ còn lo lắng nhiều hơn ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học hay sợ đi học hơn.
Không phải tất cả căng thẳng là như nhau
Sau khi đọc những thông tin ở trên, bạn chắc hẳn muốn tránh mọi tình huống căng thẳng dù là nhỏ nhất, trốn khỏi thế giới và ngồi thiền cả ngày lẫn đêm?
Điều này là không cần thiết. Nghiên cứu cho thấy căng thẳng ngắn hạn không làm hại đến bé. Để xác định điều này, các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ cortisol trong nước bọt và nước ối của mẹ bầu sau khi bị căng thẳng và thấy rằng căng thẳng ngắn hạn đã không ảnh hưởng đến thai nhi. Còn căng thẳng kéo dài mới dẫn đến sự gia tăng nồng độ CRH trong nước ối, làm tăng những nguy cơ đã đề cập ở trên.
Làm thế nào để đối phó với stress khi mang thai?
May mắn thay, bạn có thể đối phó với căng thẳng bằng những cách sau đây:
- Hãy chú ý đến những gì bạn ăn và ăn khi nào: Đừng bỏ lỡ bữa ăn sáng, ăn nhiều trái cây, rau, cá và ngũ cốc. Cố gắng ăn cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Tập thể dục: Mang thai không có nghĩa là bạn chỉ nằm một chỗ. Đi dạo trong công viên, đi bơi hoặc tập thể dục nhịp điệu động tác đơn giản, chậm rãi. Tập thể dục làm tăng mức hormone hạnh phúc giúp bạn quên đi căng thẳng.
- Ngồi thiền: Biện pháp này giúp giảm lo lắng một cách tuyệt vời. Vậy bạn hãy thử ngồi thiền xem hiệu quả như thế nào nhé.
- Xung quanh bạn là những người làm cho bạn hạnh phúc: Trò chuyện với người thân trong gia đình hoặc gặp gỡ bạn bè, bạn sẽ thấy một ngày của bạn đáng yêu hơn.
- Viết ra những vấn đề bạn đang gặp phải: Cách đơn giản này làm giảm những cảm xúc tiêu cực mà bạn đang trải qua.
- Tận hưởng sở thích của bạn (hoặc tìm một sở thích mới nếu sở thích cũ không làm bạn vui nữa): Điều này sẽ làm cho tâm trí của bạn bận rộn và sẽ không còn suy nghĩ đến những điều mình đang lo lắng nữa.
- Ngủ nhiều hơn: Tuy ngủ nhiều không giải quyết các vấn đề của bạn, nhưng tạo điều kiện cho cơ thể nghỉ ngơi giúp bạn và thai nhi khỏe mạnh.
- Gặp gỡ chuyên gia: Nếu bạn không thể tự đối phó với căng thẳng, hãy tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia. Sự thay đổi tâm trạng có thể là một dấu hiệu của trầm cảm hoặc bạn đang đối mặt quá lớn với căng thẳng và không thể tự kiểm soát. Đừng ngại ngần nhờ sự giúp đỡ nếu cần nhé.
Ảnh hưởng của căng thẳng có thể tốt cho bé?
Nghiên cứu được thực hiện trên chuột prairie voles có hành vi và phản ứng tương tự như người, thấy rằng căng thẳng có thể có lợi nếu bé chào đời trong môi trường hỗ trợ tốt. Cortisol tăng có thể thúc đẩy sự phát triển các kết nối thần kinh của thai nhi. Những bé được chăm sóc đặc biệt tốt sau sinh đều không có dấu hiệu gia tăng sự lo lắng.
Một nghiên cứu khác tại Đại học Rochester, Mỹ, cũng chỉ ra rằng tình yêu và sợi dây kết nối giữa mẹ và con có thể đảo ngược tác động của căng thẳng trong bụng mẹ, ngay cả sự phát triển nhận thức của trẻ sơ sinh. Vì vậy, bạn đừng lo lắng quá. Tình yêu và sự hỗ trợ của bạn là điều mà bé cần. Nói chuyện với con trong bụng mình, vuốt ve, hát cho con nghe sẽ giúp cơ thể bạn gửi những tín hiệu về tình yêu và sự chăm sóc của bạn đến thai nhi.
[embed-health-tool-due-date]