backup og meta

16 bệnh nhiễm trùng phổ biến trong thai kỳ mẹ cần lưu ý phòng ngừa

16 bệnh nhiễm trùng phổ biến trong thai kỳ mẹ cần lưu ý phòng ngừa

Trong thời gian mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm rất nhiều. Điều này trở thành cơ hội lý tưởng để các loại vi khuẩn tấn công và gây ra nhiều căn bệnh nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé yêu.

Mang thai là giai đoạn tuyệt vời nhất trong cuộc đời người phụ nữ. Tuy nhiên, đi kèm với niềm vui, niềm hạnh phúc khi sắp được ôm bé cưng vào lòng là những nỗi lo bất tận về bệnh tật và những biến chứng thai kỳ có thể tấn công bất cứ lúc nào. Bà bầu hay mắc phải những bệnh nhiễm trùng nào và làm thế nào để phòng ngừa? Những thắc mắc này của bạn sẽ được giải đáp thông qua những chia sẻ sau của Hello Bacsi.

Tại sao phụ nữ mang thai lại dễ bị nhiễm trùng?

Cơ thể chúng ta được trang bị một hệ thống vô cùng hoàn hảo mang tên hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể khỏi các cuộc tấn công của các loại vi sinh vật gây hại. Khi có những “kẻ lạ mặt” xâm nhập, cơ thể sẽ tự tạo ra các kháng thể chống lại chúng. Tuy nhiên, đôi lúc hệ miễn dịch suy yếu sẽ không tạo đủ kháng thể và khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm trùng là do lúc này, hệ miễn dịch phải bảo vệ cả mẹ và bé cưng nên không đủ sức để bảo vệ cơ thể một cách tối ưu. Ngoài ra, sự thay đổi về nội tiết tố và sinh lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến bà bầu dễ bị nhiễm trùng. Chính vì vậy, bạn cần hiểu rõ về các loại nhiễm trùng thường gặp và cách phòng ngừa để bảo vệ bản thân và bé cưng trong bụng một cách tốt nhất.

16 bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai

Bị nhiễm trùng khi mang thai rất là nguy hiểm bởi tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà thai nhi cũng chịu những tác động rất lớn. Dưới đây là một số bệnh nhiễm trùng thường gặp mà bạn nên biết để có cách phòng và điều trị phù hợp.

1. Viêm gan B

Bà bầu bị bệnh nhiễm trùng

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do virus tấn công gan và có nguy cơ cao lây nhiễm sang cho bé. Chính vì vậy, trong lần khám thai đầu tiên, bạn sẽ được làm xét nghiệm để xác định có mắc phải loại virus này hay không.

Virus viêm gan B lây lan chủ yếu thông qua đường máu và dịch cơ thể của người bị nhiễm như: tinh dịch, chất tiết ra từ âm đạo, sữa mẹ, nước bọt, máu mủ từ vết thương. Nếu bị viêm gan B, bà bầu sẽ có các triệu chứng như đau bụng, nôn, vàng da, đau khớp và chán ăn.

Nếu kết quả cho thấy bạn không mắc phải căn bệnh này, bạn sẽ được tiêm vắc xin phòng ngừa. Không những vậy, bé yêu của bạn cũng sẽ được tiêm phòng mũi đầu tiên vào thời điểm 24 giờ sau khi sinh. Nếu bé có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao, khi sinh bé sẽ được tiêm hai liều: một liều vắc-xin viêm gan B (liều 5 mcg) và một liều globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG, liều 0,5 ml).

2. Viêm gan C

Virus viêm gan C cũng gây ảnh hưởng nhiều đến gan và có nguy cơ lây nhiễm sang cho bé. Thông thường, việc xác định sẽ khá khó khăn bởi bạn thường không có triệu chứng hoặc nếu có thì những triệu chứng ấy cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của thai kỳ. Loại virus này chủ yếu lây truyền qua đường máu, tiếp xúc trực tiếp hoặc qua việc quan hệ tình dục không an toàn.

3. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là bệnh mà rất nhiều chị em mắc phải khi mang thai. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến bàng quang, thận, gây viêm và dẫn đến sinh non, thai nhẹ cân. Triệu chứng thường gặp khi mắc phải tình trạng này là cảm giác đau, nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi hoặc thậm chí có máu.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ thấy mình mắc tiểu thường xuyên ngay cả khi không có nước tiểu trong bàng quang và đau vùng bụng dưới. Uống nhiều nước, không nhịn tiểu, đi tiểu ngay sau khi giao hợp, vệ sinh vùng âm hộ – hậu môn hàng ngày và sau khi đi đại tiện là một số biện pháp có thể giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng mà bạn nên thử.

Có thể bạn quan tâm: Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai – Vì sao mẹ bầu dễ mắc và nên làm gì?

4. Viêm âm đạo

Đây là loại nhiễm trùng rất phổ biến ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do trong thai kỳ, nồng độ hormone estrogen và progesterone tăng cao khiến các vi khuẩn trong âm đạo phát triển quá nhanh. Triệu chứng thường gặp của bệnh là đau, rát âm đạo, đôi khi xuất hiện chất dịch màu vàng hoặc trắng, có mùi hôi hoặc tanh. Loại nhiễm trùng này thường được điều trị bằng thuốc mỡ.

5. Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Phụ nữ mang thai rất dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), phổ biến nhất là nhiễm nấm chlamydia. Mẹ bầu gặp tình trạng này có thể không chỉ làm cho bé bị nhẹ cân mà còn khiến người mẹ có nguy cơ chảy máu trước khi sinh, sinh non hoặc sẩy thai.

6. Thủy đậu

Nếu bạn từng bị thủy đậu hoặc đã được chủng ngừa, bạn sẽ ít có nguy cơ mắc phải căn bệnh này trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, bạn nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra xem bạn có thật sự miễn dịch với bệnh thủy đậu hay không.

Bà bầu bị thủy đậu trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai, bé sẽ có có nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh, gây khuyết tật về thể chất và tinh thần. Nếu bạn bị trong tam cá nguyệt thứ ba, lúc này bé đã nhận được nhiều kháng thể hơn thông qua nhau thai nên nguy cơ bị phơi nhiễm cũng sẽ giảm xuống. Nếu bạn thấy mình bị sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn và xuất hiện các chấm đỏ trên cơ thể, hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và cách can thiệp phù hợp.

bệnh nhiễm trùng

7. Rubella – Bệnh nhiễm trùng thai kỳ cần lưu ý

Rubella hay còn gọi là sởi Đức là một bệnh truyền nhiễm do virus rubella gây ra. Bà bầu bị nhiễm Rubella trong bốn tháng đầu của thai kỳ có thể khiến bé mắc các khuyết tật về não, tim, mất thính lực và đục thủy tinh thể, thậm chí còn có thể dẫn đến sẩy thai.

Khi bị nhiễm rubella, bà bầu sẽ có các triệu chứng như cúm nhẹ, sốt, phát ban, sưng hạch bạch huyết, đau, đỏ mắt và đau khớp. Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh này, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Thông thường, xét nghiệm sàng lọc sẽ được thực hiện trong tháng thứ tư của thai kỳ để phát hiện virus. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên thực hiện tất cả các kiểm tra cần thiết trước khi thụ thai để đảm bảo sức khỏe bản thân và bé cưng.

8. Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B strep – GBS)

Liên cầu khuẩn nhóm B là loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong âm đạo và trực tràng của phụ nữ khỏe mạnh. GBS không gây hại cho phụ nữ nhưng nếu bạn mang thai và nhiễm liên cầu khuẩn này, bé cưng có thể bị đe dọa tính mạng và bạn cũng sẽ gặp phải nhiều biến chứng.

Cụ thể, GBS có thể gây nhiễm trùng bàng quang, viêm nội mạc tử cung, vỡ ối sớm, mẹ bị sốt khi sinh hoặc chuyển dạ sớm. Nhiễm trùng này thường không có triệu chứng, do đó, bạn bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc vào khoảng tuần thứ 35 – 37 của thai kỳ. Để điều trị, bác sĩ sẽ cho bạn dùng các loại thuốc kháng sinh phù hợp.

9. Bệnh má đỏ hay còn gọi là bệnh parvo

Đây là bệnh nổi sẩy ngoài da do parvovirus B19 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng đặc trưng là những vết mẩn đỏ xuất hiện ở má đi kèm với sổ mũi, cúm và đau nhức. Đối với người bình thường, căn bệnh này không gây nhiều nguy hiểm nhưng với những người có chỉ số hồng cầu bất thường, căn bệnh này có thể đe dọa đến tính mạng vì có tác động ức chế quá trình sản xuất RBC.

Virus parvo thường lây lan qua nước bọt và dịch tiết mũi. Bà bầu mắc bệnh parvo có thể gặp phải tình trạng thai chết lưu, sẩy thai, các vấn đề về tim ở thai nhi và thiếu máu thai nhi.

10. Nhiễm trùng Cytomegalovirus

Cytomegalovirus (CMV) là loại virus cự bào ít được nhắc đến như rubella. Với người có sức khỏe bình thường, việc nhiễm CMV không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, với những người có hệ miễn dịch suy giảm như phụ nữ có thai (đặc biệt trong 3 tháng đầu) thì việc nhiễm CMV lại là rất nghiêm trọng.

Người mẹ bị nhiễm CMV có thể lây truyền sang thai nhi, hậu quả là thai nhi bị mất thính giác, giảm thị lực, đầu nhỏ bất thường, gan và lá lách to, vàng da, thậm chí còn có thể chết non. Để phòng tránh nhiễm trùng, bạn cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống. Nếu mắc bệnh, mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bé.

11. Sốt xuất huyết

Đây là bệnh do muỗi lây truyền, có thể gây chuyển dạ sớm, nhẹ cân và thai chết lưu. Bà bầu bị sốt xuất huyết sẽ có các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau khớp, đau cơ và xương, chảy máu mũi hoặc nướu. Để phòng tránh bệnh, bạn nên thực hiện các biện pháp giúp phòng ngừa muỗi đốt.

12. Mụn rộp sinh dục (bệnh herpes)

Mụn rộp sinh dục là bệnh do virus herpes simplex (HSV) gây nên. Căn bệnh này thường lây truyền qua quan hệ tình dục hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là những vết loét đỏ xuất hiện dưới dạng mụn nước đi kèm sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi và buồn nôn. Nếu mắc bệnh trong giai đoạn cuối của thai kỳ, bạn có thể sẽ phải sinh mổ để tránh bé bị nhiễm trùng.

Có thể bạn quan tâm: Bị mụn sinh dục khi mang thai có nguy hiểm? Mẹ nên làm thế nào?

13. Nhiễm khuẩn Listeria

Listeria là bệnh nhiễm trùng xảy ra do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn Listeria monocytogens, một loại vi khuẩn thường có nhiều trong thịt chưa nấu chín và các sản phẩm từ sữa. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn này bởi hệ miễn dịch suy yếu. Nhiễm khuẩn Listeria trong thai kỳ có thể khiến bà bầu chuyển dạ sớm, sinh non.

14. Nhiễm Toxoplasma

Nhiễm Toxoplasma là tình trạng nhiễm trùng gây ra do một loại ký sinh trùng có tên Toxoplasma gondii. Loại ký sinh trùng này thường lây qua việc ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với cát vệ sinh cho mèo hoặc phân mèo bị nhiễm bệnh. Phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng trong giai đoạn sớm của thai kì có thể bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc có thể trẻ sinh ra với những dị tật bẩm sinh.

15. Nhiễm Trichomonas

Trichomonas là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis, một loại ký sinh trùng siêu nhỏ, gây ra. Phụ nữ mang thai bị nhiễm trichomonas có thể sinh non và vỡ ối trước khi sinh. Triệu chứng thường gặp khi bị bệnh là âm đạo trở nên đỏ, ngứa, sần sùi, kèm theo dịch tiết màu xanh lá cây hoặc hơi vàng có mùi hôi.

16. Nhiễm virus Zika

Virus Zika có thể lây truyền qua muỗi hoặc qua đường tình dục. Bà bầu bị nhiễm virus Zika khi mang thai có thể khiến thai nhi mắc chứng đầu nhỏ. Khi lớn hơn, bé có thể bị suy giảm thị giác, thính giác, tăng trưởng kém và thậm chí co giật.

bệnh nhiễm trùng

Phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng trong thai kỳ như thế nào?

Để đảm bảo bé tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh, bà bầu cần thực hiện một số biện pháp sau để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng khi mang thai:

  • Chủng ngừa đầy đủ trước và trong khi mang thai
  • Thực hiện các xét nghiệm để phát hiện sớm tình trạng nhiễm trùng để được điều trị kịp thời
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm
  • Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như rubella hoặc thủy đậu
  • Luôn uống sữa tiệt trùng
  • Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt
  • Uống nhiều nước
  • Tránh tiếp xúc với phân của vật nuôi
  • Tránh đến gần các loại gặm nhấm
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.

Thực tế là việc phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng có thể khá khó khăn. Do vậy, bạn cần phải chú ý đến những thay đổi nhỏ trong cơ thể để sớm phát hiện những bất thường và có cách bảo vệ tốt nhất cho bé yêu trong bụng.

Ngân Phạm / HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

22 Infections That Can Affect Your Pregnancy https://parenting.firstcry.com/articles/22-infections-that-can-affect-your-pregnancy/

Ngày truy cập: 31/7/2019

Common infections during pregnancy https://www.medicalnewstoday.com/articles/322210.php Ngày truy cập: 31/7/2019

Colds and the Flu | Viral Infections During Pregnancy https://familydoctor.org/colds-and-the-flu-respiratory-infections-during-pregnancy/ Ngày truy cập: 31/7/2019

Infections in pregnancy that may affect your baby

https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/infections-that-may-affect-your-baby/ Truy cập ngày 09/08/2022

What infections can affect pregnancy?

https://www.nichd.nih.gov/health/topics/pregnancy/conditioninfo/infections Truy cập ngày 09/08/2022

10 Tips for Preventing Infections Before and During Pregnancy

https://www.cdc.gov/pregnancy/infections.html Truy cập ngày 09/08/2022

Phiên bản hiện tại

09/08/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

8 cách trị ho cho bà bầu hiệu quả, an toàn, không dùng thuốc


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 09/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo