backup og meta

Nhau cài răng lược gây nguy hiểm cho mẹ và bé như thế nào?

Nhau cài răng lược gây nguy hiểm cho mẹ và bé như thế nào?

Nhau cài răng lược là một biến chứng thai kỳ khá nghiêm trọng. Điều này xảy ra khi bánh nhau xâm lấn cơ tử cung và có thể đâm xuyên các tạng xung quanh, tiềm ẩn nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cũng tìm hiểu về biến chứng sản khoa này!

Nhau cài răng lược là gì, dấu hiệu nhận biết

Không ít mẹ bầu thắc mắc rau cài răng lược là gì và có ảnh hưởng đến thai nhi và thai kỳ hay không. Câu trả lời sẽ có ngay sau đây, các mẹ bầu đừng bỏ lỡ nhé!

1. Nhau cài răng lược là gì?

Nhau cài răng lược là như thế nào? Nhau cài răng lược (hay rau cài răng lược) có tên khoa học là Placenta Accreta, là tình trạng một phần hoặc toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không tách khỏi thành tử cung sau sinh nở.

Sau khi sinh con, bánh nhau sẽ bong và sổ ra ngoài, nhưng nếu mẹ bầu bị nhau cài răng lược, bánh nhau sẽ không thể bong khỏi cơ tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu, thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong cho người mẹ nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, khi được chẩn đoán nhau cài răng lược, các mẹ bầu cần được theo dõi sát tình trạng sức khỏe tại các cơ sở chuyên khoa về sản khoa để kịp thời sinh mổ, giảm nguy cơ gặp phải các tai biến về sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Nhau thai răng lược có phổ biến không?

Nhau thai cài răng lược có thể ảnh hưởng đến 1/533 trường hợp mang thai. Tình trạng  nhau cài răng lược đã gia tăng trong vài thập kỷ qua, chủ yếu là do tỷ lệ sinh mổ tăng lên.

2. Nhau cài răng lược được phân loại như thế nào? 

các thể nhau cài răng lược

Trong sản khoa, dựa vào mức độ xâm lấn của bánh nhau mà bệnh lý nhau cài răng lược được chia thành 3 mức độ, bao gồm:

  • Mức độ nhẹ (Thể Accreta): Bánh nhau bám trực tiếp và xâm lấn một phần cơ tử cung nhưng không xuyên qua tử cung. Đây là thể phổ biến nhất.
  • Mức độ trung bình (Thể Increta): Bánh nhau bám vào sâu lớp cơ bên trong thành tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung. Đây là thể phổ biến trung bình, chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp bị nhau cài răng lược.
  • Mức độ cao (Thể Percreta): Đây là tình trạng nhau cài răng lược nghiêm trọng nhất. Bánh nhau xâm lấn xuyên qua cơ tử cung vào lớp thanh mạc tử cung, thậm chí xâm lấn sang các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang… Mặc dù tình trạng nhau cài răng lược này rất hiếm gặp chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp bị nhau cài răng lược nhưng là thể nghiêm trọng nhất.

3. Nhau thai cài răng lược có gây hại cho thai nhi không?

Nhau thai cài răng lược có gây hại cho thai nhi không, nhau cài răng lược thường sinh con ở tuần bao nhiêu là thắc mắc của không ít mẹ bầu.

Nhau thai cài răng lược không gây hại trực tiếp cho thai nhi. Tuy nhiên, việc mẹ bầu bị nhau cài răng lược thường được chỉ định sinh mổ khi thai được 34 – 37 tuần của thai kỳ (nếu không có biến chứng). Trẻ sinh non (sinh trước tuần 37 của thai kỳ) thường gặp những rủi ro như vấn đề về hô hấp, chậm tăng cân và phải được chăm sóc tại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU) để điều trị chuyên khoa, đôi khi cần dùng corticosteroid để giúp phổi phát triển.

Dấu hiệu nhau cài răng lược

Tình trạng nhau cài răng lược thường không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong thai kỳ. Đôi khi, tình trạng chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt thứ ba (tuần 28 – 40) có thể xảy ra. Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể cảm thấy đau vùng chậu do nhau thai xâm lấn bàng quang hay các cơ quan khác. May mắn là tình trạng nhau cài răng lược có thể được phát hiện thông qua hình thức siêu âm định kỳ.

Nguyên nhân gây nhau cài răng lược

Hiện vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây ra nhau cài răng lược. Nhưng các bác sĩ cho rằng tình trạng này liên quan đến sự bất thường trong niêm mạc tử cung và nồng độ alpha-fetoprotein cao, đây là một loại protein được sản xuất bởi thai nhi.

Những bất thường trên có thể đến từ sẹo trên tử cung sau sinh mổ hoặc phẫu thuật tử cung. Những vết sẹo này tạo điều kiện cho nhau thai phát triển quá sâu vào thành tử cung. Phụ nữ mang thai có bánh nhau che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung (nhau tiền đạo) cũng gia tăng nguy cơ gặp phải tình trạng nhau cài răng lược.

Ngoài ra, việc từng sinh mổ sẽ góp phần khiến mẹ bầu dễ mắc phải tình trạng trên. Sinh mổ càng nhiều thì nguy cơ bị nhau cài răng lược càng cao.

Ai có nguy cơ mắc phải tình trạng này?

Một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này ở mẹ bầu gồm:
  • Nhau tiền đạo
  • Mang thai khi đã ngoài 35 tuổi
  • Nhau thai nằm ở phần dưới của tử cung
  • Bất thường ở tử cung, chẳng han như sẹo hoặc u xơ tử cung
  • Phẫu thuật tử cung trong quá khứ chẳng hạn như sinh mổ hoặc phẫu thuật để loại bỏ u xơ tử cung…
  • Đã có nhiều hơn một lần mang thai.
  • Đang mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF .

Nhau cài răng lược được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

1. Chẩn đoán

Hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, biến chứng nhau cài răng lược có thể được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác ngay trong thai kỳ. Nếu mẹ bầu có một số yếu tố nguy cơ nhất định, các bác sĩ sản khoa thường chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để đảm bảo nhau thai không phát triển xâm lấn vào thành tử cung.

Một số xét nghiệm phổ biến để kiểm tra nhau thai bao gồm xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) và xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ của alpha-fetoprotein.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp phải đợi kết thúc cuộc sinh nở, không thấy bánh nhau bong tự nhiên trong vòng 30 phút sau sinh, các bác sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng nhau cài răng lược.

2. Phương pháp điều trị

bà bầu đau bụng đi ngoài khám bác sĩ

Mỗi trường hợp của nhau cài răng lược đều khác nhau. Nếu xác định mẹ bầu mắc phải tình trạng này ra, bác sĩ sẽ lập ra một kế hoạch nhằm đảm bảo em bé có thể chào đời một cách an toàn, giảm nguy cơ gặp phải các tai biến sản khoa cho mẹ.

Nếu tình trạng ở mức độ nghiêm trọng, biện pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng. Đầu tiên, các bác sĩ tiến hành mổ bắt con. Tiếp theo, họ có thể thực hiện phẫu thuật cắt tử cung nhằm mục đích ngăn ngừa hiện tượng mất máu nghiêm trọng có thể xảy ra nếu một phần hoặc toàn bộ nhau thai bị dính vào tử cung sau khi em bé chào đời.

Nếu bạn vẫn muốn được mang thai lần nữa thì bác sĩ phẫu thuật sẽ để lại một phần nhỏ nhau thai trong tử cung vì nhau thai sẽ dần biến mất theo thời gian. Điều này cũng có thể gây ra những rủi ro như chảy máu âm đạo nghiêm trọng, nhiễm trùng và đông máu. Tuy nhiên, khả năng gặp biến chứng khi mang thai cũng sẽ cao hơn và khả năng thụ thai thành công lại khá thấp.

Biến chứng có thể gặp phải

Nhau cài răng lược có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, bao gồm:

  • Sinh non
  • Suy thận
  • Các vấn đề về đông máu
  • Xuất huyết nghiêm trọng
  • Suy thai hoặc hội chứng suy hô hấp ở người lớn.

Giống như tất cả các ca phẫu thuật khác, việc thực hiện sinh mổ và cắt tử cung để loại bỏ nhau thai ra khỏi cơ thể có thể gây ra các biến chứng cho người mẹ. Những biến chứng có thể gặp như:

  • Phản ứng với việc gây mê
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Tăng khả năng xuất huyết
  • Tổn thương đến các cơ quan nội tạng khác chẳng hạn như thận nếu nhau thai đã bám vào khu vực này.

Bên cạnh đó, rủi ro cho em bé trong khi sinh mổ là rất hiếm nhưng vẫn bao gồm chấn thương phẫu thuật hoặc các vấn đề về hô hấp. Đôi khi các bác sĩ sẽ để lại nhau thai nguyên vẹn trong cơ thể bạn, bởi vì nó có thể được đào thải dần theo thời gian. Nhưng làm như vậy có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Tắc mạch phổi
  • Xuất huyết âm đạo ảnh hưởng đến tính mạng
  • Phẫu thuật cắt bỏ tử cung trong tương lai
  • Dễ gặp biến chứng khi mang thai, chẳng hạn như sẩy thai, sinh non…

Có thể ngăn ngừa tình trạng này không?

Câu trả lời cho tình trạng này là bạn không thể ngăn ngừa nguy cơ bị nhau cài răng lược. Tỷ lệ bị nhau cài răng lược tăng dần theo số lần phẫu thuật trên tử cung, số lần sinh con, tuổi mẹ, tiền căn hút nạo buồng tử cung… Chính vì thế, các chị em phụ nữ nên có kế hoạch dự định sinh nở phù hợp, tuân thủ lịch khám thai định kỳ, chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định từ bác sĩ sản khoa.

Hello Bacsi hi vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã hiểu hơn về tình trạng nhau tiền đạo, từ đó biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản – thai kỳ tốt nhất, giảm thiểu nguy cơ gặp phải tình trạng này. Bên cạnh đó, các chị em cũng đừng quên gia nhập cộng đồng Mang thai của Hello Bacsi để cập nhật nhiều thông tin hữu ích cũng như săn những món quà thú vị cho cả mẹ và bé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Placenta accreta

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/placenta-accreta/symptoms-causes/syc-20376431 Ngày truy cập 20/6/2024

Placenta Accreta

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17846-placenta-accreta Ngày truy cập 20/6/2024

Placenta Accreta: Symptoms, Risks and Treatment https://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/placenta-accreta/ ngày truy cập 25/06/2019

Placenta Accreta https://www.brighamandwomens.org/obgyn/maternal-fetal-medicine/pregnancy-complications/placenta-accreta ngày truy cập 25/06/2019

Pregnancy Complications: Placenta Accreta  https://www.healthline.com/health/pregnancy/preterm-labor-delivery-placenta-accreta  ngày truy cập 25/06/2019

Phiên bản hiện tại

20/06/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bà bầu ăn vải được không? Cách ăn vải đúng và an toàn khi mang thai

Bạn có thể mang thai khi đã mãn kinh? Sự thật về hiện tượng này là gì?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 20/06/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo