Thai chết lưu là tình trạng thai nhi tử vong trong bụng mẹ sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Vấn đề này cần được quan tâm vì có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe lẫn tâm lý của người mẹ. Hiện nay, mặc dù nền y học đã và đang rất phát triển nhưng không phải trường hợp nào bác sĩ cũng có thể xác định được nguyên nhân thai lưu.
Tuy nhiên, vì vấn đề này khá phổ biến và đã được nghiên cứu nên bạn vẫn có thể tìm hiểu một vài thông tin về nguyên nhân dẫn đến thai lưu. Việc tìm hiểu nguyên nhân sẽ giúp bạn có cơ sở để hạn chế nguy cơ thai chết lưu, để có một thai kỳ khỏe mạnh sau đó.
Nguyên nhân thai lưu nào thường gặp?
Nguyên nhân thai lưu thường bao gồm những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai lưu và một số yếu tố góp phần vào việc thai chết lưu. Mặc dù vấn đề này đã được nghiên cứu nhưng vẫn có những trường hợp thai lưu không rõ lý do. Sau đây chỉ là một số nguyên nhân gây thai lưu phổ biến, bạn nên biết:
Nguyên nhân thai lưu do các vấn đề về nhau thai
Nhau thai là cơ quan lót tử cung liên kết cơ thể mẹ với thai nhi. Thông qua nhau thai, em bé sẽ nhận được máu, oxy và chất dinh dưỡng để phát triển trong bụng mẹ. Vì vậy, bất cứ vấn đề nào xảy ra với nhau thai, chẳng hạn như nhau bong non, có thể khiến thai nhi không thể tiếp tục phát triển và dẫn đến thai lưu.
Để xử lý kịp thời tình trạng bong nhau thai, bạn cần chú ý đến các triệu chứng như đau lưng, đau bụng, xuất hiện các cơn co thắt, chảy máu âm đạo… Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, mẹ bầu cần phải nhập viện càng sớm càng tốt.
Các vấn đề liên quan đến dây rốn
Tương tự như nhau thai, dây rốn cũng là đường dẫn truyền máu, oxy và chất dinh dưỡng cho em bé trong tử cung. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến dây rốn, chẳng hạn như dây rốn thắt nút, sẽ cắt đứt lượng oxy cung cấp cho thai nhi và ngăn cản sự phát triển của em bé.
Theo nghiên cứu, các vấn đề liên quan đến dây rốn có thể là nguyên nhân thai lưu gây ra ở 1/10 trường hợp thai chết lưu. Bên cạnh đó, những vấn đề này thường xảy ra vào cuối thai kỳ nên các mẹ cần chú ý khám thai đầy đủ để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời.
Bệnh nhiễm trùng là nguyên nhân dẫn đến thai lưu cần lưu ý
Cứ 10 ca thai chết lưu thì có đến hơn 1 ca có nguyên nhân là do nhiễm trùng ở thai nhi hoặc người mẹ. Đặc biệt là đối với mẹ bầu mắc bệnh nhiễm trùng từ khoảng tuần thứ 24 đến 27 của thai kỳ. Trong đó, một số bệnh nhiễm trùng có thể do vi khuẩn di chuyển từ âm đạo vào tử cung. Các vi khuẩn này thường bao gồm liên cầu nhóm B, E.coli, klebsiella, enterococcus và Haemophilus influenza. Một số bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như chlamydia, herpes, mycoplasma hoặc ureaplasma cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Bên cạnh đó, các bệnh do nhiễm vi khuẩn, virus khác có thể là nguyên nhân thai lưu bao gồm rubella, cúm, bệnh lyme, sốt rét… Có thể nói, bệnh nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến thai chết lưu. Do đó, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như chích vaccine trước khi mang thai để phòng bệnh hoặc quan hệ tình dục an toàn khi mang thai.
Các nguyên nhân gây thai lưu khác
- Dị tật bẩm sinh: Đây là nguyên nhân nhân thai lưu phổ biến vì chiếm khoảng 10 – 25% trường hợp thai chết lưu.
- Tiền sản giật: Một tình trạng gây huyết áp cao ở mẹ bầu và thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ.
- Băng huyết: Sản phụ mất nhiều máu trước hoặc trong khi chuyển dạ.
- Ứ mật thai kỳ: Còn gọi là ứ mật sản khoa, đây là hội chứng thường xảy ra vào cuối thai kỳ và khiến mẹ bầu bị ngứa dữ dội trên bàn tay, bàn chân…
- Bệnh lý trước khi mang thai: Nếu mẹ bầu mắc một số bệnh như tiểu đường, bệnh tim, bệnh tuyến giáp, béo phì, động kinh… trước khi mang thai thì đây cũng có thể là nguyên nhân gây thai lưu.
- Lối sống không lành mạnh: Một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ thai chết lưu có thể liên quan đến lối sống bao gồm uống rượu, hút thuốc, dùng chất kích thích…
- Tai nạn: Nếu mẹ bầu bị chấn thương do va chạm giao thông, té ngã, bạo lực gia đình… cũng có thể khiến thai nhi chết lưu.
Thai lưu có ngăn ngừa được không?
Thông thường, bạn khó có thể ngăn ngừa nguy cơ thai lưu. Bởi vì vấn đề này thường liên quan đến sự phát triển bất thường của em bé hoặc có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu muốn sinh con khỏe mạnh thì không phải là không có giải pháp giúp giảm thiểu nguy cơ này. Sau đây là những lời khuyên mẹ nên áp dụng để giảm nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu:
- Tránh uống rượu, hút thuốc và dùng chất kích thích.
- Đi khám ngay nếu bạn bị ngứa, đau bụng, chảy máu âm đạo bất thường hoặc nhận thấy thai nhi (26 – 28 tuần) giảm tần suất cử động trong một ngày.
- Trước khi mang thai bạn nên duy trì cân nặng hợp lý. Nếu đang mang thai, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống và cách tập thể dục.
- Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng trước và trong khi mang thai.
- Trong ăn uống, mẹ bầu nên tuân thủ quy tắc “ăn chín, uống sôi” và ăn theo chế độ được bác sĩ hướng dẫn.
- Mẹ bầu nên nằm nghiêng khi ngủ, đặc biệt là khi mang thai từ tuần 28 trở đi.
- Đảm bảo khám thai định kỳ đầy đủ, đặc biệt là khi bạn trên 35 tuổi, có bệnh nền hoặc mang thai đôi, đa thai.
Thai chết lưu là vấn đề tác động về mặt sức khỏe lẫn tâm lý của mẹ bầu. Thông qua các kết quả nghiên cứu, bạn có thể biết được nguyên nhân thai lưu và làm thế nào để giảm nguy cơ rủi ro. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là bạn cần chia sẻ trực tiếp những lo lắng và thắc mắc của mình với bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn giúp đỡ. Đồng thời, mẹ bầu nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh.
[embed-health-tool-due-date]