Trong một số trường hợp, nốt ruồi thường được xem là biểu tượng của sắc đẹp. Nó có thể đã tồn tại trên cơ thể bạn từ khi sinh ra hoặc cũng có thể xuất hiện và mờ dần theo thời gian. Nốt ruồi đôi khi cũng xuất hiện do sự thay đổi nội tiết của cơ thể trong quá trình dậy thì, mang thai và lão hóa. Vậy, các mẹ bầu mọc nốt ruồi khi mang thai có nguy hiểm hay không?
Nốt ruồi hầu hết đều vô hại, ngoại trừ một số trường hợp hiếm gặp, nốt ruồi trở thành dấu hiệu của ung thư. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu sự liên quan giữa mang thai và nốt ruồi xuất hiện trên cơ thể các mẹ bầu trong thai kỳ nhé!
Nốt ruồi là gì?
Nốt ruồi là những mảng nhỏ hoặc đốm lành tính trên da. Đây là những màu nâu sẫm hình thành do sự tập hợp của các tế bào melanocyte (tế bào biểu bì tạo hắc tố). Những tế bào này là yếu tốt quyết định màu da của mỗi người.
Nốt ruồi có khả năng di truyền và được di truyền từ cha mẹ. Nốt ruồi có thể có hình dạng, kích thước bất kỳ và có số lượng dao động từ 10 đến 100. Chúng có thể phẳng hoặc phồng, thô hoặc nhẵn và một số có thể có lông.
Nguyên nhân các mẹ bầu mọc nốt ruồi khi mang thai
Trong thời gian mang thai, rất nhiều nốt ruồi mới có thể xuất hiện trên cơ thể bạn, đặc biệt là ở vùng bụng và ngực. Bên cạnh đó, các nốt ruồi đã có trên cơ thể có thể trở nên tối màu và phát triển to ra.