Tình trạng thường xuyên khát nước là một trong những vấn đề phổ biến ở phụ nữ mang thai. Thực chất, mẹ bầu hay khát nước là điều bình thường. Bởi vì cơ thể mẹ bầu đang trải qua những thay đổi sinh lý và sinh hóa khác nhau.
Tuy nhiên, đôi khi cảm giác khát nước quá mức trong thai kỳ vẫn cần được xem xét và chú ý, đặc biệt là khi liên quan đến vấn đề sức khỏe. Trong bài viết sau, các mẹ bầu có thể tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân thường xuyên khát nước và các giải pháp đối phó cơn khát hiệu quả.
Triệu chứng cho thấy mẹ khát nước quá mức khi mang thai
Khát nước quá mức thường biểu hiện qua việc bạn cảm thấy khát đột ngột hoặc khát liên tục và cần được uống nước. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Khô miệng, có thể kèm theo khô cổ họng
- Sưng bàn tay, bàn chân hoặc mắt cá chân
- Mệt mỏi, mờ mắt, chóng mặt
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên.
Vì sao mẹ bầu hay khát nước? 6 nguyên nhân đáng chú ý mẹ cần biết
Mẹ bầu khát nước khi mang thai đa phần là điều hoàn toàn bình thường. Cơ thể của mẹ đơn giản là đang cần nhiều chất lỏng hơn để đáp ứng nhu cầu hoạt động và nuôi dưỡng thai nhi. Tuy nhiên, đôi khi mẹ bầu hay khát nước có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nào đó nên cần lưu ý. Sau đây là những nguyên nhân gây khát nước liên tục trong thai kỳ mà các mẹ bầu cần quan tâm, tìm hiểu:
1. Không cung cấp đủ nước cho cơ thể
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu được khuyến nghị nên uống khoảng 6 đến 8 ly nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khi thai nhi ngày càng phát triển trong bụng mẹ, túi ối cũng sẽ lớn dần lên. Lúc này, cơ thể mẹ bầu cần nhiều chất lỏng hơn để giúp loại bỏ chất thải dư thừa của bạn cũng như của em bé ra khỏi cơ thể. Thêm vào đó, mẹ bầu cũng luôn cần chất lỏng để đảm bảo lượng nước ối cần thiết.
Khi nhu cầu về việc bổ sung chất lỏng không được đáp ứng đủ, mẹ bầu hay khát nước là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc mẹ khát nước liên tục có thể do thời tiết hoặc môi trường làm việc nóng nực hoặc do mẹ hay đổ mồ hôi vào ban đêm.
Có thể bạn quan tâm
2. Mẹ bầu hay khát nước do tăng thể tích máu trong thai kỳ
Mang thai có thể làm tăng thể tích máu trong cơ thể mẹ đến khoảng 40% và mẹ sẽ cần nhiều nước hơn cho lượng máu đang tăng lên. Vì vậy, có thể nói rằng việc mẹ bầu khát nước liên tục khi mang thai cũng liên quan đến việc cơ thể mẹ đang tăng thể tích máu. Lượng máu bổ sung này là yếu tố cần thiết để cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai nhi đang phát triển.
3. Một số thực phẩm hoặc đồ uống gây khát nước
Dù mang thai hay không, nếu bạn ăn mặn, ăn món nhiều gia vị hoặc dùng thức uống chứa caffeine thì có thể cảm thấy khô miệng, khát nước đột ngột. Vì vậy, nếu chị em cảm thấy khát nước sau khi ăn hoặc uống một món nào đó thì cần lưu ý. Tốt hơn hết là nên hạn chế ăn uống các món này một thời gian.
4. Mẹ bầu hay khát nước liên quan đến huyết áp thấp
Mẹ bầu thường bị giảm huyết áp trong khoảng 24 tuần đầu của thai kỳ. Do đó, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Điều này có thể góp phần làm tăng cơn khát. Đồng thời, tình trạng này thường kèm theo các triệu chứng khác khi tụt huyết áp như buồn nôn, mệt mỏi, mờ mắt, thở nông hoặc thở gấp, da lạnh, tái nhợt, chóng mặt, choáng váng, có thể ngất xỉu.
5. Áp lực của thai nhi lên bàng quang
Mẹ bầu hay khát nước, đặc biệt là khi mang thai tháng cuối có thể do thai nhi đang phát triển khiến tử cung mở rộng và gây áp lực lên bàng quang. Điều này sẽ khiến mẹ đi tiểu thường xuyên hơn làm cho cơn khát của mẹ cũng sẽ tăng lên và cần uống nhiều nước hơn.
6. Tiểu đường thai kỳ
Tình trạng phụ nữ mang thai khát nước thường xuyên không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, mẹ bầu hay khát nước có thể là dấu hiệu ban đầu của tiểu đường thai kỳ. Vì vậy, nếu cảm thấy khát nước quá mức kèm theo các triệu chứng khác như đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi cực độ thì mẹ bầu nên thông báo cho bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Làm sao để đối phó với cơn khát nước liên tục khi mang thai?
Khát nước liên tục hoặc khát quá mức có thể gây khó chịu. Mẹ bầu sẽ nhận thấy tình trạng này tồi tệ hơn khi đang trải qua chứng ốm nghén hoặc thời tiết nóng bức. Vì vậy, để đối phó với những cơn khát hiệu quả, mẹ có thể tham khảo một số lời khuyên hữu ích sau đây:
- Mẹ bầu cần bổ sung đủ lượng nước được khuyến nghị thường là khoảng 8 ly nước mỗi ngày. Nếu quá bận rộn đến mức hay quên uống nước, gợi ý là bạn có thể hẹn giờ hoặc cài đặt một ứng dụng nhắc nhở uống nước trên điện thoại để không quên việc phải uống nước thường xuyên trong ngày.
- Bên cạnh nước lọc, mẹ bầu có thể lựa chọn thêm sữa, nước ép trái cây không đường, nước canh… để đáp ứng nhu cầu về lượng chất lỏng mà cơ thể cần. Đối với mẹ đang ốm nghén, mẹo nhỏ là bạn có thể nhâm nhi nước chanh để vừa giảm buồn nôn vừa bổ sung thêm chất lỏng.
- Mẹ bầu hay khát nước nên chú ý bổ sung trái cây, rau củ, đặc biệt là những loại quả mọng nước như cam, quýt, bưởi, dưa hấu… Điều này không chỉ giúp mẹ bầu được bổ sung thêm nước mà còn nhận được các vitamin và dưỡng chất cần thiết khác từ trái cây.
- Cắt giảm lượng muối trong thức ăn hàng ngày để tránh tình trạng cảm thấy khát nước liên tục khi mang thai. Đồng thời, mẹ nên tránh nước ngọt, rượu bia và thức uống chứa caffeine để không chỉ đối phó với cơn khát mà còn đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
- Ngậm đá bào hoặc kem que với hương vị yêu thích một vài lần trong ngày cũng rất hữu ích trong việc giảm đi những cơn khát nước.
- Bổ sung nước cho cơ thể là điều quan trọng. Thế nhưng, uống nhiều nước vượt quá mức khuyến nghị cũng có thể gây hại. Vì vậy, để ngăn điều này xảy ra, mẹ có thể lựa chọn chai đựng nước có chia vạch đơn vị thể tích để theo dõi được lượng nước bạn uống mỗi ngày dễ dàng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nhìn chung, mẹ bầu hay khát nước là điều bình thường và mẹ có thể dễ dàng đối phó cơn khát bằng nhiều cách. Tuy nhiên, nếu mẹ thường xuyên bị khát quá mức dù uống đủ nước mỗi ngày thì nên sớm đi khám. Tình trạng khát nước liên tục không rõ nguyên nhân, đặc biệt là khi đang mang thai, cũng có thể đáng lo ngại. Mẹ bầu nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp nếu khát nước quá mức là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe xảy ra trong thai kỳ.
[embed-health-tool-due-date]