Việc tìm hiểu kỹ càng về những lưu ý sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung để điều trị dự phòng sinh non sẽ giúp bạn có một thai kỳ ổn định, phát huy hiệu quả của vòng nâng.
Đặt vòng nâng cổ tử cung là một phương pháp không xâm lấn dùng để phòng ngừa sinh non ở phụ nữ mang thai do cổ tử cung ngắn, yếu. Sau khi đặt bạn có thể gặp phải một vài triệu chứng khó chịu nhưng không gây ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp này. Dù vậy, bạn cũng cần biết những lưu ý sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Mời các mẹ bầu cùng tìm hiểu trong bài viết sau của Hello Bacsi.
Vòng nâng cổ tử cung là gì? Khi nào cần đặt?
Trước khi tìm hiểu các lưu ý sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, mời mẹ bầu cùng tìm hiểu về dụng cụ này.
1. Vòng nâng cổ tử cung là gì?
Vòng nâng cổ tử cung là một vòng tròn bằng silicone mềm, được đặt vào trong âm đạo ôm lấy cổ tử cung và có thể tháo ra dễ dàng do bác sĩ thực hiện. Cơ chế hỗ trợ cổ tử cung của vòng nâng vẫn chưa được hiểu rõ nhưng chúng được cho là giúp thay đổi độ nghiêng của ống cổ tử cung hướng ra sau nhiều hơn. Khi đó, trọng lượng thai sẽ dồn nhiều về phần dưới phía trước.
2. Khi nào cần đặt?
Bác sĩ sẽ đưa vòng nâng cổ tử cung vào phía trên âm đạo khi thai được khoảng 14 – 24 tuần và tháo ra ở tuần 37. Đây là một thủ thuật đề phòng sinh non đơn giản, không xâm lấn, không cần gây mê, không cần điều trị nội trú. Hơn nữa, mẹ bầu vẫn có thể sinh hoạt bình thường sau khi đặt vòng nâng nếu không có triệu chứng động thai.
Các trường hợp được chỉ định đặt vòng nâng cổ tử cung gồm:
- Cổ tử cung ngắn, hở eo cổ tử cung, nhưng không thể khâu do phát hiện trễ
- Có dấu hiệu sinh non, nguy cơ sảy thai
- Có tiền sử sảy thai ở 3 tháng giữa thai kỳ, tiền sử sinh non nhưng không được chỉ định khâu eo tử cung
- Mang song thai hoặc đa thai
- Điều trị các bệnh lý sàn chậu như sa tử cung, sa bàng quang…
- Kết quả siêu âm cho thấy cổ tử cung ngắn ≤ 25cm
Tùy vào từng vấn đề mà mẹ bầu gặp phải, bác sĩ sẽ lựa chọn loại, kích thước vòng nâng phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số trường hợp không được đặt vòng nâng tử cung, chẳng hạn như:
- Bị động thai, ra huyết nhiều, đau bụng, gò tử cung
- Rò rỉ nước ối
- Viêm nhiễm âm đạo hoặc cổ tử cung
- Có bất thường ở cổ tử cung như polyp, phù nề…
Lưu ý sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung
Việc đặt vòng nâng cổ tử cung có thể gây ra cảm giác kích thích âm đạo, khiến bạn gặp phải một số biểu hiện như tiết dịch âm đạo nhiều, dịch có thể có mùi hôi, xuất huyết nhẹ. Tuy nhiên đó chỉ là các triệu chứng khó chịu nhẹ so với lợi ích của việc đặt vòng. Dù vậy, bạn cũng cần nhớ những lưu ý sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung sau đây để chăm sóc bản thân tốt nhất có thể:
- Đi lại chậm rãi sau khi đặt vòng nâng để quen dần cảm giác
- Vận động nhẹ nhàng, tránh dùng sức nhiều ở vùng bụng
- Tránh quan hệ tình dục khi đang đặt vòng nâng
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ khoáng chất cần thiết như sắt, axit folic.
Tình trạng tuột vòng nâng cổ tử cung có thể xảy ra sau khi đặt nếu bạn không nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, vận động mạnh do lúc đó vòng chưa ổn định vị trí trong cơ thể. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bị tuột vòng nâng tử cung, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được can thiệp xử lý kịp thời.
Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường trong thời gian đặt vòng nâng như ngứa vùng kín không hết, tiết dịch âm đạo có mùi lạ, chảy máu âm đạo thì hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám, điều trị thích hợp.
Việc tháo vòng nâng sẽ được tiến hành vào khoảng tuần thứ 37 của thai kỳ và sau đó mẹ bầu vẫn có thể sinh thường tự nhiên.
Nhìn chung, việc đặt vòng nâng cổ tử cung nhằm giúp phòng ngừa sinh non, sảy thai, đồng thời còn có thể hỗ trợ điều trị cho những mẹ bầu có bệnh lý sàn chậu. Phương pháp này cũng khá an toàn, gần như không có tác dụng phụ và vòng nâng sẽ được tháo ra trước thời điểm bạn sinh em bé. Bạn chỉ cần nhớ những lưu ý sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung và tuân thủ những lưu ý này để đảm bảo vòng nâng không bị tác động lệch vị trí, tuột ra khỏi cổ tử cung.
[embed-health-tool-due-date]