backup og meta

Hội chứng truyền máu song thai là gì? Triệu chứng và giải pháp điều trị

Hội chứng truyền máu song thai là gì? Triệu chứng và giải pháp điều trị

Hội chứng truyền máu song thai (Twin-to-twin transfusion syndrome – TTTS) là một tình trạng hiếm gặp nhưng mang tính nghiêm trọng. Hội chứng này có thể xảy ra trong khi mẹ bầu mang thai cặp song sinh cùng trứng có chung một bánh nhau. 

Hội chứng TTTS xảy ra là do các kết nối mạch máu bất thường hình thành trong nhau thai và khiến máu lưu thông không đều giữa các thai nhi. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về hội chứng này một cách cặn kẽ nhất. 

Hội chứng truyền máu song thai là gì?

Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) là một tình trạng hiếm gặp, gây ảnh hưởng đến các cặp song sinh cùng trứng và có chung bánh nhau, chung một mạng lưới mạch máu nhưng các kết nối diễn ra bất thường dẫn đến tình trạng máu phân phối không được đồng đều giữa các thai nhi. Tình trạng này dẫn đến một thai nhi – được gọi là thai nhi cho – cho đi nhiều máu hơn so với lượng máu mà bé nhận nên có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và suy nội tạng. Trong khi đó, ở thai nhi nhận lại nhận được quá nhiều máu khiến tim của bé phải làm việc quá mức nên dễ gặp phải các biến chứng như rối loạn chức năng tim mạch, thậm chí là suy tim và tử vong. 

Hội chứng truyền máu song thai dẫn đến sự mất cân bằng huyết động giữa thai cho và thai nhận, gây sự chênh lệch thể tích giữa hai buồng ối, đa ối và thiểu ối, là một tình trạng rất nguy hiểm cho cả hai thai nhi. 

Trong trường hợp không được điều trị, các chuyên gia sản khoa ước tính có khoảng 80 – 100% thai nhi tử vong trước tuần 26. Trường hợp 1 trong 2 thai nhi chết, thai còn lại sẽ bị di chứng thần kinh nặng nề. Theo số liệu của Bệnh viện phụ sản Trung Ương tỷ lệ mắc hội chứng truyền máu song thai là 0,1 – 1,9/1.000 trẻ sinh ra

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng truyền máu song thai

hội chứng truyền máu song thai

Nguyên nhân gây ra hội chứng truyền máu song thai (TTTS) thường là do hậu quả của những bất thường xảy ra trong các mạch máu tại bánh nhau, khi nguồn cung cấp máu của một thai nhi được chuyển đến thai nhi còn lại nhờ nhau thai. Nhiều mẹ thắc mắc truyền máu song thai thường xảy ra tuần thứ mấy? Nhìn chung, tình trạng này phát triển trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ khiến cặp thai nhi gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. 

Theo các chuyên gia sức khỏe thì ngoài nguyên nhân nêu trên còn có một số nguyên nhân chưa được biết rõ có thể liên quan đến việc mẹ bầu mắc hội chứng này.

Triệu chứng hội chứng truyền máu song thai

Đối với mẹ bầu

Trong nhiều trường hợp thai kỳ bị hội chứng truyền máu song thai, mẹ bầu không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số mẹ bầu có thể sẽ cảm nhận được một vài dấu hiệu như: 

  • Bụng bầu to bất thường so với tuổi thai 
  • Cảm thấy tăng áp lực ở bụng 
  • Trọng lượng tăng nhanh 
  • Đau bụng 
  • Khó thở 
  • Tăng huyết áp
  • Chuột rút và co thắt tử cung 
  • Trong giai đoạn sớm của thai kỳ có hiện tượng phù chân tay. 

Do đó, trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu gặp phải bất kỳ vấn đề nào kể trên hay gặp những dấu hiệu bất thường thì nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán. 

Đối với thai nhi

Bác sĩ có thể nhận thấy cặp song thai đang gặp vấn đề với TTTS qua hình ảnh siêu âm. Một thai nhi nhỏ hơn rõ rệt so với thai nhi còn lại, buồng ối của bé cũng nhỏ hơn và bàng quang thường trống. 

Hội chứng truyền máu song thai được chẩn đoán như thế nào?

mẹ bầu mang thai đôi

Bác sĩ có thể nghi ngờ thai kỳ của mẹ bầu đang gặp vấn đề với hội chứng truyền máu này dựa trên kết quả siêu âm thai định kỳ. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu thực hiện các xét nghiệm chi tiết hơn như đo lượng nước ối, lưu lượng máu của thai nhi cho và thai nhi nhận…  

Việc tăng thể tích nước ối cũng khiến tử cung của mẹ bầu gia tăng kích thước với tốc độ nhanh. Điều này là gia tăng nguy cơ rút ngắn cổ tử cung dẫn đến chuyển dạ sinh non hoặc vỡ ối sớm. Do đó, việc đánh giá chiều dài cổ tử cung và hoạt động tử cung là cần thiết cho những mẹ bầu bị nghi ngờ có liên quan đến TTTS. 

Một yếu tố quan trọng trong việc xác định tiên lượng của hội chứng này là tình trạng rối loạn chức năng tim mạch ở cặp song thai. Đây là lý do tại sao việc chẩn đoán truyền máu song thai sẽ bao gồm cả việc kiểm tra chi tiết về tim thai (siêu âm tim thai) ở cả thai nhi nhận và thai nhi cho.

Chẩn đoán xác định TTTS khi có những đặc điểm

Song thai 1 nhau, thiểu ối ở thai cho và đa ối ở thai nhận.

Các giai đoạn của hội chứng truyền máu song thai

Hệ thống phân đoạn Quintero được sử dụng để phân giai đoạn hội chứng truyền máu song thai. Hội chứng này được phân ra 5 giai đoạn và giai đoạn 5 là giai đoạn nghiêm trọng nhất.

  • Giai đoạn 1: Có sự khác biệt đáng kể về lượng nước ối trong túi song thai, thai cho rất ít nước ối và thai nhận rất dư ối. Còn quan sát thấy bàng quang thai cho.
  • Giai đoạn 2: Tình trạng nước ối như trên. Bàng quang của thai nhi cho có kích thước nhỏ hơn so với thai nhi nhận nên không thể nhìn thấy qua siêu âm. 
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn 1 hoặc 2, kèm theo có bất thường lưu lượng máu qua dây rốn và các mạch xung quanh tim của thai nhi. 
  • Giai đoạn 4: Tình trạng phù (tích tụ dịch lỏng) phát triển trong nhiều khoang cơ thể. Điều này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai thai nhi.
  • Giai đoạn 5: Một hoặc thậm chí cả hai thai đều tử vong.

Hội chứng truyền máu song thai được điều trị như thế nào?

điều trị hội chứng truyền máu song thai

Việc chẩn đoán và can thiệp sớm là chìa khóa để điều trị hội chứng này. Tùy vào các giai đoạn của hội chứng và tuổi thai của thai nhi mà các bác sĩ sẽ đề xuất hình thức điều trị phù hợp. Sau đây là một vài hình thức điều trị mà mẹ bầu có thể tham khảo: 

  • Điều trị theo dõi: Nếu phát hiện tình trạng hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong giai đoạn 1, mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm, siêu âm tim thai trong suốt thai kỳ để theo dõi thai nhi. Trong những trường hợp ít nghiêm trọng, mẹ bầu không cần các biện pháp điều trị khác.  
  • Chọc hút ối: Lượng nước ối dư thừa trong túi ối của thai nhi nhận sẽ được hút ra. Bác sĩ sẽ dùng hình ảnh siêu âm để đưa cây kim dài, mảnh vào tử cung nhằm hút bớt nước ối. Thủ thuật này cũng tương tự như phương pháp chọc dịch màng ối. Điều này được khuyến cáo áp dụng trong giai đoạn 1 của hội chứng truyền máu song thai và khi hội chứng được chẩn đoán vào cuối thai kỳ.
  • Quang đông bằng laser qua nội soi: Đây là hình thức phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó laser được sử dụng để làm giãn các mạch máu góp phần tạo ra lưu lượng máu bất thường cho em bé. Theo một số nghiên cứu, đây là liệu pháp hữu hiệu nhất cho cặp song thai bị TTTS tiến triển.
  • Theo dõi và chờ sinh: Nếu hội chứng được phát hiện vào cuối thai kỳ, các bác sĩ sẽ ưu tiên việc theo dõi và chờ mẹ bầu sinh con. 

Thời điểm điều trị tối ưu là trước 26 tuần. Chấm dứt thai kỳ ở tuần 34 – 36, hoặc sớm hơn tùy diễn biến.

Hội chứng truyền máu song thai khiến mẹ bầu và thai nhi phải đối mặt với những nguy cơ nào?

Việc gặp phải TTST khiến mẹ bầu và thai nhi có thể phải đối mặt với các biến chứng thai kỳ như: 

  • Sinh non
  • Ối vỡ non
  • Nhiễm trùng ối
  • Suy tim thai ở thai nhận dẫn đến thai chết lưu 
  • Thiếu máu, thiếu oxy ở thai cho dẫn đến chết do suy bánh nhau hoặc thiếu máu, thai còn lại phải đối mặt với nguy cơ tổn thương hệ thần kinh lên đến khoảng 25%. 

Những lưu ý dành cho mẹ bầu

Nếu mang song thai cùng trứng, mẹ bầu cần đi siêu âm với tuần suất là 2 tuần/1 lần từ tuần thứ 16 – 24 của thai kỳ để có thể sớm phát hiện các dấu hiệu của hội chứng TTST. Trường hợp nhận thấy các dấu hiệu sớm của hội chứng này, bác sĩ có thể chỉ định bạn đi siêu âm mỗi tuần. 

Trong trường hợp xác định chính xác thai kỳ của bạn đang gặp vấn đề với hội chứng truyền máu song thai, bác sĩ có thể đưa ra liệu trình điều trị để 2 thai nhi cùng phát triển. 

Theo các chuyên gia sản khoa, dù không mắc hội chứng này thì khoảng 10% những ca song sinh cùng trứng thường không phát triển đồng đều, nghĩa là sẽ có một thai nhi phát triển chậm hơn so với thai còn lại. Mẹ bầu thường sẽ được khuyên sinh sớm nếu các các bác sĩ nhận thấy thai nhi nhỏ hơn ngừng phát triển.

Hầu hết các trường hợp mang thai cùng trứng đều sinh sớm, trước tuần 37 của thai kỳ. Hội chứng TTTS có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ ở các bệnh viện chuyên khoa phụ sản uy tín để nhận được sự chăm sóc tốt nhất. 

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is twin-to-twin transfusion syndrome?. www.babycentre.co.uk/x1019449/what-is-twin-to-twin-transfusion-syndrome#ixzz3diG7us8w. Ngày truy cập 13/09/2016

Twin to Twin Transfusion Syndrome (Fetofetal Transfusion). www.healthline.com/health/twin-to-twin-transfusion-syndrome. Ngày truy cập 13/08/2016

What Is Twin-Twin Transfusion Syndrome (TTTS)?

https://www.cincinnatichildrens.org/health/t/twin-twin-transfusion-syndrome Truy cập ngày 10/11/2022

Twin-to-Twin Transfusion Syndrome (TTTS)

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/twintotwin-transfusion-syndrome-ttts#:~:text=Twin%2Dto%2Dtwin%20transfusion%20syndrome%20(TTTS)%20is%20a,for%20development%20in%20the%20womb. Truy cập ngày 10/11/2022

Twin to Twin Transfusion Syndrome (TTTS)

https://fetus.ucsf.edu/ttts/ Truy cập ngày 10/11/2022

Phiên bản hiện tại

10/11/2022

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Mang song thai 34 tuần và những vấn đề mẹ cần biết

Dây rốn bám màng: Tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hại cho em bé


Tác giả:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 10/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo