Giảm tiểu cầu khi mang thai không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé nhưng cần được bác sĩ theo dõi thường xuyên để đảm bảo số lượng tiểu cầu không quá thấp.
Rối loạn giảm tiểu cầu hay tiểu cầu thấp là một rối loạn máu thường gặp trong thai kỳ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do sự thay đổi của cơ thể của mẹ bầu trong quá trình mang thai hoặc do một số bệnh lý mà bạn mắc phải. Để giúp bạn có thêm thông tin về tình trạng giảm tiểu cầu khi mang thai, Hello Bacsi đã tổng hợp một số thông tin hữu ích thông qua những chia sẻ dưới đây.
Giảm tiểu cầu là gì?
Giảm tiểu cầu là tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu giảm liên tục. Tiểu cầu là những tế bào máu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Bình thường, số lượng tiểu cầu sẽ dao động từ 150.000 đến 400.000 tiểu cầu trên mỗi microlit (μL) máu. Nếu con số này giảm xuống dưới 150.000 trên mỗi microlit máu thì được xem là tiểu cầu thấp khi mang thai.
Giảm tiểu cầu nhẹ khi mang thai không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu số lượng tiểu giảm xuống quá thấp, tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.
Các cấp độ giảm tiểu cầu khi mang thai
Giảm tiểu cầu là rối loạn máu phổ biến xếp thứ hai trong thai kỳ, sau thiếu máu. Khoảng 8 – 10% bà bầu mắc phải tình trạng này. Theo các chuyên gia, tình trạng giảm tiểu cầu sẽ được phân thành 3 cấp độ:
- Nhẹ: số lượng tiểu cầu > 100.000
- Trung bình: số lượng tiểu cầu từ 50.000 – 100.000
- Nặng: số lượng tiểu cầu < 50.000.
Phần lớn các bà bầu chỉ bị giảm tiểu cầu nhẹ, nếu số lượng tiểu cầu của bạn dưới 80.000, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.
Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu khi mang thai
Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu ở bà bầu thường xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài:
1. Giảm tiểu cầu thai nghén (Gestational thrombocytopenia)
Theo thống kê, có đến 70-80% các trường hợp mẹ bầu bị giảm tiểu cầu thai kỳ là do thai nghén. Đây là tình trạng khá ngẫu nhiên.
Đặc điểm chung của giảm tiểu cầu thai nghén khi mang thai:
- Không có triệu chứng
- Giảm tiểu cầu ở mức độ nhẹ đến trung bình với số lượng tiểu cầu nhiều hơn 70.000
- Thường gặp trong tam cá nguyệt thứ ba và thường được phát hiện thông qua sàng lọc trước khi sinh
- Số lượng tiểu cầu trở lại bình thường trong vòng 2 – 12 tuần sau sinh.
Rủi ro:
Giảm tiểu cầu thai nghén không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Bạn chỉ nên theo dõi định kỳ mà không cần phải thực hiện bất cứ phương pháp điều trị nào.
2. Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP)
Tình trạng này rất khó phân biệt với tình trạng giảm tiểu cầu thai nghén và bạn có thể bị trước khi mang thai. ITP là một rối loạn tự miễn gây ra bởi sự phát triển của kháng thể kháng tiểu cầu immunoglobulin G.
Đặc điểm chính của xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch khi mang thai:
- Không có triệu chứng hoặc có tiền sử hay bị bầm tím, chảy máu niêm mạc, xuất huyết và chảy máu nướu răng.
- Xuất hiện trước khi thụ thai và tiếp tục sau khi mang thai.
- Cần được theo dõi chặt chẽ trong quá chuyển dạ và sinh con.
Rủi ro:
- Những bé có mẹ bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch thường không gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Một số có thể có số lượng tiểu cầu thấp nhưng rất hiếm. Tuy nhiên, số lượng tiểu cầu của trẻ cần được theo dõi trong vài ngày sau khi sinh.
- Người mẹ có nguy cơ bị xuất huyết tự phát nếu số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 20.000. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai có số lượng tiểu cầu dưới 20.000 cần được điều trị ngay.
3. Tiền sản giật và hội chứng HELLP
Tiền sản giật và hội chứng HELLP là lý do phổ biến thứ hai gây giảm tiểu cầu trong thai kỳ.
Đặc điểm chính của tình trạng này là:
- Số lượng tiểu cầu dưới 100.000
- Thường xuất hiện vào giữa tuần thứ 28 đến tuần thứ 36 của thai kỳ
- Các triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau ở phía trên bên phải và vùng thượng vị
- Protein niệu và cao huyết áp.
Rủi ro:
- Thai nhi tăng trưởng và phát triển bất thường
- Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị giảm tiểu cầu
- Người mẹ cần truyền tiểu cầu nếu bị chảy máu
- Hội chứng HELLP thường phổ biến ở phụ nữ sinh có nhiều con.
Hội chứng HELLP là một tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị.
4. Các nguyên nhân khác gây giảm tiểu cầu khi mang thai
Ngoài 3 nguyên nhân chính kể trên thì còn có những nguyên nhân khác như:
4.1. Gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ (AFLP)
Gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ là một rối loạn hiếm gặp, khoảng 10.000-15.000 ca mang thai thì chỉ có một trường hợp mắc phải. Nguyên nhân thường là do sự bất thường trong quá trình oxy hóa axit béo nội bào. Các triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn, đau ở phía trên bên phải, khó chịu và suy giảm lưu lượng mật.
4.2. Thiếu hụt dinh dưỡng là nguyên nhân giảm tiểu cầu khi mang thai
Thiếu vitamin B12 và axit folic nghiêm trọng không chỉ làm giảm số lượng tiểu cầu mà còn ảnh hưởng đến số lượng hồng cầu và bạch cầu. Tuy nhiên, rất hiếm bà bầu bị giảm tiểu cầu do nguyên nhân này vì phần lớn phụ nữ mang thai đều được bổ sung axit folic để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
4.3. Thuốc
Một số loại thuốc như paracetamol và ibuprofen có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và sản xuất tiểu cầu.
Bà bầu bị giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng giảm tiểu cầu được phát hiện trước khi mang thai hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bác sĩ sẽ theo dõi và kiểm tra xem tình trạng này có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và bé hay không.
Nếu tình trạng giảm tiểu cầu được phát hiện trong giai đoạn sau, bác sĩ sẽ kiểm tra xem bạn có bị tiền sản giật hoặc hội chứng HELLP không.
Điều trị giảm tiểu cầu khi mang thai
Nếu bạn đang thắc mắc về cách làm tăng tiểu cầu cho bà bầu, thì việc điều trị giảm tiểu cầu khi mang thai phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thường tập trung vào giải quyết nguyên nhân. Các trường hợp tiểu cầu thấp khi mang thai nhẹ không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi thường xuyên.
Các nguyên nhân nghiêm trọng như tiền sản giật, HELLP cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ:
- Thuốc Corticosteroid: làm tăng nhanh số lượng tiểu cầu và giảm nguy cơ chảy máu.
- Tiêm miễn dịch làm tăng số lượng tiểu cầu.
- Truyền máu.
Một số biện pháp hiếm khi được chỉ định:
- Súc miệng bằng axit aminocaproic khi chảy máu nướu răng quá nhiều.
- Phẫu thuật.
Rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sinh nở
Nhiều chị em thắc mắc bệnh giảm tiểu cầu có sinh con được không? Thực tế, mẹ bầu vẫn có thể sinh con được. Nhưng nếu mẹ bầu bị giảm tiểu cầu khi mang thai, khi sinh bạn có thể gặp phải một số rủi ro sau:
- Mất máu quá nhiều trong khi sinh.
- Trẻ sơ sinh có thể bị xuất huyết trong.
- Không thể gây tê ngoài màng cứng vì bạn có nguy cơ bị tụ máu ngoài màng cứng.
Làm thế nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?
Bà bầu bị giảm tiểu cầu nên ăn gì? Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thử để tăng số lượng tiểu cầu:
- Ăn trái cây và rau quả nhiều màu sắc như cam, kiwi, cà chua và rau xanh
- Uống nước ép củ dền và cà rốt
- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như cải bó xôi, chanh, ớt chuông và bông cải xanh
- Ăn nhiều thực phẩm giàu axit béo omega-3 như trứng, dầu hạt lanh, cá ngừ và cá hồi
- Ăn ngũ cốc nguyên hạt chứa phytoestrogen và vitamin E
- Ăn các loại thực phẩm như quả óc chó, cà rốt, đậu phộng, mè đen, thịt nạc và sữa…
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được giảm tiểu cầu khi mang thai có nguy hiểm không. Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu khi mang thai có thể khó để chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến bé, do đó mẹ bầu không cần phải quá lo lắng. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn nên đến gặp bác sĩ để được giải đáp.
[embed-health-tool-due-date]