backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

7 nguyên nhân gây đau thượng vị ở bà bầu - Khi nào bạn cần đi khám?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 15/11/2021

    7 nguyên nhân gây đau thượng vị ở bà bầu - Khi nào bạn cần đi khám?

    Đau vùng thượng vị ở bà bầu xuất hiện ở giữa khu vực bụng trên và ngay dưới lồng ngực. Cơn đau do khá nhiều nguyên nhân gây ra, từ đơn giản đến phức tạp.

    Cảm giác đau thượng vị khi mang thai là điều rất phổ biến. Tình trạng này đến từ một hiện tượng trào ngược axit hoặc áp lực lên bụng do tử cung mở rộng. Quá trình thay đổi nồng độ nội tiết tố trong suốt thai kỳ cũng có thể làm nặng thêm chứng trào ngược axit và đau thượng vị ở bà bầu.

    Tình trạng đau vùng thượng vị nghiêm trọng hoặc kéo dài khi mang thai có thể là dấu hiệu của một vài vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tình trạng này ở bà bầu qua bài viết sau nhé.

    Nguyên nhân gây đau thượng vị ở bà bầu

    Một số lý do khiến bà bầu bị đau thượng vị là:

    1. Trào ngược axit gây đau thượng vị

    Trào ngược dạ dày xảy ra khi axit hoặc thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược về phía thực quản. Nếu tình trạng này xảy ra, mẹ bầu sẽ cảm thấy đau tức ngực, bụng và cổ họng. Theo thời gian, tình trạng trào ngược axit liên tục có thể gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý mẹ bầu. Các dấu hiệu phổ biến của tình trạng trào ngược axit gồm:

    • Ợ nóng
    • Khó tiêu
    • Ho liên tục
    • Đau cổ họng, khàn giọng
    • Cảm giác như họng đang có hạt
    • Miệng có mùi tanh, chua bất thường.

    Một số biện pháp để cải thiện tình trạng này bao gồm:

    • Hạn chế uống cà phê
    • Chia nhỏ khẩu phần ăn mỗi bữa
    • Ngậm một lát gừng hoặc thưởng thức một tách trà gừng
    • Chú ý tư thế ngủ khi mang thai, hãy kê cao đầu một chút để axit không có cơ hội trào ngược lên trên
    • Hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ và thực phẩm chứa nhiều axit (trái cây họ cam chanh, cà chua).

    2. Ợ nóng, khó tiêu

    Khó tiêu, ợ nóng khi mang thai thường xảy ra những lúc mẹ bầu hấp thụ các thực phẩm không quá thân thiện với dạ dày khiến bộ phận này gặp khó khăn với quá trình tiêu hóa. Mặt khác, đôi khi axit trong dạ dày có thể gây kích ứng niêm mạc của hệ thống tiêu hóa. Những dấu hiệu phổ biến của tình trạng trên bao gồm:

    • Buồn nôn
    • Đầy bụng
    • Chướng bụng.

    Các biểu hiện trên thường xuất hiện cùng với cảm giác đau thượng vị khi mang thai. Để giảm nhẹ, bạn có thể làm theo một số gợi ý như sau:

    • Uống nhiều nước
    • Không ăn trước khi ngủ
    • Bận quần áo rộng rãi, thoáng mát
    • Đứng hoặc ngồi thẳng một lát sau mỗi bữa ăn để giảm cảm giác đau thượng vị khi mang thai
    • Hạn chế những thức ăn mà bạn nghĩ có thể gây nên tình trạng khó tiêu.

    3. Ăn quá nhiều khiến bà bầu bị đau thượng vị

    đau thượng vị ở bà bầu

    Dạ dày là một bộ phận rất linh hoạt, có thể co giãn để phục vụ hoạt động tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều sẽ khiến dạ dày phình to hơn khả năng giãn nở của nó, từ đó gây ra khó tiêu, trào ngược axit và ợ nóng. Ngoài ra, mẹ bầu dễ dàng gặp phải tình trạng ăn quá nhiều do tâm lý ăn cho hai người hoặc nếu bạn trong tình trạng thèm ăn khi mang thai.

    4. Không dung nạp lactose

    Không dung nạp lactose có thể là một nguyên nhân khác gây đau thượng vị ở bà bầu và các triệu chứng kèm theo, bao gồm:

    • Đau bụng
    • Tiêu chảy
    • Nôn mửa
    • Khó tiêu
    • Đầy hơi.

    Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chính của một số chất dinh dưỡng và khoáng chất, đặc biệt là canxi. Canxi có nhiệm vụ hỗ trợ sự phát triển ở xương và răng của thai nhi. Việc hạn chế những thực phẩm này có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp canxi cho mẹ bầu và bé yêu đang lớn dần lên trong bụng. Do vậy, bạn hãy đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ những giải pháp phù hợp cho vấn đề này.

    Mẹ bầu nên tìm hiểu những nguồn canxi cho mẹ bầu không dung nạp lactose để bổ sung vào thực đơn hằng ngày, chẳng hạn như:

    • Sản phẩm từ đậu nành
    • Ngũ cốc nguyên hạt
    • Các loại hạt và đậu
    • Bông cải xanh
    • Trái cây khô
    • Rau bó xôi
    • Mật mía.

    5. Viêm thực quản hoặc viêm dạ dày

    Viêm thực quảnviêm dạ dày là 2 tình trạng xuất hiện do trào ngược axit, nhiễm trùng, rối loạn hệ thống miễn dịch và kích ứng khi sử dụng một số loại thuốc. Nếu không chữa, lớp niêm mạc bên trong thực quản, dạ dày có thể bị tổn thương hoặc thậm chí chảy máu. Những dấu hiệu khác cho thấy tình trạng viêm nhiễm gồm:

    • Khó thở
    • Buồn nôn
    • Ho không dứt
    • Gặp khó khăn khi nuốt
    • Đau tức vùng thượng vị.

    6. Thoát vị hoành gây đau thượng vị ở bà bầu

    Thoát vị hoành xảy ra khi một phần của dạ dày đẩy lên qua cơ hoành và tiến vào ngực. Ngoài hiện tượng đau thượng vị, các triệu chứng phổ biến khác của thoát vị hoành bao gồm:

    • Khó tiêu
    • Ợ lớn tiếng
    • Ngứa, đau rát ở cổ họng
    • Cảm giác nóng rát ở ngực

    Tình trạng này thường chỉ phổ biến ở người lớn tuổi nhưng vẫn không loại trừ nguy cơ bạn có thể mắc phải.

    7. Rối loạn túi mật

    Các vấn đề với túi mật chẳng hạn như sỏi mật, viêm túi mật cũng có thể gây đau vùng thượng vị khi mang thai. Các triệu chứng bao gồm:

    • Đau dữ dội gần phía trên, bên phải của dạ dày sau khi ăn
    • Nóng rát ở ngực và cổ họng
    • Ăn uống không ngon
    • Đầy hơi
    • Vàng da.

    Điều trị đau thượng vị khi mang thai như thế nào?

    đau thượng vị ở bà bầu

    Việc điều trị đau thượng vị ở bà bầu tùy thuộc vào nguyên nhân. Nếu cơn đau là do chế độ ăn uống hoặc ăn quá nhiều, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thay đổi thói quen này, chẳng hạn như:

    • Thực hiện bài tập thể dục cho bà bầu trong khoảng 30 phút mỗi ngày
    • Ăn thực phẩm lành mạnh, hỗ trợ hệ tiêu hóa, bao gồm gừng, sữa chua
    • Bổ sung thêm vitamin B để làm giảm cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ thực phẩm chức năng nào để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

    Nếu cơn đau tức bụng trên là kết quả của việc dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như NSAIDs (thuốc kháng viêm không steroid), bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng các loại thuốc này và gợi ý cách khác để kiểm soát cơn đau cũng như không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

    Phụ nữ mang thai bị đau vùng thượng vị nên đến bác sĩ khi nào?

    Phụ nữ mang thai nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau vùng thượng vị bỗng trở nên nghiêm trọng, xuất hiện với tần suất liên tục cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, một số dấu hiệu nguy hiểm không nên bỏ qua gồm:

    • Sốt cao
    • Khó thở
    • Ngất xỉu
    • Đau ngực
    • Nôn ra máu
    • Phân có màu đen
    • Máu xuất hiện trong phân.

    Đau thượng vị ở bà bầu có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm một số bệnh lý tiêu hóa hoặc do thói quen ăn uống chưa đúng. Cách tốt nhất là bạn nên thay đổi một số thói quen, chẳng hạn như cần tập thể dục hoặc có sự vận động nhẹ nhàng để tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Nếu không biết nguyên nhân đau thượng vị khi mang thai là gì, bạn nên đi khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị và chăm sóc.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 15/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo