Siêu âm thai là thủ thuật nhằm giúp mẹ bầu quan sát được hình dáng thai nhi ngay khi bé đang nằm trong bụng mẹ cũng như phát hiện dị tật kịp thời.
Tuy nhiên, xung quanh phương pháp khám thai phổ biến nhất này vẫn còn rất nhiều băn khoăn, thắc mắc về các mốc siêu âm thai quan trọng, quy trình siêu âm cũng như việc siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không.
Bài viết sau sẽ đem đến các thông tin hữu ích xoay quanh việc siêu âm thai cũng như giúp mẹ giải đáp các băn thường gặp như khi nào nên đi siêu âm, siêu âm như thế nào, các thời điểm siêu âm….
1. Siêu âm thai là gì?
Siêu âm thai là một dạng kiểm tra chẩn đoán y khoa không xâm lấn sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của bé cũng như nhau thai, tử cung, cùng các cơ quan khác nằm trong khung xương chậu. Phương pháp này cho phép các bác sĩ phụ sản thu thập thông tin có giá trị về sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé.
Trong quá trình kiểm tra, máy siêu âm truyền các sóng âm qua tử cung và cơ thể của con sẽ phản xạ lại loại sóng này. Sau đó, máy tính sẽ dịch sóng âm thanh, tái tạo thành hình ảnh video cho thấy hình dạng, vị trí và các cử động của em bé.
Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ cầm tay có sóng siêu âm khi khám thai để nghe nhịp tim của thai nhi. Mẹ bầu có thể phải siêu âm thường xuyên hơn nếu bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp hoặc gặp các biến chứng khác về sức khỏe.
Hiện nay, mẹ bầu có thể lựa chọn thực hiện siêu âm 2D, 3D, 4D hay Doppler màu.
2. Lịch siêu âm cho bà bầu: Đâu là các mốc siêu âm thai quan trọng?
Theo Hiệp hội Thai kỳ Hoa Kỳ, số lần thực hiện siêu âm thai của từng mẹ bầu sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe thai kỳ và chỉ định của bác sĩ.
Mẹ nên siêu âm thai khi nào? Theo bác sĩ Huỳnh Kim Dung (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ), ngay khi phát hiện dấu hiệu mang thai thì nên đi khám và làm siêu âm ngay để xem thai đã vào buồng tử cung chưa.
Ở lần siêu âm thai đầu, mẹ có thể gặp phải tình huống siêu âm không thấy thai và cảm thấy băn khoăn không biết tại sao thử que 2 vạch mà siêu âm không có thai.
Với tình huống này thì thường có 3 nguyên nhân chính là que thử thai không chính xác, bạn mang thai ngoài tử cung hoặc thai chưa vào tử cung nên siêu âm đầu dò không thấy.
Thông thường, với người có chu kỳ đều 28-30 ngày, nếu trễ kinh 1-2 tuần là bác sĩ đã thấy được túi thai qua siêu âm đầu dò âm đạo. Khi đã xác định túi thai nằm trong buồng tử cung rồi, bác sĩ sẽ hẹn bạn siêu âm lại vào thời điểm cụ thể để theo dõi sự phát triển kích thước túi thai, xem có tim thai hay chưa.
Siêu âm thai lần đầu là mốc siêu âm thai quan trọng mà mẹ không nên bỏ qua bởi việc này có thể giúp phát hiện sớm thai ngoài tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, một số viêm nhiễm đường sinh dục của người mẹ và giúp việc tính ngày dự sinh có sai số thấp nhất (+/- 3 ngày).
Ngoài ra, để biết khoảng cách giữa 2 lần siêu âm như thế nào là tốt nhất, bạn có thể thực hiện theo lịch siêu âm cho bà bầu sau:
- Thai kỳ tuần thứ 4 – 8: Kiểm tra chắc chắn xem phôi thai đã vào tử cung an toàn, làm ổ cũng như có tim thai hay không.
- Thai kỳ tuần thứ 12 – 14: Vào thời điểm này, bác sĩ sẽ tính tuổi thai của thai nhi cũng như đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường về nhiễm sắc thể. Ngoài ra, bạn sẽ biết được mình mang thai đơn hay đa thai vào giai đoạn này.
- Thai kỳ tuần thứ 21 – 24: Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bạn siêu âm vào tuần 22 của thai kỳ. Lúc này, siêu âm sẽ giúp bác sĩ kiểm tra xem các cơ quan nội tạng của bé có phát triển bình thường hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình dạng bên ngoài như hở hàm ếch hoặc dị dạng ở các cơ quan bên trong. Việc chẩn đoán các di tật nghiêm trọng trong thời gian này đặc biệt quan trọng vì việc đình chỉ thai kỳ chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.
- Thai kỳ tuần thứ 30 – 32: Phát hiện những bất thường xuất hiện muộn ở động mạch, tim… Ngoài ra, dây rốn cũng được kiểm tra để xem còn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối như thế nào.
3. Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trong 35 năm qua không tìm ra bằng chứng cho thấy siêu âm nhiều gây hại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mẹ bầu có thể thực hiện tùy hứng vì thủ thuật này sử dụng một dạng năng lượng đặc biệt và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Điều này có thể đặc biệt đúng trong ba tháng đầu, khi con yêu dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Do vậy, hãy siêu âm khi thật sự cần thiết và khoảng cách giữa 2 lần siêu âm nên tuân theo lịch siêu âm thai định kỳ bác sĩ chỉ định bạn nhé.
4. Siêu âm mất bao lâu? Chi tiết quy trình siêu âm thai
Siêu âm cơ bản thường mất khoảng từ 15 – 20 phút. Đối với những lần kiểm tra chi tiết, đo độ dài của các bộ phận, tầm soát dị tật…, bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị phức tạp hơn và mất khoảng 30 phút hoặc hơn để hoàn thành việc siêu âm.
Nhìn chung, quy trình sẽ bao gồm các bước sau:
- Mẹ bầu sẽ nằm trên giường mềm và kéo áo lên để lộ bụng.
- Bác sĩ sẽ thoa lên vùng bụng một loại gel mỏng. Đây là chất dẫn truyền sóng siêu âm giúp loại bỏ các bọt khí giữa đầu dò của máy siêu âm và cơ thể, để sóng siêu âm được truyền tốt hơn nhằm đưa ra kết quả chính xác nhất.
- Máy tính sẽ dịch kết quả âm thanh thành hình ảnh trên màn hình và bạn sẽ được nhìn thấy con yêu. Mô hoặc xương sẽ xuất hiện dưới dạng các vùng sáng hoặc màu xám và dịch màng ối sẽ xuất hiện ở những vùng tối.
Còn nếu siêu âm đầu dò, bác sĩ sẽ đưa một thiết bị đầu dò cỡ 5 – 7cm vào bên trong âm đạo. Khi tiếp xúc với ngả âm đạo, do nằm sát sát với cấu trúc tử cung, buồng trứng nên sẽ cho hiển thị hình ảnh chuyên sâu và có độ chính xác cao.
Có thể bạn quan tâm
5. Những lợi ích của thủ thuật này
Siêu âm mang đến cho mẹ bầu nhiều lợi ích, tùy vào từng giai đoạn:
Trong tam cá nguyệt thứ nhất
- Xác nhận bạn đã có thai
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi: Bác sĩ hoặc chuyên viên kỹ thuật sẽ sử dụng máy Doppler cầm tay để nghe nhịp tim của thai nhi nhằm phát hiện các vấn đề bất thường.
- Biết được ngày dự sinh: Một số nghiên cứu đã kết luận rằng siêu âm giúp chẩn đoán ngày dự sinh chính xác cũng như giảm nguy cơ sinh muộn hơn.
- Kiểm tra nhau thai, buồng trứng, tử cung và cổ tử cung.
- Chuẩn đoán thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung sẽ có các triệu chứng riêng như đau bụng, chảy máu và xuất hiện từ tuần thứ 8 – 10 của thai kỳ nhưng siêu âm sẽ giúp mẹ bầu loại bỏ được các biến chứng hay xác nhận rằng đang gặp phải tình trạng này.
- Xác định những bất thường ở thai nhi.
Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba
- Theo dõi quá trình phát triển thể chất và vị trí của thai nhi.
- Xác định đa thai: Một số phụ nữ mang thai đôi không có bất kỳ dấu hiệu nào. Vì vậy, siêu âm là một cách để xác định rõ ràng tình trạng đa thai.
- Kiểm tra những bất thường ở nhau thai.
- Phát hiện khả năng thai nhi gặp phải hội chứng Down.
- Kiểm tra tình trạng nước ối: Các hình ảnh siêu âm sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng nước ối của mẹ bầu, liệu mẹ bầu có bị đa ối hay thiếu ối không, và qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi.
- Đo chiều dài cổ tử cung để xác định mẹ bầu có gặp phải tình trạng cổ tử cung ngắn hay không.
6. Các hình thức siêu âm phổ biến
Tùy vào mong muốn của bản thân hoặc chỉ định của bác sĩ, bạn có thể chọn loại xét nghiệm mà mình muốn thực hiện:
Siêu âm 2D, 3D và 4D
Về nguyên lý hoạt động, các loại siêu âm này đều sử dụng sóng âm thanh nên tất cả đều an toàn. Điểm khác biệt là siêu âm thai 3D và siêu âm thai 4D tổng hợp các tín hiệu lại để dựng lên hình ảnh 3 chiều, 4 chiều, thay vì chỉ có hình ảnh 2 chiều như 2D.
Siêu âm đầu dò âm đạo
Đây là kỹ thuật siêu âm đưa trực tiếp đầu dò vào âm đạo để lấy hình ảnh của thai nhi trong tử cung. Ở giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, thai nhi còn rất nhỏ nên các bác sĩ thường tiến hành siêu âm qua ngả âm đạo. Vì siêu âm qua thành bụng có thể chưa thấy được gì, nhất là với những thai phụ thừa cân.
Siêu âm qua ngả âm đạo không gây hại cho bạn lẫn thai nhi nhưng có thể khiến bạn khó chịu và mắc cỡ đôi chút.
Siêu âm Doppler màu
Siêu âm Doppler màu dựa trên hiệu ứng Doppler để xác định hướng chuyển động của vật thể so với đầu dò siêu âm và thường được sử dụng để khảo sát mạch máu. Vì thế, phương pháp này có thể kiểm tra được tình trạng chức năng của nhau thai.
Có thể bạn quan tâm
7. Lưu ý trước khi siêu âm mẹ bầu cần biết
Một vào lưu ý dành cho bạn khi thực hiện siêu âm gồm:
- Nên mặc trang phục thoải mái
- Có thể ăn nhẹ nhưng tránh ăn quá no
- Nếu siêu âm trong tam cá nguyệt thứ nhất, bạn có thể được yêu cầu uống nước trước đó để làm đầy bàng quang nhằm giúp bác sĩ dễ nhìn thấy em bé hơn. Bàng quang đầy sẽ đẩy tử cung lên cao hơn
- Sau tam cá nguyệt thứ nhất, trước khi siêu âm, bạn cần đi tiểu để làm trống bàng quang.
Siêu âm thai là hoạt động quan trọng để đảm bảo thai nhi phát triển bình thường hoặc giúp bác sĩ can thiệp sớm trong trường hợp có bất thường. Do đó, mẹ nên đi khám thai đầy đủ, đặc biệt là với các mốc siêu âm thai quan trọng nhé!
[embed-health-tool-due-date]