backup og meta

Sớm nhận diện hở eo tử cung để kịp thời điều trị

Sớm nhận diện hở eo tử cung để kịp thời điều trị

Hở eo tử cung hay hở eo cổ tử cung là một trong những nguyên nhân dẫn đến sẩy thai và sinh non. Do đó, việc tìm hiểu thêm kiến thức về vấn đề này là vô cùng quan trọng.

Cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là một cấu trúc hình ống hẹp ở đoạn dưới của tử cung thông ra ngoài âm đạo. Khi bạn không có thai, cổ tử cung (kênh cổ tử cung) hơi mở ra để tinh trùng có thể dễ dàng di chuyển vào trong tử cung và máu kinh chảy ra ngoài. Khi bạn mang thai, các chất dịch nhầy có trong cổ tử cung sẽ tạo thành một hàng rào bảo vệ bên trong gọi là nút nhầy cổ tử cung.

Trong suốt thai kỳ, cổ tử cung của bạn sẽ trở nên cứng, dài và đóng kín lại cho đến gần cuối giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba. Lúc bạn sắp chuyển dạ, cổ tử cung trở nên mềm, mở rộng ra để em bé có thể chui ra dễ dàng.

Hở eo tử cung là bệnh gì?

Hở eo tử cung hay còn gọi là khiếm khuyết cổ tử cung, là một bệnh xảy ra khi mô cổ tử cung yếu gây ra hoặc thúc đẩy việc sinh non hay sẩy thai.

Trước khi mang thai, cổ tử cung – phần dưới của tử cung liên kết với âm đạo – thường đóng kín cứng chắc. Khi thai kì phát triển và gần đến ngày sinh, cổ tử cung dần dần mềm, thu ngắn lại và mở ra (giãn nở). Nếu bạn bị khiếm khuyết ở cổ tử cung, cổ tử cung sẽ mở ra sớm hơn và bạn có thể sinh sớm hơn dự kiến.

Tình trạng cổ tử cung bị khiếm khuyết có thể khó chẩn đoán và điều trị. Nếu cổ tử cung bắt đầu mở sớm, hoặc bạn có tiền sử hở eo tử cung, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc phòng ngừa trong suốt thời kỳ mang thai, siêu âm thường quy hoặc thực hiện thủ thuật khâu vòng cổ tử cung.

Các triệu chứng và dấu hiệu của hở eo tử cung là gì?

Thật không may, nếu bị chứng này, bạn sẽ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khi cổ tử cung bắt đầu mở trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Triệu chứng có thể là khó chịu nhẹ, bắt đầu xuất hiện từ tuần 14 đến 20 của thai kỳ hoặc rỉ dịch máu âm đạo. Hãy theo dõi nếu bạn có:

  • Cảm giác căng ở vùng chậu
  • Chứng đau lưng mới xuất hiện
  • Vài cơn gò nhẹ
  • Sự thay đổi tính chất dịch âm đạo;
  • Chảy máu âm đạo ít.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn diễn biến nặng hơn và các tình trạng nguy kịch, vì vậy, nên nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt để ngăn chặn tình trạng nghiêm trọng này.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân nào gây ra hở eo tử cung?

Bệnh có thể xảy ra do khiếm khuyết chức năng cổ tử cung, có thể là do bất thường về mặt giải phẫu (dị tật bẩm sinh Müllerian), cổ tử cung ngắn, tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) hoặc rối loạn collagen (hội chứng Ehlers-Danlos). Ngoài ra các nguyên nhân gây ra hở eo tử cung còn bao gồm tổn thương cổ tử cung sau sinh hoặc sẩy thai, hở eo tử cung do tổn thương trong thủ thuật phụ khoa và phẫu thuật cắt bỏ một phần cổ tử cung.

Những ai thường mắc phải bệnh hở eo tử cung?

Tình trạng này tương đối hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 1-2% ở tất cả các lần mang thai, nhưng có thể gây ra khoảng 20-25% nguy cơ sẩy thai trong tam cá nguyệt thứ 2 của thai kì.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị hở eo tử cung?

Bạn sẽ có nguy cơ cao đối với tình trạng này nếu bạn có các yếu tố sau:

  • Bất thường bẩm sinh. Các bất thường của tử cung và các rối loạn di truyền ảnh hưởng collagen có thể gây ra khiếm khuyết ở cổ tử cung. Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES), một dạng tổng hợp của hormone estrogen, trước khi sinh cũng liên quan đến chứng hở eo tử cung;
  • Chấn thương cổ tử cung. Nếu bị rách cổ tử cung trong thời gian chuyển dạ và sinh nở trước đó, bạn có thể bị chứng hở eo tử cung. Các thủ thuật điều trị tổn thương cổ tử cung, do xét nghiệm Pap bất thường chẳng hạn, có thể gây ra hở eo tử cung;
  • Nong và nạo buồng tử cung. Thủ thuật này được sử dụng để chẩn đoán hoặc điều trị các bệnh lý tử cung khác nhau, chẳng hạn như xuất huyết tử cung hoặc để làm sạch lớp nội mạc tử cung sau khi sẩy thai hoặc nạo hú. Đôi khi, thủ thuật này có thể gây tổn thương cấu trúc cổ tử cung.

Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh hở eo tử cung?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể gặp phải tình trạng này, việc khám sức khoẻ sẽ được thực hiện và một số xét nghiệm khác cũng sẽ được bác sĩ đề nghị. Bác sĩ sẽ kiểm tra tìm các bệnh bẩm sinh hoặc vết rách ở cổ tử cung có thể gây ra chứng hở eo tử cung. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các cơn gò và nếu cần thiết, họ sẽ theo dõi chúng.

Những thăm dò này có thể bao gồm:

  • Siêu âm qua ngã âm đạo. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm qua âm đạo để đánh giá độ dài của cổ tử cung, và kiểm tra xem màng ối có sa ra ngoài cổ tử cung không. Trong loại siêu âm này, một đầu dò mảnh mai được đặt trong âm đạo để phát ra sóng âm và thu thập các hình ảnh phản xạ của cổ tử cung và phần thấp của tử cung trên màn hình;
  • Thăm khám âm đạo. Bác sĩ sẽ thăm khám cổ tử cung để kiểm tra xem liệu xem có hiện tượng sa màng ối qua lỗ mở cổ tử cung không. Nếu màng ối sa vào âm đạo, điều đó chứng tỏ bạn đã bị hở eo tử cung. Bác sĩ cũng kiểm tra tình trạng các cơn gò và có thể đo cơn gò nếu cần thiết.
  • Xét nghiệm nước ối. Nếu có sa màng ối và siêu âm có dấu hiệu viêm nhưng bạn không có triệu chứng nhiễm trùng, bác sĩ có thể tiến hành chọc ối gửi xét nghiệm để chẩn đoán hoặc loại trừ nhiễm trùng ối.

Không có bất kỳ thử nghiệm nào trước khi có thai có thể tiên đoán được hở eo tử cung. Tuy nhiên một số phương tiện chẩn đoán như MRI hoặc siêu âm có thể xác định được bất thường tử cung để đánh giá nguy cơ hở eo tử cung.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh hở eo tử cung?

Một số phương pháp điều trị chứng hở eo tử cung có thể bao gồm:

  • Bổ sung progesterone. Nếu bạn có tiền sử sinh non, bác sĩ có thể đề nghị tiêm các mũi tiêm hàng tuần của một dạng hormone progesterone gọi là hydroxyprogesterone caproate (Makena®) trong suốt tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kì. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu thêm để xác định cách sử dụng progesterone tốt nhất trong điều trị hở eo tử cung. Hiện nay, điều trị progesterone dường như không có ích cho việc mang thai từ song thai trở lên;
  • Siêu âm thường xuyên. Nếu bạn có tiền sử sẩy thai sớm hoặc bị tổn thương cổ tử cung trong các lần sinh con trước đó, bác sĩ có thể cần theo dõi cẩn thận chiều dài cổ tử cung bằng cách cho siêu âm hai tuần 1 lần từ tuần 16 đến tuần 24 của thai kỳ. Nếu cổ tử cung của bạn bắt đầu mở hoặc trở nên ngắn hơn, bác sĩ có thể đề nghị khâu vòng cổ tử cung;
  • Khâu vòng cổ tử cung. Nếu bạn có thai dưới 24 tuần hoặc có tiền sử sinh non và siêu âm cho thấy cổ tử cung đang mở, một thủ thuật được gọi là khâu vòng cổ tử cung có thể giúp ngăn ngừa sinh non. Trong thủ thuật này, cổ tử cung được khâu lại với chỉ khâu chắc chắn. Chỉ khâu sẽ được cắt trong tháng cuối cùng của thai kỳ hoặc trong khi chuyển dạ. Đôi khi thủ thuật khâu vòng cổ tử cung có thể thực hiện sớm hơn vào tuần thứ 14, khi cổ tử cung còn đóng, nếu như bạn có tiền sử sinh non do hở eo tử cung.
  • Vòng nâng cổ tử cung. Bác sĩ cũng có thể sử dụng một dụng cụ đặt trong âm đạo để giữ vững tử cung gọi là vòng Pessary, vòng Pessary có thể giúp giảm áp lực của thai đè lên cổ tử cung. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để kết luận vòng Pessary có đủ hiệu quả trong điều trị hở eo tử cung hay không.

Một vài câu hỏi liên quan đến thủ thuật khâu vòng cổ tử cung

1. Nếu từng tiến hành thủ thuật khâu vòng cổ tử cung thì lần mang thai kế tiếp có cần tiến hành khâu làn nữa?

Nếu bạn từng tiến hành khâu vòng cổ tử cung ở lần mang thai trước, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng cổ tử cung bằng siêu âm để đảm bảo rằng bạn không cần phải thực hiện thủ thuật khâu vòng lần nữa.

2. Tôi có thể mang thai nếu đã phẫu thuật khâu vòng tử cung qua thành bụng?

Bạn vẫn có thể mang thai một cách bình thường vì vết khâu vòng tử cung qua thành bụng vẫn có khả năng tiếp tục giúp giữ cổ tử cung trong những lần mang thai sau đó.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hở eo tử cung, tránh nguy cơ sinh non?

Bạn có thể hạn chế diễn tiến sanh non do hở eo tử cung bằng cách áp dụng các biện pháp sau:

  • Hạn chế quan hệ tình dục hoặc hạn chế các hoạt động thể chất nhất định;
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị bạn nghỉ ngơi ở giường.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Incompetent cervix. https://www.drugs.com/mcd/incompetent-cervix. Ngày truy cập 11/11/2019

Incompetent cervix. https://americanpregnancy.org/infertility/incompetent-cervix/. Ngày truy cập 11/11/2019

Incompetent cervix. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/incompetent-cervix/symptoms-causes/syc-20373836. Ngày truy cập 11/11/2019

Phiên bản hiện tại

24/11/2020

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Cập nhật bởi: anh.nguyen


Bài viết liên quan

Top những thực phẩm cho mẹ sau sinh giúp mẹ khỏe bé lớn nhanh

Những thói quen tốt cho sức khỏe mẹ mới mang thai nên nằm lòng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 24/11/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo