Nếu bị cúm khi mang thai, mẹ bầu có thể đối mặt với những nguy cơ về sức khoẻ như tình trạng bệnh nặng hơn, nhiều biến chứng hơn và có thể ảnh hưởng đến thai kỳ như tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, sinh bé nhẹ cân thậm chí thai lưu hoặc đe doạ tính mạng người mẹ. Vì vậy, việc tiêm phòng cúm cho bà bầu là rất quan trọng.
Bệnh cúm do một loại virus truyền nhiễm gây ra và có tốc độ lây lan rất nhanh khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Các triệu chứng của cúm thường xảy ra sau 1 – 3 ngày kể từ khi nhiễm bệnh, bao gồm sốt đột ngột, ớn lạnh, ho, đau nhức cơ, chán ăn và mệt mỏi. Nếu không được chủng ngừa hoặc điều trị, cúm có thể gây ra những biến chứng như viêm phế quản hoặc nặng hơn là viêm phổi. Tuy nhiên, nhiều chị em lại thắc mắc tiêm vaccine cúm khi mang thai có sao không? Mẹ bầu có gặp tác dụng phụ không? Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin xoay quanh vấn đề này để mẹ tìm hiểu và tham khảo.
Tiêm phòng cúm cho bà bầu có an toàn? Vì sao mẹ cần chủng ngừa cúm?
Đối với vấn đề tiêm vaccine cúm khi mang thai có sao không? Câu trả lời là việc tiêm phòng cúm cho bà bầu hoàn toàn có thể vì không có bằng chứng nào cho thấy vaccine cúm gây hại cho mẹ lẫn thai nhi. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo mẹ bầu nên tiêm vaccine cúm để nhận được những lợi ích sau đây:
Phòng ngừa cảm cúm và các biến chứng cho mẹ
Những thay đổi của hệ thống miễn dịch, tim và phổi khi mang thai thường khiến mẹ bầu dễ bị ốm nặng hơn sau khi nhiễm cúm. Do đó, việc chủng ngừa là cần thiết để ngăn ngừa nhiễm bệnh, giảm thiểu nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.
Ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra với thai nhi do mẹ nhiễm cúm
Mẹ bị sốt do nhiễm cúm trong thời kỳ đầu mang thai có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, tiêm phòng cúm cho bà bầu là rất cần thiết để ngăn ngừa những rủi ro này.
Tiêm phòng cúm cho bà bầu giúp bảo vệ em bé sau khi sinh
Trẻ sơ sinh có nhiều nguy cơ mắc các triệu chứng cúm nặng nhưng lại không thể tiêm vaccine cúm cho đến khi bé đủ 6 tháng. Vì vậy, việc mẹ tiêm phòng cúm khi mang thai là điều cần thiết. Các kháng thể phát triển sau khi mẹ tiêm vaccine cúm có thể truyền qua nhau thai và qua sữa mẹ nếu bạn đang cho con bú. Những kháng thể này sẽ giúp bảo vệ em bé sau khi chào đời không nhiễm cúm hoặc không có các triệu chứng cúm nặng.
Khi mẹ đến bệnh viện để chủng ngừa trong thai kỳ, hãy yêu cầu tiêm phòng cúm chứ không phải loại vaccine dạng xịt mũi. Vaccine phòng cúm được làm từ virus bất hoạt nên thường an toàn cho cả mẹ lẫn thai nhi. Ngược lại, vaccine dạng xịt mũi không được khuyến khích sử dụng trong thai kỳ. Hiện nay, các loại vaccine cúm sử dụng ở Việt Nam đa số ở dạng tiêm bắp.
Thời điểm tiêm phòng cúm cho bà bầu khi nào là tốt nhất?
Mẹ có thể tiêm vaccine ngừa cúm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ nếu trong vòng một năm trở lại đây không tiêm ngừa cúm. Tuy nhiên, việc bảo vệ mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba là ưu tiên hàng đầu vì đây là thời điểm dễ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng do cúm. Mẹ cần lưu ý thêm là sau khi chủng ngừa, có thể mất đến 2 tuần để vaccine phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, việc chủng ngừa cúm theo mùa cũng rất cần thiết vì virus cúm thường thay đổi hàng năm. Chẳng hạn như mẹ đã tiêm vaccine cúm vào năm ngoái nhưng năm nay mới mang thai thì vẫn nên tiêm ngừa lại.
Tiêm phòng cúm cho bà bầu có gây tác dụng phụ?
Đối với mẹ bầu, việc tiêm phòng cúm vẫn có thể gây một số tác dụng phụ như với người không mang thai. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ, bao gồm:
- Đau nhức, sưng đỏ chỗ tiêm
- Đau đầu
- Sốt
- Đau cơ
- Buồn nôn
- Mệt mỏi…
Sau khi tiêm phòng cúm cho bà bầu, các tác dụng (nếu có) thường xảy ra ngay sau khi tiêm và kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Mặc dù phản ứng dị ứng với vaccine, nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ, khá hiếm xảy ra nhưng mẹ vẫn nên thận trọng. Cách tốt nhất là bạn nên ở lại bệnh viện hoặc trung tâm tiêm phòng khoảng 15 – 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi thêm sau tiêm. Bên cạnh đó, nếu đã từng có phản ứng dị ứng sau khi chủng ngừa hay dị ứng với trứng, mẹ nên thông báo điều này với bác sĩ trước khi tiêm phòng cúm nhé!
Một số thắc mắc phổ biến liên quan đến vấn đề tiêm phòng cúm cho bà bầu
Mẹ bầu có thể nhiễm cúm do vaccinesau khi tiêm phòng không?
Vaccine được dùng để tiêm phòng cúm cho bà bầu thường chứa các protein từ 4 loại virus cúm khác nhau đại diện cho các chủng lưu hành nhiều nhất. Đây là loại vaccine bất hoạt, nghĩa là không chứa virus sống nên không thể gây cúm cho mẹ bầu sau khi tiêm.
Mẹ có thể chủng ngừa cúm và ho gà cùng một lúc hay không?
Thông thường, thời điểm lý tưởng nhất để mẹ bầu chủng ngừa ho gà là trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Lý tưởng nhất là từ tuần 20 đến 32 của thai kỳ. Bên cạnh đó, mẹ hoàn toàn có thể chủng ngừa cúm và ho gà cùng lúc. Tuy nhiên, vì cúm là căn bệnh dễ lây lan nên mẹ cần ưu tiên chủng ngừa cúm càng sớm càng tốt để ngăn chặn rủi ro.
Mẹ có thể chủng ngừa cúm và COVID-19 cùng một lúc hay không?
Câu trả lời là có thể mẹ nhé! Để yên tâm hơn, mẹ hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
Tìm hiểu thêm Bà bầu có nên tiêm ngừa vắc xin Covid-19 hay không?
Tiêm phòng cúm cho bà bầu – Trường hợp nào không nên?
Nếu bạn đã từng dị ứng nghiêm trọng sau khi chủng ngừa cúm hoặc nếu bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của các loại vaccine cúm hiện nay thì không nên chủng ngừa cúm. Thay vào đó, hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn giải pháp ngừa cúm phù hợp.
[embed-health-tool-due-date]