Mẹ bầu đã biết khi mang thai 22 tuần phải làm xét nghiệm gì chưa? Tại sao đây lại là thời điểm quan trọng để khám thai và thực hiện các xét nghiệm sản khoa cần thiết nhằm tầm soát các vấn đề của thai kỳ?
Suốt thời gian mang thai, việc khám thai định kỳ là cách tốt nhất để theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi và kịp thời phát hiện những tình trạng nguy hiểm. Vậy nên, từng mốc khám thai đều cần được mẹ bầu lưu tâm và thực hiện đầy đủ. Trong đó, thai 22 tuần là cột mốc quan trọng trong tam cá nguyệt thứ hai, đánh dấu mẹ đã cùng con đi được hơn nửa chặng đường của thai kỳ.
Thế nhưng, không phải mẹ bầu nào cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc khám thai trong giai đoạn này và nắm rõ các xét nghiệm cần thực hiện khi thai 22 tuần. Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ giải đáp chi tiết lý do vì sao cần phải khám thai 22 tuần và thai 22 tuần phải làm xét nghiệm gì? Mẹ bầu hãy cùng theo dõi nhé.
Tại sao cần khám thai 22 tuần?
Ở tuần thứ 22, em bé đã phát triển tương đối và trông gần giống trẻ sơ sinh, với chiều dài khoảng 19,2 cm (tính từ đỉnh đầu đến mông), cân nặng đạt khoảng 476 gram. Ngoài ra, tay của bé có thể di chuyển độc lập và chạm tay này vào tay kia, bắt chéo tay hay thậm chí có thể nắm lấy dây rốn.
Do đó, khi khám thai và thực hiện các xét nghiệm liên quan trong thời điểm này, các chuyên gia sức khỏe sẽ dễ dàng phát hiện bất thường và đưa ra xử trí kịp thời. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm lượng nước ối đã tăng cao, thích hợp để kiểm tra các dị tật ở thai nhi như hở hàm ếch, dị tật bẩm sinh ở tim, dị tật não, dị tật xương khớp…
Mẹ bầu mang thai 22 tuần phải làm những xét nghiệm gì?
Trước buổi khám thai ở tuần 22 của thai kỳ rất nhiều mẹ bầu không khỏi thắc mắc thai 22 tuần phải làm xét nghiệm gì, có cần siêu âm hình thái học tuần 22 hay không? Tất cả những thắc mắc của các mẹ bầu xoay quanh vấn đề này sẽ được Hello Bacsi tổng hợp và giải đáp ngay sau đây, mời bạn cùng theo dõi!
1. Kiểm tra cân nặng
Tương tự như các lần khám thai khác, các chuyên gia sẽ kiểm tra cân nặng của mẹ bầu và thai nhi để theo dõi sự tăng trưởng cân nặng so với trước khi mang thai hoặc lần khám trước. Thông thường, mức tăng sẽ phụ thuộc vào cân nặng trước khi mang thai, số em bé đang mang và mẹ bầu đã tăng bao nhiêu cân.
Nếu tăng quá mức, mẹ bầu có thể được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát cân nặng mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ngược lại, số cân nặng không đủ quy định sẽ được tư vấn để bổ sung thêm hai hoặc ba bữa ăn nhẹ lành mạnh mỗi ngày, ngoài những bữa ăn chính.
2. Đo bề cao tử cung
Chiều cao tử cung tính từ bờ trên khớp mu đến đáy tử cung, bề cao của tử cung cũng là chỉ số quan trọng để đánh giá tuổi thai bên cạnh việc xác định ngày cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt. Việc dựa vào chỉ số này, giúp bác sĩ dễ dàng tính toán tuổi thai, ngày sinh và có thể nắm được tình trạng sức khỏe của thai nhi.
Ở tuần thứ 22, chiều cao tử cung sẽ nằm trong khoảng 20 – 22 cộng hoặc trừ 2 cm. Bề cao tử cung là một thông số để ước lượng sự phát triển của thai nhi và tính tuổi thai, tuy nhiên nó kém chính xác, đặc biệt là chủ quan và phụ thuộc vào độ dày của thành bụng.
Có thể bạn quan tâm
3. Đo huyết áp
Huyết áp cao là nguyên nhân dẫn đến nhiều nguy hiểm cho mẹ và bé như:
- Đối với mẹ bầu: Tiền sản giật, sản giật, đột quỵ, chuyển dạ sớm hoặc nhau bong non
- Đối với em bé: Sinh non hoặc nhẹ cân
Vậy nên, mẹ bầu cần kiểm tra huyết áp thường xuyên mỗi khi đi khám thai hay tại nhà. Trường hợp nhận thấy chỉ số huyết áp tăng bất thường hoặc kèm theo nhiều triệu chứng khác như nhức đầu dữ dội, sưng tay chân hay tăng cân nhanh chóng… cần báo cho bác sĩ điều trị để được theo dõi và can thiệp kịp thời.
4. Xét nghiệm máu
Ở tuần thai thứ 22, nếu trước đó mẹ bầu chưa được làm các xét nghiệm kiểm tra thì nên được làm xét nghiệm như: nhóm máu, tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, HIV, viêm gan B, giang mai…
5. Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu là cách giúp bác sĩ phát hiện ra nhiều bệnh lý gây nguy hiểm cho mẹ lẫn bé như:
- Nếu có quá nhiều protein trong nước tiểu, kèm theo chứng tăng huyết áp thai kỳ và phù nề, thì đây có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật.
- Nếu mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng khác trong khi tiểu như tiểu buốt, tiểu ít… bác sĩ có thể kiểm tra vi khuẩn trong nước tiểu để chẩn đoán một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang và thận.
6. Siêu âm 4D, 5D kết hợp đo các chỉ số phát triển của thai nhi
Siêu âm ở tuần thứ 22, các chỉ số về hình thái của bé như đầu, mắt, mũi, miệng, chiều dài xương đùi, chiều dài xương mũi… sẽ được thể hiện chính xác hơn. Ngoài ra, kết quả siêu âm ở giai đoạn này cũng có thể phản ánh một số bệnh lý ở thai nhi như sự tích tụ quá nhiều chất lỏng trong não (não úng thủy), hội chứng Down hay các bất thường về nhiễm sắc thể khác…
7. Nghe tim thai bằng dụng cụ
Khi được 22 tuần, nhịp tim của em bé thường có thể nghe được qua ống nghe, nhờ đó, mẹ bầu có thể biết sự khác biệt giữa nhịp tim của mẹ và của em bé bằng số lần đập trong một phút. Nhịp tim của một người trưởng thành là từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút, còn tim của em bé đập nhanh hơn, giao động khoảng 110–160 nhịp mỗi phút.
8. Một số xét nghiệm mở rộng
Một số trường hợp thai nhi có nghi ngờ rối loạn di truyền hay nhiễm trùng trong bào thai sẽ có thể được làm một số xét nghiệm xâm lấn tại thời điểm này để xác định, ví dụ như chọc ối.
Chọc ối là thủ thuật lấy một mẫu nước ối bằng cách đâm kim qua da bụng vào túi ối, để kiểm tra nước ối và tìm kiếm bất kỳ bất thường nào về nhiễm sắc thể và di truyền ở thai nhi. Vì đây là thủ thuật xâm lấn nên không được khuyến khích thực hiện.
Tóm lại, mẹ bầu nên đi khám thai 22 tuần đúng lịch hẹn với bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe của mình và thai nhi, đồng thời được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và luyện tập phù hợp, để có một thai kỳ khỏe mạnh. Hello Bacsi cũng hy vọng rằng, qua các thông tin được cung cấp trong bài viết trên, mẹ bầu đã biết rõ “thai 22 tuần phải làm xét nghiệm gì” để chủ động hơn khi khám thai và theo dõi sức khỏe thai sản tốt hơn.
[embed-health-tool-due-date]