Tất cả thai phụ đều được khuyến cáo tiêm ít nhất 1 mũi vaccine uốn ván mỗi lần mang thai. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu băn khoăn về tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu – liệu chúng có an toàn cho thai kỳ hay không?
Cùng tìm lời giải đáp qua bài viết sau!
Tìm hiểu chung về vaccine uốn ván
Tiêm vaccine uốn ván cho bà bầu là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ cả mẹ và bé khỏi bệnh uốn ván – một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao (trên 90% nếu không điều trị kịp thời và con số này còn cao hơn ở trẻ sơ sinh). Vaccine uốn ván dành cho thai phụ thường là Tdap (Tetanus-Diphtheria-acellular Pertussis). Bên cạnh tác dụng phòng ngừa uốn ván, Tdap cũng giúp bảo vệ chống lại bệnh uốn ván và bạch hầu, với mục tiêu chính là bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh ho gà trong 2 tháng đầu đời.
Theo thông tư 10/2024/TT-BYT của Bộ Y Tế Việt Nam, khuyến cáo lịch tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai như sau:
- Chưa tiêm/ chưa tiêm đủ/ không rõ: 5 mũi (mũi 1 sớm khi có thai, mũi 2 cách 1 tháng sau lần 1, mũi thứ 3 ở kỳ có thai lần sau và ít nhất 6 tháng sau lần 2; mũi thứ 4 ở kỳ có thai lần sau và ít nhất 01 năm sau lần 3; mũi thứ 5 ở kỳ có thai lần sau và ít nhất 01 năm sau lần 4).
- Đã tiêm 3 mũi cơ bản: 3 mũi (mũi 1 tiêm sớm khi có thai; mũi thứ 2 ít nhất 01 tháng sau lần 1; mũi thứ 3 ở kỳ có thai lần sau và ít nhất 01 năm sau lần 2).
- Đã tiêm đủ 3 mũi cơ bản và 01 liều nhắc lại: 2 mũi (mũi 1 tiêm sớm khi có thai; mũi thứ 2 ở kỳ có thai lần sau và ít nhất 01 năm sau lần 1).
- Đã tiêm đủ 3 mũi cơ bản và 02 liều nhắc lại: Tiêm sớm 1 mũi khi có thai.
- Trong tất cả các tình huống, từ lần 2 trở lên tiêm trước ngày dự kiến sinh tối thiểu 02 tuần.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), vaccine Tdap không chứa virus sống nên an toàn cho cả mẹ và thai nhi, nhưng cũng như những loại vaccine khác, vaccine uốn ván cũng có thể để lại những phản ứng phụ thông thường, thường nhẹ và tự khỏi. Vậy cụ thể các tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu là gì?
[embed-health-tool-due-date]
Tác dụng sau khi tiêm uốn ván cho bà bầu
Tác dụng chính
Vaccine DTaP có tác dụng chính là giúp bảo vệ cả mẹ bầu và thai nhi khỏi những bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao:
- Uốn ván: Ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium tetani – loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở gây gây co cứng cơ toàn thân (bao gồm các cơ hô hấp), rối loạn thần kinh thực vật và có tỷ lệ tử vong cao từ 10-20% ngay cả khi được điều trị tích cực. Trong điều kiện sinh đẻ không đảm bảo vô trùng, trẻ có nguy cơ nhiễm uốn ván sơ sinh là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ và thai phụ có nguy cơ uốn ván tử cung.
- Bạch hầu: Giảm nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae – gây tắc nghẽn đường thở, tổn thương tim, thần kinh.
- Ho gà: Bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi vi khuẩn Bordetella pertussis – một vi khuẩn có khả năng lây nhiễm cao. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc bệnh ho gà nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng.
Phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm vắc-xin Tdap trong mỗi lần mang thai. Lợi ích chính khi tiêm uốn ván Tdap cho bà bầu là khả năng truyền kháng thể thụ động cho bé qua nhau thai, bảo vệ bé trước khi đủ tuổi tiêm chủng (2 tháng đầu). Bên cạnh đó, vaccine cũng giúp phòng uốn ván tử cung và nhiễm trùng hậu sản cho mẹ.
Tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu
Tiêm vaccine uốn ván (Tdap) là biện pháp an toàn và cần thiết để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé. Tuy nhiên, giống như các loại vaccine khác, tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu có thể xảy ra với nhiều mức độ, đa số là nhẹ tuy nhiên cũng có vài trường hợp hiếm gặp nghiêm trọng.
Phản ứng nhẹ sau tiêm
Có nhiều thắc mắc xung quanh việc tiêm uốn ván xong có biểu hiện như thế nào? Đối với vắc-xin Tdap, hầu hết các tác dụng phụ được ghi nhận của vắc-xin này đều nhẹ, không đáng lo ngại và sẽ tự khỏi sau 1-3 ngày.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất khi tiêm uốn ván Tdap mà khoảng 20-70% người gặp phải bao gồm các phản ứng tại nơi tiêm như đau, sưng, đỏ tại chỗ tiêm. Ngoài ra còn xảy ra các phản ứng toàn thân nhưng ít gặp hơn:
- Sốt nhẹ hoặc ớn lạnh.
- Mệt mỏi.
- Các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn/nôn, tiêu chảy, chán ăn).
- Đau đầu, đau cơ, đau khớp.
Đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tạo kháng thể chống lại vi khuẩn và không ảnh hưởng đến thai nhi.
Mẹ bầu không cần phải quá lo lắng khi gặp các phản ứng này. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài quá 3 ngày, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm. Đôi khi, mẹ cũng có thể gặp phải phản ứng lan rộng tại chỗ tiêm và sưng chi lan rộng, bầm tím hoặc áp xe chỗ tiêm, nổi cục cứng tại chỗ tiêm. Những phản ứng này cần được thăm khám bởi bác sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Dù rất hiếm (<1%), vẫn có một số tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêm uốn ván cho bà bầu cần can thiệp y tế ngay:
- Dị ứng nặng (sốc phản vệ): Biểu hiện bằng khó thở, thở khò khè, sưng mặt/môi/lưỡi, phát ban toàn thân, tim đập nhanh, chóng mặt, yếu người.
- Sốt cao từ 39°C.
- Co giật hoặc ngất xỉu.
- Rối loạn thần kinh có thể dẫn đến lú lẫn, tê hoặc ngứa ran, đau và yếu chân tay, mất thăng bằng, mất phản xạ, liệt một phần hoặc toàn bộ cơ thể (hội chứng Guillain-Barre, viêm dây thần kinh cánh tay, viêm tủy).
- Giảm cảm giác hoặc độ nhạy cảm, đặc biệt là ở da.
- Sụp mí mắt và chảy xệ cơ ở một bên mặt (liệt mặt).
- Ngứa ran hoặc tê ở tay hoặc chân (dị cảm).
- Viêm cơ tim với các triệu chứng có thể gồm khó thở, đau ngực và nhịp tim không đều.
Theo dõi 48h sau tiêm, nếu có các triệu chứng trên hoặc bất kỳ triệu chứng nặng nào khác, cần gọi cấp cứu ngay.
Với các tác dụng phụ nhẹ xảy ra sau khi tiêm uốn ván, mẹ bầu có thể thực hiện một số cách sau đây:
- Chườm lạnh tại chỗ tiêm: Áp khăn sạch thấm nước mát trong khoảng 10-15 phút giúp giảm đau sưng tại chỗ tiêm.
- Uống nhiều nước: Bù nước giúp hạ sốt nhẹ (<38°C) và giảm mệt mỏi.
- Nghỉ ngơi đủ: Tránh vận động mạnh 24–48 giờ sau tiêm để cơ thể phục hồi.
- Mặc quần áo rộng rãi: Tránh cọ xát vào vết tiêm, giảm khó chịu.
- Dùng thuốc hạ sốt (nếu cần): Paracetamol liều thấp (theo chỉ định bác sĩ) khi sốt >38°C hoặc đau nhiều.
Kết luận
Nhìn chung, tác dụng phụ khi tiêm uốn ván cho bà bầu đa phần là nhẹ và tự khỏi, không ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ bầu nên tuân thủ lịch tiêm theo khuyến nghị để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu cho cả hai mẹ con. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau tiêm, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Nếu thấy bài viết trên hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè ngay nhé!