Sốt khi mang thai là tình trạng mà mẹ bầu rất dễ gặp phải do hệ miễn dịch của bạn trong thời gian này bị suy yếu, không còn mạnh mẽ như trước.
Nhiệt độ cơ thể trung bình là 36–37°C, nhưng nếu nhiệt độ tăng lên 38,3°C thì mẹ bầu đã bị sốt rồi đấy! Bệnh này thường đi kèm với các dấu hiệu như run rẩy, đổ mồ hôi, nhức đầu, mất nước, đau cơ và mệt mỏi. Nếu mẹ bầu bị đang có dấu hiệu cảm sốt và không biết nên làm gì, hãy đọc bài viết sau nhé!
Nguyên nhân gây sốt khi mang thai
Trong giai đoạn bầu bí, hệ miễn dịch của mẹ bầu thường trở nên yếu vì phải bảo vệ đến hai cơ thể. Do đó, bạn dễ bị nhiễm bệnh. Sau đây là một số nguyên nhân gây ra sốt khi mang thai gồm:
1. Bệnh cảm thông thường
Cảm lạnh thường kèm theo sốt và các triệu chứng như sổ mũi, ho, đau họng và khó thở. Những triệu chứng này thường giảm dần từ 3–15 ngày. Nếu sau 15 ngày mà mẹ bầu vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm thì hãy đi đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ lưỡng.
Ngoài ra, để ngăn ngừa bệnh, bạn hãy quét dọn nhà cửa và nơi làm việc sạch sẽ, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với những người bị cảm lạnh.
2. Bệnh cúm
Cúm là nguyên nhân chính gây khiến mẹ bầu bị sốt khi mang thai. Các triệu chứng của cúm là đau nhức, sốt, ho và nôn mửa. Mẹ bầu hãy cố gắng uống nhiều nước, nghỉ ngơi đúng cách và đừng quên tiêm vắc xin nhé.
3. Sốt khi mang thai do trùng đường tiểu (UTI)
Khoảng 10% phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiểu (UTI) trong thời gian mang thai. UTI xảy ra do vi khuẩn di chuyển từ trực tràng hoặc âm đạo đến niệu đạo hoặc bàng quang. Triệu chứng của bệnh này là nước tiểu đục, chảy máu, sốt, ớn lạnh và cảm giác rát khi đi tiểu.
Để chữa trị, bạn hãy uống nhiều nước và dùng kháng sinh theo quy định. Nếu không được điều trị sớm, bệnh UTIs có thể gây nhiễm trùng thận và dẫn đến những biến chứng khi mang thai khác. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên xét nghiệm nước tiểu thường xuyên để theo dõi tình trạng này.
4. Sự xâm nhập của virus đường tiêu hóa
Khi virus đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể thì thường đi kèm với các triệu chứng như sốt, nôn mửa, tiêu chảy và mất nước. Tất cả những triệu chứng này cũng có thể dẫn đến việc sinh non nếu không được điều trị kịp thời.
Mẹ bầu nên có một chế độ ăn uống lành mạnh cùng những thực phẩm như táo, bánh mì, gạo và chuối, uống thật nhiều nước để điều trị virus đường tiêu hóa. Nếu sốt cao khi mang thai đi kèm với ói mửa và mất nước, bạn nên đến bác sĩ ngay.
5. Viêm màng ối có thể gây sốt khi mang thai
Khoảng 1–2% phụ nữ bị viêm màng ối khi mang thai. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn, gây viêm màng ối bao xung quanh thai nhi. Các triệu chứng bao gồm nhịp tim nhanh, chảy máu âm đạo, đổ mồ hôi, sốt cao và ớn lạnh. Nếu viêm màng ối xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ, bác sĩ có thể đề nghị mổ lấy thai ngay để tránh nhiễm trùng.
6. Bệnh thứ năm (truyền nhiễm siêu vi trùng parvovirus B19)
Chỉ có 5% phụ nữ có thai bị nhiễm trùng truyền nhiễm hiếm gặp này. Các dấu hiệu bao gồm phát ban, đau nhức khớp, nhức đầu, đau họng và sốt. Bệnh thứ năm có thể dẫn đến các biến chứng như sẩy thai, thiếu máu thai nhi, thai chết lưu và viêm thanh quản trong bào thai.
7. Bệnh truyền nhiễm Listeria (Listeriosis)
Một nguyên nhân khác gây sốt khi mang thai chính là bệnh nhiễm khuẩn iteria. Listeriosis xuất hiện nếu mẹ bầu uống nước và ăn các thực phẩm bị ô nhiễm. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, buồn nôn, đau cơ, tiêu chảy, đau đầu, cổ cứng hoặc co giật. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sinh non, thai chết lưu và sẩy thai.
Để ngăn ngừa, mẹ bầu chú ý không dùng thịt và sữa chưa được khử trùng hoặc chế biến bằng cách hun khói mà chỉ nên ăn những thực phẩm đã được nấu chín kỹ.
Phụ nữ mang thai bị sốt ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Nếu bạn bị sốt khi mang thai 3 tháng đầu ở mức nhẹ thì sẽ không gây ra những vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu sốt cao có thể nguy hiểm cho thiên thần nhỏ trong bụng. Sự phát triển của bào thai trong giai đoạn đầu phụ thuộc vào hoạt động của protein nên nếu sốt cao, bệnh sẽ cản trở hoạt động của protein và dẫn đến sẩy thai.
Sốt trong giai đoạn đầu mang thai thường làm tăng nguy cơ mắc chứng sứt môi hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hạ sốt có thể làm giảm các biến chứng nguy hiểm.
Cách hạ sốt khi mang thai
Trường hợp nếu mẹ bầu bị sốt nhẹ thì có thể áp dụng những biện pháp sau để hạ sốt:
- Ở nơi mát mẻ: Phụ nữ mang thai bị sốt nên nghỉ ngơi ở những nơi thoáng mát, bật quạt hoặc điều hòa
- Mặc quần áo rộng rãi: Bạn đừng mặc quần áo quá chật hoặc bó sát người mà hãy mặc loại có chất liệu cotton giúp thoáng khí tốt hơn. Nếu cảm thấy lạnh, mẹ bầu hãy đắp một tấm chăn mỏng
- Tắm nước ấm: Nước ấm giúp điều hòa và giảm nhiệt độ của cơ thể. Tuy nhiên, mẹ bầu không được tắm nước lạnh vì sẽ càng khiến bệnh nặng hơn
- Uống nhiều nước: Mẹ bầu hãy uống các loại nước mát nhưng không chứa carbonate (nước có gas hoặc nước thêm hương vị). Bạn có thể thử nước chanh để giúp giảm nhiệt độ cơ thể và lấy lại glucose
- Nghỉ ngơi nhiều: Việc nghỉ ngơi giúp cơ thể mẹ bầu được thư giãn, giảm nguy cơ bị ngất và té ngã do chóng mặt
- Dùng miếng dán hạ sốt: Bạn có thể mua miếng dán hạ sốt tại các tiệm thuốc tây hoặc tự làm ở nhà. Một túi nhỏ đậu Hà Lan đông lạnh cũng có công dụng tương tự miếng dán hạ sốt
Có thể bạn quan tâm: 9 mẹo trị cảm cúm cho bà bầu không dùng thuốc, bạn đã thử chưa?
Cách trị sốt khi mang thai do cảm lạnh và ho
- Xì mũi đúng cách: Khi xì mũi không đúng cách, mẹ bầu có thể bị đau tai. Vì vậy, cách tốt nhất là đè một lỗ mũi và xì nhè nhẹ lỗ còn lại.
- Sử dụng nước muối: Nước muốn giúp sát khuẩn và loại bỏ vi khuẩn ở mũi. Hãy trộn một muỗng muối với 250ml nước ấm và dùng dụng cụ thích hợp để xịt vào mũi. Lặp lại hành động này từ 2–3 lần 1 ngày cho đến khi bệnh giảm bớt.
- Nước súc miệng: Mẹ bầu nên súc miệng với nửa muỗng cà phê muối cùng 250 ml nước ấm. Điều này giúp giảm kích ứng cổ họng, ngứa cổ và đờm.
- Thảo dược để thông mũi: Mẹ bầu nên sử dụng các đồ uống nóng như gừng và trà thảo mộc. Những món này giúp làm dịu nơi bị viêm trong mũi, làm giảm nghẹt mũi và ngăn ngừa mất nước. Tuy nhiên, tránh dùng trà hoa cúc vì có chứa các chất gây mê và chảy máu.
- Tắm vòi sen: Việc tắm vòi sen cùng nước nóng sẽ làm thông mũi và giúp bạn thư giãn, giảm mệt mỏi hay đau đầu.
- Dùng dầu bạc hà: Chấm nhẹ dầu bạc hà lên mũi và ngực để thông mũi và điều trị vùng da bị kích ứng. Mẹ bầu có thể sử dụng tinh dầu bạc hà, bạch đàn để làm dịu da mũi phải chịu cọ xát liên tục.
- Kê thêm gối: Vị trí của đầu cao hơn so với cơ thể sẽ làm giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng lưu ý là nên sắp xếp gối để có được tư thế dễ chịu và thoải mái nhất nhé.
- Không đi máy bay: Khi mang thai, mẹ bầu không nên đi máy bay, đặc biệt nếu đang bị sốt, cảm lạnh và cúm. Nguyên nhân là có thể làm tăng nghẹt mũi hoặc hỏng màng nhĩ do áp lực thay đổi trong quá trình cất cánh và hạ cánh. Nếu bắt buộc phải đi máy bay, mẹ nên theo sát quy định đi máy bay cho bà bầu và nhớ mang theo thuốc xịt mũi và thuốc giảm đau. Việc nhai kẹo cao su cũng sẽ giúp giảm áp lực lên mũi và tai.
Các thực phẩm ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn
Một số thực phẩm hỗ trợ mẹ bầu hạn chế gặp phải tình trạng sốt khi mang thai gồm:
- Ăn chuối và cơm khi bị tiêu chảy kèm sốt
- Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch
- Quả việt quất cũng giúp kiềm chế sốt và tiêu chảy vì có chứa aspirin
- Mù tạt đóng vai trò làm tan chất nhầy trong mũi
- Hành ngăn ngừa viêm phế quản và viêm phổi
- Các loại trà đen và trà xanh có chứa catechin. Đây là chất hóa học tự nhiên giúp giảm bớt tiêu chảy
Mẹ bầu không nên lạm dụng thuốc vì thuốc sẽ có tác dụng phụ. Hơn nữa, các liệu pháp tự nhiên sẽ không làm bạn buồn ngủ hay ảnh hưởng đến tâm trạng. Qua những chia sẻ trên, hy vọng mẹ bầu đã có thêm bí quyết để hạ sốt cũng như giữ gìn sức khỏe thật tốt vì bản thân bạn cũng như con yêu nhé.
[embed-health-tool-due-date]