Progesterone là gì? Tại sao progesterone thấp lại gây nguy hiểm đến thai nhi? Làm thế nào để hạn chế điều này?
Chỉ số progesterone quá thấp có thể dẫn đến việc sảy thai hoặc thai chết lưu. Chính vì thế, triệu chứng này đang được rất nhiều mẹ quan tâm. Trước hết, mời bạn hãy tìm hiểu khái niệm, triệu chứng và cách điều trị cùng Hello Bacsi nhé.
Progesterone là gì?
Progesterone là hormone sinh dục nữ chủ yếu tiết ra ở buồng trứng sau mỗi lần trứng rụng hàng tháng. Nó giữ vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ.
Progesterone giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và có nhiệm vụ chính là giúp tử cung luôn sẵn sàng mang thai. Sau khi rụng trứng, progesterone sẽ làm lớp nội mạc tử cung (lớp lót bên trong tử cung) dày lên để chuẩn bị cho tế bào trứng được thụ tinh. Nếu việc thụ tinh không xảy ra, nồng độ progesterone sẽ giảm xuống và bạn bắt đầu có kinh. Nếu trứng thụ tinh ở thành tử cung, progesterone sẽ giúp duy trì lớp nội mạc này trong suốt thai kỳ.
Progesterone là hormone rất cần thiết cho sự phát triển của vú cũng như sản xuất sữa. Nó sẽ hỗ trợ thêm chức năng cho estrogen. Ngoài ra, progesterone còn giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành testosterone, bởi vì đây chính là tiền chất của hormone tuyến thượng thận.
Một sự thật thú vị chính là đàn ông cũng sản xuất một lượng nhỏ progesterone cho sự phát triển của tinh trùng.
Nồng độ progesterone thấp có đáng lo ngại?
Progesterone đặc biệt quan trọng trong độ tuổi sinh sản. Nếu bị thiếu progesterone, bạn rất có thể sẽ gặp nhiều vấn đề trong thai kỳ. Sau thời điểm rụng trứng, nồng độ progesterone cần được tăng lên nhằm giúp lớp nội mạc tử cung dày lên để tạo thuận lợi cho trứng thụ tinh. Nếu lớp nội mạc này không đủ dày thì chắc chắn sự thụ tinh sẽ không thể xảy ra.
Đối với phụ nữ không mang thai, các triệu chứng của nồng độ progesterone trong máu thấp bao gồm:
- Nhức đầu hoặc đau nửa đầu;
- Thay đổi tâm trạng, bao gồm lo lắng hoặc trầm cảm;
- Giảm ham muốn tình dục;
- Thường xuyên tức giận;
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Ở những phụ nữ này, nồng độ progesterone thấp cũng có thể gây ra chảy máu tử cung bất thường.
Ảnh hưởng của việc thiếu progesterone lên thai phụ
Đối với phụ nữ mang thai, các triệu chứng của progesterone thấp là chảy máu âm đạo nhỏ giọt, đau bụng. Ngoài ra, progesterone thấp cũng có thể gây thiếu máu hoặc mang thai ngoài tử cung.
Trong quá trình mang thai, bạn vẫn cần progesterone cho đến khi bé ra đời. Nếu nồng độ progesterone quá thấp, tử cung sẽ không thể giữ được thai nhi đủ tháng, điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể sinh non.
Nếu bạn không bổ sung progesterone, estrogen sẽ trở thành hormone có ưu thế vượt trội. Nó có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau:
- Tăng cân;
- Giảm ham muốn tình dục, thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm;
- Hội chứng tiền mãn kinh, kinh nguyệt không đều, ra máu nhiều;
- Cương tức ngực, xơ nang vú;
- U xơ, lạc nội mạc tử cung;
- Vấn đề về túi mật;
- Rối loạn chức năng tuyến giáp.
Định lượng nồng độ progesterone
Xét nghiệm progesterone (PGSN) sẽ giúp bác sĩ xác định liệu nồng độ progesterone có quá thấp không. Đây là xét nghiệm máu đơn giản mà không cần chuẩn bị trước.
Xét nghiệm sẽ cho thấy bằng chứng tại sao bạn gặp khó khăn trong việc mang thai, đồng thời cũng giúp xác định bạn có khả năng rụng trứng hay không. Nó còn được sử dụng để thay thế cho các liệu pháp hormone khác hoặc kiểm tra sức khỏe cho mẹ bầu mang thai.
Nồng độ progesterone sẽ dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và sẽ đạt đỉnh trước khi bạn hành kinh khoảng 7 ngày. Nồng độ progesterone trong thời kỳ mang thai luôn cao hơn giá trị bình thường và sẽ tăng cao hơn nữa nếu bạn có đa thai.
Chức năng buồng trứng kém cũng có thể là nguyên nhân của tình trạng progesterone thấp. Khi mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm một cách tự nhiên. Những người sau mãn kinh sẽ có nồng độ progesterone thấp hơn người trong độ tuổi sinh đẻ.
Cần làm khi khi progesterone thấp?
Nếu muốn sinh con thì liệu pháp hormone progesterone có thể giúp làm dày lên lớp nội mạc tử cung. Điều này sẽ gia tăng cơ hội có một thai kỳ khỏe mạnh và mang thai đủ tháng. Liệu pháp hormone còn giúp cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt và xuất huyết bất thường.
Đối với các triệu chứng nặng trong thời kỳ mãn kinh, bạn cần cân bằng và điều tiết 2 lượng estrogen và progesterone. Các mẹ nếu có lượng estrogen cao hơn progesterone sẽ làm tăng nguy cơ ung thư của nội mạc tử cung.
Liệu pháp hormone ngoài ra cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng như dễ tức giận, chảy mồ hôi về đêm, khô âm đạo, đồng thời cũng giúp cải thiện tinh thần ở một số phụ nữ. Nó còn làm giảm nguy cơ loãng xương và bệnh tiểu đường.
Lưu ý gì khi sử dụng liệu pháp hormone?
Liệu pháp hormone có thể gia tăng nguy cơ đột quỵ, huyết khối và các vấn đề về túi mật. Nếu bạn bị ung thư vú hay ung thư nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên sử dụng liệu pháp này. Những phụ nữ có tiền sử bệnh gan, huyết khối hoặc đột quỵ cũng không nên áp dụng liệu pháp.
Liệu pháp hormone hứa hẹn sẽ là một giải pháp lâu dài, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh. Hello Bacsi khuyên bạn nên gặp bác sĩ để đánh giá lại quá trình điều trị của mình mỗi năm.
[embed-health-tool-due-date]