Sự phát triển trí não của thai nhi trong bụng mẹ rất kỳ diệu. Nhiều mẹ thắc mắc thai nhi phát triển trí não vào tháng thứ mấy? Ngay từ tuần thứ 3, não bộ của bé đã bắt đầu hình thành, phát triển và dần hoàn thiện cho đến khi bé chào đời.
Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình sinh ra thông minh, khỏe mạnh. Ngay từ khi bé còn nằm trong bụng, ba mẹ đã chăm chút, lựa chọn kỹ lưỡng những gì tốt nhất dành cho con để bé yêu có thể phát triển toàn diện. Tuy nhiên, có một điều mà phần đông các ba mẹ vẫn chưa hiểu rõ về thiên thần nhỏ của mình, đó chính là cấu trúc và hoạt động bộ não của bé. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về điều kỳ diệu này nhé.
Cấu trúc não bộ của thai nhi
Cũng giống như bộ não của người trưởng thành, bộ não của bé con cũng được chia thành 5 khu vực khác nhau, mỗi khu vực chịu trách nhiệm cho từng chức năng riêng biệt:
- Vùng dưới đồi: Kiểm soát cảm giác đói, khát, giấc ngủ và cảm xúc. Hơn nữa, khu vực này cũng chịu trách nhiệm duy trì nhiệt độ cơ thể.
- Tuyến yên: Có kích thước nhỏ như hạt đậu, phụ trách sản xuất hormone cho cơ thể. Ngoài ra, khu vực này còn hỗ trợ quá trình tăng trưởng, trao đổi chất và thực hiện một số chức năng khác.
- Thân não: Đây được coi là một phần khá quan trọng của bộ não, giúp kiểm soát sự sống của cơ thể bằng cách điều khiển hoạt động của hơi thở, duy trì nhịp tim ổn định và điều hòa huyết áp.
- Tiểu não: Tất cả những cú đạp của bé mà bạn cảm nhận được đều là kết quả hoạt động của tiểu não. Phần não này phối hợp các động tác cử động, duy trì tư thế và tạo cảm giác thăng bằng.
- Đại não: Đây là phần lớn nhất của bộ não, chịu trách nhiệm suy nghĩ, ghi nhớ và cảm nhận. Đại não cũng là một phần não có kích thước lớn, chứa vài cấu trúc dưới vỏ não, trong đó có cả thùy trán và thái dương.
Quá trình phát triển trí não của thai nhi
Não của bé sẽ bắt đầu hình thành từ tuần thứ 3 của thai kỳ, sau đó sẽ phát triển và dần hoàn thiện qua từng giai đoạn khác nhau khi còn ở trong bụng và sau khi chào đời:
Tam cá nguyệt đầu tiên
Sau khi thụ thai một tuần, nền tảng thần kinh của thai nhi bắt đầu hình thành, phát triển theo chiều dài và có nếp gấp. Sau đó, chúng chuyển thành một rãnh rồi dần tạo ra ống thần kinh.
Khoảng tuần thứ 6 – 7 của thai kỳ, ống thần kinh đóng lại theo chiều cong và chia thành ba phần: tiền đình, não giữa và não sau. Tủy sống sẽ sớm xuất hiện ở phần liền kề với não sau.
Sau đó, sự phát triển não bộ của thai nhi cũng bắt nguồn từ ống thần kinh và chia làm 5 khu vực. Tuy nhiên, tất cả các khu vực não bộ vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện.
Cũng trong giai đoạn này, một số tế bào thần kinh siêu nhỏ sẽ di chuyển khắp phôi để tạo ra các dây thần kinh đầu tiên. Ở tuần thứ 8, thai nhi có thể ngọ nguậy chân tay và bắt đầu phát triển xúc giác. Vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên, bé đã có khả năng thực hiện khá nhiều hành động mặc dù mẹ vẫn chưa thể cảm nhận được.
Tam cá nguyệt thứ hai
Trong tam cá nguyệt thứ hai, não bộ sẽ giữ vai trò điều khiển những cơn co thắt đều đặn ở cơ hoành và cơ ngực, tương tự như động tác thở. Đồng thời, một lớp bảo vệ giúp gia tăng tốc độ truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh, có tên là myelin, sẽ xuất hiện và bao phủ xung quanh dây thần kinh của bé. Myelin sẽ tiếp tục phát triển cho đến khi trẻ được một tuổi.
Ở giai đoạn cuối của tam cá nguyệt thứ hai, thân não của trẻ gần như hoàn toàn trưởng thành. Lúc này, hệ thần kinh của thai nhi đã phát triển đủ để bé biết giật mình nếu có những tiếng động lớn bên ngoài hay thậm chí là có thể quay đầu về phía phát ra giọng nói của người thân.
Tam cá nguyệt thứ ba
Vào tuần 28 của thai kỳ, hệ thần kinh trung ương có thể điều khiển nhịp thở nhịp nhàng và kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Đặc biệt, hoạt động sóng não của bé đã xuất hiện chu kỳ giấc ngủ, bao gồm cả giai đoạn có giấc mơ.
- Ở giai đoạn này, trọng lượng não bộ thai nhi cũng tăng gấp ba lần, từ khoảng 100g vào cuối tam cá nguyệt thứ hai lên đến gần 300g.
- Bề mặt của não càng có nhiều rãnh và nếp nhăn, tương tự như hình ảnh của bộ não thường thấy.
- Diện tích bề mặt tiểu não tăng lên gấp 30 lần chỉ trong vòng 16 tuần cuối của thai kỳ.
- Vỏ não vẫn đang phát triển rất nhanh nhưng khu vực này chỉ bắt đầu hoạt động khi bé gần được sinh ra. Vỏ não sẽ tiếp tục trưởng thành trong vài năm đầu đời của bé nhờ vào sự đa dạng của môi trường ở thế giới bên ngoài.
Ăn gì để tốt cho sự phát triển trí não của bé?
Để bé khỏe mạnh và thông minh, bà bầu cần thêm ngay vào chế độ ăn của mình những thực phẩm có chứa những dưỡng chất sau:
Kẽm
Đây là một nguyên tố vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ của thai nhi ở giai đoạn đầu. Kẽm có tác dụng làm tăng sức mạnh của các tế bào thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh nên được xem là dưỡng chất kích thích sự phát triển trí não của trẻ. Những thực phẩm chứa nhiều kẽm mà bạn nên thêm vào chế độ ăn là thịt đỏ, đậu thận, quả óc chó, hạt bí ngô và cải bó xôi.
Protein
Protein là một dưỡng chất không thể thiếu được trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu. Đặc biệt, đây cũng là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển trí não của bé. Cụ thể, protein có tác dụng tăng cường chức năng của các tế bào não và giúp phát triển não bộ khỏe mạnh toàn diện. Các thực phẩm giàu protein là trứng, các loại đậu, cá và thịt nạc.
I ốt
Ngay từ giai đoạn tiền sản, các bác sĩ đã nhắc nhở bạn nên bổ sung i ốt để chuẩn bị cho việc mang thai. I ốt đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tủy sống và kết nối các bộ phận của não. Phụ nữ mang thai bị thiếu i ốt có thể khiến bé bị suy giảm nhận thức và có nguy cơ sinh non cao. Thực phẩm giàu i ốt thường là dâu tây, rong biển, sữa chua.
Sắt
Sắt là khoáng chất mà bà bầu nên chú ý bổ sung để ngăn ngừa sinh non. Không những vậy, dưỡng chất này cũng rất cần thiết cho sự phát triển thần kinh của trẻ.
Bộ não hoạt động có tốt không phụ thuộc rất nhiều vào các tế bào thần kinh có khả năng truyền tín hiệu liên lạc. Sắt có tác dụng cải thiện và tăng cường khả năng này của các tế bào thần kinh. Các loại thực phẩm giàu chất sắt thường là cài bó xôi, nho khô và đậu lăng.
Choline
Sự phát triển trí não của thai nhi phụ thuộc rất nhiều vào dưỡng chất này. Choline giúp giảm nguy cơ bé mắc các khuyết tật về ống thần kinh cũng như rất tốt cho trí nhớ và khả năng học tập của trẻ sau này.
Thịt gà, thịt lợn và khoai tây là những thực phẩm rất giàu choline mà bạn nên thêm vào chế độ ăn của mình.
Axit folic
Việc bổ sung axit folic là điều cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Axit folic có tác dụng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Củ cải đường, bơ, nước cam và rau có màu xanh là những thực phẩm giàu axit folic mà bạn nên thêm vào chế độ ăn.
Các yếu tố có hại cho sự phát triển trí não của thai nhi
Dưới đây là một số thói quen có thể ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển trí não của bé cưng:
Tiếp xúc với các chất độc hại
Những hóa chất này có thể hiện diện ở rất nhiều nơi như những nơi có không khí ô nhiễm hoặc đơn giản là khi bạn tiếp xúc với sơn và đồ nội thất mới mua. Chì, asen, thủy ngân trong các loại sơn hoặc đồ nội thất mới đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển trí não của trẻ.
Virus rubella
Rubella, còn được gọi là bệnh sởi Đức hay sởi ba ngày, là một bệnh virus truyền nhiễm và dễ nhận ra qua loại ban (đốm hoặc nhọt) đỏ đặc trưng. Mặc dù rubella có thể không gây hại cho người mẹ nhưng nó tạo những ảnh hưởng nhất định đối với thai nhi. Nếu người mẹ mắc bệnh rubella trong những tháng đầu của thai kỳ, đứa trẻ có thể bị đục thủy tinh thể, điếc và thậm chí bị chậm phát triển.
Thuốc trị động kinh
Sử dụng thuốc trị động kinh trong thời gian mang thai có thể khiến trẻ sinh ra có chỉ số IQ thấp hơn.
Uống rượu
Khi phụ nữ mang thai uống rượu, rượu có thể đi qua nhau thai và thâm nhập vào cơ thể bé. Điều này có thể dẫn đến tổn thương lớn cho hệ thần kinh còn non nớt của trẻ.
Ít phơi nắng
Phụ nữ mang thai nếu chỉ ở trong nhà, ít tiếp xúc với ánh mặt trời thì thai nhi sẽ có nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng và sự phát triển của hệ thần kinh cũng bị cản trở.
Căng thẳng
Tình trạng căng thẳng liên quan đến trạng thái tinh thần và có thể khiến mẹ cảm thấy chán ăn và làm ảnh hưởng đến dinh dưỡng của thai nhi.
Thuốc
Khi mang thai, bạn tuyệt đối đừng tự ý uống thuốc. Bởi ngay cả những loại thuốc thông thường nhất như aspirin hoặc bất kỳ loại thuốc giảm đau nào khác cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
Thiếu vitamin D
Sự thiếu hụt vitamin D từ các nguồn khác có thể dẫn đến việc trẻ sinh ra có vấn đề về hô hấp cũng như bị rối loạn ngôn ngữ.
Thiếu axit folic
Axit folic là một chất dinh dưỡng quan trọng mà phụ nữ mang thai nên chú ý bổ sung mỗi ngày. Nếu bị thiếu axit folic, bé sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều dị tật bẩm sinh.
Sinh non
Việc sinh non có thể ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ bởi sự phát triển não bé phần lớn diễn ra trong cơ thể mẹ.
Công việc của người cha
Nếu công việc của người cha thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố gây hại, tinh trùng sẽ bị ảnh hưởng và bé có thể gặp phải các rối loạn liên quan đến não.
Tuổi cha mẹ
Một đứa trẻ được thụ thai bởi cha mẹ hơn 35 – 40 tuổi có nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần cao hơn.
Tìm hiểu sự phát triển não bộ thai nhi là một điều hết sức thú vị. Trong quá trình mang thai, bạn cần cảnh giác với những triệu chứng đáng ngờ và đừng quên bổ sung dưỡng chất để đảm bảo bé cưng luôn phát triển khỏe mạnh nhé.
Có thể bạn quan tâm
Ngân Phạm / HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]