backup og meta

Mắt bị khô khi mang thai: Thủ phạm và cách cải thiện

Mắt bị khô khi mang thai: Thủ phạm và cách cải thiện

Mắt bị khô khi mang thai là cảm giác không hề dễ chịu và sẽ cản trở mẹ bầu trong các sinh hoạt hàng ngày nếu thiếu sự chăm sóc cần thiết.

Hầu hết các bộ phận cơ thể sẽ thay đổi trong khi bạn mang thai và đôi mắt cũng chiếm một vị trí trong danh sách này. Có khá nhiều mẹ bầu gặp tình trạng mắt bị khô, khiến họ cảm thấy khó chịu nếu phải nhìn vào một vật gì đó quá lâu. Hiện tượng trên thường bắt đầu vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên và có thể tiếp tục trong suốt thai kỳ, thậm chí kéo dài đến vài tháng sau khi sinh con.

Nguyên nhân khiến bà bầu bị khô mắt

Một số thủ phạm tạo ra chứng khô mắt ở phụ nữ mang thai bao gồm:

1. Thay đổi nội tiết tố

Thay đổi nội tiết tố và suy giảm nội tiết tố nam androgen là một trong những lý do chính khiến đôi mắt của mẹ bầu bị khô. Trong quá trình sinh nở và cho con bú, nồng độ của những nội tiết tố này sẽ dần quay lại như bình thường nên tình trạng mắt bị khô không còn nữa. Tuy nhiên, có một số phụ nữ vẫn phải chịu đựng tình trạng này thêm một thời gian sau sinh.

2. Khả năng tiết nước mắt giảm

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai cũng thường ảnh hưởng đế khả năng tiết nước mắt. Nếu hoạt động sản xuất nước mắt không còn hiệu quả như trước khi mang thai, tình trạng mắt bị khô chắc chắn xảy ra.

3. Tuyến dầu bôi trơn cho mắt bị chặn

Trong quãng thời gian bầu bí, các tuyến dầu hoạt động khác với bình thường. Những thay đổi này đôi khi ngăn chặn việc sản xuất lipid và các loại dầu có chức năng bôi trơn mắt, từ đó khiến độ đặc của nước mắt bị thay đổi. Kết quả là nếu chớp mắt, mẹ bầu sẽ cảm thấy khô vì không có gì để bảo vệ mắt khỏi những tác động của mí mắt. Bạn có thể áp dụng biện pháp chườm nóng vào vùng mắt để tạm thời mở các tuyến dầu bị chặn.

4. Tiết quá nhiều nước mắt

Trái ngược với nguyên nhân giảm tiết nước mắt khiến mắt bị khô nêu trên, một số phụ nữ trải qua hiện tượng lượng nước mắt đột ngột gia tăng khi mang thai. Khi bề mặt bị kích thích, mắt sẽ tạo ra nước mắt kém chất lượng để loại bỏ chất gây kích ứng và bôi trơn mắt theo phản xạ tự nhiên.

Dấu hiệu mắt bị khô khi mang thai

mắt bị khô khi mang thai

Tình trạng mắt bị khô khi mang thai nhìn chung là vô hại nhưng có thể khiến mẹ bầu rất khó chịu. Một số triệu chứng của tình trạng này bao gồm:

  • Mắt đỏ và sưng lên
  • Mờ mắt trong phút chốc nếu chớp mắt
  • Mắt có cảm giác khó chịu và diễn biến trầm trọng hơn
  • Mí mắt dính vào nhau, hiện tượng thường xuất hiện khi bạn thức dậy vào buổi sáng.

Biện pháp cải thiện khô mắt khi mang thai

Dưới đây là một số mẹo để làm dịu mắt khô khi mang thai mà mẹ bầu có thể thử:

1. Nước mắt nhân tạo

Để giảm bớt sự kích thích và khó chịu của tình trạng khô mắt, mẹ bầu có thể cân nhắc dùng nước mắt nhân tạo. Chúng an toàn để sử dụng trong khi mang thai và cho con bú. Nước mắt nhân tạo thay thế rất hiệu quả một phần lipid có trong nước mắt tự nhiên. Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy đảm bảo rằng bạn chọn thuốc nhỏ mắt có khả năng làm ẩm tròng kính phù hợp.

2. Chườm ấm

Các tuyến nước mắt có thể được mở ra bằng cách nhẹ nhàng chườm ấm lên mắt. Biện pháp này sẽ khôi phục khả năng hoạt động của tuyến nước mắt thông qua việc kích thích sự vận chuyển lưu lượng máu thích hợp đến khu vực cần thiết.

3. Phẫu thuật tắc punctal

Thông tuyến lệ hay phẫu thuật tắc punctal, nói về thủ thuật giải phóng puncta. Puncta là một lỗ nhỏ ở khóe mắt, giúp nước mắt chảy ra. Phẫu thuật tắt punctal là một thủ tục an toàn cho phụ nữ mang thai.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng của tình trạng khô mắt đang trở nên tồi tệ hơn. Mẹ bầu có thể bị nhiễm vi khuẩn và cần dùng đến thuốc kháng sinh. Đừng ngại ngần đi khám khi nhận thấy hiện tượng nhấp nháy trong mắt vì triệu chứng này có thể là dấu hiệu sớm của tiền sản giật, cao huyết áp hoặc thậm chí suy giảm võng mạc.

Mắt bị khô là triệu chứng phổ biến của thai kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được biện pháp an toàn nào cho mắt khô trong khi mang thai.

Phương Uyên/HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Dry Eyes During Your Pregnancy https://www.verywellhealth.com/pregnancy-dry-eyes-maternity-eye-problems-3422022 ngày truy cập 23/04/2019

Causes of Dry Eyes During Pregnancy https://www.livestrong.com/article/241274-causes-of-dry-eyes-during-pregnancy/  ngày truy cập 23/04/2019

Dry Eyes during Pregnancy – Causes and Tips https://parenting.firstcry.com/articles/dry-eyes-during-pregnancy-causes-and-tips/ ngày truy cập 23/04/2019

 

Phiên bản hiện tại

28/08/2019

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Mẹ đã biết lợi ích khi massage tầng sinh môn và cách thực hiện an toàn?

Vì sao bạn chóng mặt khi mang thai? Làm sao để vượt qua sự khó chịu?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 28/08/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo