backup og meta

Mẹ bầu thiếu sắt muốn bổ sung sắt cần lưu ý những gì?

Mẹ bầu thiếu sắt muốn bổ sung sắt cần lưu ý những gì?

Phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ bị thiếu chất sắt, dẫn đến thiếu máu. Vì thế, họ đặc biệt cần bổ sung chất sắt mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn thai nhi.  

Vậy mẹ bầu thiếu sắt nên ăn gì? Có những lưu ý gì để mẹ bổ sung chất sắt cho cơ thể hiệu quả và an toàn? Mời bạn tìm hiểu trong bài viết sau.

Triệu chứng thiếu sắt ở phụ nữ mang thai

Đau đầu là triệu chứng thiếu sắt khi mang thai

Cơ thể sử dụng sắt để tạo ra huyết sắc tố, một loại protein trong tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đến các mô. Khi mang thai, phụ nữ cần gấp đôi lượng chất sắt để cung cấp oxy cho em bé, tức trung bình 27 miligam sắt mỗi ngày. Tuy nhiên, có đến khoảng 50% bà bầu không được bổ sung đầy đủ vi chất quan trọng này trong thai kỳ.

Khi cơ thể không có đủ chất sắt, phụ nữ mang thai có thể bị thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu nghiêm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé, làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân và tình trạng trầm cảm sau sinh. Một số nghiên cứu cho thấy thiếu máu thiếu sắt cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Yếu người
  • Da nhợt nhạt 
  • Nhịp tim không đều
  • Khó thở
  • Chóng mặt, xây xẩm
  • Tức ngực
  • Tay chân lạnh
  • Đau đầu

Các triệu chứng thiếu máu thường tương tự các dấu hiệu mang thai nói chung. Do đó, dù có xuất hiện các triệu chứng trên hay không, mẹ bầu vẫn nên đi xét nghiệm máu để sàng lọc tình trạng thiếu máu thiếu sắt khi mang thai.

Phụ nữ mang thai thiếu sắt nên ăn gì?

Thịt gà

Phụ nữ mang thai có thể bổ sung chất sắt từ nguồn động vật hoặc thực vật thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Một số thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:

  • Bột yến mạch ăn liền
  • Ngũ cốc ăn liền
  • Nho khô
  • Các loại đậu (đậu thận, đậu lăng, đậu nành)
  • Hàu sữa
  • Thịt gà
  • Thịt bò
  • Thịt heo
  • Các loại rau xanh đậm màu (cải bó xôi, bông cải xanh, rau ngót, rau bí, rau đay, cần tây…)
  • Trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng cường khả năng hấp thụ chất sắt (cam, quýt, chanh, bưởi, dâu tây…)

Lưu ý khi bổ sung sắt cho bà bầu thiếu sắt

Để quá trình bổ sung và hấp thụ sắt diễn ra dễ dàng hơn, phụ nữ mang thai cần chú ý những điều sau:

Bà bầu thiếu sắt không nên bổ sung sắt và canxi cùng lúc

Sắt và canxi đều là những chất cần thiết cho dinh dưỡng của bà bầu. Tuy nhiên, bạn không nên bổ sung chúng cùng lúc vì có thể tạo ra các tương tác bất lợi. Bà bầu nên bổ sung canxi và sắt ở hai thời điểm khác nhau để có hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng thiếu hụt sắt.

Không uống sắt cùng trà và cà phê

Trà và cà phê là hai loại đồ uống chứa nhiều caffeine và tanin, gây cản trở đến việc hấp thụ sắt của cơ thể. Bên cạnh đó, bia và rượu vang cũng là các tác nhân gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình bổ sung vi chất sắt.

Uống sắt cùng nước ép cam, chanh hoặc các loại nước giàu vitamin C

Uống nước cam khi bổ sung sắt

Các loại thực phẩm và nước trái cây chứa nhiều vitamin C sẽ giúp việc hấp thụ sắt diễn ra dễ dàng hơn. Mẹ bầu có thể uống thuốc sắt cùng nước trái cây giàu vitamin C hoặc uống thêm vitamin C khi ăn rau củ giàu sắt.

Chế biến thực phẩm giàu sắt bằng nồi, chảo làm bằng gang 

Nấu nướng thực phẩm giàu sắt bằng nồi hoặc chảo làm bằng gang sẽ giúp hạn chế tình trạng thất thoát chất sắt trong thực phẩm. Điều này giúp giữ lại lượng chất sắt cao nhất để bổ sung cho bà bầu trong quá trình ăn uống.

Chất sắt được bổ sung chủ yếu thông qua việc tiêu thụ thực phẩm hoặc uống thuốc sắt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phụ nữ có tiền sử phẫu thuật dạ dày/ruột non hoặc không thể dung nạp sắt theo cách thông thường có thể phải cần tiêm sắt qua đường tĩnh mạch.

Việc đảm bảo cơ thể nhận đủ chất sắt trong quá trình mang thai có thể khá khó khăn, ngay cả khi bà bầu đã chú ý thêm chất sắt vào khẩu phần ăn hàng ngày. Đặc biệt, đối với những người ăn chay trường, nguy cơ thiếu máu thiếu sắt là rất cao, vì họ không ăn các loại thịt giàu chất sắt. Do đó, bà bầu ăn chay cần liên hệ với bác sĩ để theo dõi mức độ sắt và huyết sắc tố trong máu cẩn thận hơn, tránh tình trạng thiếu máu ảnh hưởng đến thai kỳ.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Iron deficiency anemia during pregnancy

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/anemia-during-pregnancy/art-20114455

Ngày truy cập: 20-03-2020

Iron during pregnancy

https://www.dailymail.co.uk/health/article-2345223/Women-iron-pregnancy-bigger-healthier-babies.html

Ngày truy cập: 20-03-2020

Are You Getting Enough Iron?

https://www.webmd.com/baby/are-you-getting-enough-iron#1

Ngày truy cập: 20-03-2020

Phiên bản hiện tại

03/06/2022

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Dinh dưỡng trước khi mang thai: Cần lưu ý những gì?

Chế độ ăn cho bà bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 03/06/2022

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo