Đau thắt lưng khi mang thai là một vấn đề rất phổ biến của các mẹ bầu. Các cơn đau này có thể xảy ra ngay từ giai đoạn đầu hoặc ở giai đoạn sau của thai kỳ.
Bạn đang có những thắc mắc rằng tại sao mẹ bầu lại thường xuyên bị đau thắt lưng? Làm thế nào để giảm nhẹ những cơn đau này và có thể phòng tránh được không? Nếu có những băn khoăn này, mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Hello Bacsi.
Đau thắt lưng là gì?
Đau thắt lưng (hay đau lưng dưới) là thuật ngữ dùng trong y khoa để chỉ những cơn đau ở phần phía dưới của cột sống. Cột sống được tạo thành từ các đốt của xương sống, đĩa đệm giữa các đốt sống, tủy sống (chứa các dây thần kinh), cơ và dây chằng. Cơ ở vùng lưng và bụng giúp nâng đỡ cột sống.
Cơn đau ở vùng thắt lưng có khi chỉ diễn ra ở vùng lưng dưới hoặc có thể lan lên hoặc xuống đến chân. Nhìn chung đau thắt lưng, ngoại trừ các bệnh lý nghiêm trọng, thường liên quan nhiều đến tư thế và sức chịu lực của cơ lưng, cơ bụng.
Nguyên nhân khiến phụ nữ bị đau thắt lưng khi mang thai
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau thắt lưng khi mang thai. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:
1. Sự thay đổi trong thai kỳ
Việc thai nhi phát triển lớn dần theo thời gian cũng làm cho dây chằng của cột sống (vùng thắt lưng) bị kéo căng ra. Do sự thay đổi này mà cơ lưng, các khớp và dây chằng liền kề phải hoạt động nhiều hơn dẫn đến cơn đau thắt lưng xảy ra.
2. Cơ bụng yếu
Như bạn đã biết cơ lưng hỗ trợ cột sống của chúng ta. Việc cơ bụng yếu sẽ làm cho cột sống phải chịu thêm áp lực, do đó cơ lưng phải hoạt động nhiều hơn để giữ cột sống được thẳng. Khi bụng của mẹ bầu ngày càng lớn, cơ bụng trở nên yếu hơn, gây thêm căng thẳng cho các cơ, khớp và dây chằng ở lưng dẫn đến đau thắt lưng.
3. Sự tác động của hormone relaxin
Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ giải phóng hormone relaxin. Đây là hormone có tác dụng làm cho cổ tử cung và các cơ ở vùng xương chậu thư giãn để quá trình chuyển dạ, sinh con diễn ra suôn sẻ. Việc dây chằng và các khớp thư giãn dưới tác động của relaxin làm nảy sinh cơn đau thắt lưng ở mẹ bầu.
4. Các cơ vùng bụng và hông bị kéo căng
Tình trạng các cơ vùng bụng và hông bị kéo căng khi bụng bầu không ngừng lớn lên cũng là nguyên nhân góp phần làm cho mẹ bầu bị đau thắt lưng khi mang thai.
5. Sự thu hẹp của cột sống thắt lưng
Việc cột sống thắt lưng bị uốn cong khi bụng của mẹ bầu phát triển ngày càng to khiến ống thần kinh bị thu hẹp. Điều này làm cho dây thần kinh đi qua cột sống thắt lưng có thể bị chèn ép gây ra những cơn đau thắt lưng.
6. Sự thay đổi trọng tâm của cơ thể mẹ bầu
Khi thai nhi lớn lên, trọng tâm của cơ thể mẹ bầu sẽ dịch chuyển về phía trước. Tình trạng này có thể làm cho mẹ bầu dễ dàng bị té ngã. Để ngăn ngừa nguy cơ té ngã và giúp giữ cân bằng, cột sống và các bộ phận khác của cơ thể sẽ có cơ chế cố gắng tự điều chỉnh. Sự thay đổi này của cơ thể gây thêm áp lực lên lưng và các khu vực khác, từ đó dẫn đến đau thắt lưng.
7. Tư thế xấu gây đau thắt lưng khi mang thai
Việc mẹ bầu đứng hay ngồi trong một thời gian dài hoặc nằm không đúng cách cũng có thể khiến vùng thắt lưng bị đau.
8. Mang đa thai
Phụ nữ mang đa thai thường bị đau lưng và đau thắt lưng nhiều hơn so với phụ nữ mang đơn thai, đặc biệt là ở những người có cơ bụng yếu.
9. Mẹ bầu bị thừa cân nên đau thắt lưng khi mang thai
Mẹ bầu thừa cân có nguy cơ bị đau lưng nhiều hơn thai phụ có cân nặng chuẩn. Nguyên nhân là cột sống của mẹ bầu không chỉ phải chịu sự tác động từ sức nặng của toàn bộ cơ thể mà còn chịu tác động từ sức nặng của thai nhi đang dần lớn lên từng ngày. Điều này gây áp lực lên cột sống, nhất là cột sống vùng thắt lưng, làm gia tăng các cơn đau thắt lưng.
Mời bạn tham khảo bài viết Cân nặng của mẹ khi thụ thai nên là bao nhiêu để biết cân nặng chuẩn của phụ nữ trước khi thụ thai để có một thai kỳ khỏe mạnh.
10. Tình trạng căng thẳng
Việc rơi vào tình trạng căng thẳngtrong thời gian mang thai cũng có thể là một trong những yếu tố khiến mẹ bầu bị đau thắt lưng.
Có thể bạn quan tâm
Mách mẹ bầu mẹo giúp kiểm soát và hạn chế các cơn đau thắt lưng
Nhằm hạn chế và giúp kiểm soát các cơn đau thắt lưng, các mẹ bầu nên:
- Cố gắng thực hành tư thế tốt bằng cách giữ thẳng cơ thể, giữ vai thẳng và không khom đầu gối và cần giữ cho cơ thể luôn trong trạng thái thư giãn.
- Khi đứng luôn giữ cho hai chân cách nhau một khoảng vừa phải để tạo nên một thế đứng vững chắc.
- Tránh đứng hoặc ngồi hay nằm quá lâu. Khi ngồi, mẹ bầu nên đặt một chiếc gối sau lưng để hỗ trợ vùng thắt lưng và đặt chân trên một chiếc ghế thấp. Khi ngủ hoặc nằm nghỉ ngơi, mẹ bầu nên nằm nghiêng, tránh nằm ngửa. Ngoài ra, mẹ bầu nên đặt một cái gối giữa hai chân để cảm thấy thoải mái hơn.
- Sử dụng đai đỡ bụng bầu nhằm hỗ trợ cho cơ bụng.
- Tránh mang giày/dép cao gót, việc này có thể làm thay đổi trạng thái thăng bằng của bạn khiến bạn có xu hướng đổ về phía trước và dễ bị ngã. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên tránh sử dụng giày dép có phần mặt đế quá bằng. Hãy chọn giày dép mà phần mặt đế có vòm cong để giúp nâng đỡ xương bàn chân tốt hơn.
- Tránh cúi/khom về phía trước. Khi phải nâng vật nặng thì cần ngồi xổm, giữ lưng thẳng, đứng lên một cách từ từ.
- Duy trì các hoạt động thể chất như đi bộ, đạp xe nhẹ nhàng và làm các việc nhà đơn giản. Tập thể dục thường xuyên tăng cường cơ bắp và tăng cường sự linh hoạt. Điều đó có thể làm giảm tình trạng căng thẳng trên cột sống của bạn. Các bài tập an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai bao gồm đi bộ, bơi lội và đạp xe đạp. Bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ trị liệu vật lý có thể đề nghị bạn thực hiện các bài tập để tăng cường sức mạnh của lưng và bụng.
- Tham khảo sự tư vấn của bác sĩ về các bài tập thể dục tự do, kéo giãn cơ thể một cách nhẹ nhàng và thực hành các bài tập ấy một cách đều đặn.
- Nếu quá đau thắt lưng, mẹ bầu có thể đến các bệnh viện có khoa y học cổ truyền để khám, tư vấn và tiến hành châm cứu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng châm cứu có thể có hiệu quả trong việc giảm đau lưng khi mang thai.
- Chườm ấm hoặc massage cũng có thể rất có ích trong việc giúp mẹ bầu giảm đau.
- Nên dùng nệm chắc chắn có độ đàn hồi tốt để ngủ.
Có thể bạn quan tâm
Khi nào mẹ bầu nên đi khám?
Mẹ bầu bị đau thắt lưng khi mang thai nên đi khám nếu có một trong các tình trạng sau:
- Đau dữ dội
- Sốt cao
- Cơn đau ngày càng nghiêm trọng hoặc cơn đau bắt đầu đột ngột
- Nhịp đau quặn thắt
- Khó tiểu, nóng rát khi đi tiểu
- Xuất huyết âm đạo
- Tứ chi có cảm giác đau như kim châm…
Lan Quan / HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]