Bị sưng âm hộ khi mang thai là tình trạng phổ biến và không đáng ngại. Tuy nhiên cũng có trường hợp gây ra biến chứng nên mẹ bầu cần hết sức thận trọng.
Mang thai là niềm hạnh phúc lớn lao nhất nhưng cũng gây ra khá nhiều nỗi lo. Trong thời gian mang thai, cơ thể người phụ nữ phải trải qua rất nhiều thay đổi. Ngoài sự thay đổi ở ngoại hình, việc thay đổi ở vùng kín khi mang thai cũng khiến nhiều người quan tâm và lo lắng, một trong số đó là tình trạng vùng kín bị sưng khi mang thai.
Tại sao bà bầu lại bị sưng âm hộ và cách khắc phục như thế nào? Tất cả những băn khoăn này của bạn sẽ có trong những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi.
Sưng âm hộ khi mang thai: Nỗi lo thầm kín của nhiều mẹ bầu
Sưng âm hộ là tình trạng môi âm hộ bị sưng nhẹ. Trong thai kỳ, triệu chứng này khá là phổ biến và do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Lưu lượng máu đến âm hộ tăng
Trong thai kỳ, để nuôi dưỡng thai nhi, lưu lượng máu, chất lỏng vận chuyển đi khắp cơ thể và đến tử cung tăng tới 50%. Chính sự gia tăng này đã khiến cho mu và âm hộ của mẹ sưng phồng, nhạy cảm, thậm chí có nhiều mẹ bầu tháng cuối bị sưng vùng kín.
Sự thay đổi ở vùng kín khi mang thai này có thể khiến cho bà bầu khó chịu nhưng cũng có thể tăng thêm khoái cảm và mức độ thỏa mãn trong đời sống chăn gối.
Vệ sinh kém
Đây cũng là nguyên nhân gây sưng âm hộ khá phổ biến. Nếu bạn không chăm sóc “cô bé” cẩn thận trong thai kỳ, âm đạo sẽ trở thành nơi cư trú và sinh sản của các vi khuẩn, dẫn đến tình trạng bà bầu bị ngứa sưng vùng kín.
Thay đổi nội tiết tố gây sưng vùng kín khi mang thai
Trong quá trình mang thai, cơ thể bạn sẽ trải qua rất nhiều thay đổi. Một trong số những thay đổi có ảnh hưởng nhiều nhất là nội tiết tố. Chính sự thay đổi này làm cho cơ thể bạn sưng lên ở những vùng nhất định, trong đó có âm hộ.
Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ vi sinh vật của âm đạo. Các loại vi khuẩn và virus sẽ “nhân” cơ hội này phát triển, gây sưng âm hộ.
Dùng các sản phẩm vệ sinh vùng kín không phù hợp
Việc sử dụng các sản phẩm vệ sinh không phù hợp cũng có thể là nguyên nhân gây sưng đau vùng kín khi mang thai. Nguyên do là trong những sản phẩm này có thể chứa các chất gây dị ứng, khiến vùng kín bị viêm và đỏ, dẫn đến sưng âm hộ.
Quan hệ tình dục
Hoạt động quan hệ tình dục thô bạo, thiếu chất bôi trơn hoặc quan hệ kéo dài có thể gây sưng, trầy xước, chảy máu âm hộ. Trong thời kỳ mang thai, điều này còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi nên mẹ cần lưu ý.
U nang
Một số khối u ở vùng kín cũng có thể là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị sưng âm hộ, âm đạo khi mang thai.
Ăn thực phẩm không lành mạnh
Điều này nghe có vẻ khó tin nhưng đây là sự thật. Thói quen ăn uống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của vùng kín. Nếu bạn ăn quá nhiều đồ ăn vặt hoặc những món ăn không lành mạnh, âm hộ của bạn có thể bị sưng và nhiễm trùng.
Viêm vùng kín do vi khuẩn
Sưng âm hộ cũng có thể là hậu quả của tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn. Nếu bạn ở trong tình huống này, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng kháng sinh để bệnh nhanh khỏi.
Nhiễm trùng nấm men
Nếu nấm Candida phát triển quá mức trong vùng kín có thể dẫn đến sưng âm hộ. Các triệu chứng thường gặp của tình trạng này là nóng rát, đỏ, đau rát khi quan hệ tình dục và đi tiểu, da bị kích thích và tiết nhiều dịch âm đạo.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bệnh lây truyền qua đường tình dục tạo điều kiện cho vi khuẩn vùng âm đạo sinh sôi, dẫn đến viêm và các triệu chứng khác của bệnh, trong đó có sưng âm hộ.
Dấu hiệu đi kèm khi bị sưng âm hộ trong thai kỳ
Ngoài dấu hiệu âm hộ bị sưng thì dưới đây là những dấu hiệu phổ biến khác đi kèm theo:
- Dịch tiết âm đạo có mùi
- Viêm và ngứa vùng kín
- Môi lớn bị sưng
- Cảm giác đau rát khi đi tiểu
- Âm hộ xuất hiện vết loét chảy máu hoặc mụn nước…
Có thể bạn quan tâm: Tìm giải pháp cho mẹ bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai
Bị sưng âm hộ có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không?
Thông thường, tình trạng sưng âm hộ không gây ra bất kỳ tác hại nào cho em bé trong bụng. Tuy nhiên, nếu bạn bị sưng âm hộ do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, loại vi khuẩn này có thể lây nhiễm sang cho bé. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ cho bạn dùng kháng sinh để điều trị.
Cần làm gì khi bị sưng âm hộ khi mang thai ?
Dưới đây là một số cách để khắc phục tình trạng vùng kín bị khi mang thai:
1. Hạn chế gãi khi bị sưng âm hộ
Trong thời gian mang thai, bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu ở “vùng kín”. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế gãi để tránh “cô bé” bị phồng rộp và tổn thương.
2. Giữ vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ
Mẹ bầu nên vệ sinh vùng kín thường xuyên và sạch với nước rửa phụ khoa phù hợp để tránh tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, đừng rửa “cô bé” quá nhiều vì điều này có thể khiến vùng kín bị kích ứng, đồng thời lây lan vi khuẩn, nấm… sang các khu vực khác.
3. Không tự ý điều trị khi bị sưng âm hộ
Khi thấy âm hộ bị sưng, bạn nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Tránh tự ý dùng thuốc vì điều này có thể gây ra các biến chứng thai kỳ.
4. Dùng thuốc theo toa
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng nấm hoặc kháng sinh. Trong trường hợp nhiễm trùng đã lan sang các khu vực khác, một loại thuốc mạnh hơn có thể được chỉ định cho bạn sử dụng.
5 biện pháp giúp giảm sưng âm hộ
Bạn cũng có thể thử các biện pháp sau để thoát khỏi tình trạng âm hộ bị ngứa và sưng khi mang thai:
1. Uống nước
Mẹ bầu uống nước có thể giúp âm hộ bớt sưng trong thai kỳ. Không những vậy, uống đủ nước còn giúp kiểm soát sự tăng trưởng của vi khuẩn và làm giảm sự lây lan của nhiễm trùng.
2. Chườm lạnh
Bạn có thể chườm lạnh để giảm sưng âm hộ và viêm.
3. Sử dụng tỏi
Tỏi rất hiệu quả trong việc điều trị sưng vùng kín khi mang thai. Nguyên nhân là do tỏi có các đặc tính chống nấm và kháng khuẩn, giúp giảm sưng. Bạn có thể thêm tỏi vào chế độ ăn để hỗ trợ việc điều trị hoặc đắp tỏi lên vùng bị sưng để làm dịu các triệu chứng. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
4. Bổ sung lợi khuẩn
Việc bổ sung lợi khuẩn có thể giúp cân bằng sự phát triển quá mức của vi khuẩn xấu và nấm men trong cơ thể. Để bổ sung lợi khuẩn, bạn có thể thêm yến mạch và sữa chua vào chế độ ăn.
5. Dùng giấm táo cũng giúp giảm sưng âm hộ
Các đặc tính kháng khuẩn của giấm táo có thể giúp giảm sưng âm hộ. Bạn có thể pha giấm táo vào bồn tắm và ngâm mình từ 10 đến 15 phút.
Có thể bạn quan tâm: Ra huyết trắng khi mang thai – Mẹ nên chăm sóc vùng kín như thế nào?
Mẹ bầu bị sưng vùng kín nên đi khám khi nào?
Để ngăn ngừa tình trạng âm hộ bị sưng diễn biến theo chiều hướng xấu, bạn nên đi khám nếu:
- Tình trạng sưng và ngứa không khỏi sau vài ngày
- Âm hộ bị loét hoặc nổi mụn nhỏ.
Làm thế nào có thể tránh bị sưng âm hộ trong thai kỳ?
Dưới đây là một số bí quyết giúp giảm nguy cơ bị sưng vùng kín khi mang thai:
- Chú ý giữ vệ sinh vùng kín: Quá trình mang thai khiến bạn dễ bị nhiễm trùng, do đó cần đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc vùng kín để tránh nhiễm trùng.
- Không sử dụng xà phòng, nước rửa phụ khoa có mùi thơm để làm sạch “cô bé” vì các sản phẩm này có thể gây dị ứng.
- Luôn mặc quần lót thoải mái, tốt nhất là làm từ vải cotton. Không sử dụng đồ lót quá chật vì nó khiến cô bé bị “bí bách”.
- Duy trì chế độ ăn uống bổ dưỡng và lành mạnh. Không ăn những thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Tình trạng sưng âm hộ có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, với sự chăm sóc thích hợp và can thiệp y tế kịp thời, tình trạng của bạn không chỉ được kiểm soát mà còn có thể tránh được các biến chứng.
[embed-health-tool-due-date]