backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bà bầu có ăn được ngải cứu không? Lời khuyên an toàn cho mẹ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/09/2023

    Bà bầu có ăn được ngải cứu không? Lời khuyên an toàn cho mẹ

    Cây ngải cứu từ lâu đã nổi tiếng là một loại thảo mộc tốt cho sức khỏe. Ngải cứu vừa có thể làm nguyên liệu cho những món ăn hàng ngày vừa được dùng sử dụng như một loại dược liệu quý trong dân gian để cầm máu, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau, kháng viêm, chữa cảm cúm, chữa đau nhức xương khớp… Trong đó, tác dụng điều hòa kinh nguyệt của ngải cứu được đánh giá rất cao. Ngải cứu xuất hiện nhiều trong các món ăn chơi cho đến những món ăn tẩm bổ như trứng gà chiên ngải cứu, trứng vịt lộn hầm ngải cứu hay gà hầm ngải cứu… là loại thức ăn yêu thích của nhiều người.  Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn băn khoăn bà bầu có ăn được ngải cứu không, có dẫn đến sảy thai không?

    Nhìn chung, mặc dù được sử dụng rộng rãi nhưng lại có khá ít nghiên cứu về độ an toàn của ngải cứu đối với phụ nữ mang thai và thai kỳ. Vì vậy, chị em bầu bí vẫn nên chú ý cẩn thận đối với việc ăn uống ngải cứu trong thai kỳ. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ cung cấp một số thông tin trả lời cho vấn đề này nhưng chỉ mang tính tham khảo. Cách tốt nhất là mẹ bầu nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nếu muốn tận dụng các công dụng của ngải cứu trong thai kỳ nhé!

    Khám phá những công dụng của ngải cứu đối với sức khỏe

    Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia absinthium. Đây là một loài cây thân thảo sống lâu năm, cao 0,4- 1m, thân có rãnh dọc, lá mọc so le không cuống, màu hai mặt lá khác nhau. Trong đó, mặt trên của lá ngải cứu nhẵn và có màu lục sẫm, còn mặt dưới thì có màu trắng tro và có nhiều lông nhỏ. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây trên mặt đất. Thời điểm thu hoạch ngải cứu thường là vào tháng 6 hàng năm, gần với ngày Tết Đoan ngọ 5/5 Âm lịch. Tuy nhiên, ở Việt Nam cây ngải cứu chưa được trồng diện rộng mà chỉ mới lẻ tẻ theo hộ gia đình.

    Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, tính ấm, quy vào ba kinh can, tỳ, thận; có tác dụng điều hòa khí huyết, ôn trung trừ hàn, an thai, cầm máu, sát trùng.

    Theo y học hiện đại, trong 100g lá ngải cứu có 46 calorie, 8.8% carb, 5.2% protein, chất béo chỉ chiếm 0.4% còn lại là lượng vitamin và khoáng chất rất dồi dào như vitamin K hay folate.

    Từ lâu, ngải cứu đã được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên vì có chứa những hoạt chất có lợi cho sức khỏe như thujone, chamazulene, artemisine… Vì vậy, trong dân gian, ngải cứu có nhiều công dụng đối với sức khỏe đã được biết đến, bao gồm:

    • Giảm đau: Ngải cứu có thể được dùng để giảm đau nhức xương khớp, giảm đau thần kinh tọa, đau đầu hoa mắt… Ngải cứu thường được dùng sắc uống hoặc dùng đắp ngoài, cũng có thể làm thành điếu ngải dùng để cứu trong trường hợp đau nhức do lạnh cũng rất hiệu quả.
    • Chống nhiễm ký sinh trùng (giun, sán): Từ thời xa xưa, ngải cứu đã được dùng để điều trị giun ở đường ruột nhờ có chứa hoạt chất thujone. Tuy nhiên, các nghiên cứu về đặc tính này của ngải cứu chỉ mới được thực hiện trên động vật và không áp dụng cho con người nên vẫn cần được nghiên cứu thêm.
    • Chống oxy hóa: Chamazulenen có trong ngải cứu hoạt động như một chất chống oxy hóa nhằm ngăn ngừa các bệnh liên quan đến ung thư, bệnh tim, bệnh Alzheimer… nhưng đặc tính này vẫn cần nghiên cứu thêm.
    • Kháng viêm: Hoạt chất artemisinin có trong ngải cứu có thể giúp chống lại tình trạng viêm trong cơ thể, chẳng hạn như giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh Crohn và các vấn đề tiêu hóa khác.
    • Đối với sức khỏe làn da: Ngải cứu được biết đến là có thể điều trị ngứa do sẹo phì đại (sẹo lồi nhô lên bề mặt da), trị mụn, mẩn ngứa, rôm sảy… Cao nước ngải cứu có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gram âm và gram dương.
    • Đối với sức khỏe phụ nữ: Thujone có trong cây ngải cứu có thể thúc đẩy sự co bóp tử cung nên có thể được dùng như dược liệu giúp điều hòa kinh nguyệt đối với người bị mất kinh, kinh nguyệt không đều. Bên cạnh đó, ngải cứu kết hợp với một số dược liệu đông y khác cũng có thể giúp trị kinh nguyệt ra nhiều, đau bụng kinh, suy nhược cơ thể, an thai…
    • Các công dụng khác: Cải thiện lưu thông máu, giảm đau nhức cơ bắp, giảm căng thẳng, giảm mệt mỏi, trị cảm cúm, trị ho, đau họng, cầm máu, nhuận tràng, bổ gan…

    Giải đáp thắc mắc: Bà bầu có ăn ngải cứu được không?

    bà bầu có ăn được ngải cứu không

    Trong dân gian, cây ngải cứu được biết đến là có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, thực chất là những đặc tính này chưa được chứng minh đầy đủ và cần phải nghiên cứu thêm. Theo đó, người ta vẫn chưa xác định được liều lượng an toàn đối với việc sử dụng ngải cứu như một loại rau để ăn hoặc pha chế thức uống (trà ngải cứu). Hơn nữa, mặc dù các hoạt chất có trong ngải cứu mang đến lợi ích cho sức khỏe nhưng một số chất, chẳng hạn như thujone sẽ trở nên độc hại nếu dùng quá nhiều.

    Đối với vấn đề “bà bầu có ăn ngải cứu được không?” thì câu trả lời là chị em bầu bí vẫn nên hết sức thận trọng để tránh lợi bất cập hại. Chất thujone có trong ngải cứu có thể gây kích thích co bóp tử cung dễ gây sảy thai hoặc sinh non. Ngoài ra, nếu mẹ bầu gặp các vấn đề về thận, như suy thận, thì việc ăn ngải cứu cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.

    Hiện nay, gần như không có nghiên cứu nào đáng tin cậy về việc dùng ngải cứu trong thai kỳ là an toàn nên chị em mang thai 3 tháng đầu thời gian ày hết sức nhạy cảm do phôi thai bám vào tử cung và trong quá trình hình thành tổ chức, tốt nhất là không nên dùng ngải cứu, nhất là để ăn, đặc biệt là với các mẹ bầu được chẩn đoán thai yếu, có nguy cơ dễ sảy thai hoặc có tiền sử sinh non, sảy thai trước đó. Khi mang thai tháng thứ 4 trở đi, nếu mẹ muốn thêm ngải cứu vào bữa ăn thì vẫn nên ăn ở liều lượng ít chừng 3-5 ngọn lá ngải cứu/ lần và 1-2 lần/ tháng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về hàm lượng an toàn có thể sử dụng nhé!

    Gợi ý các món ăn với ngải cứu giúp tẩm bổ cho mẹ bầu

    Đối với vấn đề bà bầu có ăn được ngải cứu không, mặc dù chị em bầu bí nên thận trọng với việc dùng ngải cứu nhưng vẫn không thể phủ nhận loại thảo dược này vẫn chứa một số vitamin và khoáng chất cần thiết đối với mẹ bầu. Đặc biệt là lượng folate dồi dào, rất quan trọng cho việc hình thành nên tủy sống, hệ thống dẫn truyền thần kinh cho thai nhi, tránh dị tật bẩm sinh. Do đó, các mẹ bầu vẫn có thể ăn một lượng nhỏ nếu vốn là “fan cuồng” của các món ăn có ngải cứu và có sự đồng ý từ bác sĩ nhé. Sau đây là gợi ý một vài món ăn với ngải cứu giúp tẩm bổ cho bà bầu mà bạn có thể tham khảo để tự chế biến tại nhà:

    1. Gà hầm ngải cứu

    bà bầu có ăn được ngải cứu không

    Theo kinh nghiệm dân gian, gà hầm ngải cứu là món ăn rất ngon và bổ dưỡng cho phụ nữ mang thai. Cách làm rất đơn giản, mẹ có thể chọn gà ta hoặc gà ác để hầm. Sau khi làm sạch gà, chặt miếng và ướp gia vị theo ý thích, bạn cho vào nồi để hầm với ngải cứu, có thể cho thêm táo đỏ, kỷ tử, hạt sen, tam thất, một vài lát sâm. Hầm đến khi gà chín mềm là có thể dùng được.

    2. Trứng chiên ngải cứu

    Trứng chiên luôn là món ăn được nhiều người yêu thích vì sự thơm ngon, dễ nấu và không mất nhiều thời gian. Nếu là “fan cứng” của trứng chiên ngải cứu, hẳn mẹ bầu cũng vừa muốn thưởng thức món ăn yêu thích vừa có thể nhận được một số lợi ích sức khỏe từ món ăn này.

    Nếu chưa biết chế biến món ăn này, chị em bầu bí có thể làm theo các bước đơn giản sau, đầu tiên đập trứng gà cho vào chén cùng với ngải cứu đã rửa sạch, xắt nhỏ. Sau đó, cho gia vị vào nêm nếm cho vừa miệng rồi đánh tan hỗn hợp trứng với ngải cứu. Cuối cùng, cho trứng lên chảo chiên (rán) như bình thường đến khi chín là đã hoàn thành món ăn. Nếu không thích món trứng có nhiều dầu mỡ, bạn có thể áp chảo hoặc hấp cách thủy hỗn hợp trứng và ngải cứu để có món ăn ngon và thanh đạm hơn.

    3. Canh ngải cứu nấu với trứng

    Ngải cứu không chỉ được dùng để hầm gà, chiên trứng mà còn có thể được dùng để nấu canh giúp giữ ấm cơ thể, bổ sung dinh dưỡng. Ở bước sơ chế, mẹ bầu lưu ý là nên chọn những cọng ngải cứu tươi non và rửa sạch. Tiếp theo, cho ngải cứu vào nồi canh đun sôi và tiếp tục đun. Sau đó, đập trứng gà cho vào nồi, nêm gia vị phù hợp với khẩu vị rồi tắt bếp. Bên cạnh việc nấu canh cho bữa ăn chính, mẹ bầu cũng có thể nấu ngải cứu và lấy nước để nấu cháo tẩm bổ.

    Nhìn chung, tuy ngải cứu là vị thuốc nổi tiếng với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng mẹ bầu vẫn nên cân nhắc kỹ trước khi thêm ngải cứu vào các món ăn. Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc có thêm thắc mắc về vấn đề “bà bầu có ăn được ngải cứu được không?” thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo ăn uống an toàn trong thai kỳ nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo