Rau tần ô là một loại rau khá phổ biến, xuất hiện trong nhiều món ăn như hủ tíu Nam Vang, tần ô nấu canh cá thác lác. Tuy nhiên trong thời gian bầu bí, để đảm bảo sức khỏe thai kỳ, các mẹ bầu phải hạn chế ăn một số món. Do đó, câu hỏi đặt ra là bà bầu ăn rau tần ô có được không?
Trong bài viết này, Hello Bacsi chia sẻ đến bạn các thông tin xoay quanh việc bà bầu ăn rau tần ô và cách chế biến loại rau này để có những món ăn thơm ngon bổ dưỡng.
Rau tần ô là gì?
Ngải cứu có phải là rau tần ô không? Câu trả lời là không tuy thoạt nhìn qua thì nhiều người thấy vẻ ngoài cả hai loại cây này khá giống nhau. Song, mùi vị và công dụng của chúng hoàn toàn khác.
Tần ô là một loại cây thân mềm có nhiều lá. Rau tần ô có vị ngọt dịu, đắng nhẹ, thơm và the. Ngoài tên tần ô ra thì cây này còn được gọi là cải cúc, rau cúc, cúc tần ô, rau tần ô, đồng cao, xuân cúc. Cây tần ô thường khá cao, có cây cao đến 1m2, có cụm hoa ở nách lá và hoa có màu vàng lục, khá thơm.
Bà bầu ăn rau tần ô được không?
Mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu sẽ cần phải rất cẩn trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, việc chọn rau ăn cũng không ngoại lệ. Có một số loại rau khi ăn quá nhiều hoặc chế biến không đúng cách sẽ dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hại, thậm chí là sảy thai. Nhưng rau tần ô có tính mát và rất an toàn cho bà bầu, được bác sĩ khuyên dùng vì nhiều lợi ích cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
6 tác dụng của rau tần ô đối với bà bầu và mẹ sau sinh
1. Hỗ trợ điều trị chứng đau đầu ở bà bầu
Rau tần ô có khả năng chữa trị chứng đau đầu ở bà bầu. Mách nhỏ bạn cách chế biến:
- Nguyên liệu: 30g rau tần ô.
- Thực hiện: Đem nấu nước, lọc lấy nước uống hằng ngày. Phần bã còn ấm nóng dùng chườm lên hai bên thái dương, đỉnh đầu trước khi đi ngủ.
2. Giảm ho dai dẳng, ho đờm ở phụ nữ mang thai
Triệu chứng ho rất thường gặp ở bà bầu vì sự thay đổi thời tiết và thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể. Khi gặp phải triệu chứng ho ở bà bầu, hãy nấu ngay món canh tần ô trị ho này: