backup og meta

Bà bầu bị ghẻ có đáng lo ngại? Điều trị thế nào hiệu quả và an toàn?

Bà bầu bị ghẻ có đáng lo ngại? Điều trị thế nào hiệu quả và an toàn?

Bà bầu bị ghẻ sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, khi điều trị, bạn cần phải cẩn thận bởi một số loại thuốc trị ghẻ có thể gây ra những tác dụng phụ không tốt cho bé.

Trong thời gian mang thai, việc giữ cơ thể khỏe mạnh là điều rất quan trọng. Thế nhưng, nếu không may, bạn bị ghẻ khi đang mang thai bé cưng thì phải làm sao? Những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi sẽ cung cấp một số thông về căn bệnh này để bạn có cách điều trị, phòng ngừa phù hợp.

Ghẻ là một loại bệnh ngoài da do ký sinh trùng gây ra. Sau khi bám vào da, con ghẻ sẽ nhanh chóng chui xuống bề mặt và đẻ trứng. Đa phần, những con ghẻ này sẽ chết sau một tháng nhưng trứng của chúng sẽ nở và tạo thành những con ghẻ mới. Vòng đời của những con ghẻ này thường chỉ từ 2 – 3 tuần. Ghẻ là căn bệnh có thể lây truyền thông qua tiếp xúc thông thường. Nếu bạn có tiếp xúc cơ thể gần gũi hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, ngủ chung giường với người bị ghẻ, những con ký sinh trùng này có thể lây lan và làm tổ trên da của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị lây ghẻ từ các vật chủ khác như gia súc hay vật nuôi.

Bà bầu bị ghẻ sẽ có những triệu chứng gì?

Sau khi tiếp xúc với con ghẻ, khoảng 6 tuần sau bạn mới có các triệu chứng dưới đây:

  • Ngứa dữ dội, không thể kiểm soát, đặc biệt là vào ban đêm
  • Xuất hiện mụn nhọt hoặc mụn nước
  • Xuất hiện những đường hang ngoằn ngoèo với màu trắng xám trên da, độ dài khoảng vài mm, phía đầu đường hang có mụn nước 1 – 2mm, đây chính là nơi cư trú của con ghẻ.
  • Xuất hiện các mảng đỏ, có vảy
  • Bà bầu bị ghẻ thường bị ngứa ở lòng bàn chân, bàn tay, một số trường hợp còn có thể bị ngứa và phát ban toàn thân.

Bà bầu bị ghẻ có ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và bé cưng hay không?

bà bầu bị ghẻ

Bệnh ghẻ có gây hại cho thai kỳ hay không là băn khoăn thường gặp ở nhiều bà bầu. Theo các chuyên gia, ghẻ không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh ghẻ trong thời gian mang thai có thể khó khăn bởi các loại thuốc được kê cho bà bầu thường rất hạn chế. Nếu bạn đang bị ghẻ, đừng quá lo bởi ngoài việc dùng thuốc, còn có rất nhiều phương pháp điều trị an toàn khác mà bạn có thể cân nhắc.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán như thế nào khi nghi ngờ bạn bị ghẻ?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng trên da. Sau đó, bác sĩ có thể lấy một mẩu da của bạn đem đi kiểm tra để xem có ký sinh trùng ẩn nấp hay không. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể chỉ định sinh thiết da.

Phương pháp điều trị ghẻ ngứa ở phụ nữ mang thai

Mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh ghẻ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng các loại thuốc điều trị thì có thể ảnh hưởng đến bé. Chính vì vậy, nếu bị ghẻ khi mang thai, bạn cần phải hết sức thận trọng trong việc điều trị, tránh tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Một số loại thuốc điều trị ghẻ cho bà bầu đảm bảo an toàn mà bác sĩ có thể chỉ định:

  • Các loại kem bôi ngoài da như kem permethrin 5%, benzyl benzoate 25% hoặc malathion 0,5%. Những loại kem này có chứa các hóa chất giúp loại bỏ con ghẻ và trứng của chúng. Ghẻ là một bệnh lây nhiễm do tiếp xúc, do đó, khi điều trị, bạn nên yêu cầu những người thân trong gia đình thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
  • Nếu bạn bị nặng, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc uống.

Hai loại thuốc mà bạn không bao giờ nên dùng trong thai kỳ là IvermectinLindane vì chúng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm: Bà bầu bị ngứa toàn thân phải làm sao? Có nguy hiểm không?

Biện pháp điều trị ghẻ tự nhiên dành cho bà bầu

Nếu bạn muốn tránh sử dụng thuốc trị ghẻ cho bà bầu, chị em có thể thử một số biện pháp dưới đây:

1. Tinh dầu neem

bà bầu bị ghẻ

Trộn một ít tinh dầu neem với bột nghệ và một ít nước để tạo thành một hỗn hợp đặc sệt. Dùng hỗn hợp này thoa lên da cho đến khi các triệu chứng ghẻ biến mất.

2. Tinh dầu tràm trà

Trộn một ít tinh dầu tràm trà với dầu dừa và thoa lên vùng da bị ghẻ, đây là cách đơn giản để điều trị ghẻ hiệu quả.

3. Tinh dầu mù tạt

Thoa tinh dầu mù tạt lên khắp cơ thể trước khi tắm để loại bỏ những con ghẻ ký sinh gây bệnh trên cơ thể.

4. Những cách khác

Ngoài những cách trên, bạn có thể thử thoa giấm trắng không pha loãng, nước ép lá mơ hoặc dầu mè lên da để giảm ngứa và loại bỏ ký sinh trùng.

Bà bầu nên phòng ngừa bệnh ghẻ như thế nào?

Bệnh ghẻ khá là khó phòng ngừa do nó lây qua truyền qua việc tiếp xúc hàng ngày. Tuy nhiên, bạn có thể thử một số bí quyết sau để giảm nguy cơ bị ghẻ:

  • Chú ý giữ vệ sinh hàng ngày để phòng ngừa sự phát triển và lây lan của các loại ký sinh trùng. Rửa tay kỹ bằng xà phòng trước và sau bữa ăn, sau khi chạm vào các vật dụng nơi công cộng… để đảm bảo vệ sinh.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo, thay chăn – drap – gối – mền, đưa nệm ra phơi nắng… Bạn có thể trụng nước sôi, phơi nắng cho thật khô, ủi nóng trước khi mặc… để diệt hết con ghẻ và trứng, đề phòng tái nhiễm hoặc lây lan bệnh.
  • Tránh dùng chung quần áo, khăn tắm và các vật dụng cá nhân với người khác.
  • Tránh xa những vùng ô nhiễm như cống rãnh, mương nước hoặc nơi có rác thải mất vệ sinh để hạn chế sự lây nhiễm của ký sinh trùng ghẻ.
  • Tắm sạch, lau khô trước khi bôi hay xịt các loại thuốc do bác sĩ chỉ định. Thoa, xịt thuốc toàn thân, từ cổ đến chân, tốt nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Có thể thoa thuốc 2 – 3 lần mỗi ngày, liên tục trong 10 – 15 ngày.
  • Phải để thuốc tiếp xúc với da đủ thời gian. Với phụ nữ mang thai, đa số các loại thuốc được yêu cầu để tiếp xúc trong 12 giờ rồi mới tắm rửa sạch sẽ lại bằng xà phòng.

Qua những chia sẻ trên, chắc hẳn bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về tình trạng bị ghẻ khi mang thai. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn, hãy đến gặp bác sĩ để xin lời khuyên nhé.

Ngân Phạm/ HELLO BACSI

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

SCABIES IN PREGNANCY

https://www.eadv.org/cms-admin/showfile/EADV%20Pregnancy%20TF_%20Scabies%20in%20pregnancy.pdf Truy cập ngày 17/02/2022

How To Treat Scabies Naturally During Pregnancy

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/how-to-treat-scabies-naturally-during-pregnancy/ Truy cập ngày 17/02/2022

Treatment of scabies during pregnancy

https://www.medicinesinpregnancy.org/Medicine–pregnancy/Scabies/ Truy cập ngày 17/02/2022

Scabies during Pregnancy: Causes & Treatment https://parenting.firstcry.com/articles/scabies-during-pregnancy/ Ngày truy cập: 10/4/2019

Is it safe to take scabies remedies when pregnant? https://www.netdoctor.co.uk/ask-the-expert/skin-hair-nails/a3339/is-it-safe-to-take-scabies-remedies-when-pregnant/ Ngày truy cập: 10/4/2019

Scabies https://www.cps.ca/en/documents/position/scabies Ngày truy cập: 10/4/2019

Phiên bản hiện tại

17/02/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

14 dấu hiệu mang thai đôi (song thai) sớm nhất mà bà bầu nên biết

Chế độ ăn khi mang thai của mẹ và hội chứng ADHD ở con


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 17/02/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo