Khoai tây là thực phẩm rất phổ biến. Chưa hết, bà bầu ăn khoai tây còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho thai kỳ khỏe mạnh.
Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu luôn chọn những loại rau củ quả tốt nhất cho mình để đảm bảo sức khỏe bản thân lẫn thiên thần nhỏ trong bụng. Một trong những thực phẩm nằm trong danh sách này chính là khoai tây. Vậy bà bầu ăn khoai tây có những lợi ích gì, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Bà bầu ăn khoai tây được không?
Để có lời giải đáp cho câu hỏi bà bầu ăn khoai tây được không, trước tiên, cần tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm này. Theo các chuyên gia, khoai tây nấu chín cả vỏ là một nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như kali và vitamin C.
Ngoài việc chứa nhiều nước khi còn tươi, khoai tây có thành phần chủ yếu là carbs và chứa một lượng vừa phải protein và chất xơ nhưng hầu như không có chất béo. Cụ thể, trong 100g khoai tây luộc, nấu chín để cả vỏ và không thêm muối sẽ có chứa:
- Lượng calo: 87
- Nước: 77%
- Chất đạm: 1,9 gam
- Carb: 20,1 gram
- Đường: 0,9 gam
- Chất xơ: 1,8 gam
- Chất béo: 0,1 gam
Với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào kể trên, bà bầu vẫn có thể thêm khoai tây vào chế độ ăn mỗi ngày nhưng chỉ nên ăn một lượng vừa phải để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mẹ và bé.
Lợi ích khi bà bầu ăn khoai tây
Dưới đây là một số lợi ích khi bà bầu ăn khoai tây đúng cách trong thai kỳ:
Cung cấp axit folic
Axit folic là chất dinh dưỡng độc đáo và không thể xem nhẹ lợi ích của nó đối với phụ nữ mang thai. Loại axit này giúp phát triển tối đa hệ thần kinh của trẻ và còn góp phần hình thành hệ vận động khỏe mạnh. Hơn thế nữa, giai đoạn đầu khi mang thai là lúc mẹ bầu cần bổ sung thực phẩm giàu axit folic để tránh bị sẩy thai.
Phòng tránh thiếu máu
Trong tam cá nguyệt đầu, bà bầu ăn khoai tây sẽ giúp hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh thiếu máu khi mang thai do loại củ này chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Hỗ trợ tiêu hóa
Không thể phủ nhận khoai tây là thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ, nhưng bạn cũng cần lưu ý chọn cách chế biến phù hợp. Khoai tây nghiền là món ăn rất có lợi cho thai kỳ, đặc biệt đối với những ai có vấn đề về tiêu hóa thì món ăn này giúp giảm dịch vị axit trong dạ dày.
Tăng cường hệ miễn dịch
Khoai tây nướng rất giàu vitamin C, yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp chữa lành vết thương và tăng cường miễn dịch. Bên cạnh, bà bầu ăn khoai tây cũng cải thiện khả năng hấp thụ sắt từ các thực phẩm khác
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Khoai tây nướng cũng có những ảnh hưởng tích cực đến mẹ bầu nếu chế biến chín cả phần vỏ để ăn. Vỏ khoai tây chứa rất nhiều kali và magiê vô cùng cần thiết để có một hệ tim mạch khỏe mạnh.
Giải quyết vấn đề mắt quầng thâm
Thai phụ thường hay gặp phải vấn đề về bọng mắt. Điều này khiến mẹ bầu trông kém sắc và rất khó để khắc phục. Những mối lo trên hoàn toàn có thể được giải quyết bằng cách đắp lát khoai lên vùng da thâm quầng, khiến mẹ bầu tự tin hơn hẳn đấy.
Phương thức làm đẹp
Nước ép từ củ khoai tây cũng được xem là một phương thuốc tự nhiên này giúp mẹ bầu có một làn da trắng hồng, tươi trẻ. Ngoài ra, khoai tây còn chứa vitamin và chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa bệnh cảm cúm.
Bà bầu ăn khoai tây có làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ?
Khoai tây có một lượng lớn tinh bột và sẽ được cơ thể hấp thu nhanh chóng. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Nếu bạn ăn khoai tây quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ.
Cách ăn khoai tây có lợi cho phụ nữ mang thai
Khoai tây mang đến nhiều tác dụng tích cực cho phụ nữ mang thai khi ăn với lượng vừa phải và nấu chín đúng cách. Một số lựa chọn trong việc chế biến khoai tây cho mẹ bầu gồm:
- Súp
- Thịt bằm khoai tây
- Canh khoai tây cà rốt
- Khoai tây nướng (Hạn chế nêm gia vị)
- Nấu kết hợp với các loại rau hoặc thịt khác.
Nhiều mẹ bầu cũng thắc mắc bà bầu ăn khoai tây chiên có được không bởi đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, bà bầu nên hạn chế tối đa việc ăn khoai tây chiên bởi món ăn này hầu như không đem lại giá trị dinh dưỡng cũng như chứa nhiều dầu mỡ, dễ gây ợ nóng khó tiêu.
Có thể bạn quan tâm: Những ích lợi và rủi ro nếu mẹ bầu ăn cà rốt khi mang thai
Chọn khoai tây như thế nào?
Bạn nên cẩn thận trong vấn đề chọn lựa khoai tây để đảm bảo an toàn cho cả bản thân lẫn thiên thần nhỏ như:
- Không có cảm giảm mềm bở khi chạm vào
- Không có đốm đen hoặc xanh lá cây
- Rửa kỹ trước khi nấu
- Không có vết thâm
- Không có mầm
[embed-health-tool-due-date]