Tác dụng của axit folic đối với trẻ em

1. Khả năng ngôn ngữ của trẻ
Axit folic có rất nhiều lợi ích cho mẹ và thai nhi bởi nó tác động đến sự phát triển trí não và phòng tránh khỏi những nguy cơ khuyết tật ống thần kinh (NTD – Neural Tube Defects) ở trẻ.
Trong một nghiên cứu năm 2011, khi so sánh giữa các bà mẹ có sử dụng và các bà mẹ không sử dụng axit folic người ta nhận thấy rằng, các bà mẹ sử dụng axit folic trong khoảng 4 tuần trước khi mang thai giảm thiểu nguy cơ sinh con bị chậm phát triển ngôn ngữ.
Mặc dù các mẹ vẫn bổ sung đồng thời các chất khác nhưng axit folic vẫn đóng vai trò to lớn trong việc giảm nguy cơ trẻ phát triển chậm trong kỹ năng ngôn ngữ.
2. Sức khỏe trẻ nhỏ
Axit folic còn có khả năng giúp ngăn chặn những dị tật về não và tủy sống, chủ yếu là dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
Trong trường hợp nặng nhất trẻ có thể mắc anencephaly – một dị tật bẩm sinh khiến trẻ sinh không có não và hộp sọ. Những trẻ gặp phải bệnh này thường khó sống lâu. Bên cạnh đó, trẻ cũng có khả năng mắc spina bifida – tật nứt đốt sống gây khuyết tật vĩnh viễn.
Lượng axit folic phù hợp cho bà bầu theo từng giai đoạn

Lượng khuyến cáo vừa đủ cho mọi phụ nữ trong độ tuổi mang thai là 400 mcg/ngày. Nếu nạp axit folic từ viên vitamin tổng hợp, bạn hãy nhớ kiểm tra xem lượng axit folic trong một liều đã đủ hay chưa. Ngoài ra, mẹ cũng có thể nạp axit folic từ thực phẩm bổ sung.
Dưới đây là lượng axit folic mẹ nên dùng từ trước khi mang thai tới sau sinh:
- Trước khi mang thai: 400 mcg
- Bổ sung axit folic cho bà bầu 3 tháng đầu: 400 mcg
- Từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 9: 600mcg
- Khi cho con bú: 500 mcg.
Bạn có thể mua thuốc bổ sung axit folic ở hiệu thuốc hoặc uống vitamin tổng hợp trước khi sinh hoặc trong thai kỳ. Hãy kiểm tra nhãn dán trên các lọ vitamin tổng hợp để đảm bảo rằng chúng có chứa đủ 400 mcg axit folic mà bạn cần.
Một vài phụ nữ có nguy cơ sinh con bị ảnh hưởng bởi khuyết tật ống thần kinh cao có thể được khuyến nghị nên dùng một liều cao hơn 5 mg axit folic mỗi ngày cho đến khi thai được 12 tuần. Nguy cơ sinh con bị khuyết tật ống thần kinh tăng cao nếu:
- Người phụ nữ hoặc chồng của họ bị khuyết tật ống thần kinh
- Họ từng có thai và thai nhi đó bị khuyết tật ống thần kinh
- Họ hoặc chồng của họ có tiền sử gia đình bị khuyết tật ống thần kinh
- Mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, những phụ nữ đang dùng thuốc chống động kinh nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì họ có thể cần phải dùng liều axit folic cao hơn. Tốt nhất bạn nên tự trang bị kiến thức về bệnh động kinh, thuốc chống động kinh và mang thai.
Nếu bạn rơi vào những trường hợp như trên, hãy báo với bác sĩ để được kê toa có liều lượng axit folic cho bà bầu phù hợp. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn xét nghiệm sàng lọc bổ sung trong quá trình mang thai.
Một số lưu ý khi bổ sung axit folic cho bà bầu

- Nên uống axit folic giữa 2 bữa ăn
- Vitamin C sẽ làm tăng hấp thu sắt. Do đó bạn hãy uống viên sắt – axit folic chung với nước cam hoặc nước trái cây
- Tránh uống thuốc với nước trà, cà phê, rượu vì axit folic sẽ làm giảm khả năng hấp thu
- Uống axit folic thường hay bị táo bón nên cần uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ
Trong suốt quá trình mang thai, các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên bổ sung ngay vitamin cần thiết này cho cơ thể (có thể bổ sung bằng những thực phẩm thông thường lẫn sử dụng các thực phẩm chức năng) để thai nhi có đầy đủ các chất dinh dưỡng nhất có thể, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn đừng ngần ngại liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa nhé!
Hello Bacsi hy vọng đã mang đến cho các bạn một cái nhìn tổng quát hơn về axit folic và tầm quan trọng của vitamin này đối với mẹ bầu và thai thi.