backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bà bầu ăn củ đậu được không? Mẹ cần lưu ý điều gì khi ăn củ đậu?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 07/09/2022

    Bà bầu ăn củ đậu được không? Mẹ cần lưu ý điều gì khi ăn củ đậu?

    Ăn củ đậu (còn gọi là củ sắn) sẽ nhận được nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bà bầu ăn củ đậu được không? hoặc bà bầu ăn củ sắn được không? vẫn là những câu hỏi được nhiều mẹ quan tâm. Thực chất, ăn củ đậu trong thai kỳ là có lợi cho mẹ bầu. Có thể kể đến một số lợi ích của củ đậu như giúp tránh táo bón, tốt hệ tiêu hóa, góp phần dưỡng da căng mịn và kiểm soát cân nặng trong quá trình mang thai.

    Nếu bạn nghĩ rằng ăn củ đậu khá nhạt miệng và không kích thích vị giác cho phụ nữ mang thai thì Hello Bacsi sẽ gợi ý cho bạn một vài công thức chế biến món ngon có thành phần là củ đậu. Ngoài ra, với nhiều mẹ thắc mắc bà bầu ăn củ đậu thường xuyên có sao không thì bài viết này cũng sẽ giải đáp vấn đề ấy cho các mẹ.

    Lợi ích khi bà bầu ăn củ đậu

    Củ đậu có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi. Dưới đây là một số lợi ích của củ đậu đối với sức khỏe mẹ bầu:  

    1. Tốt cho xương và răng

    Củ đậu rất giàu canxi và phốt pho. Đây là hai khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của xương và răng. Do đó, bà bầu ăn nhiều củ đậu sẽ tránh được nguy cơ bị loãng xương và các bệnh về nha khoa như răng yếu hoặc sâu răng.

    2. Bà bầu ăn củ đậu chữa ốm nghén

    bà bầu ăn củ đậu

    Thành phần củ đậu có đến hơn 90% là nước; 4,51% đường glucoza; 2,4% tinh bột nên rất có lợi cho mẹ bầu bị ốm nghén. Những bà bầu bị ốm nghén thường có cảm giác nhạt miệng và chán ăn nhưng với loại củ này, chắc chắn bạn sẽ được kích thích vị giác. Đồng thời, mẹ bầu còn được cung cấp thêm tinh bột vào cơ thể.

    3. Tác dụng làm đẹp

    Do có chứa nhiều nước nên bà bầu ăn củ đậu thường xuyên sẽ duy trì độ ẩm cho làn da. Bạn cũng có thể dùng củ đậu tươi, rửa sạch, gọt vỏ, thái thành những lát mỏng để thoa hay đắp hàng ngày lên da giúp da luôn mịn màng. Có thể nói, dùng củ đậu là một giải pháp tự nhiên và an toàn giúp mẹ bầu xử lý tình trạng da khô nứt nẻ.

    4. Bà bầu ăn củ đậu tốt cho hệ tiêu hóa

    Củ đậu là một trong những loại củ có hàm lượng chất xơ cao, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Bà bầu ăn củ đậu thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc phải các triệu chứng thai kỳ thường gặp như táo bón, trĩ và tiêu chảy. Không những vậy, lượng chất xơ này còn rất hữu ích trong việc duy trì cân nặng ổn định trong thai kỳ.

    5. Bà bầu ăn củ đậu để bổ sung vitamin C

    Củ đậu rất giàu vitamin C, có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại một số bệnh thông thường. Ngoài ra, vitamin C còn có ích trong việc giúp răng, xương và da khỏe mạnh. Đặc biệt, củ đậu còn có tác dụng giảm nồng độ cholesterol trong máu. Do đó, thực phẩm này thường được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ mang thai có nồng độ cholesterol trong máu cao.

    6. Củ đậu rất giàu sắt

    Hàm lượng chất sắt trong củ đậu cũng rất cao. Phụ nữ mang thai luôn cần bổ sung chất sắt để tạo các tế bào hồng cầu, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu. Do đó, bà bầu ăn củ đậu thường xuyên sẽ ngăn ngừa được tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

    Bật mí những giá trị dinh dưỡng của củ sắn

    Củ đậu còn có tên gọi khác là củ sắn. Đây là loại thực phẩm thanh mát rất tốt cho sức khỏe. Ở Việt Nam, củ đậu thường được dùng để chế biến thành nhiều món ăn vừa có hương vị thơm ngon lại vừa tốt cho hệ tiêu hóa. Trong 130g củ đậu có chứa:

    • Calories: 49
    • Carbohydrate: 12g
    • Protein: 1g
    • Chất xơ: 6,4g

    Đặc biệt, trong củ đậu còn chứa vitamin C, folate, sắt, magiê, kali, mangan… là những chất rất cần thiết cho sức khỏe và tốt cho bà bầu.

    Lưu ý khi bà bầu ăn củ đậu 

    Mặc dù câu trả lời cho vấn đề bà bầu có ăn được củ đậu không là hoàn toàn được. Vì củ đậu đem lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe cho mẹ bầu như nhuận tràng, tốt cho tiêu hóa… Thế nhưng nếu sử dụng không đúng cách, loại củ này không những không đem lại lợi ích mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.

    Vì vậy, dù củ đậu có lành tính như thế nào thì các mẹ cũng không nên ăn quá nhiều trong ngày. Nguyên nhân là vì củ đậu có thể tạo cảm giác “no giả” do có chứa nhiều nước. Điều này sẽ khiến mẹ không còn muốn tiêu thụ những thực phẩm khác nữa. Từ đó khiến cho cơ thể dễ bị mất cân bằng dinh dưỡng và mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Ngoài ra, do củ đậu khá mát nên nếu ăn nhiều, bạn sẽ dễ bị tiêu chảy.

    Các món ngon được làm từ củ đậu

    Nếu muốn ăn củ đậu trong thời gian mang thai, bạn có thể lột vỏ, ăn sống hoặc chế biến thành những món ăn vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số công thức chế biến được gợi ý từ Hello Bacsi:

    1. Bò bía

    bò bía củ đậu

    Nguyên liệu

    • 1 củ sắn lớn
    • 1 củ cà rốt
    • 50g tép sấy ăn liền
    • 2 cây lạp xưởng
    • 1 chai tương đen + 1 chai tương ớt
    • 50g đậu phộng rang
    • 1 củ hành tím
    • Rau xà lách, rau thơm
    • Gia vị: muối, bột nêm
    • Dầu ăn
    • 1 xấp bánh tráng mỏng

    Thực hiện

    • Củ sắn, cà rốt gọt vỏ, cắt sợi. Hành tím bóc vỏ, cắt lát.
    • Các loại rau rửa sạch với nước và ít muối.
    • Phi thơm hành tím với dầu ăn, cho củ sắn, cà rốt vào xào chín với chút muối, chút bột nêm.
    • Lạp xưởng luộc sơ với nước sôi. Chiên chín vàng ở mặt ngoài, cắt lát mỏng.
    • Trải bánh tráng ra thớt, để rau xà lách, rau thơm, hỗn hợp củ sắn xào, lạp xưởng, cuốn lại.
    • Lấy tương đen, tương ớt ra chén, rắc chút đậu phộng.
    • Thưởng thức bằng cách chấm cuốn bò bía với tương.

    2. Củ đậu xào thịt heo

    Món thịt lợn xào củ đậu khá ngon, rất thích hợp để bà bầu ăn vào những ngày tiết trời oi bức.

    Nguyên liệu

    • 1 củ đậu lớn
    • 200g thịt nạc heo
    • 1 củ hành tím
    • Vài cọng hành lá 
    • Dầu ăn

    Thực hiện

    Sơ chế 

    • Củ đậu: gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi
    • Thịt heo: thái miếng vừa ăn
    • Hành tím băm nhỏ, hành lá thái khúc

    Chế biến

    • Cho hành tím vào phi thơm, sau đó cho thịt lợn vào xào. Đến khi thịt gần chín, cho củ đậu vào.
    • Nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho tiếp hành lá vào, đảo nhanh tay và tắt bếp.
    • Tránh xào quá lâu vì củ đậu sẽ bị nhũn, ra nước ăn không ngon.

    3. Củ đậu cuốn tôm

    củ đậu cuốn tôm

    Nguyên liệu

    • 1 củ đậu lớn
    • 150g tôm
    • Hành lá
    • Nước mắm chua ngọt

    Thực hiện

    • Củ đậu: rửa sạch, gọt vỏ, thái thanh dài, trộn đều với hạt nêm rồi cho vào nồi hấp chín.
    • Tôm: bóc vỏ, hấp chín.
    • Trải bánh tráng ra thớt hoặc đĩa, cho củ đậu và tôm vào, cuộn lại. Sau đó, buộc lại bằng cọng hành lá đã trụng qua nước sôi.
    • Bày ra đĩa và ăn kèm với nước mắm chua ngọt.

    4. Nước ép củ đậu

    Ngoài việc sử dụng củ đậu như một nguyên liệu để nấu ăn, mẹ còn có thể dùng để xay ép nước uống. Hơn nữa, việc chế biến đồ uống thường dễ thực hiện và đỡ tốn thời gian hơn. Bạn chỉ cần rửa sạch củ đậu, gọt vỏ và cắt nhỏ. Sau đó, cho vào máy xay sinh tố để ép lấy nước, lọc bã rồi đổ ra ly và thưởng thức. 

    Khi mang thai các mẹ thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe nên cần chú ý hơn trong cách ăn uống. Đối với thắc mắc bà bầu ăn củ sắn được không thì câu trả lời là mẹ hoàn toàn có thể bổ sung loại củ này vào bữa ăn nhé. Hy vọng những gợi ý từ Hello Bacsi sẽ giúp các mẹ có thêm ý tưởng nấu ăn ngon bổ dưỡng hơn.

    Có thể bạn quan tâm:

    Bà bầu ăn củ dền được không? Tìm hiểu 10 lợi ích của củ dền với mẹ bầu

    Bất ngờ với 8 tác dụng của củ từ đối với sức khỏe mẹ bầu

    Bà bầu ăn khoai lang như thế nào để tốt cho cả mẹ và bé?

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 07/09/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo