backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bà bầu bị đau quai hàm có đáng lo? Làm sao để giảm đau hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/12/2021

    Bà bầu bị đau quai hàm có đáng lo? Làm sao để giảm đau hiệu quả?

    Bạn đang bị đau hàm? Điều này khiến bạn cảm thấy khó chịu khi ăn hoặc nói chuyện. Bạn đang tìm cách để giảm bớt tình trạng này? Nếu vậy, hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây nhé.

    Mang thai là một khoảng thời gian cực kỳ thú vị đối với một người phụ nữ. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian mà cơ thể có rất nhiều thay đổi về thể chất lẫn tinh thần. Các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa và buồn nôn là điều rất bình thường. Không chỉ có những triệu chứng này, nhiều bà mẹ còn phải đối mặt với tình trạng đau hàm. Tại sao các bà mẹ lại gặp phải tình trạng này?

    Hội chứng rối loạn thái dương hàm

    Thông thường, hàm dưới của con người giống như vòng cung, được treo vào sọ não bởi hai khớp thái dương hàm bên phải và bên trái. Các cơ hàm bám xung quanh hàm dưới giúp hàm dưới vận động như há, đóng, sang bên trái, sang bên phải. Rối loạn thái dương hàm (TMJ) là hội chứng chỉ các rối loạn ở khớp thái dương hàm, cơ hàm và sự ăn khớp giữa các răng.

    Trong thai kỳ, bà bầu bị đau quai hàm phần lớn là do mắc hội chứng rối loạn thái dương hàm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được lý giải chính xác về nguyên nhân.

    Có thể bạn quan tâm: Bà bầu bị đau răng khi mang thai phải làm sao? Chữa như thế nào?

    Một số nguyên nhân khác khiến bà bầu bị đau quai hàm

    Như đã đề cập, nguyên nhân gây đau hàm khi mang thai vẫn chưa xác định được. Bên cạnh hội chứng rối loạn thái dương hàm, bà bầu bị đau quai hàm còn có thể được chẩn đoán là do:

    • Nhiễm trùng tai mũi họng
    • Mọc răng khôn
    • Tim mạch
    • Bị thương ở hàm, cổ hoặc đầu
    • Thiếu canxi
    • Ngủ nghiêng một bên
    • Mài răng.

    Các triệu chứng của hội chứng rối loạn thái dương hàm

    • Đau ở cơ hàm, khớp thái dương hàm, cổ, vai hoặc quanh tai.
    • Há miệng hạn chế, không há lớn được.
    • Khóa cứng hàm, khó khăn khi mở hoặc đóng khớp.
    • Khi há có tiếng kêu lụp cụp ở khớp thái dương hàm.
    • Khó nhai.
    • Sưng ở hai bên mặt.

    Chẩn đoán

    bà bầu bị đau quai hàm đi khám

    Có rất nhiều nguyên nhân gây đau quai hàm khi mang thai như rối loạn thái dương hàm, đau răng, viêm xoang hoặc bệnh nướu răng. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc khám lâm sàng để xác định nguyên nhân.

    Bác sĩ sẽ xem vị trí của các khớp xương thái dương hàm và lắng nghe âm thanh khi hàm của bạn hoạt động. Đôi khi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chụp X-quang để có cái nhìn toàn diện hơn. Ngoài ra, bạn cũng phải thực hiện một số xét nghiệm như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).

    Điều trị

    Điều trị rối loạn thái dương hàm có rất nhiều biện pháp. Đầu tiên, bạn nên bắt đầu với các biện pháp nhẹ nhàng, nếu không khỏi thì phẫu thuật sẽ là phương án cuối cùng.

    1. Tập một vài bài tập cơ mặt

    Tìm hiểu một vài bài tập giúp kéo dài, thư giãn hoặc xoa bóp các cơ bắp xung quanh xương hàm. Bạn hãy thực hiện các bài tập này dưới sự giám sát của nha sĩ nhé.

    2. Thuốc giảm đau

    Nếu không thể tiếp tục chịu đựng, hãy dùng một số loại thuốc giảm đau như thuốc kháng viêm không steroid để giảm đau cơ. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống.

    3. Chườm đá

    Nếu những cơn đau hàm diễn ra thường xuyên, bạn hãy đặt một túi nước đá lên vùng bị đau trong 10 phút để làm dịu cơn đau.

    bà bầu bị đau quai hàm chườm đá

    4. Thực phẩm mềm có thể giúp ích khi bà bầu bị đau quai hàm

    Trộn hạt lanh ăn với bột yến mạch hoặc ngũ cốc cũng giúp giảm đau. Ngoài ra, uống trà hoa cúc cũng là một biện pháp hữu ích. Các loại thực phẩm mềm như khoai tây nghiền, phô mai, cá, đậu nấu chín và trứng là những lựa chọn lý tưởng nếu bạn bị đau hàm.

    5. Cử động

    Tránh các cử động mạnh, hạn chế hét, hát, nhai hoặc ngáp quá nhiều. Ngồi đúng tư thế và không được chống cằm. Ngoài ra, không nên cắn chặt răng để giảm áp lực lên hàm.

    Qua những chia sẻ trên, hẳn bạn đã biết thêm một số thông tin hữu ích về tình trạng bà bầu bị đau quai hàm. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, hãy đến nha sĩ để kiểm tra và có phương án điều trị nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 20/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo