backup og meta

Thuốc giục sinh là gì? Khi nào nên kích thích chuyển dạ bằng thuốc giục sinh?

Thuốc giục sinh là gì? Khi nào nên kích thích chuyển dạ bằng thuốc giục sinh?

Các phương pháp gây chuyển dạ như sử dụng thuốc giục sinh là một trong những thủ thuật sản khoa thông dụng. Nhưng có phải ai cũng cần phải sử dụng thuốc giục sinh hay không?

Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giải đáp cho các mẹ về phương pháp giục sinh là gì, đồng thời cũng giải đáp luôn thắc mắc là ‘có nên giục sinh ở tuần 39 không’. Mời mẹ tìm hiểu nội dung bài viết.

Giục sinh là gì?

Giục sinh là quá trình can thiệp khởi phát chuyển dạ, tức là chủ động tạo ra các cơn co bóp, kích thích cổ tử cung tăng độ mở và đưa phôi thai ra ngoài. Bác sĩ sẽ thực hiện kích sinh bằng cách dùng các thủ thuật y khoa như dùng thuốc giục sinh hoặc biện pháp cơ học.

Các trường hợp cần sử dụng phương pháp giục sinh là khi đã gần đến ngày dự sinh nhưng cơ thể mẹ bầu vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Ngoài ra, nếu mẹ bầu gặp phải các vấn đề sức khỏe đột ngột, bác sĩ cũng sẽ chỉ định giục sinh để đẩy nhanh quá trình sinh nở.

Có nên kích thích chuyển dạ bằng thuốc giục sinh không? Khi nào nên và khi nào không nên?

Thực tế, việc sử dụng thuốc giục sinh phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Vì nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, dùng thuốc kích thích sinh nở sẽ làm tăng tỷ lệ xảy ra các biến chứng ở mẹ và bé.

Các trường hợp nên chuyển dạ bằng thuốc giục sinh

Một số trường hợp mà bác sĩ có thể sẽ chỉ định mẹ bầu sử dụng thuốc giục sinh:

  • Nhiễm trùng tử cung.
  • Có dấu hiệu bị viêm màng ối.
  • Có các vấn đề về sức khỏe như: tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim, huyết áp cao
  • Xét nghiệm cho thấy bé gặp vấn đề về sức khỏe, ví dụ như: không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, có nhịp tim bất thường…
  • Đã hơn 2 tuần kể từ ngày dự sinh nhưng mẹ không có dấu hiệu chuyển dạ. Bởi vì sau tuần thai thứ 41, mẹ và bé có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn.
  • Mẹ vỡ nước ối nhưng lại không cảm thấy các cơn co thắt tử cung. Nếu nước ối vỡ sớm hơn 24 tiếng trước khi chuyển dạ, mẹ và bé có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng hơn.
Chỉ có một số trường hợp mà mẹ bầu nên sử dụng thuốc giục sinh.

Các trường hợp không nên chuyển dạ bằng thuốc giục sinh

Ngược lại, bác sĩ sẽ không chỉ định gây chuyển dạ nếu mẹ bầu có các dấu hiệu sau:

  • Nhau thai che phủ cổ tử cung (nhau tiền đạo).
  • Từng mổ lấy thai hoặc từng phẫu thuật tử cung.
  • Mẹ bị sa dây rốn (dây rốn sa xuống âm đạo trước thai nhi).
  • Em bé nằm sai tư thế (nghiêng sang một bên- ngôi ngang hoặc chân hướng xuống dưới- ngôi mông).

Các mẹ bầu không nên dùng thuốc giục sinh quá sớm, nhất là trước 39 tuần, để tránh trường hợp bé gặp vấn đề về sức khỏe. Kể cả khi thai nhi chỉ mới vượt mốc 40 tuần một vài ngày thì mẹ cũng không cần quá nôn nóng, thuốc giục sinh chỉ cần thiết một khi thai nhi đã quá 41 tuần.

Các loại thuốc giục sinh phổ biến hiện nay

Thuốc giục sinh là phương pháp sử dụng thuốc để kích sinh (kết thúc thai kỳ). Sau khi sử dụng, thuốc có tác dụng tạo ra các cơn co thắt tử cung như khi cơn chuyển dạ đến. Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng rộng rãi, và cũng thường được bác sĩ lựa chọn.

1. Pitocin

Pitocin hay thuốc oxytocin là một loại thuốc dạng nước hay còn được gọi là thuốc kích đẻ, dùng để kích thích chuyển dạ, tăng cường co bóp dạ con trong quá trình sinh nở. Cách sử dụng pitocin thông thường là được truyền qua đường tĩnh mạch ở cách tay.

Mặc dù pitocin có tác dụng kích đẻ, tuy nhiên nó cũng có một số tác dụng phụ nhất định:

  • Suy thai.
  • Vỡ tử cung.
  • Gây nhiễm trùng.
  • Giảm nhịp tim thai.
  • Gây tử vong cho thai nhi.
  • Kích thích tử cung quá mức.

Ngoài ra, pitocin có thể khiến các cơn co thắt của mẹ bầu mạnh hơn và nhanh hơn so với co thắt tự nhiên. Một số phụ nữ đã sinh con cũng cảm thấy quá trình chuyển dạ được kích thích bằng pitocin khó khăn hơn bình thường. 

Một nghiên cứu được công bố trên PubMed vào năm 2014 lý giải rằng pitocin không qua được hàng rào máu não nên không tạo ra sự giải phóng endorphin (hormone giảm đau). Vì thế các mẹ bầu sẽ cảm thấy các cơn co thắt mạnh hơn và dữ dội hơn. Để kiểm soát các cơn co thắt này, thuốc giảm đau ngoài màng cứng thường được dùng đồng thời. 

2. Các loại thuốc nhét và gel prostaglandin 

Prostaglandin một loại thuốc giục sinh có tác dụng làm giãn nở cổ tử cung, kích thích co bóp tử cung. Thuốc này có hai dạng, dạng uống và dạng viên đặt âm đạo (prepidill), tuy nhiên phổ biến hơn là dạng dùng đường âm đạo. Riêng loại thuốc đặt âm đạo, bác sĩ sẽ dùng thuốc mỗi 6 tiếng cho đến khi cổ tử đủ mềm và đủ để bắt đầu cho cơn chuyển dạ.

3. Dinoprostone

Dinoprostone là một loại thuốc được sử dụng trong sản khoa, có tác dụng tạo các cơn co thắt, làm mềm cổ tử cung để chuẩn bị cho cơn chuyển dạ. Dinoprostone có các dạng là thuốc dạng gel, dạng viên nén đặt âm đạo và dạng lỏng tiêm tĩnh mạch.

Nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho thấy đặt dinoprostone âm đạo có hiệu quả trong việc gây chuyển dạ, dẫn đến tỷ lệ sinh qua ngả âm đạo là 67,6% và tỷ lệ mổ lấy thai là 32,4%. 

Dù vậy, mẹ cũng có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ của dinoprostone như: Sốt, ớn lạnh, đau bụng, nhức đầu, cảm giác nóng và đau âm đạo, kích thích tử cung co thắt quá nhiều.

4. Misoprostol

Misoprostol là một chất tương tự prostaglandin E1, nó liên kết với các tế bào cơ tử cung để gây ra các cơn co bóp cơ tử cung dẫn đến việc đẩy mô ra ngoài. Cũng như các prostaglandin khác, chất này giúp cổ tử cung mềm và ngắn lại, tạo độ giãn nở cần thiết để chuyển dạ. Tuy nhiên misoprostol thường được dùng với những trường hợp thai lưu. 

Sau khi uống misoprostol, mẹ bầu có khả năng gặp một số tác dụng phụ như: nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, kích thích tử cung, chảy máu tử cung, suy thai, thậm chí là sảy thai tự nhiên.

Các phương pháp giục sinh khác

Mặc dù tác dụng phụ của thuốc giục sinh rất hiếm, nhưng nhìn chung vẫn có khả năng gây ra rủi ro cho mẹ và bé. Bên cạnh đó, nếu không muốn sử dụng thuốc thai phụ cũng có thể cân nhắc đến một số phương pháp giục sinh khác mà Hello Bacsi gợi ý dưới đây:

1. Tách màng ối 

Để tách màng ối, bác sĩ sẽ đeo găng và dùng ngón tay tách màng của túi ối (nơi chứa em bé và nước ối) ra khỏi thành tử cung. Phương pháp này kích hoạt cơ thể giải phóng prostaglandin và gây co thắt tử cung. Tuy nhiên, cách này có thể khiến mẹ bầu khó chịu bởi cảm giác đau thắt bụng hoặc xuất hiện các đốm máu.

2. Giục sinh bằng nội tiết tố 

Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể cân nhắc để tiêm thuốc làm mềm cổ tử cung. Tức là bác sĩ sẽ tiêm prostaglandin để mở cổ tử cung và kích hoạt các cơn co thắt gây chuyển dạ

Trong một nghiên cứu năm 2000, Bệnh viện Leighton (Anh) chứng minh prostaglandin tiêm tĩnh mạch không hiệu quả hơn oxytocin tiêm tĩnh mạch trong việc gây chuyển dạ. Trong khi đó, việc sử dụng nó gây ra tỷ lệ tác dụng phụ ở mẹ cao hơn (rối loạn tiêu hóa, viêm tắc tĩnh mạch và sốt).

Vì vậy, các mẹ bầu phải có sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ trước khi giục sinh bằng cách tiêm prostaglandin vào tĩnh mạch.

Thuốc giục sinh
Bác sĩ sẽ chẩn đoán và quyết định mẹ bầu nên dùng thuốc giục sinh hay phương pháp khác.

3. Giục sinh bằng cách làm giãn nở cổ tử cung

Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ chèn một ống thông có gắn quả bong bóng rất nhỏ vào ống cổ tử cung và bơm nước vào. Khi quả bóng được bơm căng, nó sẽ gây áp lực lên cổ tử cung, giúp cổ tử cung mềm hơn và mở ra.

Tiếp theo, bóng sẽ lưu lại cổ tử cung của mẹ bầu cho đến khi nó tự rơi ra ngoài, hoặc cho đến lần khám tiếp theo.

4. Quan hệ tình dục để kích thích giục sinh 

Trên lý thuyết, quan hệ tình dục có thể kích thích chuyển dạ. Ví dụ, hoạt động tình dục có thể giải phóng hormone oxytocin, hỗ trợ xuất hiện các cơn co thắt tử cung tự nhiên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có minh chứng cụ thể nào khẳng định cho luận điểm này.

5. Giục sinh bằng cách chọn các thực phẩm giàu prostaglandin

Trên thực tế, có một số thực phẩm giúp giục sinh mà mẹ bầu có thể thử như: Trà thì là, đu đủ xanh, cỏ thiên ma, trà cam thảo, giấm balsamic, trà lá mâm xôi đỏ hoặc các thực phẩm cay.

Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Đại học Y khoa Mashhad (Iran) đã phát hiện ra rằng, sử dụng chà là vào cuối thai kỳ rút ngắn thời gian chuyển dạ và giảm nhu cầu dùng oxytocin cho các mẹ bầu.

Một số mẹ bầu cũng truyền tai nhau về việc ăn dứa để kích sinh. Đúng là enzyme bromelain trong dứa có thể hỗ trợ co thắt tử cung để dễ sinh nở, nhưng mẹ bầu có thể phải phải ăn từ 7 – 10 quả dứa mới đủ lượng enzyme đó. Ngược lại, ăn quá nhiều dứa lại khiến mẹ dễ gặp các biến chứng như đau rát dạ dày, tiêu chảy và tăng đường huyết.  

Câu hỏi thường gặp

Đặt thuốc propess bao lâu có tác dụng?

Prostaglandin E2 (hay còn gọi là dinoprostone và propess) thường được dùng để gây chuyển dạ thuận lợi và an toàn. Thời gian trung bình từ khi đặt thuốc propess đến khi chuyển dạ pha tiềm tàng là 8,4 giờ, đến chuyển dạ tích cực là 9,8 giờ và đến khi sinh là 12,3 giờ.

Có nên giục sinh ở tuần 39 của thai kỳ không?

Theo Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), phụ nữ gây chuyển dạ ở tuần thứ 39 có tỷ lệ thấp hơn trong việc mắc tiền sản giật và tăng huyết áp thai kỳ. Ngoài ra, việc giục sinh ở tuần 39 còn giúp các mẹ bầu giảm những biến chứng khi chuyển dạ.

Dù vậy không phải ai đủ 39 tuần cũng nên giục sinh, vì chuyển dạ tự nhiên vẫn là an toàn nhất đối với đa số các mẹ bầu. 

Truyền thuốc kích đẻ bao lâu thì đẻ?

Một số phụ nữ sẽ chuyển dạ và sinh trong vòng vài giờ sau khi giục sinh. Một số khác mất khoảng 1 – 2 ngày mới bắt đầu chuyển dạ. Nếu những phương pháp trên không có hiệu quả, bạn sẽ phải sinh mổ.

Kết luận

Như vậy, bài viết trên đã cung cấp các thông tin mà mẹ bầu cần biết về một số loại thuốc giục sinh, cũng như các lưu ý và tác dụng phụ khi sử dụng. Các mẹ bầu cũng không nên tự ý dùng thuốc mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ để giữ an toàn cho cả mẹ và con nhé.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Inducing labour

https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/signs-of-labour/inducing-labour/

Ngày truy cập: 24/12/2024

Inducing Labor

https://kidshealth.org/en/parents/inductions.html

Ngày truy cập: 24/12/2024

Is There Any Guaranteed Way To Induce Labor?

https://health.clevelandclinic.org/what-natural-ways-to-induce-labor-actually-work

Ngày truy cập: 24/12/2024

Can anything bring labour on?

https://www.tommys.org/pregnancy-information/giving-birth/labour-and-birth-faqs/can-anything-bring-labour

Ngày truy cập: 24/12/2024

Don’t promote induction or augmentation of labor and don’t induce or augment labor without a medical indication; spontaneous labor is safest for woman and infant, with benefits that improve safety and promote short- and long-term maternal and infant health.

https://www.aafp.org/pubs/afp/collections/choosing-wisely/307.html#:~:text=Induced%20labor%20results%20in%20more,stay%2C%20and%20more%20hospital%20readmissions.

Ngày truy cập: 24/12/2024

Induction of Labor at 39 Weeks

https://www.acog.org/womens-health/faqs/induction-of-labor-at-39-weeks#:~:text=When%20a%20woman%20and%20her,39%20weeks%20may%20be%20recommended

Ngày truy cập: 24/12/2024

Induced labour: reasons, pros and cons

https://www.nct.org.uk/information/labour-birth/what-happens-labour-birth/induced-labour-reasons-pros-and-cons

Ngày truy cập: 24/12/2024

Phiên bản hiện tại

27/12/2024

Tác giả: Uyên Trần

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

14 điều quan trọng mẹ cần biết về phương pháp giục sinh

Giục sinh ở tuần 39: Có thực sự giúp mẹ bầu giảm nguy cơ sinh mổ?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Uyên Trần · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo