backup og meta

6 dấu hiệu chuyển dạ con rạ mà mẹ bầu cần lưu ý

6 dấu hiệu chuyển dạ con rạ mà mẹ bầu cần lưu ý

Quá trình chuyển dạ của mỗi phụ nữ đều không giống nhau. Thậm chí, mỗi lần mang thai, mẹ bầu có thể có những đặc điểm chuyển dạ hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, những phụ nữ đã từng sinh con không nên lỡ đễnh với những dấu hiệu chuyển dạ con rạ. Việc hiểu rõ các đặc điểm báo hiệu sắp sinh sẽ giúp sản phụ sẵn sàng cho việc sinh em bé, cũng như chủ động hơn trong quá trình sinh nở.

Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được 6 dấu hiệu chuyển dạ con rạ thường gặp mẹ nhé! 

Sự khác nhau giữa chuyển dạ sinh con rạ và chuyển dạ sinh con so

dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con rạ

“Sinh con so” là thuật ngữ dùng để mô tả những phụ nữ lần đầu sinh con. Còn “sinh con rạ” là từ dùng để chỉ lần sinh nở thứ hai trở đi của phụ nữ. Có rất nhiều điểm khác biệt giữa chuyển dạ sinh con so và con rạ. Trong đó, sự khác biệt lớn nhất là thời gian chuyển dạ sinh con rạ ngắn hơn sinh con so, đồng thời sản phụ cũng tốn ít sức lực rặn đẻ hơn. Theo thống kê, những người lần đầu làm mẹ có giai đoạn chuyển dạ kéo dài từ 12 – 24 giờ. Còn phụ nữ đã từng sinh con chỉ chuyển dạ trong trung bình 8 – 16 giờ. Nguyên nhân là vì cổ tử cung và tầng sinh môn của phụ nữ sinh con rạ đã bị giãn ra và mỏng đi sau lần mang thai đầu tiên.

Ngoài ra, phụ nữ đã từng sinh con còn có xu hướng chuyển dạ sớm hơn. Bởi vì cơ thể đã từng trải qua quá trình chuyển dạ, nên có khả năng phản ứng với các hormone chuyển dạ nhanh hơn một chút vào những tuần cuối thai kỳ, dẫn đến chuyển dạ sớm hơn. Dữ liệu cho thấy người lần đầu làm mẹ thường sinh con khi mang thai được 40 tuần 5 ngày. Còn thời gian mang thai trung bình của mẹ bầu sinh con rạ là 40 tuần 3 ngày.

Vậy, dấu hiệu chuyển dạ con rạ có giống như lần đầu mang thai? Mời bạn đọc tiếp bài viết để biết được những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con rạ.

6 dấu hiệu chuyển dạ con rạ mà mẹ bầu cần lưu ý

1. Đau lưng

Một trong những dấu hiệu chuyển dạ con rạ đầu tiên là đau lưng, đặc biệt là ở những sản phụ có tử cung ngả sau. Khi mang thai, sản phụ thường cảm nhận được những cơn đau thắt lưng. Các cơn co thắt vùng lưng dưới này mạnh hơn nhiều khi bước vào giai đoạn chuyển dạ. Lúc này, cơn đau sẽ không biến mất khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế.

Mang thai càng nhiều lần, phụ nữ càng cảm nhận được cơn đau lưng rõ rệt. Nhiều phụ nữ không lấy lại được cơ bụng sau lần sinh liền kề khiến cơn đau lưng báo hiệu chuyển dạ càng nặng hơn. Nếu từng bị đau lưng trong những lần mang thai trước đó, mẹ bầu sẽ có kinh nghiệm và dễ dàng nhận biết cơn đau lưng do chuyển dạ gây ra.

2. Dấu hiệu chuyển dạ con rạ phổ biến nhất: Các cơn gò tử cung mạnh,  đều đặn và ngày càng dồn dập

Dấu hiệu chuyển dạ con rạ: các cơn gò tử cung

Khi chuyển dạ thực sự, các cơn gò tử cung sẽ trở nên rất đều đặn. Quá trình chuyển dạ càng tiến triển, các cơn gò càng mạnh hơn, thường xuyên hơn và gần nhau hơn. 

Sự co thắt này thường bắt đầu đáy tử cung, lan dần xuống và thúc vào phần bụng dưới, tầng sinh môn. Phụ nữ mang thai sẽ cảm nhận được những cơn đau dữ dội và liên tục. Khắp vùng bụng sẽ trở nên căng cứng mỗi khi tử cung co thắt lại và sau đó thả lỏng ra. Việc di chuyển hay thay đổi tư thế không thể giúp sản phụ giảm cơn đau. Lúc này, mẹ bầu thường không thể nói chuyện và cảm thấy rất khó khăn trong việc đi lại.

Mục đích của các cơn gò tử cung là để làm mềm và giãn nở cổ tử cung. Từ đó, em bé sẽ dễ dàng được sinh ra qua ngả âm đạo hơn. Tuy nhiên, ở phụ nữ đã từng sinh con, cổ tử cung và tầng sinh môn đã trở nên mềm hơn và dễ giãn nở hơn. Vì vậy, so với khi sinh con so, dấu hiệu chuyển dạ con rạ phổ biến này thường nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn đối với sản phụ. Mặt khác, vì đã từng sinh con trước đây, nên thai phụ có thể tích lũy được những kinh nghiệm thở giúp đỡ đau hơn, tiết kiệm sức và rặn sinh nhịp nhàng theo chu kỳ gò khi bước vào giai đoạn sổ thai.

3. Bong nút nhầy

Dưới ảnh hưởng của hormone trong thai kỳ, dịch vùng cổ tử cung đặc lại tạo thành nút nhầy cổ tử cung – một “hàng rào bảo vệ” chắn giữa cổ tử cung và âm đạo. Lớp nhầy này giúp bảo vệ thai nhi khỏi vi khuẩn từ âm đạo và  môi trường bên ngoài. Khi cổ tử cung bắt đầu mở để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, nút nhầy thường sẽ bị bong ra dưới dạng dịch nhầy, nhớt, màu hồng. Đây chính là dấu hiệu chuyển dạ con rạ mà mẹ bầu nên để ý. Tuy nhiên, nếu chất nhầy tiết ra kèm theo chảy nhiều máu thì sản phụ cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức vì đây là một triệu chứng nguy hiểm khi mang thai. Khi thấy bong nút nhầy, mẹ bầu nên đóng bỉm để theo dõi máu, dịch thoát ra và đến viện để được thăm khám và giúp đỡ.

Tìm hiểu thêm Bong nút nhầy là như thế nào? Bong nút nhầy tử cung sớm có sao không?

4. Dấu hiệu chuyển dạ con rạ: Bụng tụt thấp 

Bụng tụt xuống thấp xảy ra khi đầu của em bé đi vào khung xương chậu của mẹ bầu. Lúc này, sản phụ sẽ cảm thấy những áp lực đè lên vùng chậu. Tuy nhiên, trong khi phụ nữ sinh con so có thể dễ dàng nhận biết dấu hiệu này, thì mẹ bầu sinh con rạ lại cần phải chú ý kỹ mới nhận ra được bụng đang tụt thấp. Nguyên nhân là vì cơ bụng của phụ nữ từng sinh con đã không còn săn chắc như trước. Mặc dù vậy, sản phụ sinh con rạ có thể cảm nhận được một vài đặc điểm gây ra bởi dấu hiệu chuyển dạ con rạ này, chẳng hạn như dễ thở hơn và đi tiểu thường xuyên hơn. 

Ngoài ra, phụ nữ đã từng sinh con thường có dấu hiệu bụng tụt thấp chỉ khi quá trình chuyển dạ thực sự bắt đầu. Đồng thời, một khi dấu hiệu chuyển dạ con rạ này xuất hiện, sản phụ có xu hướng sinh con ngay sau đó. Lý do là vì cổ tử cung của mẹ bầu lúc này có khả năng giãn nở dễ dàng hơn, tầng sinh môn mỏng hơn và cũng mềm mại hơn, nên em bé dễ dàng tụt xuống và có xu hướng được đẩy ra ngoài nhanh hơn.

Bạn có thể quan tâm Sa bụng bầu: Dấu hiệu cho biết thời điểm chuyển dạ đến gần

5. Những thay đổi được phát hiện khi thăm khám âm đạo

dấu hiệu chuyển dạ sinh con rạ

Một số dấu hiệu chuyển dạ con rạ cần phải thông qua quá trình thăm khám và kiểm tra bên trong âm đạo của các bác sĩ mới có thể phát hiện ra được. Các dấu hiệu này bao gồm:

  • Những thay đổi ở cổ tử cung: giãn ra và mỏng đi. 
  • Đầu ối thai nhi được hình thành
  • Sau mỗi cơn gò tử cung, ngôi thai có sự tiến triển, trở về vị trí ngôi thai thuận lợi cho sự sinh qua đường âm đạo. 

Khi quan sát được các đặc điểm này, bác sĩ sản khoa sẽ hướng dẫn mẹ bầu thở và rặn đẻ theo chu kỳ gò  khi cổ tử cung mở hết để quá trình đẩy thai nhi ra ngoài hiệu quả và nhanh chóng hơn.

6. Vỡ nước ối – Dấu hiệu chuyển dạ con rạ chính xác nhất

Phần lớn thai phụ khi bước vào giai đoạn chuyển dạ sẽ xuất hiện các cơn co thắt tử cung. Điều này khiến cho áp lực trong buồng tử cung tăng lên đỉnh điểm. Hơn nữa, lúc này, đầu thai nhị cũng di chuyển xuống dưới và tạo thành đầu ối. Đầu ối là nơi màng ối mỏng nhất và rất dễ vỡ. Khi đầu ối căng phồng lên tại vị trí tiếp giáp với cổ tử cung, hiện tượng vỡ ối sẽ xảy ra. 

Tùy vào vết rách màng ối lớn hay nhỏ mà sẽ có sản phụ bị chảy toàn bộ nước ối ra ngoài và có trường hợp nước ối chỉ chảy rỉ rả. Khi nước ối chảy ra, phụ nữ mang thai sẽ phải chịu đựng những cơn co thắt dồn dập và dữ dội hơn. Điều này góp phần đẩy em bé ra ngoài nhanh hơn. Chính vì vậy, vỡ nước ối được xem là dấu hiệu chuyển dạ con rạ chính xác nhất. Trong trường hợp này, mẹ bầu cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để chuẩn bị sinh nở.

Trên đây là 6 dấu hiệu chuyện dạ con rạ mà phụ nữ mang thai cần lưu ý. Hy vọng rằng những thông tin này đã giúp ích cho mẹ bầu trong việc nhận biết được sự khác nhau giữa dấu hiệu chuyển dạ con rạ và con so.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How Do I Know I’m in Labor? https://familydoctor.org/know-im-labor/ Ngày truy cập: 06/01/2022

Labor and birth https://www.eehealth.org/services/pregnancy-baby/labor-and-delivery/ Ngày truy cập: 06/01/2022

Your Second Pregnancy, Labor, and Delivery https://www.lucieslist.com/guides/preparing-for-baby-number-2-introduction/second-pregnancy-labor-delivery/#gref Ngày truy cập: 06/01/2022

Pregnancy Planner https://www.womenandinfants.org/services/pregnancy/pregnancy-planner Ngày truy cập: 06/01/2022

Labor https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=labor-85-P01222 Ngày truy cập: 06/01/2022

CONTRACTIONS AND SIGNS OF LABOR https://www.marchofdimes.org/pregnancy/contractions-and-signs-of-labor.aspx Ngày truy cập: 06/01/2022

Signs That Labor Is 24 to 48 Hours Away https://health.clevelandclinic.org/signs-that-labor-is-24-to-48-hours-away/ Ngày truy cập: 06/01/2022

Phiên bản hiện tại

18/01/2022

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Mini IVF: Phương pháp giúp hành trình làm cha mẹ dễ dàng hơn

7 dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh trong 1 đến 2 ngày mà các mẹ bầu nên biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Sản - Phụ khoa · Phòng khám phụ sản Cảm Xúc


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 18/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo