backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Giải đáp vấn đề sinh con ở bố mẹ bị bệnh thận

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    Giải đáp vấn đề sinh con ở bố mẹ bị bệnh thận

    Nhằm đảm bảo con được sinh ra khỏe mạnh và phát triển toàn diện, bố mẹ bị bệnh thận sẽ cần lưu ý nhiều điều khi lên kế hoạch sinh con. 

    Có con là niềm mong ước lớn nhất của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ rằng quá trình mang thai đem lại rất nhiều áp lực cho cơ thể. Trong lúc này, nếu bạn bị bệnh thận hay thậm chí là suy thận, tình trạng sức khỏe không ổn định sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi và cả chính mẹ bầu.

    Chính vì vậy, bác sĩ luôn khuyến khích phụ nữ nên thảo luận trước với họ nếu có ý định mang thai trong thời gian sắp tới. Thông qua cuộc thảo luận, các chuyên gia có thể giúp bạn đưa ra quyết định chính xác nhất dựa trên sức khỏe cá nhân.

    Thực tế, một người phụ nữ bị bệnh thận vẫn có khả năng làm mẹ. Tuy nhiên, để thụ thai và sinh con an toàn, bạn và bác sĩ sẽ phải xem xét cẩn thận không ít vấn đề. Một số yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ bao gồm:

    • Bệnh thận đã phát triển đến giai đoạn nào
    • Sức khỏe tổng thể
    • Tuổi tác
    • Liệu bạn có đang mắc một số bệnh lý khác, chẳng hạn như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về tim mạch…
    • Nồng độ protein rò rỉ vào nước tiểu

    Nếu bạn chưa hiểu rõ về vấn đề này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc chung về việc sinh con ở bố mẹ bị bệnh thận qua bài viết dưới đây.

    Phụ nữ bị bệnh thận giai đoạn nào thì có thể mang thai?

    Việc mang thai ở phụ nữ có thận đang bị tổn thương sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Theo thống kê, phần lớn các cô gái mắc bệnh thận đều có thể mang thai bình thường như những người phụ nữ khỏe mạnh khác nếu:

  • Bệnh thận của họ chỉ mới ở giai đoạn 1 hoặc 2 (rất nhẹ)
  • Chỉ số huyết áp vẫn trong phạm vi lý tưởng
  • Có ít hoặc không có protein lẫn vào nước tiểu
  • Tình trạng nước tiểu chứa protein gọi là protein niệu. Đây là một dấu hiệu điển hình cho thấy thận đang chịu thương tổn, không thể lọc máu tốt và để cho protein rò rỉ ra ngoài.

    Hiện tượng này khiến bạn hao hụt một lượng protein đáng kể, từ đó không chỉ làm cho bạn bị suy dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thai nhi.

    Mặt khác, đối với người bị bệnh thận giai đoạn nghiêm trọng hơn (khoảng từ 3 – 5), nguy cơ phát sinh biến chứng lại càng cao, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó, trong trường hợp này, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về việc không nên mang thai.

    Chính vì vậy, nếu sức khỏe của thận không tốt nhưng bạn vẫn muốn mang thai, hãy tham vấn kỹ lưỡng ý kiến bác sĩ về giai đoạn hiện tại của bệnh cũng như các nguy cơ phát sinh biến cố mà bạn sẽ phải đối mặt.

    Phụ nữ đang thẩm tách (chạy thận nhân tạo) có con được không?

    Chạy thận nhân tạo có mang thai được không
    Liệu người đang làm thẩm tách có thể mang thai không là nỗi băn khoăn của không ít phụ nữ trẻ bị bệnh thận.

    Một số thay đổi trong cơ thể phụ nữ có thể gây cản trở quá trình mang thai, chẳng hạn như hầu hết phụ nữ đang áp dụng phương pháp thẩm tách, cụ thể hơn là chạy thận nhân tạo, đều gặp tình trạng thiếu máu và thay đổi hormone. Hệ quả có thể là kinh nguyệt sẽ không đều đặn như lúc khỏe mạnh.

    Nếu bạn bị bệnh thận giai đoạn cuối hay thậm chí suy thận, các chuyên gia sẽ khuyến nghị bạn không nên mang thai vì rủi ro biến chứng ảnh hưởng đến cơ thể mẹ bầu và cả sự phát triển của thai nhi đều cao.

    Trong trường hợp bạn nhất định muốn sinh con khi đang chạy thận nhân tạo, bạn sẽ cần một số yếu tố như sau để đảm bảo trẻ sinh ra khỏe mạnh, an toàn:

    • Sự giám sát y tế chặt chẽ
    • Thay đổi toa thuốc
    • Thẩm tách thường xuyên hơn

    Liệu phụ nữ đã ghép thận có thể được làm mẹ?

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, phụ nữ nhận thận ghép có khả năng làm mẹ như bình thường vì sau khi ghép thận, kinh nguyệt sẽ trở lại đều như trước. Đồng thời, sức khỏe thận cũng như tổng thể có xu hướng cải thiện đáng kể, có thể đáp ứng tốt những yêu cầu khi mang thai.

    Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không mang thai trong vòng một năm kể từ khi ghép thận, kể cả khi chức năng thận đã được bác sĩ đánh giá ổn định như cũ. Một số loại thuốc bạn cần dùng sau khi ghép thận có nguy cơ tạo tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

    Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể không được mang thai do không thể đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Một trong những nguyên nhân phổ biến là rủi ro thải ghép quá lớn.

    Do đó, bạn có thể cần sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi bác sĩ xác nhận sức khỏe của bạn đủ tốt để có thể mang thai an toàn. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần thay đổi những toa thuốc điều trị hiện tại của bạn nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ bầu và thai nhi.

    Các biện pháp tránh thai nào an toàn cho người bị bệnh thận?

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, người đang chạy thận nhân tạo hoặc vừa ghép thận nên áp dụng biện pháp tránh thai an toàn khi quan hệ tình dục, đặc biệt nếu bạn là nữ và chưa đến thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân bởi vì trước khi được sự cho phép từ bác sĩ, việc mang thai có thể đem lại một số rủi ro cho cả mẹ và bé.

    Dựa vào thể trạng hiện tại của bạn, các chuyên gia sẽ đề xuất phương pháp ngừa thai hiệu quả và phù hợp nhất. Ví dụ như, bác sĩ sẽ yêu cầu phụ nữ bị cao huyết áp không được sử dụng thuốc tránh thai vì chúng có thể khiến chỉ số huyết áp tiếp tục tăng cao, đồng thời gây tăng nguy cơ đông máu.

    Những biện pháp tránh thai thường được chuyên gia khuyến nghị gồm:

    • Màng ngăn âm đạo
    • Bao cao su
    • Xốp đệm tránh thai
    • Thuốc diệt tinh trùng dạng bọt
    • Vòng tránh thai

    Thuốc dành cho người ghép thận có ảnh hưởng tới thai nhi?

    Thuốc cho người ghép thận
    Bạn sẽ cần tránh xa một số loại thuốc chống thải ghép có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

    Phần lớn trường hợp, thuốc chống thải ghép tương đối an toàn cho phụ nữ mang thai cũng như thai nhi. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý một số loại thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng đến thai kỳ và sự phát triển của trẻ.

    Đối với những loại thuốc trên, bạn tuyệt đối không được sử dụng trong suốt giai đoạn mang bầu. Thêm vào đó, bác sĩ cũng sẽ cho bạn ngưng thuốc ít nhất sáu tuần hoặc hơn trước khi thụ thai. Thay vào đó, họ sẽ thay bằng một số loại thuốc chống thải ghép lành tính hơn.

    Nếu bạn đã từng trải qua phẫu thuật ghép thận và mong muốn có con, hãy thảo luận kỹ với bác sĩ điều trị về cách mang thai an toàn cũng như những rủi ro có nguy cơ phát sinh.

    Đàn ông chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận có thể làm bố được không?

    Dù đang phải thẩm tách hay vừa được ghép thận, đàn ông đều hoàn toàn có khả năng làm cha. Nếu bạn và người bạn đời đã cố gắng có con trong vòng một năm hoặc hơn nhưng không thành công, hãy thẳng thắn tham vấn cùng bác sĩ.

    Đối với trường hợp đàn ông mắc các bệnh về thận đang hoặc đã trải qua quá trình điều trị và mong muốn có con, họ có thể nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ nhằm thường xuyên kiểm tra liệu khả năng sinh sản có còn hoạt động bình thường hay không.

    Mặt khác, bạn cũng cần lưu ý một số loại thuốc dùng cho người ghép thận có nguy cơ gây tác dụng phụ, làm giảm thiểu cơ hội làm cha của một người đàn ông. Do đó, những gì bạn cần làm vào lúc này là tìm hiểu kỹ những ưu, nhược điểm mà những loại thuốc bạn đang dùng có thể mang đến.

    Trẻ nhỏ là món quà vô giá mà bất kỳ gia đình nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, khi bị bệnh thận, bạn sẽ có rất nhiều điều để lưu ý trong kế hoạch sinh con để đảm bảo bé được sinh ra và phát triển vẹn toàn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo