backup og meta

Đặt vòng tránh thai có thai không? Tại sao đặt vòng vẫn có thai?

Đặt vòng tránh thai có thai không? Tại sao đặt vòng vẫn có thai?

Sử dụng vòng tránh thai là một trong những cách ngừa thai hiệu quả nhất với tỷ lệ ngừa thai lên đến 98%. Tuy nhiên, dù vậy nhiều người vẫn băn khoăn không biết đặt vòng tránh thai có thai không và tại sao đặt vòng vẫn có thai. 

Vòng tránh thai là một trong những phương pháp tránh thai được sử dụng rộng rãi vì tính đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả. Đây là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung của phụ nữ để tạo nên hiệu quả tránh thai kéo dài trong khoảng từ 3 đến 10 năm.

Thế nhưng, sử dụng vòng tránh thai có thật sự hiệu quả 100% như nhiều người vẫn nghĩ? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về vấn đề này nhé.

Đặt vòng tránh thai có thai không? Tại sao đặt vòng vẫn có thai?

sử dụng vòng tránh thai có thể mang thai không

Đừng quá ngạc nhiên khi có thắc mắc “đặt vòng tránh thai có bầu không?” vì thực tế, dù vòng tránh thai được xem là phương pháp tránh thai hiệu quả nhưng tỷ lệ ngừa thai của dụng cụ này cũng chỉ đạt khoảng 98%. Điều đó có nghĩa là bạn vẫn có thể mang thai khi sử dụng vòng tránh thai (dù tỷ lệ này rất thấp, khoảng 3 trong số 100 trường hợp).

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến bạn thụ thai khi đã sử dụng vòng tránh thai thường là do vòng tránh thai được đặt không đúng vị trí hoặc cũng có thể là do vòng tránh thai bị lệch và lún sâu vào tử cung, gây mất hiệu quả ngừa thai.

Dấu hiệu lệch vòng tránh thai thường là đau bụng âm ỉ, chảy máu âm đạo kéo dài, tăng theo từng ngày, nhất là khi quan hệ tình dục. Một cách tự kiểm tra vòng tránh thai là đưa ngón tay vào âm đạo đến vị trí cổ tử cung (cảm giác như cánh mũi), nếu không sờ được vào dây vòng hoặc chạm được cả vòng thì có thể vòng tránh thai đã bị lệch.

Dấu hiệu mang thai khi đặt vòng như thế nào?

Không giống các biện pháp tránh thai khác, vòng tránh thai không gây ra bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể sau khi được đặt vào. Quá trình rụng trứng vẫn diễn ra bình thường, nội mạc tử cung vẫn tiếp tục phát triển và bạn vẫn có kinh mỗi tháng (mặc dù vòng tránh thai có thể ảnh hưởng đến lượng máu chảy ra mỗi tháng, khiến lượng máu chảy ra ít hoặc nhiều hơn so với bình thường).

Vòng tránh thai chỉ cung cấp sự bảo vệ cơ học bằng cách ngăn không cho trứng và tinh trùng gặp nhau. Và nếu bạn rơi vào trường hợp đặt vòng vẫn có thai thì các triệu chứng mang thai vẫn giống như bình thường. Một số triệu chứng đặc trưng là:

  • Chậm kinh
  • Ốm nghén và chóng mặt
  • Nhiệt độ cơ thể tăng
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ
  • Đau bụng dưới
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều

Có thai khi đặt vòng phải làm sao?

Thực tế là không có gì lạ nếu bạn nghi ngờ mình mang thai dù đã đặt vòng tránh thai. Bởi sau khi đặt vòng, nhiều người bị chảy máu bất thường trong vài tháng đầu. Sau đó, dưới ảnh hưởng của vòng tránh thai, lượng kinh nguyệt của bạn có thể ít và thời gian hành kinh ngắn hơn so với bình thường, thậm chí, một số người còn không có kinh. Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình có thai, hãy thực hiện theo 3 bước sau:

1. Thử thai bằng que

Nếu bạn nghi ngờ mình mang thai, hãy sử dụng que thử thai tại nhà để biết chính xác. Sau khi thử, nếu bạn vẫn còn nghi ngờ, hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác.

2. Đi khám sản phụ khoa khi sử dụng vòng tránh thai

đi khám sản phụ khoa

Nếu mang thai khi đã đặt vòng tránh thai, bạn sẽ có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung. Đây là trường hợp khẩn cấp và bạn cần phải đi khám ngay lập tức để có cách can thiệp kịp thời.

3. Lấy vòng tránh thai ra khỏi tử cung

Sau khi thực hiện các xét nghiệm, nếu bạn thật sự mang thai và không có thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn lấy vòng tránh thai ra. Tuy nhiên, việc này cần được bác sĩ hoặc nhân viên y tế chuyên nghiệp thực hiện, bạn đừng nên tự lấy ra bởi có thể gây nhiễm trùng vùng kín, gây nguy hiểm cho thai nhi.

Mang thai khi đang đặt vòng có nguy hiểm không?

Vòng tránh thai là dụng cụ được sử dụng để ngừa thai, vậy nếu đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai có nguy hiểm không?

1. Sẩy thai

Sẩy thai là nguy cơ hàng đầu mà bạn phải đối mặt nếu mang thai khi đã đặt vòng. Nếu bạn đặt vòng tránh thai trong thai kỳ, tỷ lệ sẩy thai sẽ tăng lên 40 – 50%. Khi biết mình mang thai, bạn nên đến bệnh viện để lấy vòng tránh thai ra càng sớm càng tốt bởi điều này sẽ giúp giảm rủi ro. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn so với những phụ nữ mang thai khác.

2. Sinh non

Việc tiến hành đặt vòng tránh thai trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ sinh non. Theo quan sát, những phụ nữ đặt vòng tránh thai trong thời gian mang thai sẽ có nguy cơ sinh non cao gấp năm lần so với những phụ nữ mang thai khác. Vòng tránh thai cần được lấy ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ gặp phải biến chứng này.

3. Nhiễm trùng do sử dụng vòng tránh thai

Đây cũng là vấn đề mà bạn có nguy cơ cao phải đối mặt nếu có thai khi đang sử dụng vòng tránh thai. Đây là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của bé. Do đó, bạn cần sớm lấy vòng tránh thai ra khỏi cơ thể để giảm thiểu nguy cơ này.

4. Bong nhau thai

Đây là tình trạng nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước hoặc trong khi sinh. Theo các chuyên gia, vòng tránh thai có thể là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai gặp phải vấn đề này.

5. Phơi nhiễm nội tiết tố

Đặt vòng vẫn có thai có thể gây nguy hiểm cho thai nhi bởi nó có thể giải phóng progestin vào tử cung. Mặc dù những ảnh hưởng này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ nhưng theo các bác sĩ, nó có thể làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh ở thai nhi.

Bác sĩ sẽ không lấy vòng tránh thai trong trường hợp nào?

sử dụng vòng tránh thai an toàn

Nếu bạn muốn tiếp tục mang thai, tốt nhất nên lấy vòng tránh thai ra khỏi cơ thể. Điều này sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, ít gặp biến chứng dù nguy cơ sẩy thai, nhiễm trùng và sinh non vẫn cao hơn một chút so với những mẹ bầu khác.

Tuy nhiên, nếu việc lấy vòng tránh thai ra sẽ nguy hiểm hơn so với việc tiếp tục để nó tồn tại trong cơ thể, bác sĩ sẽ đề nghị bạn không nên lấy ra. Bởi đã có trường hợp, dù đặt vòng tránh thai nhưng bé cưng vẫn chào đời khỏe mạnh bởi khi bé lớn hơn, vòng tránh thai có thể bị đẩy ra ngoài.

Làm sao để tránh nguy cơ đặt vòng vẫn có thai?

Khi được sử dụng đúng cách, vòng tránh thai thật sự là phương pháp ngừa thai rất hiệu quả. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn tránh mang thai ngoài ý muốn khi đã đặt vòng:

Thường xuyên đi khám phụ khoa: Hãy đi khám phụ khoa và siêu âm tử cung 2 lần/năm. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm việc vòng tránh thai bị lệch, nằm sai chỗ. Tình trạng này thường rất nguy hiểm, có thể gây bụng đau âm ỉ, xuất huyết bất thường và mang thai ngoài ý muốn.

Chú ý đến hạn sử dụng: Vòng tránh thai thường có một hạn sử dụng nhất định, trung bình từ 3 – 5 năm chúng phải được gỡ bỏ hoặc thay thế bằng một cái mới. Nếu bạn để lâu, nó có thể lún sâu vào thành tử cung và khiến việc lấy ra khó khăn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý một số điều sau:

  • Sử dụng bao cao su để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây qua đường tình dục (STI) bởi vòng tránh thai không có chức năng này.
  • Nếu muốn sinh con, bạn chỉ cần tháo vòng tránh thai tại các bệnh viện và bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm.
  • Sau khi đặt vòng, bạn cần nằm yên trong 1 giờ, nghỉ ngơi tối thiểu trong vòng 2 ngày và đặc biệt là không được làm việc nặng trong 1 tuần. Bạn cũng không nên ngâm mình trong nước quá lâu (kể cả ngâm chân, ngâm tay). Sau 2 tuần mới nên quan hệ tình dục trở lại.
  • Nếu bạn đau bụng nhiều, ra máu âm đạo nhiều và kéo dài kèm theo sốt, tiểu gắt và có cảm giác đau buốt, đau khi quan hệ, bạn nên đi khám ngay.

Vậy là bạn đã rõ đặt vòng có thai được không. Tuy tỷ lệ ngừa thai của phương pháp này vẫn không thể đạt đến ngưỡng tuyệt đối, do đó nếu bạn nghi ngờ mình mang thai, hãy đi khám ngay để được hỗ trợ sớm.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What happens if I get pregnant with an IUD? https://utswmed.org/medblog/pregnancy-iud/ Ngày truy cập: 12/9/2019

Can you get pregnant with an IUD? https://www.drugs.com/medical-answers/you-pregnant-iud-3553005/ Ngày truy cập: 12/9/2019

Is It Possible to Get Pregnant With An IUD? https://parenting.firstcry.com/articles/is-it-possible-to-get-pregnant-with-iud/ Ngày truy cập: 12/9/2019

How effective are IUDs? https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/iud/how-effective-are-iuds  Ngày truy cập: 12/9/2019

INTRA UTERINE DEVICE (IUD) https://www.familyplanning.org.nz/advice/contraception/intra-uterine-device-iud Ngày truy cập: 12/9/2019

Phiên bản hiện tại

25/10/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý

Bà bầu ăn kem được không? Lời khuyên giúp mẹ ăn vặt lành mạnh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 25/10/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo