backup og meta

Tập luyện cường độ cao khiến phụ nữ khó mang thai

Tập luyện cường độ cao khiến phụ nữ khó mang thai

Bạn đang tìm cách cải thiện sức khỏe cùng khả năng sinh sản của mình và nhận được nhiều lời khuyên rằng hãy chăm chỉ tập thể dục? Bạn có biết việc tập luyện thể dục thể thao với cường độ cao hoặc tập luyện quá siêng năng cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ khó mang thai?

Không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời mà hoạt động thể dục thể thao mang lại cho chúng ta. Nếu bạn béo phì và đang trong quá trình giảm cân để gia tăng cơ hội mang thai thì bạn không nên chỉ chú trọng vào việc luyện tập mà nên kết hợp với chế độ ăn kiêng hợp lý. Tại sao lại như vậy? Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn thắc mắc này.

Tập luyện thể dục thể thao với cường độ cao là nguyên nhân khiến phụ nữ khó mang thai

Một nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) đã chứng minh cơ thể có thể không có đủ năng lượng để hỗ trợ cả việc tập luyện với cường độ cao và mang thai.

Bạn là một nữ vận động viên thể thao chuyên nghiệp hay chỉ đơn giản là một người thích tập luyện thể dục thể thao với cường độ cao, đầy thử thách và đang trong quá trình cố gắng thụ thai? Tuy nhiên, một khoảng thời gian dài đã trôi qua mà vợ chồng bạn vẫn chưa nhận được tín hiệu khả quan.

Theo nghiên cứu mới từ trường Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, trong trường hợp này, nếu muốn  thụ thai, bạn hãy giảm cường độ luyện tập. Khoảng 7% phụ nữ Na Uy gặp các vấn đề về vô sinh. Họ không thể mang thai trong năm đầu tiên cố gắng thụ thai, tuy nhiên sau đó họ có thể mang thai bình thường.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một cặp vợ chồng bị vô sinh, các nguyên nhân này liên quan đến y tế và lối sống. Các yếu tố nguy cơ được biết đến bao gồm: hút thuốc, căng thẳng và rượu, tình trạng quá gầy hoặc thừa cân…

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng các nữ vận động viên có cường độ tập luyện thể dục thể thao quá cao thường gặp nhiều vấn đề về khả năng sinh sản hơn so những phụ nữ khác. Nhưng chúng ta vẫn chưa biết việc hoạt động thể chất quá mức có thể gây ra các tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của những người phụ nữ bình thường không?

Các nhà nghiên cứu tại NTNU đã có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này thông qua một nghiên cứu với gần 3.000 phụ nữ tham gia. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tập thể dục quá sức và thường xuyên dường như làm giảm khả năng sinh sản của nhiều phụ nữ trẻ. Nhưng may mắn thay điều này chỉ xảy ra khi họ tập luyện quá chăm chỉ.

Mời bạn tìm hiểu thêm về các vấn đề khiến phụ nữ khó mang thai qua bài viết Điểm mặt 6 nguyên nhân khó thụ thai mà có thể bạn đang gặp phải để cập nhật những thông tin hữu ích.

Hai nhóm người có nguy cơ khó mang thai

Phụ nữ khó mang thai

Nghiên cứu này dựa trên tài liệu từ cuộc khảo sát sức khỏe của trường Đại học Nord-Trøndelag diễn ra từ năm 1984–1986 và một cuộc khảo sát tiếp theo kéo dài 2 năm (1995–1997). Tất cả những phụ nữ tham gia đều trong độ tuổi sinh đẻ, khỏe mạnh và không một ai có tiền sử về vấn đề sinh sản.

Trong cuộc khảo sát đầu tiên, những người tham gia trả lời các câu hỏi về tần suất, thời gian và cường độ hoạt động thể chất của họ. 10 năm sau đó, họ tiếp tục trả lời các câu hỏi về mang thai và sinh nở. Các nhà nghiên cứu NTNU cũng ghi lại nhiều thông tin khác có thể có ý nghĩa đối với nghiên cứu.

Tiến sĩ Sigridur Lara Gudmundsdottir, một nữ thành viên trong Chương trình Khoa học Chuyển động Con người của NTNU, cho biết: “Trong số tất cả những phụ nữ này, chúng tôi đã tìm thấy hai nhóm người có nguy cơ vô sinh cao hơn. Đó là nhóm người luyện tập gần như mỗi ngày và nhóm người luôn luyện tập cho đến khi họ hoàn toàn kiệt sức. Những người làm cả hai điều này có nguy cơ vô sinh cao nhất’.

Tuổi tác là một yếu tố quan trọng

Trong nghiên cứu đầu tiên đã chỉ ra rằng cùng ở độ tuổi dưới 30 nhưng 24% thuộc nhóm người luyện tập đến kiệt sức (bất kể cường độ và thời gian) gặp các vấn đề về khả năng sinh sản. Trong khi đó nhóm luyện tập gần như mỗi ngày (bất kể cường độ và thời gian) chỉ có 11% gặp vấn đề này.

Các nhà khoa học xem xét đến các yếu tố như chỉ số khối cơ thể, hút thuốc, độ tuổi, tình trạng hôn nhân và từng mang thai trước đó… Họ phát hiện ra rằng những phụ nữ luyện tập gần như mỗi ngày có nguy cơ suy giảm khả năng sinh sản cao gấp 3,5 lần so với phụ nữ không tập luyện.

Tiến sĩ Gudmundsdottir cho biết: “Khi tiến hành so sánh nhóm người luyện tập đến kiệt sức với nhóm người có chế độ luyện tập vừa phải hơn, chúng tôi nhận thấy rằng nhóm đầu tiên có nguy cơ suy giảm khả năng sinh sản cao gấp 3 lần’.

Ở những phụ nữ có mức độ hoạt động thể chất ở mức trung bình hoặc thấp, các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu gì về khả năng sinh sản bị suy giảm.

Tập luyện quá mức khiến phụ nữ khó mang thai chỉ là một hiệu ứng thoáng qua?

Tiến sĩ Gudmundsdottir tiết lộ một điều thú vị: “Những tác động tiêu cực của việc luyện tập chăm chỉ với cường độ cao đến khả năng sinh sản dường như không phải là vĩnh viễn. Phần lớn phụ nữ tham gia nghiên cứu cuối cùng đã có con. Những người luyện tập chăm chỉ nhất vào giữa những năm 1980 lại nằm trong số những người có nhiều con nhất trong thập niên 1990. Tuy nhiên, chúng tôi không biết liệu họ có thay đổi mức độ hoạt động của mình trong khoảng thời gian giữa hai cuộc điều tra hay không”.

Xây dựng một chế độ tập luyện hợp lý

Các nhà khoa học cho rằng việc hoạt động thể chất với cường độ cao làm tiêu tốn rất nhiều năng lượng đến mức cơ thể thực sự bị thiếu hụt năng lượng trong thời gian ngắn. Do đó có thể dẫn đến tình trạng cơ thể không có đủ năng lượng để duy trì tất cả các hoạt động của cơ chế nội tiết cần thiết cho quá trình thụ thai.

Mặt khác, có một nghiên cứu trước đây cho thấy việc duy trì chế độ hoạt động thể chất vừa phải giúp cải thiện nồng độ nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ, so với những người không hoạt động hoặc thừa cân. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh sản ở nữ giới.

Tiến sĩ Gudmundsdottir cũng nhấn mạnh rằng phụ nữ muốn mang thai không nên từ bỏ mọi hoạt động thể chất. Tuy rằng việc hoạt động thể chất ở mức rất cao hoặc rất thấp đều có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản nhưng hoạt động vừa phải sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Do đó thay cho các hoạt động thể chất vất vả như đạp xe, chạy bộ, bơi lội, aerobic, tập thể hình… bạn có thể đi bộ, tập yoga hay thiền định… Chế độ tập luyện thể chất vừa phải là không tập quá 5 giờ/tuần, mỗi buổi tập không kéo dài hơn 1 giờ. Ngoài ra, những phụ nữ có tham gia các hoạt động thể chất đặc biệt nên quan tâm đến chu kỳ kinh nguyệt của mình. Chu kỳ quá dài hay không có kinh nguyệt xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tháng có thể trở thành dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Tại sao có thể tập thể dục quá nhiều làm giảm khả năng mang thai ở nữ giới?

Phụ nữ khó mang thai

Nhiều ý kiến cho rằng tập thể dục quá nhiều có thể làm giảm sự rụng trứng ở những phụ nữ có cân nặng bình thường. Nguyên nhân có thể là do:

  • Việc tập thể dục quá nhiều có thể gây ra khiếm khuyết cho giai đoạn hoàng thể. Giai đoạn hoàng thể là thời gian mà sự rụng trứng có thể xảy ra. Khoảng thời gian này thường rơi vào ngày thứ 12 đến 16 của chu kỳ kinh nguyệt. Một giai đoạn hoàng thể ngắn hơn có thể tác động xấu đến khả năng thụ thai.
  • Nồng độ progesterone thấp: Thông thường, nồng độ progesterone vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian mà sự rụng trứng có thể xảy ra. Điều này giúp trứng sau khi được thụ tinh có thể bám vào niêm mạc tử cung dễ dàng hơn. Việc tập luyện với cường độ cao khiến nồng độ progesterone thấp có thể cản trở việc trứng được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung khiến bạn không thể mang thai.
  • Việc tập luyện thể dục thể thao quá mức làm cho các hormone chịu trách nhiệm điều hòa hệ thống sinh sản nữ giới là GGGRR, LH, FSH và estradiol thay đổi theo chiều hướng tác động xấu vào quá trình rụng trứng.
  • Ở những người tập thể dục cường độ cao có sự thay đổi ở mức độ leptin, điều chỉnh sự thèm ăn và trao đổi chất:
    • Nếu sự thèm ăn ở mức thấp, bạn có thể không ăn đủ dưỡng chất khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng làm cho sự rụng trứng không thể diễn ra thường xuyên.
    • Những phụ nữ tập thể dục hơn 7 giờ/tuần để giữ dáng thường có xu hướng hạn chế lượng thức ăn tiêu thụ. Việc cơ thể không có đủ chất béo lành mạnh, tình trạng giảm cân nhanh chóng hoặc cân nặng dưới mức chuẩn… đều có thể trở thành tác nhân ảnh hưởng xấu đến sự rụng trứng.

Do đó, nếu muốn tập thể dục để cải thiện sức khỏe và khả năng sinh sản, bạn chỉ nên tập ở mức vừa phải kết hợp với chế độ ăn lành mạnh.

Lan Quan / HELLO BACSI 

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Can Too Much Exercise Decrease Your Fertility?

https://www.verywellfamily.com/optimal-fertility-and-exercise-1960255  Ngày truy cập 27/04/2019

The Unsuspecting Way Being Fit May Damage Your Fertility https://www.healthline.com/health/pregnancy/exercise-fertility Ngày truy cập 27/04/2019

Effect of Exercise on Ovulation: A Systematic Review. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/28035585

Hard workouts reduced fertility https://www.ntnu.edu/news/hard-workouts-reduced-fertility  Ngày truy cập 27/04/2019

 

Phiên bản hiện tại

25/10/2019

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ

Cho con bú khi mang thai và những điều mẹ bầu không nên bỏ qua


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 25/10/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo