backup og meta

Khi sử dụng thuốc tiêm tránh thai Depo Provera

Khi sử dụng thuốc tiêm tránh thai Depo Provera

Bạn đang tìm phương pháp tránh thai an toàn và hiệu quả? Hãy thử áp dụng thuốc tiêm tránh thai Depo – Provera và đừng quên tham khảo một số điều cần lưu ý.

Để ngừa thai, phụ nữ có rất nhiều sự lựa chọn. Trong số đó, thuốc tiêm tránh thai (Depo – Provera) là sự lựa chọn phổ biến nhất bởi nó vừa thuận tiện vừa đơn giản. Thế nhưng, bạn đã thực sự hiểu về thuốc tiêm tránh thai Depo – Provera chưa? Nếu chưa, hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về phương pháp ngừa thai này nhé.

Thuốc tiêm tránh thai Depo – Provera

Depo – Provera là thuốc tổng hợp tương tự progesterone, một nội tiết tố bình thường được sản xuất bởi buồng trứng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Bác sĩ sẽ tiêm loại thuốc này vào tay hoặc mông bạn. Mỗi mũi tiêm có tác dụng tránh thai trong 12 – 14 tuần. Tuy nhiên, sau 3 tháng, bạn nên đi tiêm lại để đảm bảo hiệu quả ngừa thai.

Đa số phụ nữ đều có thể sử dụng phương pháp tránh thai này. Tuy nhiên, nếu bạn có những vấn đề sau thì không nên tiêm:

  • Ung thư vú
  • Bệnh gan
  • Thuyên tắc mạch
  • Ra máu âm đạo bất thường chưa chẩn đoán được nguyên nhân.

Những phụ nữ bị loãng xương cũng nên cân nhắc khi sử dụng phương pháp này vì nó làm giảm mật độ xương. Đối với tuổi teen, phương pháp này cũng không phù hợp.

Thuốc tiêm tránh thai Depo – Provera hoạt động như thế nào?

Depo – Provera tác động lên buồng trứng của phụ nữ giống như hormone progesterone. Nó hoạt động như sau:

  • Ngăn ngừa rụng trứng, tức là ngăn trứng trưởng thành rụng khỏi buồng trứng.
  • Ức chế chất nhầy cổ tử cung, khiến tinh trùng không thể thâm nhập được để lên buồng trứng.
  • Niêm mạc tử cung teo đi khiến trứng khó có khả năng làm tổ.

Sử dụng thuốc tiêm tránh thai như thế nào?

Depo – Provera là một loại thuốc tránh thai theo toa, được tiêm sau mỗi 12 – 14 tuần. Bác sĩ sẽ tiêm ở cánh tay hoặc mông trong vòng 5 ngày sau khi hết kinh.

Thuốc tiêm tránh thai có hiệu quả?

Nếu sử dụng thuốc đúng cách và đều đặn thì tỷ lệ tránh thai thất bại là 1%, nghĩa là 100 người thì chỉ có 1 người thất bại. Thực tế, trong 1.000 người chỉ 3 người có thai khi tiêm thuốc tránh thai. Tuy nhiên, loại thuốc này có những nguy cơ tiềm ẩn như sinh non nếu bạn không biết mình có thai và tiếp tục tiêm thuốc.

Do đó, khi áp dụng phương pháp ngừa thai này, bạn cần lưu ý đến các dấu hiệu mang thai. Nếu nghi ngờ có thai, bạn phải ngưng không tiêm thuốc nữa. Không có cách tránh thai nào có thể ngừa thai 100%, phương pháp tiêm thuốc này cũng vậy.

Tác dụng phụ của thuốc tiêm ngừa thai

Depo – Provera là thuốc tránh thai có hiệu quả cao, nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Mụn trứng cá
  • Nhức đầu
  • Lo lắng
  • Chóng mặt và buồn nôn
  • Mệt mỏi
  • Trầm cảm
  • Tăng cân
  • Chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi
  • Giảm mật độ xương
  • Mềm vú
  • Ra máu đột ngột hoặc xuất hiện đốm máu giữa chu kỳ kinh
  • Cảm giác thèm ăn thay đổi
  • Tóc phát triển quá nhanh hoặc rụng tóc.

Trong tất cả điều trên, chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi là phổ biến nhất. Kinh nguyệt có thể ra không đều hoặc hoàn toàn không thấy kinh. Sự cố này không gây hại và kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường sau khi ngừng thuốc. Một tác dụng phụ phổ biến khác là tăng cân. Năm đầu tiên tiêm thuốc tránh thai, bạn sẽ tăng khoảng 2,5kg.

Nếu đang cho con bú thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm. Hơn nữa, sử dụng thuốc tiêm tránh thai Depo – Provera trong thời gian dài (hơn 2 năm) có thể làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương. Nếu bạn uống rượu hoặc hút thuốc thì nguy cơ bị loãng xương sẽ gia tăng hơn nữa.

Khi nào nên đến bác sĩ khám?

khi-su-dung-thuoc-tiem-tranh-thai-depo-provera-hinh-anh-3

Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:

  • Đau bụng dữ dội
  • Chảy máu âm đạo nặng hoặc kéo dài
  • Vàng mắt hoặc da
  • Xuất hiện khối u ở ngực
  • Trầm cảm nặng.

Khi tiêm thuốc tránh thai, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang mắc các bệnh sau:

  • Tiểu đường
  • nguy cơ mắc bệnh tim
  • Huyết áp cao
  • Có tiền sử bị bệnh gan
  • Có tiền sử bị nghẽn mạch máu
  • Trầm cảm.

Nếu quên tiêm thuốc tránh thai sau 3 tháng chuyện gì sẽ xảy ra?

Để đảm bảo hiệu quả, việc tiêm thuốc tránh thai Depo – Provera phải được thực hiện sau mỗi 12 – 14 tuần. Do đó, bạn hãy nhớ lên lịch hẹn với bác sĩ. Nếu bạn trễ 5 ngày, hiệu quả tránh thai sẽ không còn đảm bảo. Vì vậy, bạn sẽ phải sử dụng một phương pháp tránh thai khác. Trước khi tiêm, bạn cũng nên kiểm tra xem mình có các dấu hiệu mang thai không nhé.

Làm thế nào để mang thai sau khi ngừng tiêm thuốc?

Nếu muốn mang thai, bạn nên ngừng sử dụng thuốc tiêm. Tuy nhiên, một điều quan trọng mà bạn cần biết là thuốc tiêm tránh thai Depo – Provera có thể tồn tại trong cơ thể bạn đến 2 năm.

Có rất nhiều phụ nữ có thể thụ thai trong vòng 3 – 4 tháng sau khi ngừng tiêm. Một số khác lại phải mất đến 2 năm mới có thể thụ thai. Số lần bạn tiêm càng nhiều thì cơ thể bạn càng mất nhiều thời gian để trở lại bình thường.

Hormone được tiêm cần thời gian để đào thải ra khỏi cơ thể và chu kỳ kinh nguyệt phải trở lại bình thường thì bạn mới có thể có thai. Thuốc tiêm tránh thai ngăn ngừa rụng trứng, nghĩa là bạn vẫn không thể mang thai cho đến khi thuốc tránh thai ngừng hoạt động. Tuy tỷ lệ mang thai là rất thấp nhưng bạn vẫn có nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Các dấu hiệu mang thai khi đang sử thuốc tiêm tránh thai

Chỉ có 1% cơ hội thụ thai khi bạn sử dụng thuốc tránh thai Depo – Provera. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng mang thai như:

1. Chậm kinh

Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của thai kỳ. Đối với một số phụ nữ, chậm kinh là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ đã mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng thuốc tiêm tránh thai Depo – Provera thì việc chậm kinh diễn ra thường xuyên. Do đó, bạn sẽ khó nhận biết thông qua dấu hiệu này.

2. Mệt mỏi

khi-su-dung-thuoc-tiem-tranh-thai-depo-provera-hinh-anh-1

Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hoặc mệt mỏi hơn bình thường sau khi thụ thai 1 tuần. Có nhiều nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi trong giai đoạn này. Nồng độ progesterone tăng khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Các triệu chứng thông thường khác của thai kỳ như thiếu máu và trầm cảm cũng làm tăng mệt mỏi. Hơn nữa, cơ thể bạn đang làm việc cho 2 người, do đó mệt mỏi là điều không thể tránh khỏi.

3. Buồn nôn

Buồn nôn thường xuất hiện từ 2 – 8 tuần sau khi thụ thai và thường xảy ra bất cứ khi nào trong ngày. Buồn nôn thường có liên quan đến hormone estrogen. Sau 3 tháng, triệu chứng này sẽ giảm. Tuy nhiên, cũng có một số người sẽ bị buồn nôn suốt thai kỳ. Bạn có thể giảm triệu chứng này bằng cách chia nhỏ các bữa ăn hoặc nhờ bác sĩ kê cho bạn thuốc chống buồn nôn.

4. Vú căng cứng, hơi đau tức hoặc ngứa

Một số phụ nữ cảm thấy vú bị căng cứng, đau tức sau khi thụ thai 1 tuần. Điều này là do tuyến sữa và nồng độ estrogen phát triển nhanh. Để giảm cảm giác khó chịu, bạn hãy chọn một chiếc ác ngực thoải mái nhé.

5. Nhức đầu

Khi mang thai, lượng hormone trong cơ thể tăng đột ngột, gây nhức đầu thường xuyên hơn bình thường. Nếu thấy đau đầu, bạn nên hỏi bác sĩ xem loại thuốc giảm đau nào an toàn với thai kỳ.

6. Đi tiểu thường xuyên

Bạn sẽ thấy mình ghé thăm nhà vệ sinh thường xuyên hơn bình thường sau 6 – 8 tuần thụ thai. Điều này là do cơ thể tăng sản xuất hormone và những thay đổi khác ở bụng do tử cung phát triển.

7. Cảm giác thèm ăn

khi-su-dung-thuoc-tiem-tranh-thai-depo-provera-hinh-anh-2

Một số phụ nữ thường thèm một vài món ăn nhất định khi mang thai. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung đủ vitamin trước khi mang thai sẽ giúp giảm cảm giác thèm ăn. Nếu bạn thèm những món ăn không tốt cho cơ thể, hãy tìm một giải pháp để thay thế. Ví dụ, nếu bạn thích khoai tây chiên, hãy chọn một món ăn khác cũng được làm từ khoai tây. Bằng cách này, bạn sẽ giải tỏa được cảm giác thèm ăn, đồng thời có thể ăn những món bổ dưỡng.

Nếu bạn đang sử dụng thuốc tiêm tránh thai Depo – Provera và có 7 triệu chứng này, hãy mua que thử thai về thử và đến gặp bác sĩ để kiểm tra và nhờ tư vấn.

Ưu và nhược điểm của việc tiêm thuốc ngừa thai

1. Ưu điểm

  • Có hiệu quả cao khi sử dụng đúng cách, nghĩa là tiêm đều đặn 3 tháng/lần.
  • Không cần phải nhớ uống thuốc ngừa thai mỗi ngày.
  • Chi phí thấp hơn so với việc dùng thuốc ngừa thai.
  • Không ảnh hưởng nhiều đến việc quan hệ tình dục.
  • Bạn có thể xuất hiện đốm máu giữa thai kỳ hoặc không có kinh trong 1 năm sau khi tiêm.
  • Ngăn ngừa u xơ tử cung, bảo vệ bạn khỏi ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
  • Không chứa estrogen, hormone có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

2. Nhược điểm

  • Không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Nếu bạn muốn mang thai, phải dừng tiêm thuốc trước đó vài tháng.
  • Trì hoãn khả năng sinh sản sau khi ngừng tiêm.
  • Phải đi đến bác sĩ khám và kê toa.
  • Chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi: ra kinh nhiều hoặc kéo dài.

Những điều cần lưu ý

  • Bạn cần phải nói chuyện với bác sĩ để hiểu rõ ưu và nhược điểm của việc tiêm thuốc tránh thai Depo – Provera. Khi đã tiêm thuốc, có khả năng bạn sẽ gặp phải tác dụng phụ và kéo dài khoảng 3 tháng.
  • Bạn cũng nên hỏi bác sĩ về vấn đề trì hoãn khả năng thụ thai sau khi ngừng sử dụng thuốc.
  • Phương pháp ngừa thai này thường làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt. Nó có thể khiến bạn ra kinh nhiều hoặc kéo dài, chảy máu bất thường hoặc mất kinh. Nếu bạn bị chảy máu nặng hoặc kéo dài, bạn nên nói với bác sĩ.
  • Bạn cũng sẽ có khuynh hướng tăng cân khi tiêm thuốc tránh thai. Trung bình, bạn sẽ tăng từ 2,5 – 3,5kg. Hãy hỏi bác sĩ để biết thêm thông tin về vấn đề tăng cân, đặc biệt bạn là người rất chú ý đến vóc dáng của mình.
  • Tiêm thuốc tránh thai làm giảm nồng độ estrogen. Theo thời gian, điều này sẽ làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương. Do đó, đặc biệt quan trọng đối với thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ vì xương của họ có thể chưa phát triển đầy đủ.
  • Điều quan trọng là bạn phải biết rằng thuốc này có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích mà việc tiêm thuốc tránh thai mang lại.
  • Do tiêm thuốc tránh thai không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên bạn vẫn cần sử dụng bao cao su.
  • Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp các triệu chứng sau:

    1. Đau đầu nghiêm trọng hoặc chứng đau nửa đầu

    2. Đau bụng nghiêm trọng

    3. Đau chân

    4. Các vấn đề về thị giác

    5. Đau khi hít thở hoặc ho

    6. Ngứa toàn thân, huyết áp tăng, vàng mắt hoặc da (vàng da).

    7. Triệu chứng của thai kỳ.

  • Tiêm thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm như xét nghiệm chức năng tuyến giáp hoặc gan. Nếu bạn thực hiện xét nghiệm máu, hãy nói với bác sĩ bạn đang sử dụng thuốc tiêm tránh thai.

Khi nào không nên tiêm Depo – Provera?

  • Biết hoặc nghi ngờ mình đang mang thai
  • Muốn mang thai trong năm tiếp theo
  • Bị ung thư vú
  • Chảy máu âm đạo bất thường mà không xác định được nguyên nhân
  • Mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ…
  • Bị rối loạn máu di truyền
  • Bị ung thư gan, xơ gan hoặc bất kỳ bệnh gan nào khác.

Mang thai và cho con bú

khi-su-dung-thuoc-tiem-tranh-thai-depo-provera-hinh-anh

Một số loại thuốc có thể an toàn, mang lại lợi ích cho người mẹ và không gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng cũng một số loại thuốc cần tránh khi bạn mang thai hoặc đang cho con bú. Nếu bạn có thai hoặc dự định có thai, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào.

  • Thuốc tiêm ngừa thai không được dùng cho phụ nữ mang thai. Bác sĩ sẽ cho bạn thử thai trước khi tiêm mũi đầu tiên. Bạn cũng cần phải làm một bài kiểm tra nếu tiêm trễ 5 ngày.
  • Hầu hết phụ nữ đều bắt đầu rụng trứng từ 5 – 6 tháng sau khi ngừng tiêm nhưng bạn vẫn có thể không mang thai đến 12 – 15 tháng, thậm chí lâu hơn.
  • Thuốc tiêm ngừa thai Depo – Provera đi vào sữa mẹ rất ít. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng thuốc này sẽ có tác dụng phụ đối với trẻ sơ sinh hoặc có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của bé ở tuổi dậy thì. Tiêm ngừa thai được xem là an toàn đối với những phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu đang cho con bú, bạn hãy chờ con được 6 tháng tuổi rồi mới nên bắt đầu tiêm.
  • Trước khi tiến hành tiêm thuốc ngừa thai, hãy nhớ nói cho bác sĩ biết về những loại thuốc, kể cả thuốc kê đơn hay các loại thảo mộc mà bạn đã sử dụng gần đây. Bên cạnh đó, trước khi uống bất cứ loại thuốc nào trong quá trình sử dụng thuốc tiêm ngừa thai, bạn nên thông báo với bác sĩ để xem 2 loại thuốc kết hợp với nhau thì có an toàn không.

Thuốc tiêm ngừa thai là một biện pháp tránh thai rất hiệu quả. Thế nhưng, điều quan trọng là bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định sử dụng phương pháp này. Nếu bạn có ý định mang thai trong tương lai gần, hãy lựa chọn phương pháp ngừa thai khác. Đừng quá lo, bởi ngoài cách ngừa thai này thì bạn vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How To Get Pregnant On The Depo Shot & How Does It Work? http://www.momjunction.com/articles/how-to-get-pregnant-on-the-depo-shot_00386624/  Ngày truy cập 28/10/2017

How Effective Is Depo-Provera for Birth Control? https://www.webmd.com/sex/birth-control/birth-control-depo-provera#1 Ngày truy cập 28/10/2017

Phiên bản hiện tại

03/11/2017

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Bà bầu bị tiêu chảy: Mọi điều cần biết trong từng tam cá nguyệt

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 03/11/2017

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo